Thursday, January 17, 2013

Lòng dân





 13/01/13 |

Lòng dân


(Chôn nó đi, phần 5)

dep bo cncsNhiều người than phiền là Lòng Dân hôm nay đã nguội lạnh. Hoặc gỉa, nhu nhược. Không còn thiết tha gì tới việc nước, rồi “mặc kệ nó” muốn làm gì thì làm. Muốn đến đâu thì đến! Sự thật, có lẽ không phải như thế. Nhưng hãy công bằng mà nhìn lại cục diện Việt Nam trong vòng vài trăm năm qua mà thương, mà thấy là ngưòi dân Việt Nam ở mọi nơi đã nhận qúa nhiều cay đắng, bất hạnh.

Truớc hết, họ đã phải đeo trên lưng qúa nhiều gánh nặng. Họ phải lao nhọc vì các nhà nước một cách qúa mức. Họ phải chấp nhận hy sinh nhiều lần hơn chúng ta tưởng tượng. Đổi lại, người dân đã bị các nhà cầm quyền đối xử một cách rất bất công, thô bạo. Trong đó, có nhiều khoảng thời gian việc đối xử không còn ở cấp độ bất công, nhưng là một phương thức đối xử bất nhân có hệ thống. Ấy là chưa kể đến sự việc bị các thế lực chính trị lợi dụng, lừa đảo lòng yêu nước của họ. Từ đó, lòng người không muốn chai đá cũng phải chai đá. Không muốn lạnh nhạt với thời cuộc thì cũng không có cách nào để phấn khởi hơn.

Thật vậy, theo số liệu của lịch sử, Hoa kỳ lập quốc từ năm 1789, cũng nhờ binh ngoại và trải qua một cuộc nội chiến, nhưng nay vượt lên trên tất cả. Ở Việt Nam, Nguyễn Ánh cũng đi cầu binh ngoại cũng đẩy người dân Việt Nam vào một cuộc nồi da xáo thịt trong nhiều năm… Chiến tranh đã chấm dứt vào năm 1802 (sau Hoa Kỳ khoảng 23 năm). Nhưng nay thì đếm từ cuối bảng đi lên. Tại sao? Có phải vì những lý do sau?

1. Sự lạm dụng quyền lực, khiến dân lành bị chết oan.

Sau khi làm Tổng Thống, George Washington đã cả một đời lo cho dân, vì dân, vì nước mà xây dựng một nền móng dân chủ vững chắc cho tương lai dài của đất nước. Trong khi đó, sau khi yên vị, những Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, trở thành những Neron ở trời đông, đã lạm dụng quyền lực, chém giết hơn 200.000 ngàn người dân lành với mục đích xây dựng quyền lực cho đế chế quân chủ của dòng họ.

Đọc sử, nhìn con số dân lành bị chết oan, chết bằng muôn loại cực hình ai cũng thấy rợn người. Rồi thấy những hình phạt gián tiếp giáng xuống trên gia đình các nạn nhân, có ai không mủi lòng hoặc không lên án cái man rợ của những bạo chúa? Ấy thế mà, Sử xem ra cũng có chỗ bất công khi những kẻ giết người vì mục đích tư dục, không hề bị “lịch sử” phê phán, trừng phạt. Trái lại, còn được treo gương, đề tên ở trên đường phố của Việt Nam!

Tôi tin rằng, dân tộc Việt Nam không phải là giống dân mọi rợ, thờ thần bạo ác? Lại không thiếu tên tuổi của những ngưòi vì dân vì nước từ hơn 4.000 năm qua, nhưng không thấy nhắc đến. Trái lại, tên tuổi của những bạo chúa giết người thô bạo lại được treo cao gía ngọc trên các đường phố Việt. Tại sao lại thế? Chỉ vì họ là vua quan chăng? Tôi không cho cái nhìn ấy là đứng đắn và quan trọng. Bởi lẽ, dù chỉ là một người chiến binh, một người nông dân áo vải đã hiến cả mạng sống của mình vì dân tộc, vì đất nước thì cái phẩm giá, cái nghĩa khí họ để lại cho non sông còn cao qúy và đáng trọng hơn ngàn lần so với tên của những người chỉ có vị vua, quan mà chẳng có một chút công trạng nào với nước.

Có ai muốn đường phố Việt Nam vẫn mang tên những tội phạm bán nước Lê chiêu Thống, Trần ích Tắc, Hồ chí Minh hay những kẻ giết người như Nguyễn văn Trỗi, Trường Chinh… sau khi chế độ bạo tàn này đã bị hạ bệ không?

Tôi chưa sang Đức, không biết ở đó có tên đường phố nào mang tên Hitler, Himmler không? Đừng bảo là những nhân vật này thuộc về lịch sử nên phải để lưu lại danh tánh nhá. Lịch sử thì có góc riêng của lịch sử như khi ngưòi ta nhắc đến Trần ích Tắc, Lê chiêu Thống.

2. Sau khi dành được Độc Lập, người dân bên kia vỹ tuyến 17 được những gì?

Bên cạnh những hệ lụy từ lâu đời ấy, sau cuộc kháng chiến dành lại Độc Lập từ tay thực dân, ngoài những khẩu hiệu lẫy lừng, người dân ở bên kia vỹ tuyến 17 được những gì? Họ có được đời sống tự do, ấm no hạnh phúc, được công lý và luật pháp của một nước độc lập bảo vệ? Hay họ bị Hồ chí Minh cho ăn bánh vẽ, rồi bị nhào nặn thành những kẻ nô lệ với cuộc sống còn tồi tệ, thống khổ hơn cả những ngày sống dưói ách thực dân?

Cuộc kháng chiến gọi là dành Độc Lập mà vào phút chót Hồ chí Minh bỗng nắm được quyền lực không phải là do công lao của Hồ chí Minh và tập đoàn cộng sản mà có. Nhưng là do công sức của toàn dân, trong đó phải kể đến những cuộc chống thực dân đã có từ trước, tổn hại rất nhiều xương máu của ngừoi dân từ vụ binh biến ở kinh thành với vua Hàm Nghi, rồi đến những đoàn nghĩa quân lên đường vì nước chẳng vì vua quan như ông Phan Đình Phùng, Cao Thắng đến Hoàng Hoa Thám, Đề Thám, Nguyễn Trung Trực, Phan Liêm, Phan Tôn, Nguyễn thái Học, cô Giang, cô Bắc và các phong trào Đông Du, với cụ Phan bội Châu, Phan chu Trinh… mà có. Nhưng sau khi cưóp được chính quyền trong tay của chính phủ Trần trọng Kim, Hồ chí Minh và tập đoàn cộng sản, phần vì quyền lợi phe nhóm, phần vì phận làm nô lệ cho Nga, Tàu nên họ đã quay trở mũi giáo vào dân chúng.

Trước hết, để đền ơn nhân dân đã hy sinh xương máu trong cuộc tranh đấu dành lại độc lập cho Việt Nam từ tay thực dân Pháp, Hồ chí Minh, ngay sau khi nắm được chính quyền đã tổ chức một mùa đấu tố rực rỡ với chủ đề “cải cách ruộng đất”. Nói là cải cách ruộng đất cho nó có chữ vậy, thực chất đây là cuộc phỗng tay trên toàn bộ tài sản của đất nước vào tay đảng cộng sản. Cuộc đấu tố này đã được thực hiện ở trên đất bắc sau ngày ký Hiệp Định đình chiến 20-7-1954. Với cái chết oan khuất của hơn 170.000 người trên tổng số khoảng 14 triệu dân, HCM vĩnh viễn đi vào lịch sử Việt Nam như là một đồ tể vô tiền khoáng hậu. Nạn nhân của Hồ là những ai?

Thứ nhất, họ là những ngưòi dân yêu nước, đã từng nuôi ăn, cho ở đợ những tên tuổi từ Hồ chí Minh, Phạm văn Đồng, Trường Chinh, Hoàng văn Hoan, Nguyễn duy Trinh, Trần quốc Hoàn, Võ Nguyên Giáp… cho đến các cấp nhỏ nhất tại các thôn xóm. Nghĩa là không có một đoàn đảng viên nào mà đã không sống nhờ vào lòng hảo tâm của những ngưòi mà chúng giết sau này. Người bị giết đầu tiên được nhắc đến tên là bà Nguyễn thị Năm ở Bắc Ninh. Người không được nhắc đến tên tuổi là những nông dân trên các cánh đồng, bằng cách này hay cách khác đều là những ân nhân nghìn đời của cộng sản.

Kế đến là nhiều cha mẹ, anh em ruột thịt và thân nhân, lối xóm của rất nhiều sỹ quan và cán binh, có người còn sống, có người đã chết trong chiến đấu, thuộc những đại đoàn chính quy, hậu cần, trong suốt thời kỳ kháng chiến. Họ là những ân nhân của cách mạng, đã từng tiếp tế lương thực gạo thóc, tiền bạc thức ăn cho Việt Minh trong suốt 9 năm kháng chiến. Nhưng được Hồ chí Minh đền ơn bằng cách lôi ra đấu tố vì là điền chủ, phú nông, lý trưởng, chánh tổng… với tội danh: “tay sai của thực dân cài ngưòi vào tổ chức của ta. Nó tiếp tế cho ta là vì muốn nắm tin tức của ta. Thực tế chúng là những kẻ bóc lột dân ta”!

Rồi đến bản thân nhiều sỹ quan binh sỹ đã đi vào kháng chiến cũng không tránh được tai họa vì nghề đấu tố của HCM. Lý do, sau chiến tranh, người cán binh về thăm quê, chưa gặp gia đình đã gặp đội đấu và đội “quần chúng nhân dân”. Các anh bị bắt giữ và bị hành quyết với tội danh: “Nó là con địa chủ, có ăn có học ở thành phố, ở với tây, được cài vào trong đội quân của ta làm phản gián!”. Tôi có hai ngưòi thân nằm ở trong trường hợp này (trung tá Phạm Hàm va em là thiếu tá Phạm Hiến) quê ở Yên Mô, Ninh Bình. Bố ở nhà bị giết vì tội “Việt gian”, con về thăm nhà cũng được Việt cộng cho đi tầu suốt! Sau cùng là nông dân có vài sào ruộng và vài con trâu cũng từng góp gạo, góp của cho kháng chiến. Nhưng được đảng đôn lên hàng phú nông, thuộc giai cấp bóc lột và cũng nhận được một nhát dao ân huệ của Hồ chí Minh. Tính ra trong cả nước, không ai mà không có tội. Hôm họp ở làng tôi, một làng đã vào tề ở ngoài bắc, sau vào nam lại lập ấp, cán bộ chắp tay sau đít, đi đi lại lại điểm mặt: “bà con liệu đấy, ở đây không ai mà không có tội, chỉ là nhà nước chưa tính tới phiên mà thôi!

Gặp những cảnh bị đối xử bất nhân, bất công như thế đã đủ làm cho ngưòi dân lạnh nhạt, thờ ơ với việc nước chưa? Liệu còn có ngọn lửa nào, hay cuộc lừa phỉnh nào sẽ mãnh liệt hơn để cho lòng họ nóng lại hay không? Không, tôi tin là không có một ngọn lửa nào, không có một chiêu bài nào có thể làm cho lòng họ nóng lại, để họ tự đem chính bản thân của mình ra để phục vụ cho một chế độ tàn bạo ngay sau mùa đấu tố 1954 được nữa.

3. Trong khi đó, ở miền nam từ 1954-75, Lòng Dân ra sao?

Cuộc chia đôi đất nước không làm cho lòng người ở miền nam yên tâm, dù ở đây chính quyền ra sức bảo vệ họ thay vì mở những cuộc đấu tố, cải cách như ở ngoài bắc. Tuy thế, nhiều lúc họ cũng chẳng biết số phận của mình sẽ ra sao. Nhìn chung, chính quyền, phần thì nỗ lực để vãn hồi an ninh trật tự đầy bè phái và hỗn loạn, sống như vô pháp vô cương do Bảo Đại để lại. Phần thì ra công ra sức xây dựng, đặt nền móng cho một định chế Dân Chủ sau khi thu hồi Độc Lập từ tay thực dân Pháp và bãi bỏ thể chế quân chủ đã tồn tại trên giải đất này từ thời lập quốc. Đã thế, còn lao nhọc chăm lo đến đời sống của người dân, hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho hơn một triệu đồng bào di cư, trốn nạn cộng sản từ bắc vào nam. Đến khi mới có chút nắng, mang màu hy vọng cho một tương lai của đất nước trên đỉnh đầu thì các thế lực chính trị ăn bám theo Tây, nhưng đã mất quyền lực, hay vì ảo giác chính trị (muốn có quyền lực) lại tìm cách khuấy động lòng dân nổi lên đấu tố chính quyền, thay vì hướng dẫn người dân đi vào đường lối chính thống, thay đổi chính phủ bằng những lá phiếu theo điều kiện của luật pháp!

Một trong những vụ khuấy động lòng dân lớn rộng, nấp dưới tấm bình phong tôn giáo để che đậy mưu đồ chính trị có lợi cho cộng sản là phong trào “chống kỳ thị tôn giáo” do TT Thích Trí Quang lãnh đạo (điều này lúc trước xem ra là cấm kỵ, nhưng nay thì chả còn ai phủ nhận khi xem những đoạn Video cũ) đưa đến cái chết của TT Thích quảng Đức làm rúng động thế giới. Tuy bị cáo buộc khá nhiều, nhưng sau nửa thế kỷ tính từ ngày nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại miền nam Việt Nam cáo chung với cái chết đau thương của TT Ngô đình Diệm và người bào đệ của ông, ngưòi ta đã không thể tìm ra những bằng chứng cụ thể, xác thực nào về việc chính quyền này kỳ thị tôn giáo. Thay vào đó là những chứng cứ cho thấy có bàn tay của Việt cộng nằm trong cấp lãnh đạo của phong trào này.

Sang đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ngọn lửa kỳ thị được cộng sản thổi bùng lên và lôi kéo được khá đông quần chúng miền trung tham dự, mà điển hình là trường hợp Thanh Bồ- Đức Lợi ở Đà nẵng, Nếu những vị lãnh đạo của hai tôn giáo lớn lúc bấy giờ là Công Giáo và Phật Giáo không sớm nhận ra đó là một âm mưu do Cộng sản cài đặt, và không đủ kiềm chế thì cuộc chiến về tôn gíao đã có thể bùng phát. Dù là lớn hay nhỏ thì cái tai họa cho dân tộc chắc không nhỏ và ảnh hưởng không phải chỉ là một khoảng thời gian.

Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. Ngoài biên, chiến trận mỗi lúc thêm khốc liệt. Hậu phương, thêm nhiều tổ chức đấu tranh vận động quần chúng, thanh niên sinh viên học sinh xuống đường đòi hòa bình, đấu tố chính quyền. Kết qủa, ngày 30-4-1975 đã đến. Nó đến trong nỗi bàng hoàng, hoảng sợ của mọi ngưòi, kể cả những người đã từng theo cộng khuấy động lòng dân đứng lên đấu tố chính quyền lúc trước. Tất cả đều trắng mắt ra để nhìn “mưa sa trên lá cờ đỏ” mà không dám có lấy nửa lời phản kháng, hoặc đòi công lao! Lòng dân ra sao sau tháng tư đen?

4. Hoà bình rồi, đồng bào ơi. Hoà bình rồi, nhận lấy đắng cay!

Hoà bình rồi, đồng bào ơi. Hoà bình rồi. Mừng chưa nào, ra nắm tay nhau mà nhẩy son đố mì… Mừng chưa, người Việt Nam đã hoàn toàn được giải phóng! Mừng ơi, sau hai mươi năm chiến tranh mới có một ngày như hôm nay!

Câu chuyện hôm trước vui nhộn thế. Qua một đêm đen, sáng hôm sau đã ra khác. “Đả đảo Thiệu Kỳ, mua gì cũng có. Hoan hô Hồ chí Minh, mua cái đinh phải xếp hàng”! Hai câu đồng dao như tát nước vào mặt những kẻ mang ảo giác chính trị từng lôi kéo người dân, thanh niên sinh viên học sinh xuống đường đấu tố chính quyền, tiếp tay cho việc làm mất luôn miền nam. Rồi nó như một bài “Giáng” đã nói lên tất cả mọi sự thật phũ phàng về đời sống kinh tế của con người dưới chế độ cộng sản. Không phải chỉ là những ngày đầu, nhưng là khởi đầu của một cuộc tang thương nối tiếp.

Bước sang lĩnh vực chính trị, xã hội còn thê lương hơn nhiều: “Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý. Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do”. Nay thì những kẻ từng chống đối TT Ngô đình Diệm, hay TT Nguyễn văn Thiệu ở miền nam trước kia không còn cười được nữa. Bởi vì một bài “ Giáng” khác của chế độ mới đã công bố toàn bộ sách lược của chế độ đối với người dân. Ai nghe thấy cũng đều ngậm đắng nuốt cay. Mà sự “ngậm đắng nuốt cay,” không cười được nửa không phải chỉ bắt đầu bằng câu đồng dao của thời đại khi Việt cộng đổi tên đường phố ở Sài Gòn. (Chẳng biết có phải là lòng trời đã xui khiến hay là tình cờ có sự trùng hợp mà đường Công Lý bị thay bằng cái tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Và đường Tự Do thì được thay bằng cái tên Đồng Khởi!) để cho ngưòi ta nói chuyện diễu. Nhưng thực chất là từ ngày 30-4-1975 người dân sống trên phần đất ấy không được Công Lý bảo vệ và cũng chẳng có cuộc sống trong Tự Do. Bởi vì, sau những cuộc biểu tình đòi hòa bình, đấu tố chính quyền do cộng sản giật giây, giờ đây, ngưòi miền nam đến lúc nối theo nhau vào nhà tù. Dĩ nhiên, trong đó có rất nhiều những khuôn mặt “nhớn” từng chống TT Diệm và TT Thiệu lúc trước. Những tưởng “trở mình” là nên quan tướng nhớn, nào ngờ chỉ là ảo giác! Phần ngưòi dân thì hết nỗi thống khổ này chồng lên thống khổ khác. Bị ức chế bị chà đạp từ đời sống hàng ngày cho đến đời sống tinh thần trong tôn giáo. Hỏi xem bây giờ họ sẽ theo ai? Theo Ngô đình Diệm phục vụ con người, hay theo Hồ chí Minh mở cuộc đấu tố anh em? Hoặc là ì ra, muốn đến đâu thì đến?

Ở độ tuổi từ 50 trở lên thì có đầy đủ những chán chường ấy chất lên người, họ còn khát vọng gì cho tương lai nữa hay không? Chắc là không đâu nhỉ? Tuổi trẻ thì sao? “Vô tri thời bất mộ”. Người ta không thể mộ mến cái mà người ta không biết. Và cách để biết, để tri thì không có gì hơn được, hay bằng phương cách giáo dục cẩn thận, đứng đắn ngay từ trong học đường. Tiếc rằng, cả hai điều kiện căn bản này đều vắng bóng trong hệ thống giáo dục và đào tạo của cộng sản từ năm 1954 ở ngoài bắc, và ở miền nam từ sau 30-4-1975.

a. Về lịch sử

Học sinh không được học gì về lịch sử của dân tộc mình. Không biết hai bà Trưng chống cuộc ngoại xâm nào. Không biêt những tên Tô Định, Mã Viện tàn bạo với dân mình ra sao. Không biết chuyện “gò” Đống Đa mang ý nghĩa gì. Không biết Chi Lăng nơi chôn vùi Liễu Thăng ở nước nào. Không dám nói đến việc vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Trần Hưng Đạo triệt quân Nguyên… Lại miệt mài nhồi nhét vào đầu những cái gương “đuốc sống” tưởng tượng Lê văn Tám, Võ thị Sáu, Nguyễn văn Trỗi, Bế văn Đàng, đánh Mỹ cứu nước… để khi thi môn sử, lỡ có đề án ra nhầm vào những nhân vật trên là cả lớp, cả trường, có khi cả khoá thi bị điểm Zêrô, điểm 1, điểm 2. Với một kết quả như thế thì tìm đâu ra lòng yêu nước của những thế hệ mới? Nên không lạ gì tập đoàn cộng sản từ Hồ chí Minh đến những cấp gọi là lãnh đạo hôm nay đều cúi đầu, cúc cung phục vụ cho chủ nhân Tàu với lòng độc ác tàn hại dân rất cao và không bao giờ thiếu. Trái lại, lúc nào cũng sẵn sàng. Bằng chứng, việc biểu lộ lòng yêu nước của những ngưòi trẻ Việt Nam hôm nay đã rất hiếm hoi. Đến khi họ tự tập trung với nhau lên tiêng trong những vụ việc về biên giới, biển đảo bị Trung cộng lần chiếm, đã không hề được các “quan chức” nhà nước hỗ trợ hay gỉa làm ngơ. Trái lại, từ những Điếu Cày, Tạ phong Tần….. đến Nguyễn chí Đức, Lê quốc Quân, Bùi Hằng, rồi Việt Khang, Lê Phương Uyên… cùng thét gào lên trong nức nở Việt Nam Tôi Đâu: Anh Là Ai ở trong chốn nhà lao!

b. Về nhân cách, lễ nghĩa

Những dòng chữ nắn nót treo ở trên tấm bảng đen và trên tường trong lớp học của học sinh miền nam trước kia thường là những dòng chữ tuyệt vời trong ý nghĩa giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Ngày nay học tập ngày mai giúp đời” hoặc là “ nhiễu điều phủ lấy giá gương”… đã được nhà nước “cộng hoà xã hội chủ nghĩa” giải phóng, lột bỏ, quăng đi cho bằng hết. Rồi thay vào đó là lối giáo dục hết sức phản giáo dục với hàng chữ: “Sống và học tập theo gương bác hồ vĩ đại”. Thưa cô, gương của “bác” là gương gì ạ? Có Trung , có Hiếu, có Lễ, có Nghĩa, có Tín không ạ? Cô gíao thấp giọng:

- “bác có nhiều tấm gương lớn các cháu phải noi theo”. Trung Hiếu Lể Nghĩa Tín các chữ ấy đều có. Nhưng chỉ có chữ thôi phần thực hành thì không. Có em nào nom thấy bác làm giò, thắp nhang cho ông bà cha mẹ bao giờ không? Thưa cô không ạ! Thế đấy, nên họ nói thì cứ mặc. Các em nhớ đấy, “bác còn nhiều cái gương khác nữa”. Trung thì không bán nước, Nhân thì không giết ngưòi. Lớn lên tự mình nhìn việc mà đánh gía. Nghe thế, lũ trẻ hoang mang, chẳng biết đâu mà mò. Về nhà, cha mẹ em cứ dạy là phải thảo hiếu cha mẹ và yêu thương đồng loại và yêu tổ quốc. Ai đúng, ai sai? Lạ, lạ qúa….Tiếng đầu đời không gọi cha gọi mẹ, mà gọi Sít ta lin!

Với những tấm gương ấy trong học đưòng, ngoài xã hội, cộng sản đã phá nát nền luân lý của dân tộc và của tôn giáo tại Việt Nam nên “nguời ta phải nói dối nhau mà sống” (ĐB Trần quốc Thuận PCT QH khóa IX). Hầu như không tìm ra một câu nói thật nào với nhau, nhất là về phương diện quan điểm chính trị. Trong khi đó cuộc sống của xã hội càng ngày càng bị phủ ngập bởi những loại tội đại ác. Con giết cha, vợ giết chồng, tình nhân giết nhau, bạn học giết bạn học và cả học trò chém thầy, cô, vì không có điểm tốt. Phần thầy thì gạ tình trò đổi lấy điểm. Khi bước ra đường là đụng tiến sỹ, gái điếm. Bước vào nhà thương, ngõ hẹp thì thấy đầy dẫy những phòng nạo, cạo, hút thai công khai. Hỡi ơi, mỗi năm có đến hàng trăm ngàn vụ phá thai và nghĩa địa hài nhi thì mọc lên như nấm ở khắp nơi. Mà người cha không ai biết đến, trong khi người mẹ đa phần là trẻ vị thành niên, thậm chí có em, một năm đã phá thai đến ba, bốn lần! Một xã hội tốt đẹp, có trật tự, lễ giáo trước 1975, chỉ hơn ba mươi năm đạt đến những “thành tích” lẫy lừng này thì hẳn nhiên, không còn cái gương nào “tốt” hơn, “sáng” hơn hoặc là bằng với cái gương của Hồ chí Minh mà chế độ này đem treo và vào áp dụng ở khắp đầu đường, xó chợ!

Đó là những điều làm ảnh hưởng đến Lòng Dân, tưởng là ghê gớm hay mới mẻ. Thật ra, nó cũ rích và tôi chỉ nói lên được đôi chút trong những nỗi thống khổ tận cùng của dân tộc ta trong vài trăm năm qua, không thể nói lên toàn cảnh được. Nên với gánh nặng tựa núi đá, cộng thêm cuộc khủng hoảng đạo lý và niềm tin do cộng sản tạo ra, cứ mãi đổ xuống trên thân thể người dân như thế. Họ chưa chết, chưa ra điên hết, còn được như hôm nay đã là may mắn, nói chi đến vấn đề bạc nhược, hay thờ ơ trước thời cuộc. Khi đàn gà phải cáo nấp ở trong góc chuồng, chi nghe thấy tiếng động nhỏ ở đâu đó là đã vỡ mật, cần chi phải nhìn thấy con cáo. Người Việt Nam ta hôm nay còn nằm ở trong hoàn cảnh bi đát hơn thế nhiều. Vì lũ cáo đã nằm ngay ở trong chuồng gà. Cũng may, nhờ kinh nghiệm từ thời phong kiến đến cộng hòa, đặc biệt sau sáu mươi năm sống dưới chế độ bạo tàn cộng sản đã giúp họ thu vén cho mình một chút vốn liếng riêng. Rõ ràng, họ căm thù cộng sản đến tận xương tủy, nhưng cũng không thể bồng bột vào cuộc đấu tố chúng để lãnh lấy thất bại. Nghĩa là, họ sẵn sàng đứng dậy để Chôn Nó Đi, nhưng sự sẵn sàng ấy phải có những điều kiện khả dĩ, nắm chắc thành công. Bởi lẽ, sau một thất bại lớn, cuộc sống còn thê lương hơn nhiều.

Tóm lại, Lòng Dân như một thúng bột. Gặp cơn gío lốc thì bay đi tứ tán. Bột bị phí phạm và không đem lại lợi ích. Nhưng nếu biết đem bột hoà chung với nước thì lại trở thành lương thực để nuôi sống con ngưòi.

Theo đó, chúng ta, không thể lên tiếng trách cứ dân tình là thiếu tri thức, ý thức về quốc gia hay thờ ơ với việc nước được. Trái lại, phải xác định rằng các chính quyền trong vài thế kỷ qua cũng như các thế lực mang ảo giác chính trị đã lừa dối lòng yêu quê hương của người dân qúa nhiều. Những thế lực này là nguyên nhân làm hỏng thúng bột. Làm bột bay đi tứ tán. Là nguyên nhân tạo ra sự lạnh nhạt trong lòng người dân. Và tệ hại hơn thế là, chính sự lạnh nhạt, thờ ơ của người dân hôm nay lại là con đường mở cho cộng sản tồn tại trên đất nước này.

Như thế, muốn Chôn Nó Đi, chúng ta phải tìm cách vận động thế nào để cho bầu nhiệt huyết vì quê hương lại có dịp luân chuyển trong huyết quản con dân Việt Nam. Thí dụ, ngày xưa tầng lớp sỹ phu nắm giữ mọi trọng trách thúc đẩy nhân dân đi lên. Nay xem ra là đến thành phần tuổi trẻ phải gánh vác công việc này. Bởi lẽ, họ là những người viết blog riêng, vào các trang mạng xem thông tin. Họ nhận được nhiều nguồn tin đúng. Đọc được những quan điểm đứng đắn về biên giới, chủ quyền trên biển đông. Nhờ họ, những bản tin nhà nước đàn áp, bắt giam những ngưòi chống Trung cộng xâm lược, đến được với nhiều người. Đặc biệt là ở vùng nông thôn là nơi không có nhiều điều kiện tiếp cận với thông tin thật. Nay nhận được những bản tin, họ hiểu được chẳng bao lâu nữa Trung cộng sẽ vào chiếm đình làng. Hoặc gỉa, trực tiếp điều hành những công việc ngay tại xã thôn như chúng đang làm ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam như ở Nông Cơ, Tân Rai… những khu khai thác quặng mỏ, khai thác rừng thuê mà không một người Việt Nam nào được phép đến, kể cả cán bộ cấp trung ương. Những bản tin này sẽ đưa người dân vào những ưu tư trước thời cuộc. Người dân dần thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn. Riêng tầng lớp thanh niên thay thế lớp Sỹ Phu, trở thành những yếu tố chính cho một cuộc cách mạng mới mà toàn dân đang mong chờ để được tiếp tay. Từ đó, bầu nhiệt huyết về quê hương sẽ trỗi dậy.

Một khi bầu nhiệt huyết vì quê hương lại cháy lên trong Lòng Dân thì có xá chi việc loại trừ chế độ cộng sản ra khỏi đất nước Việt Nam. Trái lại, vẫn trách cứ, vẫn đổ lỗi cho dân, hoặc chỉ lợi dụng họ khi muốn qua cầu, chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt, không thể tìm được sức mạnh hỗ trợ từ đồng bào của mình. Nếu không có sức mạnh vạn năng từ Lòng Dân, không ai có thể làm nổi công việc lấp bể dời non.

© Bảo Giang

© Đàn Chim Việt

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link