Friday, August 8, 2014

Thân phận con người trong xã hội Việt Nam hiện nay (1)


08/08/2014

Thân phận con người trong xã hội Việt Nam hiện nay (1)

Bức thư của một người mẹ viết trước khi tự tử vì quá nghèo mà mình sau nhiều năm vất vả cực nhọc mang lấy chứng bệnh thần kinh, mỗi ngày tiêu đến 140 nghìn đồng - đúng bằng tiền chồng làm ra để nuôi con ăn học. Một người mẹ nhất quyết chết vì không muốn 3 con trở thành những trẻ thất học do gánh nặng bệnh tật của mình, tương lai gần hay xa có thể dẫn đến tai họa cho xã hội. Những dòng thư trong vắt thiện lương cào xé lương tâm chúng ta, bắt ta nhìn qua đó như một tấm gương soi để thấy trên mặt mình có chỗ nào bất thiện hay không, mình có đáng sống hay không đáng sống trên đời, tranh mất sự sống của con người này và nhiều người thiện lương khác. Tấm gương không chỉ soi tỏ gương mặt của một mình ta mà soi luôn cả một xã hội lổn nhổn xung quanh ta, hiện hình lên những vị tai to mặt lớn, ăn bẫm và ăn tạp từ miếng to đến miếng nhỏ, từ việc in một mớ tiền polymer bên Úc, vay một khoản ODA bên Nhật, cho đến chiếm một khoảnh đất của dân Dương Nội, cướp một đầm thả cá tự đắp đập be bờ làm lấy của vợ chồng con cái anh cựu chiến binh Đoàn Văn Vươn Hải Phòng... Các vị quan cộng sản suốt ngày chỉ ăn là ăn, hễ nghe lũ xâm lược rục rịch ở Biển Đông là rụt ngay cổ lại, thử hỏi có lúc nào các vị thử tính đếm xem bao nhiêu người dân Việt đã thiệt mạng, đã tự vẫn vì những cái miệng há to của các vị và con cái các vị hay không? Nhiều lắm lắm, tính ra không xuể đấy. Chính những cái miệng ấy chứ không phải cái gì khác chúng đã phủ định hết mọi thứ ngôn xưng đẹp đẽ về một thể chế cộng sản đến hồi rệu rã sau hơn 60 năm tồn tại đầu họng súng mà các vị đang cố sức níu giữ. Và dù báo chí có tô son trát phấn cho một thế hệ “thái tử đảng” đang ngấp nghé thay chiếc ghế của các vị – toàn những gương mặt nhờ bơ sữa làm cho đẹp đẽ thông minh, những Nguyễn Thanh... này, Lê Trương... kia, Tô Linh... nọ, v.v.  – thì trong con mắt dân cùng chúng tôi, đó cũng chỉ là ủy viên dự bị của những cái miệng há to đã đớp đến mỏi răng, chiếm phần sống của quá nhiều người, nay phải để cho con cháu trèo lên ghế đớp tiếp, thế thôi, họ chẳng làm nên cơm cháo gì, hay giúp cho xã hội bớt đi những người tự vẫn được đâu.
Chị Mỹ Nhân ơi, nhìn ảnh chị và đọc tên chị sao mà gợi quá nhiều trắc ẩn, Mỹ nhân tự cổ như danh tướng / Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu. Chị là một người quyết liệt chết để cho sự sống được nảy mầm, cái chết ấy sẽ không bao giờ uổng phí. Nhưng chị chết mà không hề biết oán hận những ai, những kẻ nào thực chất là nguyên nhân sâu xa gây nên cái chết của mình, đó mới là một cái chết vị tha có sức cứu rỗi hết thảy những ai đang sống, trừ một số ít những kẻ trơ lỳ mà ta thừa biết là ai rồi. Chị gửi lời xin ông bí thư đảng ủy xã An Xuyên và chính quyền Ấp 5 cho gia đình mình được “lên” diện nghèo để 3 đứa con nhờ vào cái “sổ nghèo” mà được vay tiền ngân hàng đóng học phí khỏi phải bỏ học. Đọc lá thư của chị bằng nước mắt, chúng tôi muốn mượn câu thơ của Cao Bá Quát thét lên một tiếng vào bản mặt của cái thể chế này: “Ước gì có một cơn dông bão quét sạch mọi nhơ bẩn để sau một đêm sáng dậy thấy non sông đổi thay tận gốc” (Phong vũ giang sơn tận cải quan – Lập xuân hậu nhất nhật tân tình).
Bauxite Việt Nam
Thắt lòng chuyện mẹ chết để lấy tiền phúng viếng cho con học
(PLVN) Sau một tháng toan tính kỹ lưỡng, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau quyết định… chết. Chị chọn quyên sinh là giải pháp cuối cùng với hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp sổ hộ nghèo. Đau đớn đến mức trong lá thư để lại, chị còn nhắn chồng đi xin hòm về liệm, dành tiền đóng học cho con.
clip_image002
Di ảnh chị Nhân.

Nghẹn uất xót thương   
Chiều 24/4/2013, xứ An Xuyên bàng hoàng, thảng thốt bởi cái tin chị Nhân treo cổ chết.
Trước khi thắt cổ chết một tháng, chị đã nói với chồng, với con, với nhiều người hàng xóm về kế hoạch chết của mình. Chị khẳng định với chồng là chỉ còn một con đường duy nhất duy trì việc học cho các con. Đó là chị phải chết đi để mọi người đến phúng viếng mới có tiền trang trải cho các con học, giảm gánh nặng cho chồng, lấy linh hồn phù hộ cho chồng con… trúng số độc đắc.

Người chồng đau khổ nhưng bất lực trước ý chí sắt son của người vợ.
Trong suốt hai ngày đám tang của chị Nhân, người ta không nghe anh Bảo trách vợ một tiếng nào. Hơn ai hết, anh là người thấu hiểu tấm lòng của vợ. Anh nói trong nước mắt: “Vợ tôi đã cố gắng đến hơi sức cuối cùng”.

Hơn 20 năm làm vợ chồng với nhau, anh Bảo chưa bao giờ thấy vợ mình đáng trách. Ngược lại, anh luôn cảm phục tấm lòng và nghị lực của vợ.

Chị làm lụng đến tối tăm mặt mũi, không từ công việc gì miễn kiếm được tiền. Cả những công việc nặng nhọc tưởng chỉ đàn ông mới đảm đương nổi, chị cũng không nề hà. Đến khi bị bệnh tật hành hạ, chị vẫn cố gắng đi làm, không dám chữa trị vì tiền kiếm được còn phải để đóng học cho con.

Người phụ nữ nghị lực "đã gõ mọi cánh cửa"
Chị còn được xóm làng ngợi khen về tính đảm đang tháo vát hơn người. Chị chưa bao giờ bỏ qua một cơ hội kiếm tiền chính đáng. Nghe nói Nhà nước có chính sách cho sinh viên, học sinh vay tiền đi học, chị đích thân đi tìm hiểu và làm thủ tục xin vay. Người ta trả lời phải là hộ nghèo, hoặc hộ cận nghèo mới được cho vay. Chị về hỏi chính quyền địa phương xin được xét cấp sổ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bà Nguyễn Thị Nhu, Chi hội trưởng Cựu chiến binh ấp 5, xã An Xuyên kể: “Ngày 18/11/2012, khi họp dân ấp nhân ngày đại đoàn kết và xét chọn hộ nghèo, cận nghèo, Mỹ Nhân có đến dự. Tôi nhớ rất rõ lời nói của nó hôm đó. Nó nói “hoàn cảnh tôi quá khó khăn, xin được cấp sổ hộ nghèo để vay tiền cho các con ăn học”. Khi đó, Trưởng ấp ghi nhận nhưng chỉ hứa là sẽ xem xét sau, vì đã qua đợt xét hộ nghèo”.

Chị cũng đã tìm hiểu ra và làm thủ tục cho con trai nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với sinh viên học ngành hóa chất độc hại. Chị cũng đã tranh thủ góp hụi, vay tiền từ Hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, thậm chí vay "nóng" bên ngoài.

Anh Từ Văn Nguyễn, công an ấp 5, kể thêm: “Cách đây một tháng, chị Nhân đi kêu một bà để bán nhà và đất đang ở. Bà này trả lời là để bàn lại với người thân, chứ đất đai đâu phải nói mua là mua liền. Chị Nhân năn nỉ bán trả chậm, 2 triệu một tháng cũng được để có tiền đóng học phí cho các con. Bà này không chịu, chị Nhân nói nếu không chịu thì vài bữa nữa đi đám ma của tôi”.

Trước khi thắt cổ chết 3 ngày, chị Nhân hay tin có ông Trần Đại Đoàn, một người bà con mới về làm bí thư xã An Xuyên. Chị lập tức lên xã gặp ông Đoàn để xin được xét cấp sổ hộ nghèo. Ông Đoàn ghi nhận và hứa sẽ xem xét để cấp sổ hộ nghèo cho chị khi đến đợt xét tới đây. Đến lúc chị qua đời, anh Bảo vẫn chưa hay biết việc chị đã lên xã xin anh Đoàn cái sổ hộ nghèo.

Tâm thư tuyệt mệnh
Bên cạnh xác chết của chị, người ta đã tìm thấy những bức tâm thư tuyệt mệnh.
“Anh Bình! Hoàn cảnh em quá khổ. Em chết, anh chôn em cặp Hà (em trai chị – PV), trên đất của cha mẹ. Em chết, anh thỉnh bàn thờ mẹ về nhà anh thờ. Mong anh đừng làm khó em, để em yên thân nằm cạnh Hà. Gia đình mình sống quá khổ, từ đời của cha mẹ đến đời con, không có ý nghĩa gì hết”.

clip_image004
Cha con anh Bảo đau thương trước cái chết của chị Nhân.
Bà Nguyễn Thị Tiến, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau bức xúc: “Suy cho cùng, cái chết của chị Nhân có nguyên nhân từ áp lực tiền học phí và tiền trị bệnh. Nếu như có tiền để chị đóng học phí cho các con đi học thì chị đã không chết như vậy.
Ngành giáo dục nên xem lại những cuộc cải cách của mình, chứ thực tế rất rõ là càng về sau này, việc học hành càng xa vời với người dân, cả người dân được cho là không nghèo.

Sau cái chết của chị Nhân, chúng tôi bị chỉ trách lớn. Xin hãy nghĩ lại cho chúng tôi. Với mức phụ cấp 400 - 600 ngàn đồng/tháng/cán bộ ấp, thử hỏi làm sao chúng tôi sâu, sát đến từng hộ dân một. Chúng tôi còn phải kiếm sống. Chúng tôi là những người hưởng lợi thấp nhất trong hệ thống chính quyền, nhưng khi có sự cố nào xảy ra, chúng tôi là những người lãnh đủ”.
Phần gửi cho chồng, chị Nhân viết: “Anh Bảo! Tiền em bỏ trong túi quần tây, trong tủ áo. Quần tây màu đỏ”.

Bức thư thứ hai dài đến bốn trang giấy học trò, chữ viết nguệch ngoạc, không chấm phết, ý tứ đứt quãng, lủng củng. Nhưng khi đọc lên, ai cũng có cảm giác là chị Nhân đang nói với mình. Bởi những điều đó chị đã nói rồi, nói với chồng, với con, với nhiều người hàng xóm, và nói từ cả tháng qua.
clip_image006
Chúng tôi tạm rút nội dung bức thư thứ hai của chị theo ý chính như sau:
“Tạm biệt chồng con!

Anh! Trong hoàn cảnh gia đình mình quá khổ, em không sống nổi với anh và các con. Từ một tháng qua, em bệnh, nằm xuống nhưng không ngủ được. Em nhớ đến nợ nần, đến tiền học phí của các con, đến sự khổ cực cả đời của anh. Em đã cố gắng lắm rồi, em chạy tiền bằng mọi cách để trị bệnh, để lo đóng học phí cho các con, nhưng có ai cho mình mượn, mình vay đâu.

Em khổ lắm. Em không còn lối thoát. Em biết chết trong lúc này, bỏ lại anh và 3 đứa con ngoan, hiền, học giỏi của chúng ta là em không đúng. Anh Bảo! em thương anh nhiều lắm. Anh sống với em cả đời cực khổ, chưa có bao giờ anh được sung sướng.
Các con, Bằng, Tâm, Ngân. Các con đừng trách mẹ, mẹ khổ nhiều lắm. Mẹ chạy tiền cho các con ăn học, bây giờ nợ nhiều lắm. Tiền hụi chết mỗi tháng phải đóng cho dì Ánh 1 triệu đồng. 

Mẹ đã đi van xin được cấp sổ hộ nghèo để mẹ vay tiền đóng học phí cho các con. Nhưng không ai cho gia đình mình nghèo hết. Mẹ chết để giảm gánh nặng cho cha con, để phù hộ cho cha con các con được trúng số độc đắc, để chính quyền thấy nhà mình thực sự khổ rồi cấp sổ hộ nghèo, vay tiền đóng học phí cho các con.

Xin các cấp chính quyền ấp 5 soi xét cho hoàn cảnh quá khổ, không lối thoát của chúng tôi mà xét cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi được sống những ngày tháng còn lại trên đời.

Anh Bảo! Anh ra Hội chữ thập đỏ xin hòm liệm em, đừng mua tốn kém lắm, dành tiền lo cho các con mình ăn học nghe anh.
Anh. Em thương anh nhiều lắm! Các con hãy gắng vươn lên, học tập đổi đời, đừng để cha con phải khổ thêm. Vì mẹ con mình mà cha các con phải khổ cả đời rồi…
Mỹ Nhân tạm biệt!".
Đám tang của chị được bà con An Xuyên phúng viếng trên 40 triệu đồng, một số tiền khá lớn so với những đám tang khác tại địa phương.

Gia đình chị Nhân không thuộc chuẩn xét hộ nghèo, cận nghèo
Ông Võ Văn Nhu, Bí thư chi bộ ấp 5, xã An Xuyên: “Việc không cấp sổ hộ nghèo cho gia đình chị Nhân là do hoàn cảnh nhà chị chưa đến chuẩn để xét.

Theo qui định hiện hành, hộ nào có mức thu nhập bình quân đầu người từ 400 ngàn đồng/người/tháng trở xuống thì là hộ nghèo. Từ 401 ngàn đồng – 520 ngàn đồng xét hộ cận nghèo. Trong khi chỉ tính riêng thu nhập từ công việc thợ hồ của anh Bảo đã là 3 triệu đồng/tháng, chia cho 5 nhân khẩu thì được 600 ngàn đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, cái chết của chị Nhân khiến chúng tôi rất đau xót và nghiêm túc rút kinh nghiệm vì chưa thực sự sâu, sát hiểu rõ tâm tư nguyện vộng của dân, để đề xuất cộng đồng chung tay giúp đỡ.

Qua đây, chúng tôi cũng xin đề xuất với Nhà nước hãy điều chỉnh mức chuẩn xét hộ nghèo lên. Thực tế cho thấy, với vật giá hiện nay, để sống gói ghém, mỗi khẩu cần có ít nhất là một triệu đồng. Nếu có con đi học hành thì không thể nào đảm bảo được”.
Theo Xa lộ Pháp luật
Nguồn: baophapluat.vn
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:57

__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link