Friday, January 18, 2013

Hãy làm giàu, đừng gây chiến


 

 

Hãy làm giàu, đừng gây chiến


Việt-Long, RFA
Vào lúc Trung Quốc liên tục gia tăng những hành động giành chiếm biển đảo ở biển Hoa Đông và biển Đông, Hoa Kỳ chính thức từ bỏ lập trường không thiên vị bên nào trong cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Washington muốn gì ở châu Á?


 

Tàu tuần duyên Nhật kèm tàu Hải giám 66
trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư - kuwaittimes photo


Lập trường của Mỹ

Hôm thứ năm vừa qua Tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật về ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ HR 4310. Người châu Á lưu ý, trong đạo luật này, Hoa Kỳ chính thức từ bỏ lập trường trung lập trong vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư/ Senkaku giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Vì sao Mỹ đột nhiên thay đổi hẳn lập trường, và ý nghĩa của sự thay đổi ấy là gì?

Hoa Kỳ đã thêm vào nội dung đạo luật ngân sách an ninh quốc phòng trị giá 633 tỉ đô la điều khoản công nhận quyền quản lý hành chính của chính phủ Nhật Bản đối với các đảo và quần đảo của Nhật, nhắc lại cam kết bảo vệ an ninh cho Nhật Bản “được quy định trong điều thứ 5 của “Hiệp ước an ninh Mỹ Nhật”. Văn bản còn xác định “Hoa Kỳ không chấp nhận hành động đơn phương của một nước thứ 3”.
Lý do là Hoa Kỳ nghĩ rằng lúc này đúng là lúc để làm nổi bật sự hiện diện quân sự, chính trị của mình, thường được gọi là sự “đặt chân đứng chắc chắn” ở châu Á Thái Bình Dương, như chính phủ Obama từng tuyên bố.

Bối cảnh là từ đầu năm đến nay tình hình Senkaku/ Điếu Ngư càng lúc càng căng thẳng với sự tăng cường lực lượng vũ trang của cả hai bên, hoạt động và ngăn chặn lẫn nhau quanh hải phận của quần đảo nhỏ bé này. Chúng ta từng dự đoán khi tình hình căng thẳng tới một mức nào đó thì Washington sẽ phải ra mặt đứng về phía đồng minh, thay vì cứ giả tảng với vai trò không đứng về bên nào để vuốt ve Bắc Kinh.

Washington chọn thời điểm này để thể hiện vai trò “can gián”, hay “ngăn đe” của họ trước những hành động leo thang do Bắc Kinh chủ động. Tuần trước chương trình này đã trình bày việc hai tàu khu trục cùng 9 tàu chiến khác nhỏ hơn, được Bắc Kinh chuyển nhiệm vụ thành tàu võ trang kiểm soát biển, đưa vào tăng cường lực lượng kiểm soát biển, và 4 tàu ngư chính đã đến Senkaku/ Điếu ngư. Tàu chiến Nhật ra cảnh cáo và yêu cầu rởi đi, nhưng các tàu này không đi.

Rồi hôm thứ hai bốn tàu của Trung Quốc lại lảng vảng quanh hải phận 12 hài lý của Senkakư trong suốt 13 giờ đồng hồ. Nhật Bản đưa tàu tuần duyên ra đuổi, và cảnh “đối đầu-xua đuổi- không đi” lại tái diễn. Trước đó hôm thứ bảy máy bay của Nhà nước Bắc Kinh lại xâm nhập không phận Điếu Ngư/ Senkaku. Sang thứ năm 9 tháng 1, phi cơ nhỏ của Trung Quốc lại bay qua không phận phòng vệ Tokyo. 15 chiến đấu cơ F-15 của Nhật lập tức cất cánh. Máy bay Trung Quốc lượn vòng ra khỏi vùng xâm phạm.


 

Biểu đồ cảnh phi cơ Nhật đuổi phi cơ Trung Quốc
khỏi không phận phòng vệ Tokyo hôm 9 tháng 1, 2013- Screen capture


Riêng bốn tàu võ trang của Trung Quốc thì mãi tới nửa đêm rạng sáng ngày thứ ba mới rời khỏi Senkakư/ Điếu Ngư. Mấy tiếng đồng hồ sau bộ ngoại giao Nhật Bản triệu đại sứ Trung Quốc ở Tokyo đến để phản đối về việc các tàu võ trang cùng máy bay của chính quyền Bắc Kinh xâm nhập hải phận và không phận Senkaku/ Điếu Ngư.

Chạy đua võ trang?
Chính phủ Tokyo đang cân nhắc gia tăng ngân sách an ninh quốc phòng thêm 2% lên tới 53 tỉ 400 triệu đô la. Việc gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật xem ra chỉ là tượng trưng và không có gì bất ngờ. Kế sách này sẽ được toàn dân ủng hộ, khi Thủ tướng Shinzo Abe và chính phủ cũng như người dân Nhật đã bày tỏ quyết tâm giữ lấy chủ quyền biển đảo, trong lúc Bắc Kinh càng ngày càng quyết đoán và bắt nạt tất cả các láng giềng có vùng biển nối liền với Trung Quốc. Ngân sách gia tăng của Nhật sẽ được sử dụng vào các kế hoạch gia tăng quân số lục quân và nâng cao phẩm chất cũng như mua mới nhiều loại quân dụng, vũ khí, trang bị quân sự cho tất cả hải lục không quân.

Tuy nhiên trong bối cảnh an ninh bấp bênh và thái độ xâm lấn của Trung Quốc ở Đông Á, cũng như tình trạng ngòi thuốc súng âm ỉ ở Trung Đông, Nam Á, và nhiều nơi khác ngoài châu Á, thì Hoa Kỳ cũng như tất cả các nước trên thế giới cũng đều gia tăng ngân sách quốc phòng, không nhiều thì cũng không phải là ít, tùy theo khả năng của từng quốc gia.

Thử so sánh, người ta thấy ngân sách quốc phòng của Nhật là 57 tỉ 400 triệu, ccủa Trung Quốc năm 2012 đã là 129 tỉ 272 triệu, năm nay có thể tăng chín hay mười phần trăm nữa. Tuy nhiên ngân sách quốc phòng của cả hai nước này cộng lại chưa bằng 1 phần ba Hoa Kỳ với ngân sách chuẩn thuận là 633 tỉ, lại còn thêm nhiều chi phí lớn nhỏ liên quan đến quốc phòng có thể tới ba bốn chục tỉ nữa, như các công trình nghiên cứu khoa học, phát triển vũ khí… Ngân sách quốc phòng của Việt Nam nếu đem so với những nước này thì không có gì đáng kể. Tuy nhiên ngân sách không quyết định thắng bại một khi xảy ra xung đột võ trang.
Quả là ngân sách quốc phòng chỉ nói lên tầm vóc và quyết tâm phát triển của một quân đội của một nước, trong khi chiến tranh và thắng bại còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên người ta cũng thấy quân lực của Trung Quốc đã và đang phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ, liệu Nhật và Đông Nam Á có phải lo ngại không?

Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế ở Stockholm, một cơ sở có nhiều uy tín trong lãnh vực quốc phòng và xung đột võ trang, ước lượng rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ vượt hẳn Hoa Kỳ vào năm 2035, tức là trong vòng hơn 20 năm nữa, nếu các nước giữ tỉ lệ đối với nhau về tốc độ gia tăng chi phí quốc phòng như hiện nay.

Tàu tuần duyên Nhật kèm tàu Trung Quốc xâm nhập từ 21 tháng 12-2013- canindia.com photo
Cho nên nói lo ngại thì tất nhiên là cả Hoa Kỳ cùng tất cả các nước khác cũng đã lo ngại từ lâu. Vì mối lo ngại đó nên các nước đều phải tăng cường quốc phòng, tuy nhiên trong bàn cờ Đông Á- Đông Nam Á, Nhật và Philippines còn có Hoa Kỳ bên cạnh, với sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, và mới đây Mỹ lại còn khẳng định đứng hẳn về phía Nhật, là đồng minh hiệp ước của mình.

Giao thương, không giao chiến
Nhưng cần nhắc lại một lần nữa, là không một ai muốn gây chiến tranh dù có một nghịch lý là ai ai cũng phải ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Chuẩn bị chiến tranh nhưng lại hết sức ngăn ngừa đề phòng chiến tranh xảy ra. Không ai không biết chiến tranh từng tàn phá những nền văn minh lớn cận đại như Đức và Nhật, đến chỉ còn những viên gạch vụn, chưa kể tới nguy cơ chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Nhìn lại diễn tiến cuộc tranh chấp Hoa Đông và biển Đông, người ta có thể thấy mức xuất cảng của Nhật sang Trung Quốc đã giảm tới 14,5% trong tháng 11, xe ô tô trong thị trường Trung Quốc bị ế ẩm, làm tăng thâm hụt mậu dịch giữa Tokyo với Bắc Kinh. Vì thế Nhật Bản sẽ bị thiệt thòi về kinh tế, thương mại vì cuộc tranh chấp lãnh hải, khiến khó khăn kinh tế càng chồng chất thêm.

Trong khi đó, chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á của Mỹ nhằm mục đích đem bày hàng một lực lượng quân sự lớn lao để ngăn đe trấn áp ý đồ gây chiến của ai đó ở Đông Á và Đông Bắc Á, trấn áp từ trong tư tưởng, chỉ nhắm vào mục tiêu là mọi quốc gia cùng nhau thi đua phát triển trong hoà bình, trong một thế giới “cộng đồng đồng tiến”.

Đó vẫn là chiến lược cốt yếu của Hoa Kỳ từ sau thế chiến thứ hai, đã “thêm bạn, bớt thù”, chăm chỉ làm giàu cho những kẻ thù nghịch để biến họ thành đồng minh chính trị và bạn hàng thương mại. Hoa Kỳ đã dùng sức mạnh kinh tế khổng lồ của mình để thực hiện nó thành công với những cựu thù của toàn thế giới như Đức, Nhật, và các nước đồng minh châu Âu.

Tuy vậy Hoa Kỳ đã phải bước vào cuộc chiến Việt Nam với bao nhiêu tiền của xương máu để bảo vệ ảnh hưởng ở châu Á Thái Bình Dương và giữ cho đồng minh VNCH thoát ách Cộng Sản, nhưng thất bại. Hoa Kỳ lại tung quân Granada, Panama… để bảo vệ “sân sau” của mình trước cuộc bao vây của phe Xã Hội Chủ Nghĩa, rồi lại tấn công Iraq để bảo vệ Kuwait, Á Rập Xê-Út, trở lại tính sổ với Saddam Hussein lần thứ nhì, rồi bước vào Afghanistan truy lùng Bin Laden khi bị khủng bố tàn hại. Trong nửa sau của thế kỷ qua Mỹ cũng phải dẫn đầu những nỗ lực hoà bình ở Đông Âu, châu Phi, Trung Đông dù có lúc bị thương tổn nặng nề.

Vì sao? Vì phải giữ yên một thế giới đầy biến động để mọi nước, mọi người có cơ hội làm ăn, phát triển, bắt tay với Mỹ, có vậy nước Mỹ mới an toàn, nên Hoa Kỳ đã phải giữ vai trò cảnh sát quốc tế đầy gian lao thiệt thòi trong khi các đồng minh châu Âu, Nhật Bản yên ổn làm giàu.

Rồi sau khi hai Tổng thống Reagan và Gorbachov ký kết hiệp ước tài binh, Đông Âu vùng dậy, Liên bang Xô Viết sụp đổ trong một tiến trình hoà bình không đổ máu để nước Nga dân chủ ra đời êm thắm, thì đến lượt lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc với tay ra cùng thế giới bên ngoài, kết giao với Mỹ.

Phải chăng khi chịu “buông dao đồ tể” thì Bắc Kinh đã được Washington “vỗ béo” để nay trở thành đối thủ cạnh tranh về mọi mặt?


 

Tàu tuần duyên Nhật PL-53 chặn và trục xuất tàu Hải Giám 66
của Trung Quốc- canindia.com photo


Bắc Hàn cũng được kiên nhẫn khuyến dụ từ bỏ chính sách khiêu khích để làm thương gia làm giàu với Mỹ, nhưng quốc gia khốn cùng vì lạc hậu này chỉ biết “cào mặt ăn vạ”, đem nguy cơ hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân ngáo ộp ra rêu rao để làm eo làm sách. Liệu Bắc Hàn hay Iran có dám phóng phi đạn hạt nhân sang Mỹ không?

Câu trả lời là một ngàn lần không. Giới lãnh đạo ở những nơi đó chỉ “bị tội” mang đầu óc cực đoan, cuồng tín, tính toán thủ lợi thiếu khôn ngoan, nhưng không phải là điên cuồng mà tự sát cùng với con dân cả nước mình, khi “kẻ thù không đội trời chung” của họ phản công hay đánh phủ đầu vào lúc dăm ba chiếc phi đạn lẻ loi của họ chưa kịp rời dàn phóng, hay may lắm thì cũng bị bắn nổ tung lúc chưa bay được một phần quỹ đạo đạn đạo của nó.

Hoa Kỳ làm lớn chuyện với Bắc Hàn, dương oai diễu võ với Trung Quốc, chỉ là để ngăn ngừa chiến tranh, đồng thời cô lập, chuyển hóa những quốc gia chống Mỹ tới cùng như Bắc Hàn, Iran.

Nước Mỹ chỉ muốn giao thương, không giao chiến. Ai kia khuấy rối thì khó trách các nhà sản xuất vũ khí của Washington “đục nước béo cò”!

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link