VẾT CẮT SÂU ĐẾN 60 NĂM
Nguyễn Thị Hậu
Vào những năm 1954 – 1955, hàng ngàn người con
Nam Bộ theo sự điều động của cách mạng đã tập kết ra miền Bắc, với niềm tin và
hy vọng chỉ sau hai năm sẽ được trở về quê hương yêu dấu. Ba má tôi cũng nằm
trong số đó. Và không ai có thể hình dung được rằng mãi hai mươi năm sau mới
lại được đặt chân về đôi bờ Đồng Nai, Vàm Cỏ, Cửu Long… Ba tôi đã viết trong
hồi ký như sau.
Một ngày cuối năm 1954, giữa một rừng cờ đỏ sao
vàng, gia đình và đồng bào tiễn đội ngũ chúng tôi lên đường tập kết… Lần đầu
tiên có chuyến đi xa nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để
lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai
của mảnh đất quê hương yêu mến rồi sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung
những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không?
Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi
sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên bãi biển. Đồng bào đông đảo nồng nhiệt
đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi quặn đau vì thấy bà
con ăn bữa cháo bữa rau, nhưng vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt
đủ.
Kế tiếp là những năm dài “ngày Bắc đêm Nam”, là
những chuyến lưu diễn liên miên: Rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng Khu Ba, khu mỏ
Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương… Tới đâu chúng tôi cũng ráng đem lời ca tiếng
hát góp phần cho than, lúa thêm nhiều, đem chút ít tình cảm ấm áp cho anh em
đồng hương, ráng hết sức mình vì miền nam ruột thịt”
Hai mươi năm, một thế hệ mới đã kịp ra đời và lớn lên ở Hà Nội –
miền Bắc, đó là thế hệ chúng tôi, thế hệ “một chốn đôi quê” chỉ được biết quê
hương qua những ký ức mà mẹ cha truyền lại. Hai mươi năm sống ở miền Bắc ba má tôi vẫn giữ được nguyên vẹn
giọng nói và tính cách người Nam bộ chân chất thiệt tình. Những tháng năm
sống ở Hà Nội, ký ức về quê hương thường được ba má tôi nhắc đến,
bất kỳ lúc nào có gì đó gợi nhớ. “Ngày Bắc đêm Nam” suốt hai mươi
năm không làm nguôi nỗi nhớ mà chỉ làm dầy thêm ký ức về quê hương.
Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng trong những ký ức của cha mẹ.
Quê hương tôi là làng nhỏ Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng bên bờ
sông Tiền, nơi mà sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp – cũng là một người bà
con gần với gia đình tôi – đã ghi lại ký ức về nó qua bài hát
“Trở về dòng sông tuổi thơ”. Làng Mỹ Hiệp hiền lành với vườn trái
cây, những nếp nhà sàn khuất sau hàng dừa, cánh đồng lúa chín trong
mênh mông mùa nước nổi… Vào đầu năm 1945 một cô gái bên kia sông Tiền
đã theo ba tôi về làm dâu và dù chỉ ở đó vài năm thôi nhưng trong tâm
thức của má tôi, quê chồng cũng là quê mình. Và cũng như vậy, quê
ngoại của tôi, làng Hòa An kế bên thị tứ Cao Lãnh cũng trở nên gần
gũi hơn với hình ảnh cây mận xanh bên chái bếp, loại mận xanh Hòa An
nổi tiếng thường được hấp với cá lóc, vị chua ngọt thanh thanh thấm
vào miếng cá, nhậu quên say… Vườn thuốc lá Cao Lãnh thơm đậm đà nhờ
được bón bằng phân cá, làn khói thơm mùi lúa mới từ nhà máy
xay của ông ngoại lan trên sông…
Tôi biết về quê hương Cù lao Giêng và Cao Lãnh từ ấy, biết
yêu sông Tiền yêu mùa nước nổi từ ấy, biết thèm ăn mắm lóc, thèm cá
rô kho tộ, thèm canh chua cá linh bông điên điển… Lớn hơn một chút, từ
những cuốn sách qua những câu chuyện, hiểu biết của tôi về quê hương
cụ thể hơn nhiều hơn nhưng không thể thay thế sự lung linh run rẩy mà
ký ức cha mẹ truyền cho.
Nhưng quê hương không chỉ là những ký ức run rẩy đẹp. Hai mươi năm
bặt tin, một ngày đầu tháng Năm 1975 một bà mẹ được ôm người con gái trong vòng
tay. Đứa con gái mà bà đã phải lập bàn thờ từ khi nó đi tập kết với lời hứa:
con đi hai năm sẽ về với má. Bàn thờ đứa con còn sống ở “phía bên kia” là để
cho những đứa con khác yên ổn học hành, đi làm, đi lính…Nhưng chưa kịp mừng vì con
gái trở về bà đã phải đưa hai người con trai đi học tập cải tạo. Gia đình lại
chia ly. Người chị tìm cách bảo lãnh cho hai em ra khỏi trại cải tạo sớm hơn
hạn định, gia đình gom góp tiền bạc cho họ vượt biên. Cũng may, người trong nhà
thuộc bên này hay bên kia, cũng có lúc hờn giận nhau nhưng không nuôi oán trách
thù hận. Họ thương yêu nhau hơn vì không muốn làm người mẹ đau lòng, vì họ hiểu
không ai trong gia đình muốn những việc như thế xảy ra. Đấy là chuyện của gia đình
bạn tôi sau năm 1975.
Nhưng dù như vậy, gia đình bạn còn may mắn hơn rất nhiều gia đình
khác. Từ vết cắt 1954 biết bao gia đình có người thân phải đứng về hai chiến
tuyến, biết bao gia đình không thể sum họp vì vợ, chồng đã có gia đình khác
trong những năm dài không hẹn ngày gặp lại, biết bao nhiêu gia đình tiếp tục
tan vỡ vào những ngày ngỡ đã bình yên… Vết cắt 1954 không chỉ dài đến 20 năm mà
hình như, 60 năm rồi vẫn chưa lành.
Tôi vẫn luôn tự hỏi, nếu ngày ấy bản đồ Việt Nam không bị một vạch
đỏ cắt ngang sông Bến Hải thì bây giờ đất nước sẽ thế nào?
Lịch sử thì không có chữ “nếu”. Chính vì vậy cần minh bạch tất cả
những gì đã làm thay đổi số phận đất nước và số phận của từng gia đình, để thế
hệ sau không phải đặt ra một chữ “nếu” đau xót như thế hệ hôm nay!
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment