KHÔNG
THÀNH CÔNG THÌ CŨNG THÀNH....
Nguyễn Hưng Quốc
Liên quan đến cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên và học sinh
tại Hong Kong từ hơn một tuần vừa qua, giới truyền thông quốc tế ghi nhận một
yếu tố mới: sự mệt mỏi của dân chúng.
Gánh nặng kinh tế đã bắt đầu đè nặng trên
vai nhiều người. Việc những người biểu tình chiếm cứ các trung tâm thương mại
và các con đường huyết mạch trong thành phố khiến việc đi lại trở thành khó
khăn, công việc buôn bán bị đình trệ, số lượng du khách - đặc biệt từ đại lục -
giảm hẳn.
Từ sự ủng hộ hoặc hờ hững ban đầu, nay, nhiều người đã bắt đầu đổ lỗi
cho những người biểu tình. Việc một số tên đầu gấu nhảy vào đánh đập và sỉ nhục
những người biểu tình ít nhiều được sự đồng tình của một bộ phận dân chúng nào
đó: Họ muốn cuộc biểu tình chấm dứt sớm.
Không những dân chúng mệt mỏi, những người biểu tình cũng bắt đầu
mệt mỏi. Nhìn lên màn ảnh tivi, người ta dễ dàng nhận thấy các thanh niên, sinh
viên và học sinh đang biểu tình tại Hong Kong đã bắt đầu uể oải. Sau gần một
tuần chỉ sống bằng bánh mì, chuối và nước uống, nhiều người đã có vẻ đuối sức.
Họ nằm ngủ vật vạ trên đường. Những tiếng hô khẩu hiệu đã yếu dần. Trả lời các
cuộc phỏng vấn trên truyền hình, một số người tuy vẫn đầy quyết tâm nhưng đã
nhuốm mùi bi quan: Họ không tin là chính quyền Trung Quốc sẽ đáp ứng hai yêu
sách chính của họ (yêu cầu Trung Quốc bỏ quyết định độc quyền chọn lựa các ứng
cử viên cho cuộc bầu cử vào năm 2017 và yêu cầu đặc khu trưởng Hong Kong Leung
Chun-Ying, kẻ, theo họ, chỉ biết ngoan ngoãn tuân theo lệnh của Bắc Kinh, phải
từ chức).
Trước sự mỏi mệt từ những người biểu tình cũng như của dân chúng
ấy, không ai tin cuộc biểu tình sẽ kéo dài lâu.
Nhưng như vậy thì sao? Cuộc biểu tình có thành công hay không?
Tôi nghĩ là không. Giới cầm quyền Trung Quốc, ai cũng biết, thường
ít khi nhượng bộ quần chúng. Một phần, đó là tính cách của họ, những người
trưởng thành từ cuộc Cách mạng văn hoá vốn nặng tính chất duy ý chí. Phần khác,
họ sợ một sự nhượng bộ như vậy sẽ mở đầu cho các cuộc xuống đường biểu tình ở
những thành phố lớn trong đại lục.
Không nhượng bộ nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ không áp dụng chính sách
mạnh tay như ở Thiên An Môn năm 1989. Có bốn lý do chính. Thứ nhất, Hong Kong
hiện nay không phải là Bắc Kinh hơn hai mươi năm trước. Ở Hong Kong hiện nay,
truyền thông vẫn còn khá tự do, số lượng phóng viên nước ngoài vô cùng đông
đảo. Bất cứ sự trấn áp hung bạo nào cũng đều được truyền đi khắp thế giới và sẽ
gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Trung Quốc. Thứ hai, một sự trấn áp
như thế sẽ ảnh hưởng đến một mục tiêu Trung Quốc vẫn muốn theo đuổi: thống nhất
Đài Loan.
Sẽ không có ai ở Đài Loan tin tưởng vào lời cam kết “một nước, hai
chế độ” của Trung Quốc nữa. Thứ ba, ý nghĩa và hiệu ứng chính trị ở Hong Kong
khác hẳn với Thiên An Môn: Ở Thiên An Môn năm 1989, nếu chính phủ nhượng bộ,
chế độ cộng sản toàn trị sẽ sụp đổ; ở Hong Kong hiện nay, nếu chính phủ nhượng
bộ, tất cả đều giữ nguyên trạng như cũ chứ không có gì thay đổi cả. Cuối cùng,
thứ tư, thật ra,
Trung Quốc cũng không cần phản ứng mạnh. Họ tin là họ sẽ thành
công ở một chiến thuật khác, nhẹ nhàng và không chừng hiệu quả hơn: kéo dài
thời gian, để đến một lúc nào đó, mọi người đều mỏi mệt và dần dần giải tán.
Với họ, đó là chiến thuật bất chiến tự nhiên thành.
Không thành công, nhưng cũng không thể nói là cuộc biểu tình của
giới trẻ Hong Kong thất bại. Không thất bại vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, nó thu hút sự chú ý của toàn thế giới về sự bội tín của
chính quyền Trung Quốc đối với chủ trương “một quốc gia hai chế độ” mà họ từng
cam kết với chính phủ Anh trước năm 1997.
Sự bội tín ấy không những gây bất lợi
cho Trung Quốc trong việc thuyết phục dân chúng Đài Loan thống nhất với họ mà
còn tác hại đến nỗ lực xây dựng một thứ quyền lực mềm của Trung Quốc.
Thứ hai, nó làm cho dân chúng Hong Kong nói chung quan tâm nhiều
đến người khác cũng như đến tương lai và vận mệnh của chính họ, từ đó, bớt hờ
hững trước các vấn đề chính trị. Suốt cuộc biểu tình, người ta để ý là mỗi lần
các sinh viên và học sinh bị đàn áp, từ cảnh sát cũng như từ bọn quấy nhiễu,
dân chúng lại đổ xô xuống đường tham gia vào cuộc biểu tình nhiều hơn.
Một phần
vì họ phẫn nộ; phần khác, vì họ tin tưởng đó là cách tốt nhất để “cứu” những
thanh niên đang tranh đấu: số đông sẽ mang lại sự an toàn.
Thứ ba, nó tạo nên một hình ảnh rất đẹp về giới trẻ Hong Kong dưới
mắt nhìn của thế giới. Thành công hay không thành công, cuộc biểu tình ở Hong
Kong hiện nay cũng được giới quan sát quốc tế xem là một trong những cuộc biểu
tình đẹp và lịch sự nhất trong lịch sử, ở đó, người ta không chỉ biết chống đối
mà còn biết bảo vệ những giá trị chung của xã hội.
Họ không dẫm lên các bãi cỏ.
Họ tự dọn dẹp rác rến, kể cả tàn thuốc lá. Họ lịch sự xin lỗi mọi người về sự
phiền toán do cuộc biểu tình gây nên. Họ biết tự kiềm chế khi bị các tên đầu gấu
đến quấy rối và hành hung.
Cuối cùng, thứ tư, cuộc biểu tình hiện nay là một cuộc tập dượt
tốt cho các cuộc đấu tranh cho dân chủ về sau. Hầu hết những người lãnh đạo cuộc
biểu tình này đều rất trẻ. Chắc chắn họ học được rất nhiều kinh nghiệm trong
cuộc biểu tình lần này.
Hơn nữa, cũng qua cuộc biểu tình này, một số trong họ
trở thành những tên tuổi lớn, được chú ý trên thế giới, nhờ đó, sau này, bất cứ
tiếng nói phản kháng và phản biện nào của họ, cũng đều dễ dàng vang xa, và do đó,
có hiệu quả lớn.
Bởi vậy, có thể nói, ngay cả khi không thành công, những người
tham gia cuộc biểu tình lần này cũng thành… các nhà dân chủ. Đó là điều may mắn
cho Hong Kong. Nếu dưới chế độ độc tài, người ta chỉ cần MỘT nhà độc tài, dưới
các chế độ dân chủ, để cho vững mạnh, người ta lại cần vô số các nhà dân chủ.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment