Nhà
báo độc lập: Có Nhân dân sẽ có tất cả
Phạm Chí Dũng
Hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
“Jesus và Thích Ca, chỉ có thể chọn một”
Hôm nay, tròn một tháng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ra đời. Trong một tháng ấy, không chỉ trang Việt Nam Thời Báo của Hội NBĐVN bị một bàn tay khuất lấp tìm cách “đánh sập”, mà một số thành viên của Hội NBĐVN đã bị “vận động” nhằm rút tên khỏi tổ chức hội đoàn bị xem là “bất hợp pháp” này.
Biểu tình là quyền hợp pháp ở hầu hết quốc gia, nhưng ở Việt nam có thể bị xem là không hợp pháp
Tương tự trường hợp Văn đoàn Độc lập Việt Nam, hầu hết thành viên của Hội NBĐLVN còn mối liên can với báo chí nhà nước đều được “chăm sóc” rất chu đáo. Một chiến dịch “đả thông tư tưởng” đã được lãnh đạo vài tờ báo nhà nước tiến hành, với mục tiêu cuối cùng là thuyết phục bằng được nhà báo của họ rời bỏ Hội NBĐLVN.
“Jesus và Thích Ca, chỉ có thể chọn một” – một trong những nhà báo chuyên nghiệp được thuyết phục như trên đã biểu cảm bằng lối so sánh vừa hài hước vừa cay đắng. Nhà báo và
Công luận– cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam – cũng vừa phát đi tuyên
ngôn “Giới báo chí Việt Nam chỉ có một tổ chức duy nhất là Hội Nhà báo Việt Nam”.
Sự thật trong khu vườn tăm tối
Lặp lại tới mức nhàm chán kịch bản ứng phó với Văn đoàn Độc lập Việt Nam từ sau khi tổ chức này khai sinh
vào tháng 3/2014, công tác “vận động” và đính kèm không ít lời đe dọa đối với hội viên Hội NBĐLVN đã được đặt lên ưu tiên hàng đầu, bất chấp cam kết của Nhà nước Việt Nam trước Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc về quyền tự do báo chí, tự do lập hội của công dân.
Tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ năm 1982, “luôn bảo đảm các quyền con người” về các quyền tự do báo chí và tự do lập hội trong Hiến pháp năm 1992,
nhưng sau một phần tư thế kỷ, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam vẫn chưa có nổi một văn bản luật triển khai hiến pháp về các quyền này. Mọi chất vấn của đại biểu quốc hội và nhà báo, người dân về lý do “Hiến pháp thụt lùi sâu sắc” đều đã bị phủ quyết bởi những hứa hẹn đậm bóng dối trá của giới quan chức quốc hội, cùng bị phủ định thẳng thừng bởi tuyên bố “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” của người đứng đầu đảng vào cuối năm 2013.
Tâm nguyện nói lên Sự thật trong khu vườn tăm tối của các nhà báo cũng bởi thế luôn bị dập tắt. Không một ánh sáng tự do nào có thể lóe ra từ thành tích “800 tờ báo, 18.000 nhà
báo có thẻ và 21.000 hội viên” của giới tuyên giáo và Hội Nhà báo Việt Nam. Hầu hết những nhà báo muốn cất lên quan điểm trung thực của mình đều phải câm lặng.
Có Nhân dân sẽ có tất cả
Hôm nay, vừa tròn một tháng Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sinh thành
mà chưa một thành viên nào bị bắt bớ.
Hoặc không thể bị bắt bớ, nhân danh những điều Chân – Thiện – Mỹ và lý tưởng dân tộc mà tổ chức dân sự độc lập này đang cố gắng bày tỏ và noi theo.
Tâm nguyện “Sự thật, Khách quan và Đa Nguyên” của những nhà báo độc lập rất có thể cũng là lẽ sống của các nhà báo có lương tâm ở Việt Nam, trước hiện tình đất nước sa đọa toàn diện gây ra bởi các nhóm lợi ích và Tổ quốc cận kề lâm nguy do kẻ thù áp sát biên cương.
Thế nhưng nghịch lý ghê gớm là trong hoàn cảnh quá gần gũi với thế nước mất nhà tan như thế, thay vì mở rộng dân chủ và đối thoại với tiếng nói độc lập của các nhà báo xã hội dân sự, chính quyền Việt Nam lại tiếp tục co mình trong một cơn rùng mình xấu hổ bởi tính chính danh không chính kiến; thay vì chấp nhận quan điểm hành động ôn hòa chính trị và phản biện văn hóa của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, chính thể lại lao mình vào “cơn lên đồng tập thể” bởi não trạng vu khống muôn thuở đối với tất cả những gì “độc lập”: đối lập chính trị.
“Cơn lên đồng tập thể” cũng là biểu hiện phân tâm học mà đã bùng phát nhằm phản ứng Phong trào “Kiến nghị 72” vào đầu năm 2013 và đề nghị thành lập đảng Dân chủ – Xã hội của đảng viên Lê Hiếu Đằng vào tháng 8 cùng năm đó. Rồi đây, “cơn lên đồng tập thể” cũng có thể tái phát với hàng chục tờ báo của chính quyền và báo đảng – vô cảm trước hiện tình dân tộc – nhằm đàn áp tiếng nói phản biện trung thực và mạnh mẽ của các nhà báo độc lập, kể cả áp chế biểu thị của những nhà báo, cộng tác viên báo chí nhà nước và người dân dành cảm tình cho Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Nhưng trên tất cả, Chân lý sẽ chiến thắng. Những người viết báo rơi nước mắt trước cảnh với những em bé vùng xa
phải bắt chuột ăn thay cơm, đau xót với những dân nghèo bị “giết sống” nơi rốn xả lũ thủy điện, cảm thông với hàng chục ngàn nạn nhân của ô nhiễm môi trường và hàng triệu dân oan từ quốc nạn thu hồi đất đai vô lối… sẽ có được tình cảm và sự chở che của Nhân dân.
Có Nhân dân, chúng ta sẽ có tất cả.
Ngày 4.8.2014
P. C. D.
Nguồn: (VNTB)-Nhà báo độc lập: Có Nhân dân sẽ có tất cả - Việt Nam Thời Báo
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment