Saturday, February 9, 2013

Cảm Nghĩ Về Chữ Spring (Xuân) Trong Anh Ngữ.


Kính gởi diễn đàn bài viết đầu năm. Võ Đức Quang

 

Cảm Nghĩ Về Chữ Spring (Xuân) Trong Anh Ngữ.

Võ Đức Quang

Tạo hóa ban cho nhân loại một món quà rất quý giá là mùa Xuân. Đó là thời điểm cây cỏ xanh tươi trở lại; các loài hoa nở rộ những nét đẹp thiên nhiên với đủ các màu sắc tuyệt vời; không gian ấm áp hơn và con người cảm thấy hân hoan mừng vui vì mùa Đông giá lạnh vừa chấm dứt. Bern William, một cầu thủ nổi tiếng của đội banh Yankee đã diễn đạt cảm nghĩ của ông về mùa Xuân với niềm tin vào đấng tạo hóa : “The day the Lord created hope was probably the same day he created Spring.” Ngày Thượng Đế tạo ra Hy Vọng có lẽ đó cũng là lúc Ngài tạo ra mùa Xuân.


Ý nghĩa về Xuân trong văn hóa người Việt Nam cũng giống như các dân tộc khác trên thế giới bao gồm hai yếu tố thiêng liêng và dân gian. Phạm vi bài viết này chỉ chú trọng đến phần dân gian.

Chữ Xuân trong Việt Ngữ hàm chứa ít nhất 2 nghĩa đen và bóng rất thâm thúy về thời tiết và tâm trạng. Dân gian thường thấy nét thâm thúy của Xuân trong các tác phẩm của thi-văn-nhạc sĩ qua kỹ thuật gói ghém tâm trạng vui-buồn-nhớ-nhung chất ngất khi thời tiết Xuân đến. Ví dụ tâm trạng ngọt-bùi-cay-đắng của người con gởi cho Mẹ trong ca khúc nổi tiếng Xuân Này Con Không Về. Hay tâm trạng nhớ nhung vời vợi những kỷ niệm xưa qua nhạc phẩm bất hủ Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa. Tâm trạng ray rức ấy đã trở thành nỗi lòng hòai vọng cố quốc khôn nguôi của người xa quê hương qua những tác phẩm về chủ đề Xuân Tha Hương. Có lắm khi tâm trạng ấy được thu gọn rất tuyệt vời trong những vần thơ Xuân.

Ở một góc cạnh văn chương, chữ SPRING trong Anh Ngữ, có vài nét tương đồng với Xuân trong Việt ngữ về yếu tố thời tiết (a season of the year) và cảm xúc riêng tư vào thời điểm giao mùa. Văn hào Victor Hugo bày tỏ cảm xúc của ông về Xuân rất chân tình mộc mạc nhưng rất thâm thúy: Mùa Đông ở trên đầu tôi (ngắn hạn thôi, đông đến rồi đi), nhưng mùa Xuân mãi mãi trong tim tôi. "Winter is on my head, but eternal spring is in my heart." Đối với văn hào Leo Tolstoy, thời tiết Xuân là một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng giữa hiện tại và tương lai: Xuân là thời điểm hoạch định những kế hoach cho những ngày sắp tới, "Spring is the time of plans and projects."

Ở góc cạnh ngôn ngữ, chữ Spring trong tiếng Anh ẩn chứa nhiều định nghĩa rất hay trong môi trường chính trị mà chữ Xuân trong Việt Ngữ không có.

Spring là Giòng Suối (a natural source of water), một nguồn nước uống trong sạch cho đời sống của con người. Nguồn nước suối ấy được cho vào những chai nước suối thương mại và phân phối đến mọi tầng lớp trong xã hội. Thế hệ 1 của tập thể tị nạn cộng sản 1975 không xa lạ gì với sản phẩm Nước Suối Vĩnh Hảo xuất phát từ xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Sản phẩm Vĩnh Hảo nay đã thay đổi theo định mệnh. Nhà cầm quyền xã hội chủ nghĩa đương thời đã định hướng theo kiểu Các-Mác, nên đã làm suy giảm mức độ tinh khiết. Nhất là khi có bàn tay của những thương gia tư bản đỏ đến từ Bắc Kinh để định hướng thị trường Nước Suối Vĩnh Hảo của Việt Nam.


 

 

Spring là Lò Xo để lưu trữ năng lượng (a mechanical device that stores energy). Hiểu theo vật lý học, khi lò xo càng bị ép lại, mức năng lượng tồn trữ sẽ càng lớn. Và khi lò xo được bật tung ra, thì năng lượng được lưu trữ do đè nén ấy sẽ bung ra và trở thành một lực công phá khủng khiếp. Sức công phá có thể làm tan vỡ những gì lò xo ấy va chạm. Nhiều người cho rằng lòng dân trong nước đang giống như là một lò xo bị dồn ép bởi nhà cầm quyền hiện tại. Một ngày nào đó cái lò xo ấy sẽ nổ tung với sức công phá rất lớn. Và chắc chắn năng lượng dồn nén lâu năm từ cái lò xo đó sẽ gây thiệt hại lớn lao cho đối tượng liên hệ là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Spring là Kỹ Thuật Ống Xoắn (a shape of a helically coiled tube.) Trong nhiều tiến trình hóa học, điện năng, giao thông vận chuyển, nguyên tử lực… kỹ thuật ống xoắn được dùng để giảm sức nóng (heat transfer) và lực cản trở (friction). Nguyên liệu thường được dùng để giảm nhiệt là nhôm (Aluminum) một thứ kim loại được tìm thấy từ chất bô-xít Al(OH)3. (Nhắc tới bô-xít chắc ai trong chúng ta đều phẫn nộ nhà cầm quyền tại Hà Nội đã nhắm mắt để cho Trung Cộng ngang nhiên khai thác bô-xít tại vùng Tây Nguyên Việt Nam. Trung Cộng đang là quốc gia có mức khai thác bô-xít nhiều nhất trên thế giới. Lại được cái may mắn là khai thác miến phí bô-xít của Việt Nam; đã giúp một phần cho sự giàu có của Trung Cộng hiện nay. Và đại ca Trung Cộng không hề chi trả một đồng xu cắc bạc nào khi khai thác bô-xít tại Việt Nam [sic]).

Một số nhà đấu tranh dân chủ Mỹ gốc Việt gần đây đã cho rằng sức nóng (heat) hay sự căm phẫn và sức kháng cự (friction) của lòng dân tại Việt Nam đang ở một mức độ rất cao. Và họ đang cố gắng tìm ra một thứ kỹ thuật ông xoắn để làm nguội cơn nóng tột độ này. Nói theo quan điểm lộ trình đấu tranh Dân Chủ cho Việt Nam, Kỹ Thuật Ống Xoắn giảm nhiệt được hiểu như là một giải pháp chính trị đa nguyên đa đảng qua đó giúp cho giai cấp cầm quyền độc tài hiện nay được hạ cánh an toàn; và chuyển giao quyền hành một cách êm thấm.

 

Spring là Thủy Triều (in oceanography, the spring tide.) Dựa trên căn bản lò xo co giãn theo môi trường chung quanh, chữ spring được dùng để diễn tả tình trạng thủy triều lên xuống (spring tide.) Nếu lò xo là biểu tượng của một nội lực dồn nén ở thể rắn thì thủy triều là nội lực ở thể lỏng. Khi mức thủy triều tăng giảm sẽ phát sinh ra nội lực và có thể gây tác hại đến mội trường chung quanh.

Spring là Phong Trào Nổi Dậy hay Xuống Đường (often used to name periods of political liberalization.) Lý thú nhất của chữ Spring là khi được dùng trong ngôn ngữ cách mạng. Chữ Spring có ý nghĩa là phong trào nổi dậy hay xuống đường để giải quyết khủng hoảng quốc gia. Hay nôm na là “Xuống Đường Làm Cách Mạng.” Làm Cách Mạng ở đây không phải là làm những chuyện nhỏ nhặt không thôi, nhưng dấn thân làm cách mạng được xuẩt phát từ những dấn thân nhỏ nhặt đó trước đã, rồi làm chuyện lớn hơn. Hiền triết Aristotle đã nói “Revolutions are not about trifles, but they spring from trifles

 

Lịch sử thế giới đã lưu lại một số dữ liệu điển hình về Phong Trào Nổi Dậy hay Xuống Đường vào thời điểm Xuân, khởi đầu rất nhỏ nhưng lớn dần và lớn dần đến mức không ai có thể ngờ. Sau đây là một số cuộc nổi dậy tiêu biểu.

 

Spring of Nations of the Peoples on 1848 in Europe

(Phong Trào Nổi Dậy của Dân Chúng Âu Châu năm 1848)

 

Dân Chúng tại Châu Âu đã Xuống Đường vào thời điểm Xuân 1848 dưới danh xưng Cuộc Cách Mạng Năm 1848 của Dân Chúng Âu Châu. Lúc đó đã lôi cuốn khoảng 50 quốc gia, để giải quyết những khủng hoảng đất nước trên mọi lãnh vực mà họ cho rằng quá trầm trọng vì giới lãnh đạo đã không giải quyết nổi. Khủng hoảng vì thành phần cầm quyền bất tài; vì nhu cầu bành trướng ý niệm dân chủ để phát triển đất nước và đem lại công bằng xã hội; vì sách lược đảm bảo quyền lợi xứng đáng cho giới công nhân; vì kế hoạch phát huy lòng ái quốc và chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Một cách chung chung quốc gia cần đến cơ chế điều hành hữu hiệu và đội ngũ cán bộ nòng cốt để giải quyết những vấn nạn quốc gia.

Ngọn lửa Cách Mạng Dân Chúng 1848 tại Âu Châu được nhúm lên tại Ý Đại Lợi vào tháng giêng 1848 ở mức độ phôi thai. Sau đó lan rộng mạnh mẽ sang Pháp vào tháng 2, sang Đức tháng 3, đến các quốc gia Bắc Âu, Đông Âu, sang Grenada, Ba Tây thuộc Châu Mỹ La tinh khoảng tháng 7 cùng năm.

Công tâm mà nói, dân chúng Việt Nam nên phát động một kế hoạch xuống đường tương tự Spring of Nations 1848 in Europe để khai trừ sách lược độc tài độc đảng hèn với giặc ác với dân tại Việt Nam hiện nay.

Arab Spring in North Africa and Middle East

(Mùa Xuân Ả Rập)

 

 

 

Song song với phương thức bạo động, dân chúng cũng xử dụng những phương thức bất bạo động như tụ tập biểu tình đông đảo ở những quãng trường lớn, tuần hành trên các trục lộ, đình công bãi thị, phổ biến truyền đơn sâu rộng đến mọi tầng lớp, kêu gọi dân chúng tham gia những kế hoạch tranh đấu để thay đổi guồng máy lãnh đạo và đem lại Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền cho đất nước. Dân chúng đã bày tỏ nguyện vọng qua những khẩu hiệu với nội dung “Nguyện vọng của Nhân Dân muốn lật đổ guồng máy lãnh đạo đương thời”, "the people want to bring down the regime" Những nhà quan sát thời cuộc đã so sánh tầm vóc và kết quả cuộc nổi dậy “Mùa Xuân Ả Rập” tương đương với phong trào giải tán chế độ Cộng Sản tạiĐông Âu 1989.

 

Một yếu tố quan trọng đã giúp đem lại thành công cho “Mùa Xuân Ả Rập” là phương tiện mạng lưới internet đã thu hút rất đông những thành phần trẻ tham gia cách mạng. Nhà đấu tranh dân chủ Mohamed Morsi hiện là Tổng Thống Ai Cập đã cho biết cảm tưởng của ông về sự thành công trong cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập “Cách mạng đã phát khởi do lòng dân ý thức được Nhân Dân là sức mạnh”, “the Revolutions of the Arab Spring happened because people realized they were the power”.

 

Cedar Spring in Lebanon

(Phong Trào Nổi Dậy Tại Lebanon năm 2005)


 

 

Phong trào Xuống Đường Biểu Tình nhiều ngày của dân chúng Lebanon từ ngày 14-02-2005 trên toàn quốc, đặc biệt tại thủ đô Beirut sau khi Thủ Tướng Rafik Hairi bị ám sát. Mục tiêu chính là yêu cầu 14 ngàn quân nhân Syria phải rời khỏi lãnh thổ của Lebanon và chính phủ Syria phải chấm dứt lập tức mọi hình thức xâm phạm chủ quyền của Lebanon. Với sức mạnh của quần chúng đồng lòng xuống đường tranh đấu, Syria đã rút hết quân đội về nước ngày 27-04-2005. Ngoài ra dân chúng Lebanon đã giải thể toàn bộ thành phần cầm quyền thuộc khuynh hướng thân Syria. Trong suốt thời gian Xuống Đường, dân chúng Lebanon đã trưng bày những biểu ngữ với nội dung Tự Do, Chủ Quyền, Độc Lập, và Đoàn Kết. Phong trào Xuống Đường của dân chúng Lebanon Mùa Xuân Cedar 2005 là một chứng tích điển hình cho dân chúng Việt Nam dựa theo đó để tranh đâu chống lại sách lược xâm lăng của Trung Cộng trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Rangoon Spring in Burma

(Phong Trào Nổi Dậy tại Miến Điện)

Thế giới tự do đã ngạc nhiên khi dân chúng Miến Điện đã làm nên lịch sử cho lộ trình dân chủ hóa đất nước qua cuộc cách mạng “8888 Uprising” (Cuộc Nổi Dậy 8-8-1988) trích từ danh xưng 8888 Nationwide Popular Pro-Democracy Protests.


 

 

Dân chúng Miến Điện đã Xuống Đường rầm rộ trên toàn quốc và trường kỳ tuần hành, biểu tình, và bạo động ngay trước những khu vực chính quyền. Họ đã đồng lòng biểu dương “Sức Mạnh Nhân Dân Nổi Dậy” để giải thể nhà cầm quyền đang chủ trương độc đảng chính trị và cai trị quốc gia theo khuynh hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Sinh viên đã khởi xướng phong trào Nổi Dậy kể từ ngày 8-8-1988 và ngay sau đó được sự hưởng ứng của hàng trăm ngàn chư tăng ni, phật tử, giới trẻ, sinh viên, học sinh, các bà nội trợ, và giới trí thức để chống lại nhà cầm quyền độc tài đảng trị. Sau 12 năm trường kỳ tranh đấu, cuộc Nổi Dậy 8888 tại Miến Điện và “Sức Mạnh Nhân Dân” đã đem lại một cuộc bầu cử Dân Chủ đầu tiên trên đất nước Miến Điện vào năm 2010.

Dân chúng Miến Điện hôm nay đã tự hào vì Sức Mạnh Nhân Dân đã phá hủy được chế độ độc tài quân phiệt trá hình và thể hiện quyền làm chủ đất nước qua lá phiếu trong một xã hội đa nguyên đa đảng. Bà Aung San Suu Kyi, đã trở thành một biểu tượng quốc gia vì bà đã hy sinh rất nhiều công sức cho công trình Dân Chủ Hóa đất nước Miến Điện. Cuộc cách mạng “8888 Uprising” tại Miến Điện là một tấm gương sáng cho dân chúng Việt Nam nếu họ thật sự muốn nổi dậy tranh đấu để thay đổi giới cầm quyền đang cai trị đất nước theo khuynh hướng Xã Hội Chủ Nghĩa và Độc Đảng.

 

Quebec Spring 2012 in Canada

(Cuộc Xuống Đường Của Sinh Viên Quebec 2012,

tiếng Pháp Printemps Québécois 2012)

 

Dựa theo mô thức Xuống Đường rầm rộ và đông đảo dân chúng qua cuộc Nổi Dậy “Arab Spring” tại Bắc Phi và Trung Đông, lực lượng Tổng Hội Sinh Viên phối hợp với các Tổ Chức Bênh Vực Công Nhân tại thành phố Quebec, Canada đã huy động được trên dưới 500 ngàn người xuống đường tranh đấu mệnh danh Phong Trào “Sinh Viên Quebec Nổi Dậy Mùa Xuân 2012”, theo Pháp Ngữ là “Printemps Québécois 2012”.

Mục tiêu chính của cuộc nổi dậy để chống lại quyết định gia tăng học phí bậc đại học từ 2,168 lên 3,793 đô la Canada và vi phạm một số điều khoản lao động. Sinh viên đã khởi động cuộc Xuống Đường vào thời điểm mùa Xuân 2012 tại Montreal từ 13-02-2012 liên tục cho đến giai đoạn cao điểm 22-05-2012. Khởi đầu với hình thức sinh viên đình công hay bất hợp tác với cơ quan nhà nước và trường sở, sau đó được một số đảng phái đối lập, hiệp hội bảo vệ công nhân, nhiều cơ quan đoàn thể cánh tả hưởng ứng.

 

 
 

 

Nhân số sinh viên đình công ngày 22-05-2012 là 310,000 và số người tham gia xuống đường biểu tình trên đường phố lên tới 300,000 người. Phong trào “Sinh Viên Quebec Nổi Dậy Mùa Xuân 2012” đã làm hao tốn rât nhiều ngân sách của cơ quan nhà nước vì phải chi tiêu cho việc bảo toàn an ninh trật tự trước đám đông lên tới hàng trăm ngàn. Phong trào này vẫn còn tiếp tục vì hai bên sinh viên và chính phủ vẫn chưa tìm ra giải pháp ổn thỏa. Cái khúc mắc ở chỗ : Nhà nước cần tăng học phí để có đủ ngân khoản trang trải; Còn sinh viên thì đòi giảm học phí.

Trong thân phận người Việt Tị nạn lưu vong (Hà Nội gọi chúng ta là kiều bào sống xa tổ quốc [sic]) chúng ta phải làm gì đây?

Đã hơn 37 năm trôi qua kể từ biến cố 30-04-1975 người dân Việt trong và ngoài nước đã có một ánh nhìn về chữ Xuân dưới một lăng kính khác. Xuân không còn mang ý nghĩa hưởng thụ như lời thơ của thi nhân Robin Williams ”Spring is nature's way of saying, "Let's party!” Nhưng Xuân bây giờ mang hai ý nghĩa của Spring trong tiếng Anh. Nghĩa thứ nhất là những lò xo bị xã hội chủ nghĩa đè nén quá lâu chỉ chờ ngày nổ tung và thứ hai là Phong Trào Nổi Dậy.

 

Nhân dịp Xuân về, hãy xiết tay nhau đồng thanh gởi một lời nhắn đến giới chức cầm quyền tại Việt Nam “hãy xem gương dân chúng Trung Đông nổi dậy trong phong trào Mùa Xuân Ả Rập”, “hãy theo bước chân của quân phiệt Miến Điện đã thức tỉnh vì quyền lợi dân tộc qua cuộc nổi dậy Mùa Xuân Rangoon và bầu cử Dân Chủ năm 2010!”, “hãy chấm dứt mọi hình thức bắt bớ những nhà đấu tranh dân chủ tại Viêt Nam” Bởi vì, họ chỉ là những nhà ái quốc với tất cả tâm huyết. Họ tranh đấu bất bạo động và không có bất kỳ một thứ khí giới nào trong tay. Họ đang bày tỏ nguyện vọng của hầu hết quần chúng liên quan đến tương lai của đất nước..

 


 

Sách lược của CSVN là sách lược phi nhân bản vì nhà cầm quyền bắt bớ, đàn áp dân chúng khi dân chúng lên tiếng bày tỏ quan điểm bất đồng trước bối cảnh nhà cầm quyền ác với dân hèn với giặc. Nôm na là nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp dã man, và không cho phép Nhân Dân xuống đường chống Trung Cộng Xâm Lăng.

Sách lược đó giống như sách lược phá hủy những cành hoa quý hiếm trong vườn hoa vào mùa Xuân. Nhà đấu tranh Pablo Nreda đã khuyên CSVN đừng xài thủ đoạn đê hèn để phá hủy những cây kiểng quý giá trong vườn hoa dân chủ bởi vì You can cut all the flowers but you cannot keep spring from coming.” Có nghĩa là : Nhà cầm quyền CSVN có thể đàn áp dân chúng nhưng không thể ngăn chận những cuộc nổi dậy do dân chúng chủ động.

 

Đêm Giao Thừa Quý Tỵ 2013, Mùa Xuân Lưu Vong thứ 38 tại Hoa Kỳ

Võ Đức Quang

 

 

... When there's a will, there's a way ...

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng22/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link