Sunday, March 30, 2014

Ngoài cửa McDonald’s

Ngày 29 tháng 12 năm 2012, báo Dân Trí đi tin:

“Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trật Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng ‘Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không’ (12/1972-12/2012), sự kiện lịch sử trọng đại và kỳ tích có một không hai – biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam…

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, chiến thắng ‘Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không’ là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng đó đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo ra cục diện mới để quân và dân ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu ‘đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào’; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.”

Theo cách nói của Phạm Đình Trọng thì đây (chả qua) là một kiểu ăn theo và ăn mày dĩ vãng:
Bộ máy tham nhũng làm cho chính quyền suy yếu, nhân dân oán giận, lòng người li tán.

 Trong tình thế đó, đưa Hồ Chí Minh ra, đưa những năm tháng đánh giặc hào hùng ra, đưa sự hi sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ ra để ru ngủ nhân dân quên đi những nhức nhối hiện tại, để chính quyền tham nhũng núp bóng, ăn theo vinh quang của quá khứ mà tồn tại. Đó là sự ăn mày dĩ vãng!

2014 MAR 14 Mcdonald 300
Nhà văn của chúng ta tuy nói không sai nhưng cũng không hẳn đã hoàn toàn đúng. Giới lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay, đôi lúc, cũng có viễn kiến về tương lai đó chớ. Bằng chứng là vào tháng ngày 8 tháng 2 vừa qua, gần như tất cả báo chí trong nước đều hân hoan thông báo:

Sáng 7/2/2014, McDonald’s đã chính thức cắt băng khánh thành nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam, ở địa chỉ 2 – 6Bis Điện Biên Phủ, quận 1 (ngay khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ – Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Đa Kao). Nhà hàng có 2 tầng, với tổng diện tích hơn 1.300 mét vuông, có sức chứa hơn 350 chỗ ngồi, nằm độc lập trên một khuôn viên rộng gần 3.000 mét vuông.

Cùng lúc, biên tập viên Duc Hanh của AFP cũng có bài viết (“Communist Vietnam gets first taste of the Big Mac”) với đôi câu dẫn nhập – xem chừng – có hơi có đôi chút mỉa mai: 

“Bốn thập niên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, hệ thống thức ăn nhanh khổng lồ McDonald’s của Mỹ đã mở cửa hàng đầu tiên vào hôm thứ Bẩy tại quốc gia cộng sản này, nhằm lôi cuốn lớp trung lưu mới nổi ra khỏi cơm gạo và bún phở.” (Four decades after the Vietnam war ended, US fast-food giant McDonald’s opened its first restaurant in the communist country Saturday, aiming to lure a rising middle class away from rice and noodles).

Riêng Báo Mới (số ra cùng ngày) còn có ghi thêm chi tiết, in bằng chữ đậm, về giá cả:
Giá một chiếc burger cỡ lớn làm nên thương hiệu của McDonald’s có tên là Big Mac sẽ có giá 85.000 đồng. Mức giá này tương đương với gần 4 USD, thấp hơn so với tại Mỹ tuy nhiên lại cao hơn so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Philippines hay Malaysia.” 

Đã lâu, tôi không có dịp trở lại Á Châu nên không biết giá cả và mức sinh hoạt của các nước trong khu vực ra sao, chỉ xin ghi lại đây vài đoạn ngắn trong bài viết (“Nghiệt Ngã Phận Đời Làm Công Nhân Tối Về Bán Dâm”) của nhà báo Khánh Hoà – đọc được trên tờ Dân Việt, hôm 16 tháng 02 năm 2014 – để rộng đường dư luận:
Rời bỏ quê lên thành phố lập nghiệp với mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nghiệt ngã thay, nhiều bạn trẻ đi làm công nhân đã bị vướng cái vòng luẩn quẩn nơi phố phường hoa lệ là thu không đủ chi. Tiền lương công nhân trung bình khoảng trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng dường như là quá ít so với cuộc sống thị thành, nhất là thời gian gần đây, mọi thứ đều tăng giá một cách chóng mặt.

Cũng vì đồng lương eo hẹp mà đa phần công nhân đều phải làm tăng ca, ăn uống dè sẻn, chi tiêu tằn tiện cũng như luôn phải sống trong những căn phòng trọ tồi tàn. Ngoài ra, họ phải gửi con ở những điểm giữ trẻ tự phát với vô vàn những rủi ro, bất hạnh có thể ập xuống bất cứ lúc nào…


Hiện nay, chuyện những người công nhân đi làm phải tăng ca ban đêm đã là rất bình thường, thậm chí nhiều người còn mong mỏi xin được tăng ca, được làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống nhưng vì tình hình kinh tế chung đang trong giai đoạn suy thoái nên nhiều nơi, công ty chỉ hoạt động cầm chừng, có muốn tăng ca cũng không có. 

Thế nên, những công nhân này, ban ngày đi làm, chiều tan ca về thì đàn ông lại xách xe đi chạy xe ôm ở mấy ngã ba, ngã tư hòng kiếm thêm vài chục ngàn đồng. Ngoài ra, nhiều người phải nhận hàng về nhà làm thêm ban đêm hoặc đi bốc vác, phụ bồi bàn ở các quán ăn, quán cà phê ban đêm với mong muốn kiếm thêm chút đỉnh. Riêng với những công nhân nữ, dù biết là tội lỗi, là nhục nhã nhưng nhiều người vì miếng cơm, manh áo vẫn nhắm mắt đưa chân để làm cái việc nhơ nhuốc là đi bán dâm, như một cứu cánh duy nhất trong cơn cùng quẫn…

Theo Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 10 KCN và 3 KCX đang hoạt động với khoảng gần 300.000 lao động, số lượng công nhân đến từ các tỉnh thành khác chiếm đa số. Mức lương trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng; nhưng mức chi tiêu lại khá tốn kém khiến nhiều công nhân rất chật vật với cuộc sống.

Với tiền lương hàng ngày chỉ vừa vặn đủ mua một cái bánh Big Mac thì bán máu, hay bán dâm để kiếm thêm thu nhập là chuyện… chẳng đặng đừng. Điều may mắn, và an ủi – nghĩ cho cùng – là thân xác mình vẫn còn… có giá. Cuộc đời, như thế, mới chỉ “sắp” đến bước đường cùng thôi. Đến tận bước đường cùng, không còn gì để bán được nữa, mới phải đành phải sống nhờ vào lòng từ thiện của kẻ khác – theo như lời kêu gọi (“Thân Nhân Liệt Sĩ Khó Khăn Cần Giúp Đỡ”) đọc được vào ngày 13 tháng 2 năm 2014, cũng trên diễn đàn Dân Việt:

Đó là gia đình bà Hà Thị Thủy, 74 tuổi, trú tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng (An Dương, thành phố Hải Phòng)… Thời kỳ chiến tranh, bà là thanh niên xung phong. Bà gặp và kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Viền là bộ đội. 
Ông Viền hy sinh năm 1968, khi con gái vừa mới sinh. Bản thân bà là người ngoại tỉnh, gia cảnh lại neo đơn không có anh em ruột thịt, bà phải gửi con nhỏ về quê Nam Định cho mẹ già chăm sóc. Bà lăn lộn kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi con gái. 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Hà Thị Thủy hoặc bà Vũ Thị Hải – Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông Thôn Ngày Nay tại Hải Phòng – số 31 Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng, ĐT: 0903212789; hoặc Báo Nông Thôn Ngày Nay – 13 Thụy Khuê, Hà Nội, tài khoản 1506311002117, chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội.

Sự hiện diện của hệ thống McDonald’s – Điện Biên Phủ giữa Sài Gòn, với giá gần 4 Mỹ Kim một cái Big Mac, khiến cho hoàn cảnh của bà Hà Thị Thủy không chỉ thêm rõ nét khốn cùng mà còn pha lẫn thêm ít nhiều cay đắng. Cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước và quyết tâm “đánh cho Mỹ cút” đã lấy đi mạng sống của ông chồng, cùng những năm tháng thanh xuân của bà Thuỷ – rõ ràng – không cần thiết gì cho lắm.

Ngày trước những thiếu nữ Thanh Niên Xung Phong như bà Thuỷ được hệ thống truyền thông của nhà nước CHXHCN Việt Nam ưu ái mệnh danh là “những bông hoa trong tuyến lửa,”những bông hoa nở giữa chiến trường” hay “những cành lan trong rừng cháy.” Giờ đây, cánh hoa tàn trong ngõ hẹp hay quả chanh khô Hà Thị Thuỷ (theo như cách nói của đời thường) chỉ còn là một con số không tròn trĩnh: không không chế độ, nghĩa là không lợi tức, nên phải kêu gọi đến lòng bác ái của tha nhân.

Mai hậu, nếu Đảng CS vẫn tiếp tục cầm quyền, con cháu của bà Thủy (e) cũng khó mà có dịp bước chân vào một tiệm ăn, để thưởng thức một cái Big Mac giá 4 M.K. Số tiền này bằng lương hàng ngày của một công nhân và (dám) tương đương với trợ cấp hàng tháng cho một gia đình có thân nhân là liệt sĩ.

Đã có lúc đảng và Nhà Nước thiết tha kêu gọi toàn dân hy sinh mọi thứ để “chống Mỹ cứu nước” và “đánh cho Mỹ cút” nhưng khi làm hoà (và làm tiền) với kẻ thù thì đây lại là chuyện riêng, chỉ dành cho của một giới người: tầng lớp trung lưu khá giả mới (new rising middle wealthy class) mà phần lớn đều là C.C.C.C (con cháu các cụ) hết.

People at the McDonald’s opening in Ho Chi Minh city on February 8, 2014. Ảnh: AFP

Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa, có lẽ, chỉ mở rộng cửa cho giới người này. Kỳ dư, dân chúng đều phải đứng ngoài. Không chỉ ngoài cửa thiên đường mà còn ngoài cửa cả McDonald’s.

S.T.T.D Tưởng năng Tiến 






No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link