Nhật
Bản tái vũ trang?
© Trần Bình Nam
Qua cuộc bầu cử quốc hội Nhật Bản ngày 16/12/2012, đảng Tự do Dân chủ (Liberal Democratic Party – LDP), một đảng bảo thủ, toàn thắng và lấy lại chính quyền từ tay đảng Dân chủ Nhật Bản (Democratic Party of Japan – DPJ). Ông Shinzo Abe, chủ tịch đảng LDP trở thành thủ tướng. Ngày 26/12, thủ tướng Shinzo Abe công bố thành phần nội các đa số là thành phần cực hữu. Ngay sau đó ông có chương trình công du Indonesia vào cuối tháng Giêng 2013 này, và theo chương trình ông có thể đến thăm Việt Nam và Thái Lan. Nếu những cuộc thăm viếng này xẩy ra thì đó là một chỉ dẫn Nhật Bản đang chuyển hướng chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Sau khi bị Hoa Kỳ đánh bại trong trận Thế chiến 2, chấp nhận bản Hiến Pháp do Hoa Kỳ soạn thảo, quân đội Nhật chỉ tồn tại về hình thức (gọi là lực lượng tự vệ) như một lực lượng cảnh sát.
Người Nhật thực tế chấp nhận tư thế của kẻ bại trận chịu đặt mình dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ để dồn nỗ lực vào xây dựng kinh tế. Kết quả trong ba bốn thập niên từ 1970 trở đi Nhật Bản trở thành một lực lượng kinh tế lớn thứ hai trên thế giới cho mãi gần đây mới xuống hàng thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung quốc.
Trong suốt hậu bán thế kỷ trước Nhật Bản hoàn toàn tin cậy vào Hoa Kỳ ngay cả sau khi Hoa Kỳ thua trận tại Việt Nam. Quân đội Hoa Kỳ còn đóng tại Nhật Bản và Nam Hàn và Hạm đội Thái Bình Dương vẫn còn là một lực lượng áp đảo trong khi Trung quốc còn là một quốc gia hậu tiến về mọi phương diện.
Trong nhiệm vụ xây dựng kinh tế, nhân dân Nhật Bản tin cậy đảng Tự Do Dân Chủ và đã bầu cho đảng này cầm quyền liên tục trong 38 năm (từ 1955 đến năm1993). Giữa thập niên 1990 đảng LDP trở lại quyền hành và chỉ tạm mất quyền vào tay đảng Dân Chủ Nhật Bản (Democratic Party of Japan – DPJ) từ năm 2009. Và nay trước tình hình khẩn trương trong vùng Á châu Thái Bình Dương nhân dân Nhật Bản lại đưa đảng LDP trở lại chính quyền. Một sự chuyển đổi chính sách bắt đầu.
Bước vào thế kỷ 21, bàn cờ Á châu – Thái Bình Dương không còn như trước. Hoa Kỳ bận rộn và lúng túng với hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, kinh tế khủng hoảng, trong khi tại Á châu Thái bình Dương, Bắc Hàn chế bom nguyên tử và Trung quốc trở thành một lực lượng khuynh đảo với tham vọng độc chiếm Biển Đông, con đường thông thương huyết mạch của nền kinh tế Nhật Bản. Tình hình xê dịch trước mắt cho Nhật Bản thấy Nhật Bản không còn có thể đặt an ninh của mình dưới chiếc dù Hoa Kỳ. Nhật Bản thấy họ phải chọn con đường tự bảo vệ.
Thật ra Nhật Bản luôn luôn ý thức nhiệm vụ tự bảo vệ nên dù Hiến Pháp không cho phép thành lập một quân đội nhà nghề, Nhật Bản cũng đã chuẩn bị sẵn để khi cần Nhật Bản có một quân lực trong một thời gian ngắn. Các tàu chở dầu của Nhật Bản có thể cải biến thành mẫu hạm nhanh chóng, đội ngũ nhân sự cấp sĩ quan lái thương thuyền và hàng không dân sự được huấn luyện như các sĩ quan Hải quân và Không quân. Và dù là nước chống vũ khí nguyên tử mạnh nhất trên thế giới Nhật Bản cũng chuẩn bị sẵn phương tiện kỹ thuật và hiểu biết khoa học để có thể chế bom nguyên tử trong một thời gian ngắn.
Thủ tướng Shinzo Abe trở lại chính quyền với một chương trình tu chính Hiến Pháp để giải phóng Nhật Bản ra khỏi những hạn chế của Hiến Pháp hậu Thế chiến 2. Hai điểm ưu tiên là hủy bỏ điều khoản tước bỏ quyền của Nhật Bản phát động chiến tranh và quyền trưng dụng nhân sự cho quân lực. Trong dự thảo tu chính Hiến Pháp của đảng LDP có nhiều điểm làm thế giới không an tâm như cho phép quốc hội ban bố tình trạng khẩn trương và trong thời kỳ khẩn trương các sắc lệnh của quốc hội là luật. Ngoài ra thủ tướng Shinzo Abe còn dự tính duyệt lại Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. Và thay đổi chương trình giáo dục để thẳng thắn giáo dục thanh niên Nhật Bản không có gì phải sợ hải vũ khí nhất là khi đất nước bị đe dọa.
Với các thành phần cực hữu trong nội các, Nhật Bản đã bày tỏ ý muốn từ bỏ các nhượng bộ của các chính phủ Nhật Bản trước đây. Chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe cho rằng: (1) giành quyền thăm viếng đền Yasukuni nơi thờ các tướng lãnh Nhật bị Hoa Kỳ xử tử sau chiến tranh, (2) phủ nhận các hành động vô nhân đạo của quân đội Nhật Bản trong chiến tranh và (3) phủ nhận giá trị của các bản án xử tội phạm chiến tranh tại Tokyo trong các năm 1946-1948 là những đòi hỏi hợp lý và công bình đối với Nhật Bản.
Một thành phần nhân dân Nhật có thể cho thủ tướng Shinzo Abe đi quá xa. Nhưng nếu tháng 7/2013 này đảng LDP thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện thì không có gì để ngăn cản thủ tướng Shinzo Abe mạnh tay thực hiện các chính sách chuẩn bị Nhật Bản cho tình huống mới.
Trong thế cài răng lược hiện nay tại Á châu giữa Trung quốc và Hoa Kỳ con đường tốt nhất và an toàn nhất của Nhật Bản là tái võ trang để trở thành một lực lượng “lót” giữa hai thế lực kềnh chống nhau . Trung quốc sẽ mất một ít thế tự tung tự tác, và Hoa Kỳ nhờ thế sẽ tránh khỏi những trường hợp phải làm những chọn lựa khó khăn.
Một Nhật Bản ra khỏi ràng buộc của bản Hiến Pháp “hòa bình”, tái võ trang, mạnh về kinh tế và nếu cần trang bị vũ khí nguyên tử theo công thức của Do Thái (là không công nhận, cũng không chối bỏ) Nhật Bản sẽ giúp làm cho các đụng chạm giữa Trung quốc và Hoa Kỳ bớt nảy lửa.
Trong cuộc tranh chấp ngấm ngầm hiện nay tại Á châu Thái Bình Dương, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sự chọn lựa chính sách. Sự đe dọa của Trung quốc đối với sự vẹn toàn của đất, biển và nền độc lập của nước nhà lồ lộ trước mắt, nhưng tiến thối lưỡng nan vì Việt Nam cũng không thể tin vào chính sách lâu dài của Hoa Kỳ, nhất là khi Hoa Kỳ không còn sức mạnh như trước. Và trước sự khó khăn này, một Nhật Bản mạnh có chính sách độc lập làm trái độn có thể là một chỗ dựa tốt cho Việt Nam.
Nhìn về mặt nào, sự tái võ trang của Nhật Bản để Nhật Bản có thể đóng một vai trò trên vũ trường Thái Bình Dương và thế giới là một sự suy nghĩ tích cực và hợp thực tế.
Như một thông lệ các nước Tây Âu và Hoa Kỳ thường tỏ ra lo ngại khi Nhật Bản tỏ ý vượt thoát các ràng buộc hạn chế hành động của Nhật Bản áp đặt sau Thế chiến 2. Lần này cũng vậy, nhất là các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền trên thế giới nhất thiết cho rằng tu chính Hiến Pháp là bước đầu đưa Nhật Bản trở lại con đường tạo sự mất ổn định của Á châu như trong bán thế kỷ 20.
Nhưng khung cảnh thế giới hôm nay đã thay đổi một cách căn bản, và Hoa Kỳ cần có một cái nhìn thấu triệt về Á châu và vai trò mới của Nhật Bản. Chính sách “pivot” về Á châu không có nghĩa là chuyển một ít quân đến Úc châu, đưa 60% hạm đội đến Tây Thái Bình Dương mà chính yếu là thay đổi cách nhìn chiến lược trong đó Nhật Bản cần được xem là một yếu tố tích cực chứ không phải là một con cờ nép bóng dưới sự che chở của Hoa Kỳ.
Jan. 16, 2013
© Trần Bình Nam
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment