Friday, May 23, 2014

Khi một chế độ độc tài sụp đổ


Lê Mạnh Hùng - Khi một chế độ độc tài sụp đổ

Thứ Năm, ngày 22 tháng 5 năm 2014


Khi những chế độ độc tài như tại Ðông Âu hoặc Việt Nam và Trung Quốc sụp đổ, đôi khi chúng để lại một số những di chỉ không cố ý, giúp người ta hiểu được một số những chi tiết của sự áp bức.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, nhiều người Ðức mới khám phá ra, từ những hồ sơ mà cơ quan mật vụ Stasi để lại, rằng chính những người thân cận nhất với mình như chồng, vợ hoặc con cái lại là những người chỉ điểm báo cáo những hành động của mình cho cơ quan mật vụ. Tại Romania vài tháng sau đó, những người như ông Doru Pavaloiae, một giáo sư kinh tế, lúc đó mới biết rằng một người mà ông coi như là bạn thiết, một ca sĩ nổi tiếng đồng hương lại là một chỉ điểm viên cho cơ quan mật vụ đáng kinh sợ Securitate với bí danh Minstrel.

Những tiết lộ như vậy hầu như không thể nào xảy ra được nếu những chế độ này không bị ám ảnh bởi một nhu cầu cần phải biết tất cả mọi chuyện xảy ra cho chính những công dân của họ. Những thông tin đó được coi là cần thiết để có thể kiểm soát, giống như trong truyện 1984 của George Orwell, nhà nước Anh Cả (Big Brother) cần phải theo dõi mọi công dân 24/7 để bảo đảm rằng họ không thể đến dám nghĩ ra ngoài chính sách.

Thông tin, nói một cách khác là quyền lực. Báo cáo của những chỉ điểm viên cho biết tất cả người ta gặp gỡ ai, nói chuyện với ai, làm tình với ai... kể cả trái tim đập làm sao và đầu óc tưởng tượng thế nào - được coi như là những nền tảng củng cố cho những chế độ vốn tìm cách chi phối toàn diện những nạn nhân không may phải sống trong đó. Nếu cuộc sống riêng tư được coi như là một lá chắn chống lại những sự dòm ngó từ phía ngoài thì việc mất cái riêng tư đó làm mạnh thêm cảm giác bất lực của nạn nhân. Tại văn khố International Tracing Service Archive đặt tại Bad Arolsen Ðức quốc, hồ sơ của chế độ Quốc Xã để lại tại 51 trại tập trung và nhà tù lên đến gần 50 triệu trang ghi tất cả những chi tiết nhỏ nhất của khủng bố nhà nước.

Nhưng đôi khi người ta gặp một câu chuyện tế nhị hơn - không phải thô tục như diệt chủng hoặc là đàn áp một cách thô bạo, mà kín đáo hơn. Nó cho người ta một hy vọng rằng những chế độ độc tài còn lại hiện nay có thể có những người như vậy.

Câu chuyện này do nhà văn người Nam Phi vốn được giải thưởng Nobel về văn chương J.M.Coetzee kể lại tại Pháp trong một buổi nói chuyện với sinh viên tại trường đại học American University tại Paris về kinh nghiệm sống tại Nam Phi của ông dưới thời apartheid.

“Cho đến khi tôi 50 tuổi, những đồng bào Nam Phi của tôi chỉ đọc được sách của tôi sau khi nhũng cuốn này được thông qua một ủy ban kiểm duyệt,” Ông Coetzee kể lại cho các khán giả. Nhưng phải đến năm 2008, một nhà nghiên cứu mới cho tác giả thấy những hồ sơ liên quan đến ba tác phẩm của ông Coetzee xuất bản từ những năm 1970 và 1980.

Trong những năm đó chế độ apartheid chi phối toàn diện vùng đất này chỉ định người ta được sống và làm việc ở đâu, sinh đẻ ở đâu, chôn cất ở đâu, đi lại thế nào, được yêu đương những ai... Một đạo luật gọi là Immorality Act đặt hôn nhân qua giới tuyến màu da như là một tội hình sự. Thế nhưng một hồ sơ, ký hiệu DPIE, P77/7/103 liên quan đến cuốn “In the Heart of the Country” (1977) có vẻ đã tìm ra một cách để qua mặt cái giới hạn giả tạo đó, nói rằng “mặc dầu có mô tả làm tình vượt qua giới tuyến màu da, cuốn sách chỉ được đọc và thưởng thức bởi những nhà trí thức.”

Trong một cuốn sách khác “Waiting for the Barbarians” (1980) một viên kiểm duyệt khác kết luận, mặc dầu có đến 22 trường hợp có thể được coi là không tốt, nhưng nội dung tình dục có thể được coi là “không kích dâm.” Và trong cuốn “Life and Time of Michael K” (1983) một viên kiểm duyệt khác tuy rằng than phiền là “có những đoạn nói xấu nhà nước cũng như là công an và những phương pháp mà họ dùng để thực hiện nhiệm vụ của mình” nhưng rồi cuối cùng cũng quyết định cho phép xuất bản.

Trên một phương diện nào đó, đây là một biểu hiện hiện thực của một tình trạng mô tả trong cuốn phim “The Lives of Others” của Ðức trong đó một viên công an dần dà trở nên đồng tình với nạn nhân bị mình theo dõi.

Những nhà kiểm duyệt Nam Phi là nhũng nhà trí thức, học giả, mà theo ông Coetzee dự đoán, nghe nhạc Mozart và Beethoven trên máy hi-fi của mình khi họ đọc các truyện của Jane Austen và Anthony Trollope ở nhà và tự coi như là họ “làm việc với công tâm.”

Ông Coetzee còn hồi tưởng lại rằng chính một trong những nhà kiểm duyệt đó đã mời ông đi uống trà “và chúng tôi có một cuộc thảo luận dài về văn học.” Ông nói, “Tôi không có chút khái niệm nào rằng chính bà ta lại là một trong những người kiểm duyệt văn của tôi.”

Vào lúc đó ông Coetzee là giáo sư văn chương Anh tại trường đại học Cape Town và theo ông, “Cộng đồng trí thức ở đây không lớn. Sự kiện là thường ngày tôi vẫn đụng độ thường xuyên với những người mà một cách bí mật vẫn làm phán xét xem có cho tôi được xuất bản và đọc ở Nam Phi hay không.”

Nhưng những nhà kiểm duyệt này chỉ là một phần nhỏ của một hệ thống rộng lớn hơn và đáng sợ hơn nhiều, một hệ thống mà mặt kia của nó là đàn áp, bạo động và cả ám sát chống lại những đối thủ của apartheid.

Ðiều khác biệt giữa chế độ apartheid và những chế độ độc tài toàn trị khác là những người lãnh đạo chế độ muốn được coi là một phần cả trên luật pháp và tinh thần của một thế giới phương Tây nhân bản xa vời thay vì là một phần của một lục địa mà họ mô tả như là tàn bạo và dã man.

Thành ra nếu một nhà kiểm duyệt cho rằng một tác phẩm chỉ được đọc bởi những nhà “trí thức” thì người ta giả sử rằng những người như vậy sẽ không tìm cách lật đổ chế độ.

Những nhà kiểm duyệt theo ông Coetzee tự coi họ cũng là những nhà bảo vệ cho cộng đồng trí thức. “Dưới mắt họ họ đứng ở cùng phía với tôi.”

Những nhà kiểm duyệt hiện nay ở Việt Nam có ai nghĩ như vậy hay không?






Hoàng Mai/BVN - Tiếng gọi của non sông: Thoát Hán!

Thứ Năm, ngày 22 tháng 5 năm 2014


1. Cơ hội lịch sử

Sự kiện mà China đưa giàn khoan HD-981 vào sau trong thềm lục địa Viêt Nam, được dư luận cũng như những người bình luận, đều cho rằng, đây là cơ hội để người Việt, mà cụ thể là Bộ Chính trị, Đảng CSVN, có cơ hội thoát khỏi sự kìm hãm của Bắc Kinh, mà ta quen gọi là: thoát Trung, thoát Tàu, hay: thoát Hán.

Rõ ràng, đây cũng là cơ hội để Đảng CSVN phần nào sửa chữa lại lỗi lầm của mình trước lịch sử. Dù muốn hay không, cũng không thoát khỏi sự phán xét sau này.

2. Vài so sánh cần thiết

Dân số Việt Nam hiện nay là 92 triệu (năm 2013), trong đó, miền Nam khoảng 50 triệu. Nghĩa là dân số miền Nam hiện nay bằng dân số Hàn Quốc bây giờ. Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội - GDP của Hàn Quốc năm 2012 là 1,13 nghìn tỷ USD (1); tức là bằng 10 lần cả nước gồm 92 triệu dân Việt Nam làm ra trong một năm. Đáng chú lý là, vào những năm 1960, Hàn Quốc chưa thể sánh với miền Nam nước ta.

Trong bài viết “Mồi lửa và đống củi”, đăng trên Facebook của mình, nhà báo Huy Đức, viết:

“Năm 1974, nếu người Việt chúng ta ở chung một chiến hào, chắc chắn Hoàng Sa không thể rơi vào tay Trung Quốc. Chắc chắn không có sự kiện HD 981. Chắc chắn Trung Quốc không thể khoan vào những nơi người Việt Nam rất dễ bị tổn thương”.

Vài so sánh trên đây, dẫu còn khập khiễng, nhưng cho thấy những sai lầm của tiền nhân trong thế kỷ 20 đã tạo ra và để lại hậu quả đến ngày nay, và có thể đến cả ngàn năm sau; đấy là chưa kể đến có khoảng 5 triệu người chết do cuộc chiến tranh Nam-Bắc, mà miền Bắc là phía chủ động gây chiến, trong đó có khoảng nửa triệu người miền Nam chết trên biển khi vượt biên sau này với những thảm cảnh thương tâm.

3. Bắc Kinh sợ nhất người Việt Nam ở điểm nào?

Một cách ngắn gọn, ta có thể trả lời: Điều mà Bắc Kinh sợ nhất lúc này là một Việt Nam, chuyển sang thể chế Dân chủ đúng nghĩa theo mô hình như nước Mỹ và Tây Âu. Nghĩa là: xây dựng xã hội dân sự, nhà nước Pháp quyền, thực thi kinh tế thị trường đích thực.

Vậy thì, điều gì mà Bắc Kinh không muốn thì Việt Nam phải làm, và nay đang có cơ hội để thực hiện.

Chúng ta dễ nhận ra rằng, nếu Việt Nam đi trước China một bước trong việc chuyển hóa thể chế chính trị, thì chắc chắn sẽ tạo được hiệu ứng lớn từ sự kiện này, qua đó nhân dân China sẽ vùng lên không chỉ phản đối chiến tranh với Việt Nam (nếu có), mà đòi dân chủ, làm cho Bắc Kinh lung lay và có thể sụp đổ ngay từ bên trong.

4. Những tín hiệu đáng mừng

Cùng với sự phẫn nộ của người Việt, không chỉ ở trong nước, mà trên toàn thế giới trong những ngày qua; ta thấy Bộ Chính trị, Đảng CSVN, trong thế yếu toàn diện của mình, bên cạnh sự nhường nhịn như vốn có trước Bắc Kinh như từ trước đến nay, thì cũng đã có những động thái tích cực để Nhân Dân Việt Nam hy vọng. Nổi bật nhất trong số đó là:

- Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Myanmar; và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu mạnh mẽ (2), Thủ tướng tố cáo trực tiếp đối với China, được dư luận trong nước và khu vực đánh giá cao. 

- “Việt Nam đã gửi thông cáo về Biển Đông lên LHQ” (3), theo đó: “Ngày 20/5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và gửi đến Văn phòng LHQ tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva”. Đây là động tác ngăn chặn sự leo thang của China ngoài Biển Đông, và là bước tính cần thiết để đi đến kiện China trong các hồ sơ liên quan.

- Đặc biệt, trong chuyến thăm Philippines ngày 21.5.2014, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino chiều ngày 21.5, tuyên bố chung Việt Nam - Philippines được đưa ra là: 

“Việt Nam và Philippines đã nhất trí cùng tăng cường hợp tác song phương trong an ninh hàng hải để chống lại các hành vi nguy hiểm hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)" (4).

- Riêng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông đã có cơ hội gửi thông điệp đến toàn thế giới, và thông báo đến Nhân Dân Việt Nam, qua email gửi hãng tin Reuters:

“Việt Nam đang xem xét các lựa chọn phòng vệ khác nhau, bao gồm cả hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế", Reuters trích dẫn email trả lời phỏng vấn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi từ Manila vào cuối ngày 21/5”.(5)

Như vậy, qua thông tin này, rất có thể Bộ Chính trị, Đảng CSVN, đã tính đến việc kiện China ra các tòa án quốc tế có liên quan, trong việc họ đã cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974; vụ thảm sát ở quần đảo Trường Sa trong khi họ chiếm trái phép đảo Gạc Ma năm 1988, cũng như hành động giết ngư dân Việt Nam trên Biển Đông trong các năm qua, và sự kiện mới nhất là China đặt giàn khoan HD-981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam trong tháng 5 này.

5. Tạm kết

- Một khi Bắc Kinh đã kéo chiếc mặt nạ ra khỏi khuôn mặt thật của họ, thì Bộ Chính trị, Đảng CSVN, cũng không còn lý do gì để nhân nhượng. 

- Trong mọi thời đại, một chính thể chỉ có thể tồn tại được khi đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân lên trên hết; bằng không sẽ bị nhân dân đào thải. Hơn ai hết, lãnh đạo Việt Nam lúc này càng phải thấy được như vậy. Không có bất kỳ một triều đại nào tránh khỏi sự phán xét của lịch sử. Anh hùng hôm nay, nhưng có thể là tội đồ của lịch sử mai sau, và ngược lại. Điều này có vẻ như đang đúng với lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20.

- Cơ hội để “thoát Hán” trong sự kiện giàn khoan HD-981 thực sự đã mở ra với lãnh đạo Việt Nam hôm nay. Lịch sử Việt Nam thường cho thấy, cứ mỗi lần đặt trong thời khắc hiểm nghèo, người Việt hay có cách thoát hiểm rất ngoạn mục. Hôm nay chúng ta cũng hy vọng như vậy. Sự kiện này sẽ mở ra một tiền đồ tươi sáng cho Dân tộc Việt Nam.

22.5.2014

H.M.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link