Sunday, July 20, 2014

Biết người biết ta (Phần 1): "Tính chất và một mô hình cuộc đấu tranh"

Biết người biết ta (Phần 1): "Tính chất và một mô hình cuộc đấu tranh"









Tóm lượcCuộc đấu tranh giữa phe Dân Chủ và phe Cộng Sản tại Việt Nam được phân tách trên tính chất và các yếu tố quan trọng. Tôi đề nghị một mô hình cho cuộc đấu tranh dùng lý thuyết hệ thống thích ứng phức tạp. Lý thuyết này cho rằng những tương tác hạn hẹp tự nhiên giữa các tác nhân, tuy hỗn độn nhưng cùng hướng vào một lý tưởng chung cho tự do, dân chủ, và nhân quyền sẽ đưa đến, thật bất ngờ, sự nổi lên một cơ cấu quy củ có sức mạnh hơn cả mọi sức mạnh của các tác nhân hợp lại. Kết luận của sự phân tích này là phe Dân Chủ cuối cùng sẽ thắng chắc chắn nếu phe Cộng Sản vẫn cứ duy trì lý tưởng và mục tiêu hiện tại của họ.

***

Trong bất kỳ một cuộc đấu tranh nào có các phe đối nghịch, có một nguyên tắc căn bản: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng." Nguyên tắc rất đơn giản, nhưng cũng khó thực hành vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất, không phải ai cũng biết rõ các điểm mạnh và điểm yếu của mình, đừng nói của đối phương. Thứ nhì, ngay cả khi một phe có kiến thức này, chưa chắc phe đó có khả năng dùng nó một cách chiến lược để giành lợi thế trong cuộc đấu tranh. 

Trong hai phe đối nghịch tại Việt Nam, phe Cộng Sản (CS) là phe nắm quyền và gồm có Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), chính quyền cộng sản, và những người phục vụ ĐCSVN. Phe Dân Chủ (DC) không nắm quyền nhưng gồm tất cả những người, cư trú tại Việt Nam và hải ngoại, đấu tranh cho nhân quyền, tự do, và dân chủ cho Việt Nam. Có những phe khác tại Việt Nam và hải ngoại, như phe Chống Cộng, phe Hòa Giải Hòa Hợp, các đảng phái chính trị, và một số phe gọi là ngụy tạo. Phe DC và phe Chống Cộng có vài điểm khác nhau về cái nhìn của họ về phe CS, nhưng thực ra rất giống nhau trong giai đoạn đấu tranh hiện tại. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài này, tôi coi phe DC và phe Chống Cộng có cùng các niềm tin và mục đích đối nghịch trực tiếp với các niềm tin và mục đích của phe CS.

I - Tính chất cuộc đấu tranh

Trong bất kỳ một cuộc đấu tranh nào, rất quan trọng cho mọi phe dính líu hiểu tính chất của cuộc đấu tranh. Nếu không, những người tham dự có thể không định nghĩa cái lý tưởng và mục tiêu của mình chính xác và do đó theo đuổi những chiến lược sai lầm hoặc không hữu hiệu. Trong cuộc đấu tranh giữa hai phe CS và DC tại Việt Nam, vấn đề này rất then chốt vì cái thảm trạng mà Việt Nam đang đối diện là kết quả của việc nhiều người chiến đấu hiểu sai tính chất của những sự kiện xảy ra trong gần một trăm năm qua.

Cuộc đấu tranh giữa hai phe DC và CS thường được định nghĩa theo quan điểm của mỗi phe như sau: 

Quan điểm phe DC về cuộc mâu thuẫn là chuyện dân đứng lên chống lại chính quyền của phe CS là một cuộc cách mạng, hoặc là một sự bất tuân dân sự (civil disobedience). 

Quan điểm phe CS là chính quyền đàn áp phe DC để đem lại trật tự cho xã hội vì phe DC vi phạm luật.

Cả hai quan điểm đều sai lầm hoặc chỉ có ý nghĩa trong một phạm vi rất hạn hẹp. Hãy xem xét các khía cạnh liên hệ đến hai quan điểm này chi tiết hơn, bắt đầu với phe CS.

Phe CS đem lý thuyết ngoại bang đô hộ dân Việt và họ không đại diện dân Việt:

Thứ nhất, chế độ cộng sản tại Việt Nam từ năm 1945 tại miền Bắc và 1975 tại miền Nam là một chế độ có nguồn gốc ngoại bang, chẳng có dính dáng gì đến lối sống của người Việt. Chủ nghĩa Marxist và Leninist là chủ nghĩa phát huy từ Đức và Nga, cổ võ cho cuộc nổi dậy của giai cấp vô sản hoặc công nhân (proletariat) chống lại giai cấp tư sản hoặc tư bản (bourgeoise). Đó là cuộc đấu tranh giai cấp. Cho dù Lenin có cố đưa chống thực dân vào để kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia đang sống dưới ách thực dân, chủ nghĩa này cũng không đi xa với cái tính chất cách mạng giai cấp đó. Vào đầu thế kỷ thứ 20, Việt Nam ở dưới ách đô hộ của Pháp. 

Cuộc đấu tranh của người Việt lúc ấy không phải là cuộc đấu tranh giai cấp mà là cuộc đấu tranh chống lại thực dân. Đem lý thuyết đấu tranh giai cấp vào cuộc đấu tranh chống thực dân là hoàn toàn méo mó. Thực ra cuộc đấu tranh chống thực dân không cần lý thuyết gì cả. Các lãnh tụ Việt Nam Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực đã thực hiện chuyện chống Pháp mà không cần phải dùng đến một lý thuyết ngoại bang nào cả. Làm sao mà lòng yêu nước chống thực dân phải dựa vào chủ nghĩa cộng sản làm đồng minh là một điều phi lý không thể tưởng tượng được. Dân Việt đã chống đô hộ hoặc xâm chiếm ngoại bang cả mấy ngàn năm, đánh Tàu Hán, Mông Cổ, và Mãn Thanh. 

Phe CS tiếp tục theo chủ nghĩa Marx-Lenin sau chiến tranh và cố sửa đổi cái chủ nghĩa này cho thích hợp với tình trạng ở Việt Nam. Nhưng cho đến nay, sự suy thoái dai dẳng của Việt Nam trên mọi phương diện so với tiềm năng quốc gia, dù có một khối lao động trẻ và sống động lớn lao so với các quốc gia có tình trạng tương tự, cho thấy chủ nghĩa Marx-Lenin, cho dù sửa chữa cách mấy, không thể nào làm tiến triển Việt Nam.

Thứ nhì, về phương diện tính chất thực thể, phe CS cướp quyền năm 1945 tại miền Bắc và năm 1975 tại miền Nam. Phe CS không do dân bầu; vì vậy, phe CS chưa từng bao giờ là thực thể chính quyền chính đáng. Phe CS cướp quyền bằng thủ đoạn chính trị và bạo lực vào tháng 9 năm 1945 ở miền Bắc dựa vào khoảng trống chính trị bất ngờ tại Đông Dương ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh (Buttinger 1967, 296-297; Dân 2012) và lợi dụng danh nghĩa có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ (Xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2014a, 347-348; Cao-Đắc 2014b; Chen 1969, 108; Lacouture 1968, 269). Vào tháng 4 năm 1975, phe CS vi phạm Hiệp Ước Paris 1973 và chiếm đoạt miền Nam dựa vào sự rút quân toàn diện của Hoa Kỳ; sự thiếu thốn đạn dược, vật liệu, dụng cụ của quân đội miền Nam; và hỗ trợ quân sự gia tăng của Liên Xô và Trung cộng (Tàu cộng). 

Bằng cớ chủ nghĩa CS không bao giờ được dân Việt Nam lựa chọn được cho thấy trong cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên xảy ra ngày 6 tháng 1, 1946. Trong miền Nam, 90% cử tri đi bầu, nhưng cuộc bầu cử chỉ được tổ chức tại vùng Việt Minh kiểm soát (Duiker 2000, 353). Đa số dân đi bầu không biết ai trong số ứng cử viên mà bầu và họ chỉ nhờ nhân viên làm việc cho cuộc bầu cử viết trên phiếu bầu tên các ứng cử viên được lựa chọn dùm họ (Nguyễn 2012, 45). 

Ngoài ra, cuộc bầu cử đã được dàn xếp sẵn giữa phe CS và phe Quốc Gia. Trong 300 tổng số ghế của Quốc Hội, 70 ghế được bảo đảm cho phe Quốc Gia, bất chấp kết quả của cuộc bỏ phiếu (Duiker 2000, 352). Với một sự thỏa thuận chắc chắn như vậy, cộng thêm việc miền Nam chỉ có bầu cử ở vùng phe CS kiểm soát, làm sao mà cuộc bầu cử đó được coi là dân chủ tự do và công khai? Sau khi phe CS nắm chính quyền với chế độ độc đảng, cho tới ngày nay, không thể nào mà có được một cuộc bầu cử tự do dân chủ.

Cướp quyền lực bằng bạo lực, tự nó, không có gì sai nếu: (1) bạo lực là cách duy nhất để cướp quyền lực, (2) quyền lực bị cướp thuộc về một chính quyền bất hợp pháp, ác độc, hoặc bất tài, và (3) sau khi cướp quyền, người cướp quyền trả lại quyền lực cho dân. Phe CS vi phạm cả ba điều kiện đó; vì vậy họ chỉ là những kẻ nắm quyền phi pháp và cướp bóc cơ hội. Bản chất cướp bóc đó không những có từ lúc phe CS được thành lập, mà còn tiếp tục cho tới tận bây giờ và sẽ tiếp tục trong tương lai. Không những thế, phe CS còn phá hoại kinh tế quốc gia, dung dưỡng tham nhũng lan tràn khắp chính quyền, và toa rập với Tàu cộng để bán lại cho lợi lộc cá nhân những gì họ cướp từ dân cho Tàu cộng, kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam.

Cuộc đấu tranh của phe DC không phải là một cuộc cách mạng:

Vì hai lý do trên, cuộc đấu tranh của phe DC không phải là một cuộc cách mạng. Gọi nó là một cuộc cách mạng là chấp nhận sự hợp pháp của phe CS. Phe CS chỉ làm như là kẻ ngoại bang đô hộ Việt Nam và cướp đi những gì thuộc về dân Việt. Chống lại kẻ cướp phản quốc như vậy không tài nào gọi là cách mạng. Đấu tranh để lấy lại những gì thuộc về dân không thể gọi là cách mạng. Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lê Lợi không làm cách mạng. Họ nổi dậy để đánh đuổi lũ đô hộ ngoại bang. 

Cách mạng là gì? (Trong bài này, tôi chỉ dùng "cách mạng" trong nội dung hạn hẹp của cách mạng đối với chính quyền.) Thực ra rất khó mà có một định nghĩa cho "cách mạng" ngay cả khi nói về chính trị. Ngoài ra, có rất nhiều từ có nghĩa gần giống như cách mạng, và thường tạo ra lẫn lộn. Đó là: nổi loạn (rebellion), nổi dậy (revolt, uprising), đảo chánh (coup d'etat), cướp quyền (usurpation), khởi nghĩa (insurrection, uprising), kháng chiến (resistance). Tocqueville coi cách mạng là cuộc lật đổ một nhóm cao cấp được thành lập hợp pháp, khởi đầu cho một khoảng thời gian thay đổi mãnh liệt xã hội, chính trị, và kinh tế (Tanter and Midlarsky 1967, 265). Arendt coi cách mạnh như cuộc phục hồi tự do và đặc quyền bị mất vì chính quyền tạm thời sa vào chế độ chuyên chế (sđd., 264). Những người Marxist coi cách mạng là sản phẩm của các lực lịch sử không cưỡng lại, và dẫn đến cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và vô sản (sđd.). Quan điểm của Tocqueville và Arendt có vẻ là gần nhất với cuộc đấu tranh hiện tại ở Việt Nam, vì cả hai đều chú trọng vào sự thay đổi rộng lớn về xã hội và chính trị. 

Để ý kỹ hơn, trong định nghĩa cách mạng của họ, Tocqueville và Arendt đều xác nhận sự hiện hữu của một chính quyền hợp pháp mà cuộc cách mạng đang muốn lật đổ. Hợp pháp đây hàm ý là dân đã chấp nhận chính quyền này trong một thời gian lâu dài với kiến thức đầy đủ về chính quyền đó được tạo ra như thế nào, và rất có thể đã ủng hộ chính quyền này trước khi chính quyền "sa vào chế độ chuyên chế" khiến cho dân phải muốn lật đổ nó. Do đó, cách mạng lật đổ chính quyền cai trị luôn luôn hàm ý chính quyền cai trị đó được thành lập một cách hợp pháp và được dân chấp nhận lúc thành lập. Cách mạng Hoa Kỳ năm 1765 – 1783 và cách mạng Pháp năm 1789 – 1799 là những thí dụ điển hình.

Để lập lại, phe CS không phải là một chính quyền hợp pháp. Phe CS rất giống quân ngoại bang xâm chiếm và cai trị Việt Nam. Cũng nên ghi chú là phe CS đã lạm dụng các danh xưng cách mạng và kháng chiến để gọi sự cướp quyền hay khủng bố của họ. Vấn đề này quá rõ nên không cần phải bàn luận thêm. Phe cộng sản chỉ khác với quân ngoại bang xâm lăng ở chỗ là họ dùng lại dân Việt để cai trị dân Việt. 

Vì phe CS không phải là một chính quyền hợp pháp, cuộc đấu tranh chống lại phe CS không phải là cách mạng, dù các mục tiêu của cuộc đấu tranh này – thay đổi toàn diện về xã hội, chính trị, và kinh tế – giống như các mục tiêu của các cuộc cách mạng khác. Sự phân biệt có thể chỉ có giá trị lý thuyết vì nhiều người không cần biết chính quyền đang cai trị là ai, miễn là có sự thay đổi toàn diện hoặc lớn lao. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh hiện tại ở Việt Nam, sự phân biệt này rất quan trọng vì nó liên hệ đến các yếu tố của cuộc đấu tranh, nhất là bản chất chính nghĩa của phe DC và bản chất phi nghĩa của phe CS.

Cuộc đấu tranh của phe DC không phải là bất tuân dân sự:

Bất tuân dân sự được định nghĩa là "một sự vi phạm có ý thức một luật lệ công chúng (coi là có hiệu lực bởi các cơ quan chức trách địa phương nhưng có thể cuối cùng bị vô hiệu hóa bởi tòa án) dưới dạng chống đối; nó không phải là cách mạng, công cộng, và không bạo động (nghĩa là không dùng bạo lực vật chất ngoại trừ tự vệ khi những người tham gia bị tấn công thân thể, và không chống lại bắt giữ nếu sự bắt giữ được thực hiện chính đáng và không có lực thái quá.)" (Zashin 1972, 118). 

Điểm quan trọng của bất tuân dân sự là cái khả dĩ/ khả thi tòa án sẽ vô hiệu hóa cái luật lệ công chúng. Trên thực tế, tòa án tại Việt Nam hiện tại là công cụ của phe CS. Do đó, cái xác suất mà tòa án sẽ vô hiệu hóa cái luật lệ công chúng là con số không. Nếu không có hy vọng là tòa sẽ vô hiệu hóa luật mà phe DC bị coi là vi phạm, thì không thể gọi cuộc đấu tranh đó là bất tuân dân sự. Ngoài ra, bất tuân dân sự thường xảy ra trong một thể chế dân chủ. Vì dân chủ không hiện hữu tại Việt Nam – đó chính là cái mà phe DC đang đấu tranh – cuộc đấu tranh của phe DC không thể coi là bất tuân dân sự. 

Phe DC không vi phạm luật lệ:

Phe DC không phá rối trật tự xã hội và không vi phạm luật đặt ra bởi phe CS. Các hình thức đấu tranh của phe DC cho tới nay đa số là biểu tình ôn hòa, viết blogs, hội họp ôn hòa, liên lạc các tổ chức quốc tế và các nước ngoài để gây áp lực chính trị và kinh tế với phe CS. Các hình thức này không hề xáo trộn trật tự xã hội, và không vi phạm các điều luật như điều 79, 88, và 258 của phe CS. 

Cuộc đấu tranh của phe DC là một cuộc nổi dậy lấy lại đất nước Việt Nam đã bị phe CS chiếm đoạt:

Nếu cuộc đấu tranh của phe DC không phải là cách mạng hoặc bất tuân dân sự, thì là gì? Theo tôi nghĩ, cuộc đấu tranh dân chủ là một cuộc nổi dậy (uprising) để lấy lại đất nước Việt Nam đã bị phe CS chiếm đoạt, năm 1945 tại miền Bắc và năm 1975 tại miền Nam. Cuộc nổi dậy nhắm vào phục hồi lại chính nghĩa đã bị phe CS chà đạp. Một cách gọi khác của cuộc nổi dậy dựa vào mục tiêu là phục nghĩa. ("Khởi nghĩa" có ý nghĩa khác hơn là phục hồi lại chính nghĩa.) 

Tuy nhiên danh từ "phục nghĩa" chưa từng bao giờ được dùng, tôi không dám đặt ra danh xưng mới. Danh xưng "phục quốc" có thể chính xác hơn. Vấn đề của danh xưng này là vì phe CS nắm quyền quá lâu, nhiều người không có khái niệm đất nước họ như thế nào trước khi bị phe CS chiếm đóng.

Tính chất của cuộc đấu tranh hiện nay tại Việt Nam do đó phải được định nghĩa thích đáng như sau. 

Dưới quan điểm phe DC: Toàn dân nổi dậy để chống lại kẻ cướp chính quyền, lật đổ chủ nghĩa ngoại bang, và đòi lại những gì đã bị phe CS cướp mất, it nhất là cái cơ hội được sống trong, hoặc cải thiện, một quốc gia tôn trọng tự do, dân chủ, và nhân quyền.

Dưới quan điểm phe CS: Chính quyền bảo vệ phe CS để giữ lại cho phe CS những gì đã cướp đi của dân Việt Nam và duy trì sự sống còn của phe CS.

Có thể hiểu là phe CS không dại gì mà công nhận vai trò hiểm độc của họ trong cuộc đấu tranh. Thay vì vậy, họ sẽ dùng những lời lẽ vô tội để bào chữa lối thực hành của họ, chẳng hạn như duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ ổn định xã hội. Nhưng trên thực tế, phe CS chỉ hành động theo quyền lợi và sự sống còn của họ. Các lãnh tụ phe CS dùng lời lẽ này không những trong Việt Nam mà cả bên ngoài, khăng khăng là họ muốn bảo vệ an ninh quốc gia.

Phe CS có thể công khai cãi lại là họ không thể lấy những gì mà Việt Nam không có. Phe CS có thể lý luận rằng tại miền Nam tự do dân chủ nhân quyền không hiện hữu năm 1975, và lại càng không có năm 1945 vì lúc ấy Việt Nam không là một quốc gia độc lập. Lối tranh cãi này sai vì nhiều lý do. Thứ nhất, tự do dân chủ và nhân quyền thực sự hiện hữu trong miền Nam vào những năm trước ngày 30 tháng 4, 1975. 

Có thể những quyền này không được bảo vệ mạnh mẽ dưới tiêu chuẩn quốc tế hiện tại, nhưng hẳn nhiên là tương đương với các quốc gia tự do lúc bấy giờ. Thứ nhì, Việt Nam thực sự đã có độc lập trước ngày 2 tháng 9 năm 1945 khi Nhật công nhận độc lập cho Việt Nam (Xem, thí dụ như, Dân 2012). Thứ ba, cái bị cướp đi không nhất thiết là cái hiện hữu thực sự của tự do dân chủ, mà chỉ là cái cơ hội để có được những quyền lợi này. Khi một kẻ bắt cóc một đứa bé và bắt nó làm nô lệ cho hắn và không cho đứa bé ăn học, kẻ đó đã cướp đi cái cơ hội mà đứa bé sẽ trở thành một người tốt nghiệp đại học, có bằng cấp, như mọi đứa bé không bị bắt cóc. 

Cho dù Việt Nam không có tự do dân chủ nhân quyền lúc phe CS cướp chính quyền, cái cơ hội dân Việt Nam dần dà có những quyền lợi này đưới chính quyền không bị cướp bởi phe CS rất là cao. Hẳn nhiên là vậy, vì tất cả các quốc gia cùng số phận như Víệt Nam lúc ấy đều được hưởng tất cả các quyền lợi này hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều người, xưng là đấu tranh cho dân chủ, không chấp nhận cái mô tả tính chất này. Họ cho rằng cái họ đấu tranh không phải là cái mà phe CS cướp đi, mà là cái mà phe CS không đạt được theo sứ mạng đã được dân giao phó. Họ có thể miễn cưỡng đồng ý rằng tự do độc lập, hoặc cái cơ hội để có tự do độc lập, quả thật đã có tại Việt Nam, nhưng chưa được cải thiện, và phe CS được dân trao trách nhiệm cải thiện tình trạng. Nhưng, theo những người này, phe CS không những đã không cải thiện tình trạng hoặc làm tròn nhiệm vụ dựa vào nền tảng được thiết lập bởi các công thần cách mạng, mà lại còn làm thoái hóa cái tiến trình này. 

Lập luận này hoàn toàn sai lầm. Như đã trình bày ở trên, mang một chủ nghĩa ngoại bang để hô hào lòng yêu nước chống thực dân là một hành động lừa đảo. Những ai tin vào lời kêu gọi này để tham gia cái gọi là cách mạng của phe CS, tuy tránh được cái tội là kẻ chủ trương lừa đảo nhưng không thể tránh được cái tội tiếp tục đi theo kẻ lừa đảo khi mà bộ mặt thật của phe CS đã rơi xuống trong cuộc tàn sát phe quốc gia vào năm 1946, sự đồng lõa của phe CS với Pháp để giết hại phe quốc gia, cuộc tàn sát kinh hồn của Cải Cách Ruộng Đất năm 1953-1956, cuộc thanh trừng tàn nhẫn phong trào Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956, cuộc hành quyết 65.000 người (Sorley 1999, 383) và giam cầm hàng trăm ngàn người thuộc chính thể VNCH sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. 

Những người ủng hộ sự lừa đảo trên thường là những người trước đó đã tham gia phe CS nhưng sau này thức tỉnh và chuyển sang chống lại phe CS. Đa số họ là đảng viên của ĐCSVN và thường là từ bỏ đảng. Việc họ là cựu, hoặc đang là, đảng viên ĐCSVN không quan trọng. Cái quan trọng là sự sai lầm trong cái lý luận bào chữa cho những kẻ khởi đầu cuộc cướp chính quyền, thí dụ như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, thực trạng hiện tại không thể quan trọng hơn quá khứ vì những gì xảy ra bây giờ bắt nguồn từ những biến cố trong lịch sử. Lật đổ chế độ hiện tại mà vẫn còn tin vào cái gọi là cách mạng trong quá khứ là chưa hiểu rõ cái tính chất căn bản của chế độ hiện tại. Nếu không vạch rõ những sai lầm của cái nguồn gốc thì những sai lầm đó có thể lập lại, ngay cả khi chế độ hiện tại xụp đổ.

Rất quan trọng mà tính chất của cuộc đấu tranh được vạch ra một cách chính xác như trên để hiểu rõ các yếu tố của cuộc đấu tranh giữa hai phe. Phe CS đã, đang, và sẽ tiếp tục tìm mọi cách để che giấu cái thực chất của cuộc đấu tranh này bằng các tuyên truyền về cuộc kháng chiến của dân chống Pháp, chống Mỹ, và diệt ngụy. Nhưng lịch sử đã cho thấy sự thật về những việc làm của phe CS trong việc cướp chính quyền để phục vụ quyền lợi của chính họ và Liên Xô (lúc ấy) và Tàu cộng. Phe DC cần phải nắm vững sự hiểu biết về cái tính chất của cuộc đấu tranh để họ có thể mô tả chính xác các yếu tố của nó và thúc đẩy lý tưởng và mục tiêu của họ một cách thích hợp.

II - Một mô hình cho phong trào dân chủ tại Việt Nam

Một ngành đang phát triển hiện nay là lý thuyết về hệ thống thích ứng phức tạp (complex adaptive systems, CAS) áp dụng vào các vấn đề của cuộc sống xã hội. CAS, khởi đầu là một ngành từ Thông Minh Nhân Tạo (Artificial Intelligence) trong khoa học điện toán và đã lan rộng sang các ngành có dính líu tới "các tiến trình năng động và những kiểu mẫu rộng lớn nổi lên từ các tương tác tập hợp của các phần tử cá nhân của hệ thống" (Eidelson 1997).

 Hệ thống thích ứng phức tạp đã được áp dụng trong chính trị thế giới (Harrison 2006), truyền thông xã hội, và các hiện tượng xã hội khác. Hệ thống thích ứng phức tạp thường được dùng để nghiên cứu hoặc tạo mô hình cho các biến cố quá khứ hay hiện tại. Trong bài này, tôi đề nghị hệ thống thích ứng phức tạp là một khuôn khổ mà phe DC nên dùng để đạt thành công.

Nguyên lý căn bản của hệ thống thích ứng phức tạp là như sau: Sự nổi lên là một hiện tượng theo đó hành vi toàn bộ rất quy củ trổi lên từ các hành vi cá biệt riêng rẽ qua những tác nhân tương tác hạn hẹp hay địa phương với nhau (Miller and Page 2007, 46). Tác nhân (agent) trong bối cảnh này có thể là một thực thể cụ thể (thí dụ, đoàn thể, nhóm) hay trừu tượng (thí dụ, khái niệm, hành vi) (Harrison 2006, 27). Tương tác đây là những hành động tạo nên phản ứng giữa các tác nhân (thí dụ, đánh đập, xâm phạm lãnh hải, chống đối, nịnh bợ).

Nói một cách đơn giản, khi một nhóm tác nhân, hỗn độn có những hành động khác nhau, tương tác với nhau trong một thời gian thì chúng sẽ tạo nên một lực bao trùm có quy củ. Lý thuyết này thực ra được đề nghị năm 1776 bởi Adam Smith trong bài viết Sự Thịnh Vượng của Các Quốc Gia (The Wealth of Nations) (Joyce 2001). Smith tạo ra lý thuyết là có một "bàn tay vô hình" (invisible hand) dẫn dắt các nhóm tác nhân vị kỷ thành những cơ cấu thành lập tốt đẹp mà không dính líu gì đến ý định của bất cứ tác nhân riêng biệt nào (Miller and Page 2007, 4). Không phải các tác nhân hoặc phe nào cũng hoạt động được như vậy. Phải có một điều kiện căn bản nào đó hoặc các thông số chung cho các tác nhân mới có thể biến những hành vi tương tác hạn hẹp thành một lực thống nhất to lớn. 

Hình 1 diễn giảng cơ cấu của hệ thống thích ứng phức tạp này. Để đơn giản hóa, các tác nhân được coi là các phần tử cụ thể̀ như tổ chức xã hội dân sự, giới trí thức, công nhân, các tổ chức phi chính phủ (non-government organization - NGO), chính quyền CS, công an, và các cá nhân. Có ba phe chính yếu: Phe CS, Phe DC, cùng với các phe hoặc lực khác đề cập ở phần đầu của bài này (thí dụ như phe hòa giải hòa hợp, các phe ngụy tạo, Tàu cộng, các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế). 

Các tương tác hạn hẹp được coi như là những tác động hoăc phần tử tinh thần, có tác dụng trên các tác nhân. Các tương tác hạn hẹp hiện hữu giữa bất kỳ các tác nhân nào cùng phe hoặc khác phe. Sự tương tác hạn hẹp của các tác nhân dần dần đưa đến một sự nổi lên (emergence) có sức mạnh rộng lớn và có quy củ trật tự.


Áp dụng lý thuyết này cho cuộc đấu tranh của phe DC cho thấy triển vọng là một sự nổi lên tốt đẹp sẽ xảy ra chỉ qua những tương tác hạn hẹp tự nhiên giữa những nhóm trong phe DC và phe CS. Cái nổi lên đó là gì? Không ai có thể tiên đoán được. Có thể nó là một thực thể cụ thể, thí dụ như một tổ chức, một ủy ban tạm thời thiết kế cho một định chế dài hạn, hoặc ngay cả một chính quyền đầy đủ mới. 

Có thể nó là một khái niệm trừu tượng, thí dụ như hành vi chân chính, một lòng can đảm, một chí khí bất khuất. Có thể nó là cả một thực thể cụ thể và một khái niệm trừu tượng, đồng hiện hữu và hòa nhập vào nhau. Bất cứ nó là gì, nó chắc chắn sẽ hơn cả tổng cộng các tác nhân riêng biệt và nó sẽ tồn tại lâu dài và trở nên ngày càng hùng mạnh.

Câu hỏi là liệu những nhóm này có điều kiện để tạo ra sự nổi lên đó không? Theo tôi nghĩ, cái điều kiện đó, hoặc cái thông số chung, là ý chí chung hướng về cùng một lý tưởng. Cái điều kiện đó quả thực hiện hữu trong các nhóm của phe DC. Chính cái ý chí chung đó là "bàn tay vô hình" sẽ đem các nhóm DC hoặc chống cộng với nhau một cách tự nhiên. 

Tôi còn cho rằng nếu nới rộng cái hệ thống này để gồm cả phe CS và các phe hoặc lực khác như trong Hình 1, sự nổi lên của cái cơ cấu tốt đẹp đó lại còn xảy ra nhanh hơn và vững vàng hơn. Đó là vì những tương tác hạn hẹp giữa các nhóm cần phải có những lực đối chọi nhau để tạo ra cái động lượng mạnh dần hơn để biến đổi chúng lại thành sức mạnh toàn bộ sau cùng.

Mọi tác nhân trong hệ thống phải có chung một thông số là một lý tưởng nào đó. Cái lý tưởng chung đó là gì? Đó là tự do, dân chủ, và quyền con người. Phe DC đương nhiên là theo đuổi cái lý tưởng đó. Còn phe CS thì sao? Trên thực tế, phe CS cũng muốn có tự do, dân chủ, và quyền con người. Thực ra, phe CS còn muốn những cái đó hơn ai hết thẩy, nhiều khi lại còn nhiều quá đáng. Nhưng cái oái oăm là họ muốn những cái đó chỉ cho chính họ mà thôi, và họ không muốn dân có những cái đó. Bằng cớ là họ được đi lại tự do, phát biểu ý tưởng tự do, bầu cử trong Bộ Chính Trị, tổ chức biểu tình quốc doanh. 

Nhưng có một sự khác biệt quan trọng giữa phe DC và CS về lý tưởng này. Phe DC muốn có tự do, dân chủ, và nhân quyền cho tất cả mọi người, kể cả phe CS, và sự phân phối các quyền này bảo đảm một tiêu chuẩn bình đẳng rằng ai cũng có quyền giống hệt như ai, từ người dân lam lũ cho tới bậc lãnh tụ tối cao. 

Hiện nay, phe CS chỉ muốn khư khư giữ những cái đó cho họ, bảo đảm phân phối các quyền này cho hệ thống cấp bậc có ưu quyền – càng lên cao càng có nhiều quyền lợi. Do cái khác biệt căn bản đó giữa phe DC và phe CS về cùng một lý tưởng, những tương tác hạp hẹp sẽ tự nhiên xảy ra, và sẽ tạo ra những biến chuyển thích ứng với tiến trình của các tương tác này, và cộng với các tương tác khác, sẽ dẫn đến một sự nổi lên bất ngờ cuối cùng.

Sẽ có nhiều người nghi ngờ về sự thành công của hệ thống thích ứng phức tạp. Họ sẽ đặt ra câu hỏi, "Làm sao mà một hệ thống có đủ loại phe phái khác biệt lại có thể đưa đến một cơ cấu mạnh mẽ và có trật tự khi mà mạnh ai nấy làm, không theo một đường hướng quy củ gì cả?" 

Cái nghi ngờ đó có giá trị. Đúng, không có gì chắc là hệ thống thích ứng phức tạp sẽ thành công; và cho dù nó thành công, không có gì chắc là nó sẽ thành công trong một giai đoạn ngắn. Tuy nhiên, cho dù không có học thuyết này, ai cũng có thể thấy là mọi chuyện xảy ra thường có nguyên do và có ảnh hưởng lẫn nhau. Lịch sử đầy rẫy những chuyện như vậy. 

Thí dụ như cuộc tấn công của Nhật trên Trân Châu Cảng lôi kéo Hoa Kỳ vào Thế chiến thứ hai, cuối cùng dẫn đến Nhật đầu hàng phe Đồng Minh và chấm dứt chiến tranh. Lý thuyết hệ thống thích ứng phức tạp thực ra cũng chẳng có gì mới lạ, nhưng nó giúp ta một mô hình để theo đuổi, một khí cụ để nghiên cứu và, quan trọng hơn cho một số người, một niềm tin mạnh mẽ cho thành công. Với người có khuynh hướng tôn giáo, "bàn tay vô hình" của Adam Smith có thể coi là sự can thiệp thần thánh nào đó, hoặc sự can thiệp của Trờỉ.

Ngoài ra, không phải là "mạnh ai nấy làm" một cách độc lập, vì có sự tương tác hạn hẹp tự nhiên. Các tác nhân có ảnh hưởng lẫn nhau, và thường là chuyện này dẫn đến chuyện kia chứ không phải là nhiều chuyện xảy ra cùng lúc. Trong tiến trình "chuyện này dẫn đến chuyện kia" sẽ có học hỏi, gạn lọc, và lựa chọn. Chuyện nào hay thì sẽ được lập lại hoặc sửa đổi cho hay hơn. Chuyện nào dở thì sẽ bị loại bỏ. 

Sự thành công của hệ thống thích ứng phức tạp tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trong phạm vi hạn hẹp của bài này, tôi chỉ có thể nêu ra những yếu tố chính: phẩm chất và số lượng của các tác nhân, tính chất của các tương tác hạn hẹp, và quan trọ̣ng nhất, sức mạnh của cái thông số chung. Trong cuộc đấu tranh của phe DC, các thành phần phe DC phải có khả năng tạo ra các tương tác hạn hẹp và phải biểu lộ khả năng họ một cách thích đáng và cụ thể. Cái khả năng đó không cần phải là cái gì khó khăn hay cao xa, mà chỉ là những gì liên hệ đến lý tưởng và mục tiêu đấu tranh. Nếu bạn là dân oan, bạn phải biết kêu oan. 

Bạn không thể chỉ ngồi nhà than vãn. Nếu bạn là còm sĩ, bạn phải viết những lời bình luận đứng đắn. Bạn không thể quẳng ra những câu chửi rủa cho sướng miệng hoặc sướng tay. Chửi rủa, thực ra cũng là một hình thức đấu tranh, nhưng phải biết cách chửi rủa. Mọi tác nhân phải kiên tâm bền chí. Không bỏ cuộc dọc đường. Không giận quá mất khôn. Không giận dỗi vô cớ. Không chán nản. Các tương tác phải xảy ra một cách thích hợp. Yếu tố quan trọng nhất là cái sức mạnh của các lý tưởng và mục tiêu đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền. Bạn không thể làm suy yếu hay lạm dụng chúng. 

Các lý tưởng đó phải là cái bạn thực sự theo đuổi, thiết tha với cả tấm lòng. Nếu bạn là blogger, bạn phải viết với lòng chân thật. Bạn không thể viết blogs chỉ để lấy giao thông trên mạng và quảng cáo. Nếu bạn là người thích làm thơ, bạn phải làm thơ với niềm đam mê. Bạn không thể làm thơ để giựt le với bạn gái. Hệ thống thích ứng phức tạp sẽ thành công nếu các tác nhân có khả năng thích hợp, thực hiện khả năng một cách thích đáng, tạo những tương tác thích đáng, và theo đuổi lý tưởng với sự bền bỉ, thiết tha, và đam mê.

Một câu hỏi nữa là chắc gì cái nổi dậy mạnh mẽ và trật tự đó là chiến thắng của phe DC? Biết đâu chính phe CS sẽ thắng và họ sẽ lại còn mạnh mẽ, hung ác, và tồn tại lâu hơn. Trả lời cho câu hỏi này sẽ được cho biết trong phần sau, nhưng một cách vắn tắt, phe CS không thể nào thắng vì họ không có chính nghĩa và họ không thể đạt được một sự ổn định bao trùm.



______________________________________


Biết người biết ta (Phần 2): "Tính chất và một mô hình cuộc đấu tranh"

http://vulep.blogspot.com.au/2014/07/biet-nguoi-biet-ta-phan-2-cac-yeu-to.html


Tài Liệu Tham Khảo:

Buttinger, Joseph. 1967. Vietnam: A Dragon Embattled. Volume I – From Colonialism to the Vietminh. Frederick A. Praeger, New York, U.S.A.

Cao-Đắc Tuấn. 2014a. Lửa Cháy Trong Mưa, dịch từ Fire In The Rain, cùng tác giả, Hellgate Press, Oregon, U.S.A.

Cao-Đắc Tuấn. 2014b. Không Cờ Trắng. Phần Ghi Chú Lịch Sử và Sự Kiện. 

Chen, King C. 1969. Vietnam and China, 1938-1954. Princeton University Press, New Jersey, U.S.A.

Dân Nam. 2012. Những Mốc Lịch Sử Quan Trọng Khởi Từ Thập Niên 1940. 5-2012. 

Duiker, William J. 2000. Ho Chi Minh – A Life, Hyperion, New York, U.S.A.

Eidelson, Roy J. 1997. Complex Adaptive Systems in the Behavioral and Social Sciences. Review of General Psychology, Vol. 1, No. 1, 42-71. Also available at 

Harrison, Neil E. 2006. Complexity in World Politics. State University of New York Press, New York. U.S.A.

Joyce, Helen. 2001. Adam Smith and the invisible hand. 1-3-2001. 

Lacouture, Jean. 1968. Ho Chi Minh: A Political Biography. Translated from the French by Peter Wiles. Translation edited by Jane Clark Seitz. Random House, New York, U.S.A.

Miller, John H. and Page, Scott E. 2007. Complex Adaptive Systems. An Introduction to Computational Models of Social Life. Princeton University Press, New Jersey, U.S.A.

Nguyễn Công Luận. 2012. Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier. Indiana University Press, Indiana, U.S.A.

Sorley, Lewis. 1999. A Better War: The Unexamined Victories and Final Tragedy of America’s Last Years in Vietnam. Hartcourt, Inc., Florida, U.S.A.

Tanter, Raymond and Midlarsky, Manus. 1967. A Theory of Revolution. Conflict Resolution, Vol. XI, No. 3, pp. 264-280. http://deepblue.lib.umich.edu/bitstream/handle/2027.42/66981/10.1177?sequence=2 (truy cập 12-6-2014).

Zashin, Elliot M. 1972. Civil Disobedience and Democracy. The Free Press, New York, U.S.A. 

© 2014, Cao-Đắc Tuấn


Biết người biết ta (Phần 2): "Tính chất và một mô hình cuộc đấu tranh"

http://vulep.blogspot.com.au/2014/07/biet-nguoi-biet-ta-phan-2-cac-yeu-to.html

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-23/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link