Monday, January 14, 2013

Cướp giật Sài Gòn: Run sợ, lãnh cảm hay chiến đấu?


 

Cướp giật Sài Gòn: Run sợ, lãnh cảm hay chiến đấu?


Đăng bởi Ban Biên Tập ngày 12/12/2012


Tiếng cô gái la thất thanh. Lạ thay, dòng người đi qua bình thản như không. Những người chạy xe phía trước nghe tiếng xe bọn cướp rú ga tăng tốc còn ngoan ngoãn nép vào cho chúng vọt lên tẩn thoát.

·         >> Sài Gòn rực rỡ đón chào năm mới 2012


·         >> Trung đoàn xe tăng 416 huấn luyện chiến đấu


·         >> Sài Gòn trang hoàng rực rỡ, lung linh đón Noel


  •  

Thời gian gần đây, tình hình trật tự trị an ở TP.HCM đã xảy ra tới mức báo động. Bọn cướp đã “nâng cấp” một cách đáng sợ: Từ chỗ giật đồ của người đi đường, cùng lắm là đạp cho ngã lăn ra để người bị cướp giật không đuổi theo; nay chúng nâng lên một cấp, chém trước, lấy đồ sau! Chưa bao giờ người dân TP lo sợ mỗi khi đi ra đường như bây giờ…


Cướp giật SG: Run sợ, lãnh cảm hay chiến đấu?

Chặt tay vì xe… không nổ máy

Chủ tịch UBND TP.HCM đã phải lên tiếng trước hiểm họa kinh hoàng sau vụ chị Thúy bị chặt tay ở chân cầu Sài Gòn. Những tên cướp không lấy được chiếc xe SH đắt tiền của nạn nhân không phải vì bị ai ngăn cản, mà vì chiếc xe lúc ấy… không chịu nổ máy!

Có nhiều ý kiến được đưa ra trước thực trạng cướp giật leo thang, “nâng cấp” khát máu, tàn bạo. Các chuyên gia cho rằng do kinh tế bị khó khăn, suy giảm, số doanh nghiệp đóng cửa làm gia tăng người thất nghiệp, ảnh hưởng dây chuyền đến toàn xã hội.

Các nhà giáo dục than phiền, do sự băng hoại của đạo đức xã hội, giáo dục cộng hưởng với những khó khăn về kinh tế. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, do công tác tuyên truyền pháp luật bị hạn chế, tệ nạn xã hội gia tăng, số thanh niên hư hỏng nhiều, rơi vào vòng xoáy ăn chơi, đua đòi, hút chích v.v….

Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo phải “tuyên chiến” với nạn cướp giật đang thách thức chính quyền và nhân dân TP. Ông cũng không quên cảnh báo, từ nay đến Noet, tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, theo quy luật, tội phạm sẽ còn gia tăng.


Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy, nạn nhân của vụ chặt tay, cướp SH - (Ảnh: VietNamNet)

Nghĩ mà rùng mình, sợ hãi! Đúng là những năm trước, càng vào gần dịp tết thì tội phạm càng gia tăng. Nhưng năm nay, bọn tội phạm đã đổi chiến thuật, “chém trước cướp sau”. Nếu không ngăn chặn được, chúng cứ “gia tăng” theo “quy luật” cận tết, không biết rồi còn bao nhiêu nạn nhân thương tâm như chị Thúy, vừa bị chém, vừa mất của?

Lực lượng công an các quận, huyện, TP những ngày qua đã thực sự “tuyên chiến” với bọn cướp. Có những ngày đã phát hiện, truy bắt hàng chục vụ. Song so với những vụ chưa bị bắt thì ít hơn nhiều lần.

Vì đâu mà trộm cướp lộng hành?

Nhiều lần người viết chứng kiến trên đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, cảnh hai tên cướp phóng xe vượt qua, ép vào chiếc xe phía trước giật phăng túi xách của cô gái chạy trước.

Cô gái luýnh quýnh, xe lạng muốn ngã. Hai tên cướp phóng đi. Tiếng cô gái la thất thanh. Lạ thay, dòng người đi qua bình thản như không. Những người chạy xe phía trước nghe tiếng xe bọn cướp rú ga tăng tốc còn ngoan ngoãn nép vào cho chúng vọt lên tẩn thoát.

Lần khác trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn ngã tư giao với đường Nguyễn Đình Chính, dòng người đang đứng chờ đèn đỏ, hai gã thanh niên đi xe máy trườn lên giật phăng túi xách của một chị phụ nữ ngồi trên xe Lead đứng sát vạch vôi. Chúng giật xong và vượt đèn đỏ.


Một vụ khác, nạn nhân ngã sóng xoài sau khi bị giật túi xách

Dòng người trên đường Nguyễn Đình Chính đng lưu thông cắt qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bỗng… dừng lại cho hai tên cướp băng qua! Ngạc nhiên chưa? Thật không hiểu nổi!

Một anh xe ôm đứng chờ khách gần ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Đình Chính cho biết, bình quân mỗi ngày ở đoạn này xảy ra khoảng năm- sáu vụ cướp giật! Hỏi: “Thấy cảnh cướp như vậy mà không ai can thiệp, ngăn chặn chúng lại à?”. Đáp: ” Có công an thì đỡ, còn người dân, người đi đường ai cũng sợ bị chúng trả thù!”. Có nghĩa là, bọn cướp chúng cướp của ai thì cướp, miễn là đừng cướp của ta là được!

Chứng kiến một vụ cướp giật trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp còn đau lòng và xấu hổ: Hai tên thanh niên đội mũ sùm sụp phóng xe như bay, sà vào giật mất túi đồ đựng thuốc của đôi vợ chồng già chở nhau đi khám đang trở về. Cả hai cụ đều bị huyết áp cao, yếu tim. Chuyện xảy ra quá bất ngờ, đột ngột, cụ bà lảo đảo ngả xuống, cụ ông cũng bất tỉnh ngã theo. Mọi người dìu vào lề, đưa tới bệnh viện.

Mặc dù ai thấy cũng nguyền rủa bọn cướp, mong cho …trời đánh chúng! Mặc dù chỉ cần một chút can đảm và trách nhiệm, chỉ cần vài người là đủ sức đánh và bắt hai tên cướp trẻ kia chứ chẳng cần gì tới trời!

Những vụ chém và cướp như với chị Thúy ở cầu Sài Gòn, hay đâm nạn nhân, cướp đồ rồi đẩy xuống kênh Tàu Hủ vừa qua thường xảy ra ở những đoạn đường vắng. Song “đoạn đường vắng” ở nội thành TP.HCM không phải là “vắng” như ở nông thôn vào đêm khuya khoắt.


Quần chúng tham gia bắt cướp giật (ảnh minh hoạ)

Ở đất Sài Gòn, TP.HCM này vốn được mệnh danh là “thành phố không ngủ”. Trên con đường nào dù “vắng” mấy đi nữa cũng có người đi qua. Vụ chém chị Thúy xảy ra có rất nhiều xe chạy qua. Đau lòng nhất là có người trông thấy chúng chém nạn nhân còn rồ ga chạy… cho thật nhanh!

May cho chị Thúy còn phước đức ông bà để lại nên có anh xe ôm tốt bụng, trông thấy chém người giật xe, anh chạy tới, bọn cướp hung hãn xông lên. Thấy chúng đông hơn, anh xe ôm chạy đi tìm báo cho dân phòng biết!

Một tên cướp bị công an hình sự Quận 7 truy bắt quả tang sau khi chém và giật đồ trên đại lộ Nguyễn Văn Linh “hồn nhiên” khai: “Hôm nay chúng em bị xui, gặp các anh…”.

Lời khai “hồn nhiên” của tên cướp chính là một phần của câu trả lời vì sao cướp giật lộng hành, thách thức pháp luật, thách thức người dân TP…

“Căn bệnh nặng nhất của tâm hồn là sự lãnh đạm”

Xin được bắt đầu bằng danh ngôn của nhà hiền triết D.Tôkevin.

Tâm hồn lãnh đạm là “bệnh” nặng nhất của con người. Mà con người là tế bào của xã hội. Nhiều “tế bào” bị bệnh thì xã hội làm sao lành mạnh, khỏe khoắn để chống đỡ với vị trùng dịch bệnh được?

Từ đây, liệu có thể thấy, nạn cướp giật đang rộ lên là thêm một hiện tượng “biến chứng” nguy hiểm trên cơ thể đang lâm đủ thứ “trọng bệnh” của xã hội?

Không phủ nhận những nguyên nhân mà các nhà nghiên cứu xã hội, giáo dục, đạo đức và cơ quan chuyên gia bảo vệ pháp luật nêu ra, nguyên nhân của nạn chém – cướp, cướp giật như đã nêu trên. Nhưng suy cho cùng thì đây chỉ mới là những mảnh nguyên nhân bề nổi. Nói một cách hình ảnh thì đây chỉ là những cành ngọn của cái gốc đang bị ‘sâu” đục.

Dân tộc ta vốn có truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng” tự ngàn xưa. Câu chuyện chàng thư sinh Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, chả lẽ chỉ có trong cổ tích? Thế hệ chúng ta được sống đầy đủ vật chất hơn cha ông rất nhiều. Song thời kim tiền này, chúng ta lại bỏ quên những đức tính, những hành động nghĩa hiệp của cha ông: Sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.

Xin đừng nghĩ đây là những gì trừu tượng, xa vời, không thiết thực. Bởi hiện nay, ngày ngày chúng ta đang phải trả giá. Nay là chị Thúy bị chém đứt ta để cướp xe, cô gái bị giật đồ, hai vợ chồng gìa bị cướp mất túi thuốc, mai có thể đến với mỗi người trong chúng ta.


Cướp giật tài sản đang trở thành nỗi ám ảnh của không ít người dân TP.HCM. Ảnh: Minh Dũng

Có gì đảm bảo rằng khi nhiều người trông thấy cảnh vài tên cướp trấn lột công khai giữa thanh thiên bạch nhật một ai đó, nhưng ta làm ngơ, rồi bọn cướp sẽ tha cho ta nếu ta rơi vào hoàn cảnh như nạn nhân?

TP.HCM là nơi có gần 10 triệu người đang sinh sống. Bọn cướp kia dù có đông mấy, cũng chỉ là hạt cát so với sa mạc nếu xét về số lượng. Nói ra thật đáng suy nghĩ. Vì sao số đông người lương thiện lại sợ vài tên cướp, dù chúng có dao, mác, hung hăng, để chúng lộng hang khắp ngang cùng ngõ hẻm giữa thanh thiên bạch nhật?

Giả sự một vụ cướp đường xảy ra, chỉ cần vài người đi đường bất bình với hành vi đó, dũng cảm tìm cách ngăn chặn, bắt giữ… Lực lượng công an nhanh chóng xuất hiện, thực hiện chức trách một cách tích cực nhất. Được như vậy, chắc chắn rằng nạn chém – cướp, cướp giật không thể ngang nhiên lộng hành thách thức và “sỉ nhục” xã hội ta như hiện nay.

Nói cho ngay, căn bệnh yếu hèn, vị kỷ vô cùng nguy hiểm song không phải dễ chữa. Nhà văn Lỗ Tấn vốn là một bác sĩ học ở Nhật Bản về. Ông mong muốn chữa bệnh cho nhân dân của ông, phần lớn lúc ấy rất nghèo, không tiền chữa bệnh. Hành nghề được một thời gian ông nhận ra rằng, bệnh nặng nhất và nguy hiểm nhất của người Trung Quốc lúc bấy giớ là bệnh hèn trong tâm hồn chứ không phải bệnh thể xác.

Nhân vật A.Q là đỉnh cao của sự hèn nhát, an phận. Bị người ta đánh cho hộc máu mồm, máu mũi mà vẫn… vui vì nghĩ rằng nó đánh mình chẳng khác gì đánh bố nó! Ở một dạng thức khác, chúng ta cũng đang tương tự như AQ.

Trông thấy cướp chém một cô gái đứt tay, bỏ chạy cho nhanh. Trông thấy chúng giật đồ của một phụ nữ, ta làm ngơ; trông thấy chúng cướp túi thuốc của 2 cụ già, ta tránh ra cho chúng rộng đường chạy thoát. Ta tự an ủi trong lòng rằng, mình còn trách nhiệm với gia đình, vợ con, dây vào lỡ có bề gì, bị trả thù thì ai lo?

Và rồi bình thản chứng kiến những chuyện như thế đang ngày ngày xảy ra mà lương tâm không cắn rứt, dằn vặt, lương tri không thấy hổ thẹn. Chao ôi, còn gì để nói nữa không?

Một học giả nổi tiếng của Trung Quốc tỏ ra xấu hổ nhắc đến chuyện đất nước của ông ta thời bị Nhật đô hộ. Ông kể lại cảnh gần 10.000 tù binh là lính Tưởng Giới Thạch bị bắt, chưa đầy 20 tên lính Nhật giải đi trên chặng đường cả chục cây số. Thế mà anh lính tù binh nào cũng sợ vãi đái, đi ngay hàng thẳng lối như diễu binh.

Hoặc chuyện ở một huyện nọ mà cả triệu người trong huyện sợ chết khiếp, mỗi khi tên quan Nhật đi xuống cơ sở, ai cũng khúm núm cúi đầu, mắt không dám nhìn thẳng “ông quan”!

Thế mới biết, căn bệnh tâm hồn nguy hại biết chừng nào. Sự an ủi chúng ta viện dẫn trong lòng chính là đồng minh trá hình của căn bệnh đó, làm ta hèn đi, làm xã hội bệnh hoạn, yếu đi; làm cho số đông thua vài thằng cướp giật…

Ngài Churchill, vị thủ tướng nổi tiếng của nước Anh đã nói: ” Can đảm là đức hạnh số một của con người vì nó đảm bảo cho tất cả những hạnh phúc khác”.

Vận vào hoàn cảnh xã hội hiện nay đang phải đối phó với nạn cướp giật hung hãn, ngang tàng, chắc chắn cần nhiều giải pháp, đặc biệt vai trò tích cực của cơ quan chức năng, nhưng trước tiên nên trị kẻ thù lớn nhất trong mỗi người chúng ta, tức bệnh vô cảm, hèn nhát.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link