Tuesday, May 20, 2014

Ls Nguyễn Văn Đài [Hà-Nội]: Giải Pháp Duy Nhất Cho Đảng CSVN Để Bảo Vệ Chủ Quyền Quốc Gia

Ls Nguyễn Văn Đài [Hà-Nội]: Giải Pháp Duy Nhất Cho Đảng CSVN Để Bảo Vệ Chủ Quyền Quốc Gia

Tàu hải giám Trung Quốc (màu trắng, phía sau) ngay sát tàu Việt Nam trên Biển Đông hôm 14/5/2014. AFP photo
Phần I: Chiến lược bành trướng của Trung Quốc
Trung Quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự rất hùng hậu. GDP và chi phí quân sự đều đứng thứ hai trên thế giới. Nền kinh tế luôn đòi hỏi nguồn nguyên, nhiên liệu rất lớn cho sự phát triển. Bởi vậy, việc tìm kiếm các nguồn nguyên, nhiên liệu luôn được ưu tiên trong chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Chúng ta hãy cùng suy xét xem quốc gia nào trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là mục tiêu bành trướng đầu tiên của Trung Quốc?

Nhìn lên phía Bắc của Trung Quốc là một nước Nga hùng mạnh về quân sự và rất cứng rắn trong vấn đề chủ quyền quốc gia. Hải quân Nga không nhân nhượng mà đã nổ sung vào tàu cá của TQ khi xâm phạm lãnh hải của họ. TQ còn thua kém Nga rất nhiều về tiềm lực quân sự. Do vậy, TQ không thể bành trướng sang nước Nga.

Nhìn sang phía Đông là Hàn Quốc và Nhật Bản, Đài Loan. Họ đều hùng mạnh về kinh tế, quân sự và là đồng minh của Mỹ. Mỹ có hiệp ước an ninh với Nhật và Hàn, có luật về bảo vệ Đài Loan. TQ không thể bành trướng về phía Đông.

Nhìn sang phía Tây là các nước Trung Á, là vùng đệm chiến lược của Nga. Tiếp đó là Afganistan, quân Mỹ và Nato đang đóng quân ở đó. Tiếp đến Pakistan đang là đồng minh của TQ. Còn Ấn Độ là cường quốc kinh tế, quân sự, là đối thủ ngang sức của TQ. Tiếp theo là Miến Điện, đang là đồng minh, đối tác tốt của TQ. Nhưng tương lai, Miến Điện có thể là đồng minh của Mỹ và phương Tây.

Phía Nam là Philippines và Việt Nam. Philippines có hiệp ước an ninh với Mỹ và là đồng minh lâu năm của Mỹ. TQ không thể tùy tiện mà bành trướng sang Philippines.

Việt Nam có biển Đông với trữ lượng dầu khí, khoáng sản và thủy hải sản dồi dào. Kinh tế kém phát triển và phụ thuộc nhiều vào TQ về nguồn nguyên liệu. Chi phí quốc phòng chỉ bằng 1/30 của TQ. Lực lượng hải quân và không quân chỉ bằng 1/3 hạm đội Nam Hải của TQ.

 Việt Nam không có đồng minh để có thể giúp đỡ quân sự, chuyên gia quân sự, hậu cần, thông tin tình báo,… nếu sảy ra xung đột. Chính quyền và đảng CS cầm quyền thì tham nhũng, nhu nhược và không đoàn kết, đánh mất niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân.

Bởi vậy, Việt Nam là mục tiêu yếu nhất và dễ nhất trong chiến lược bành trướng của TQ. Và thực tiễn đã, đang và sẽ chứng minh điều này.
Chiến lược bành trướng của TQ đối với VN

Hiện tại và tương lai, Trung Quốc không sử dụng quân sự để tấn công đánh chiếm các đảo của VN ở quần đảo Trường Sa trước. Mà TQ đang và sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật lấn chiếm từng bước vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN.

 Họ tiếp tục sử dụng lực lượng quân sự, bán quân sự, dân sự với số lượng áp đảo để tiếp tục duy trì và đặt các dàn khoan mới. Mỗi năm, họ có thể đặt từ 2-3 dàn khoan và từng bước lấn chiếm cho tới khi hết các vùng biển có tiềm năng dầu khí của VN.
Các giải pháp đối phó của VN:

Việt Nam chỉ đưa các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư ra thực thi công vụ, thì chẳng khác gì con muỗi cắn vào mông con voi. Chỉ tự thiệt hại về kinh tế, tài sản, thương vong về người mà trong khi TQ vẫn tiếp tục lấn chiếm.

Việt Nam sử dụng quan hệ ngoại giao để kêu gọi và được cả thế giới ủng hộ, lên tiếng, thì đó cũng chỉ là những phát ngôn, tuyên bố chính trị, ngoại giao. TQ vẫn trơ mặt mà tiếp tục lấn chiếm. Lợi ích quốc gia về kinh tế, chính trị, an ninh của họ vẫn quan trọng hơn. Các nước khác dù ghét TQ nhưng vẫn là đối tác kinh tế của họ.

Việt Nam kiện TQ ra các tòa án quốc tế và thắng kiện. VN cũng không đủ sức mạnh để dùng các phán quyết, bản án đã thắng đó để thi hành án, thực thi phán quyết với TQ. Thắng kiện nhưng không đòi lại được chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Cuối cùng là Việt Nam phải dùng giải pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. VN  không có đồng minh và tiềm lực quân sự lại thua kém TQ. TQ sẽ mượn cớ VN dùng vũ lực giải quyết tranh chấp, TQ sẽ uy hiếp trên đất liền và dùng toàn bộ sức mạnh tiêu diệt lực lượng quân sự của VN trên biển, đánh chiếm toàn bộ quần đảo Trường Sa. 

Lúc đó, người VN muốn rửa chân ở biển cũng phải xin phép TQ. Việt Nam không thể một mình, đơn phương dùng giải pháp quân sự với TQ.

Vậy, giải pháp nào để VN có thể bảo vệ được chủ quyền lãnh hải quốc gia của mình?

Phần II: Giải pháp cho đảng CSVN để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia

Muốn bảo vệ được chủ quyền lãnh hải quốc gia, muốn phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế, quân sự. Việt Nam phải xây dựng được các mối quan hệ đồng minh chiến lược. Từ đó VN có đủ sức mạnh về quân sự cùng với sự giúp đỡ của các đồng minh thì mới có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia.

Lựa chọn quốc gia để xây dựng mối quan hệ đồng minh: Có hai quốc gia mà VN có thể lựa chọn để xây dựng mối quan hệ đồng minh.

Thứ nhất là Nga, nhưng Nga đang sa lầy ở Ukraine, bị Mỹ và các nước phương Tây bao vây, cấm vận. Mâu thuẫn, tranh chấp giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây sẽ còn kéo dài. Bởi vậy, Nga rất cần TQ để buôn bán, làm ăn. Đồng thời, Nga cũng cần TQ trong các liên kết chính trị, kinh tế để đối phó với phương Tây.

 Do vậy, Nga không bao giờ muốn làm phật lòng TQ để xây dựng quan hệ đồng minh với VN chống TQ. Thực tế, từ khi TQ xâm lược VN trên biển Đông, Nga chưa lên tiếng để bênh vực cho VN. Thậm chí, Nga còn mong TQ và VN có mâu thuẫn, chiến tranh với nhau để Nga bán vũ khí và làm TQ suy yếu một phần.

Chắc chắn, Nga sẽ không bao giờ đồng ý xây dựng mối quan hệ đồng minh với VN.

Thứ hai là Mỹ, Mỹ luôn luôn muốn VN đứng về phía Mỹ, cùng chia sẻ mối quan tâm và lợi ích trên biển Đông. Nước Mỹ với tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh của họ, Mỹ hoàn toàn có đủ khả năng không chỉ giúp VN phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Mà còn bán vũ khí, viện trợ vũ khí, cung cấp thông tin tình báo, hỗ trợ hậu cần, huấn luyện,…. Giúp VN có đủ năng lực đối phó với TQ trên biển Đông.

Khi VN đã xây dựng được quan hệ đồng minh với Mỹ, thì VN sẽ dễ dàng trong việc xây dựng  quan hệ đồng minh với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada, các nước phương Tây và Nato. Từ đó VN sẽ nhanh chóng phát triển về kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng đủ sức bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Làm sao để xây dựng mối quan hệ đồng minh với Mỹ?

Trở ngại lớn nhất và duy nhất là vấn đề nhân quyền và dân chủ. Nước Mỹ chỉ có thể xây dựng mối quan hệ đồng minh với một nước VN dân chủ và tôn trọng nhân quyền.

Vậy muốn xây dựng được quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ để có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế đất nước. Đảng CSVN phải thả hết tù chính trị, cải thiện và tôn trọng các quyền con người. Công nhận và cho phép các tổ chức chính trị, đảng phái chính trị thành lập và hoạt động bình đẳng. Sửa đổi Hiến pháp, luật bầu cử và tiến hành bầu cử tự do, công bằng.

Làm được điều này, đảng CSVN không chỉ xây dựng được quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ. Mà còn hòa hợp, hòa giải dân tộc và đoàn kết được tất cả người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước trong việc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

Giải pháp duy nhất mà VN có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia đó là đảng CSVN phải cải thiện và tôn trọng nhân quyền, dân chủ hóa xã hội. Xây dựng các mối quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây.

Ls Nguyễn Văn Đài
Hà Nội, 2014-05-16



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vlog -22/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link