Thứ
năm 17 Tháng Giêng 2013
Mỹ kêu gọi Nhật và
Trung Quốc “bình tĩnh” trên vấn đề tranh chấp lãnh thổ
Trợ
lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell tại Nhật Bản, sau cuộc gặp ngoại trưởng Nhật
Fumio Kishida, Tokyo, 17/01/2013.
REUTERS/Toru
Hanai
Trọng
Nghĩa
Ghé thăm Tokyo
ngày hôm nay, 17/01/2013, một quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp đã kêu gọi Nhật Bản
và Trung Quốc giải quyết ổn thỏa cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên
biển Hoa Đông. Lời kêu gọi được đưa ra một hôm trước khi Ngoại trưởng Nhật Bản lên
đường qua Mỹ để thảo luận về hướng tăng cường thêm quan hệ giữa hai đồng minh.
Sau các cuộc tiếp xúc với các quan chức ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo, ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á–Thái Bình Dương đã nhấn mạnh đến nguy cơ tình hình ổn định trong khu vực bị tranh chấp Nhật Trung đe dọa. Theo ông, Hoa Kỳ rất mong muốn là “thái độ bình tĩnh phải được ưu tiên để hòa bình và ổn định chung được duy trì”.
Đối với nhà ngoại giao Mỹ, lời kêu gọi giữ thái độ bình tĩnh cũng áp dụng cho cuộc tranh chấp vừa bùng lên giữa Tokyo và Seoul về quần đảo Dokdo/Takeshima mà Hàn Quốc đang kiểm soát, nhưng bị Nhật Bản đòi chủ quyền. Trước khi đến Nhật Bản, vào hôm qua ông Kurt Campbell đã ghé Seoul, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ tại châu Á.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ xác nhận : “Hoa Kỳ rất quan ngại trước một số hành động xung quanh vấn đề trên biển. Chúng tôi đã truyền đạt riêng (tới từng nước) mong muốn của chúng tôi về một nền ngoại giao trầm lặng và có hiệu quả”.
Ông Campbell đã ghé Tokyo một hôm trước chuyến công du Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày mai của tân Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, mà mục tiêu chính là nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ với đồng minh chính của mình. Tại Mỹ, Ngoại trưởng Nhật Bản sẽ làm việc với đồng nhiệm Hillary Clinton trên nhiều hồ sơ, trong đó nổi bật vấn đề quốc phòng.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ Bloomberg, ngay từ hôm nay, chuyên gia hai nước đã bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm cập nhật bản hướng dẫn quốc phòng chung, phác thảo phương cách đối phó với các mối đe dọa về an ninh chung hoặc tại các khu vực gần Nhật Bản. Văn kiện này cần được cập nhật vì lần sau cùng được sửa đổi là vào năm 1997.
Theo ông Campbell, hai bên rất chú ý đến « những lãnh vực cụ thể mà Hoa Kỳ và Nhật Bản có thể làm việc hiệu quả hơn với nhau » và nêu rõ ví dụ về vấn đề nhân đạo, tự do hàng hải, cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.
Xin nhắc lại là, chính quyền mới tại Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng để đối phó với các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc nhằm đòi hỏi chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngoài biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản kiểm soát. Các áp lực mọi mặt của Trung Quốc đã bắt đầu gây tổn hại cho một quan hệ thương mại song phương trị giá 340 tỷ đô la.
Tân Thủ tướng Nhật, dù xem Trung Quốc là « một đối tác thiết yếu cho sự tăng trưởng kinh tế », nhưng vẫn khẳng định rằng không hề có vấn đề tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, vì khu vực Senkaku/Điếu Ngư thuộc về Nhật Bản. Mỹ thúc đẩy cả hai bên giải quyết vấn đề trong hòa bình, nhưng lại cho rằng vùng đó nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh chung Hoa Kỳ - Nhật Bản.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment