Wednesday, February 6, 2013

Ði lạc đường không biết


 

Ngô Nhân Dụng

TRÊN đời này chắc chỉ có một người như bà Sabine Moreau ở nước Bỉ (Belgique). Ngày 5 Tháng Giêng năm 2013, bà lái xe hơi từ làng Hainault Erquelinnes để đón bạn tại một nhà ga xe lửa tại thủ đô Bruxelles, cách nhà khoảng 150 cây số; không ngờ bà đi lạc sang tới ngày hôm sau chưa đến nơi.

Người bạn đứng chờ ở nhà ga may mắn, theo tin của báo La Nouvelle Gazette ở Bruselles, đã nhờ được người đưa về nhà. Anh con trai của bà chỉ còn cách đi báo cảnh sát. Cuối cùng, cảnh sát nhờ ngân hàng theo dõi cuộc hành trình của bà Moreau qua những lần bà dùng thẻ tín dụng để mua xăng, mua thức ăn, do đó biết bà đang ở Zagreb, thủ đô xứ Croatia, một đoạn đường xa gần 1,500 cây số.

Câu chuyện này có thật, mới được tờ báo Tin Tức (Het Nieuwsblad) ở Bruselles đăng lên, rồi tờ Thế Giới (El Mundo) thuật lại hôm qua, nay các mạng tin tức chuyền nhau cho nên cả thế giới biết và thắc mắc! Tính ra bà Moreau đã đi qua biên giới bốn lần, ngang qua các nước Ðức, Áo, Slovenia, rồi vào Croatia. Tại sao người ta có thể lầm lẫn đến như vậy?

Một phần có lẽ vị bà cụ năm nay đã 67 tuổi; mà người có tuổi thường hay quên. Nhưng bà Sabine Moreau cũng cho báo El Mundo (Tây Ban Nha) biết là bà đã dừng lại đổ xăng mấy lần, có lúc đậu xe bên đường ngủ cho đỡ nguy hiểm nếu ngủ gật; tức là bà vẫn còn tỉnh táo, khôn ngoan lắm. Bà giải thích với nhà báo rằng bà hơi đãng trí: “Tôi yên bụng lái đi, không để ý gì cả. Tôi nhìn thấy hai bên đường có những tấm bảng chỉ đường viết bằng chữ Pháp, rồi chữ Ðức, nhưng vẫn cứ thế mà đi. Sau cùng thấy những chữ Croatia, tôi mới nghĩ ra là mình đã ra khỏi nước Belgique rồi!” Chắc bà Moreau may mắn, không hiểu được chữ Croatia cho nên mới thắc mắc và ngừng xe; nếu không, bà có thể cứ thế mà lái xe sang đến bên Tàu!

Nhưng dù có đãng trí người ta cũng không thể đủ kiên nhẫn lái xe mười mấy giờ đồng hồ mà không thắc mắc chi cả. Bà phải biết thành phố Bruselles có xa lắm cũng chỉ cách nhà mình vài giờ đồng hồ lái xe. Có lý do nào khác khiến bà Moreau vững bụng lái xe xa đến như vậy mà không tự hỏi lại xem mình có lầm không? Nếu dừng lại, tự kiểm soát bằng cách hỏi thăm những người sống bên đường, chắc bà đã không đi xa đến như vậy.

Có một lý do, đó là bà Sabine Moreau tin tưởng vào cái máy chỉ đường, GPS, dùng các tín hiệu điện tử, qua vệ tinh chỉ cho người lái xe đi đâu. Có thể là bà đã cho máy GPS một địa chỉ sai, ở Croatia. Hoặc là hệ thống dùng GPS có chỗ sai. Máy GPS ở Châu Âu chắc cần điều chỉnh nhiều lắm! Cách đây gần hai năm, chính người viết mục này đã dùng GPS đi từ Hòa Lan, qua Ðức, về Ðan Mạch. Máy chỉ cho một con đường, mà khi mình chọn đi đường khác rồi, nó cứ tiếp tục chỉ theo đường cũ chứ không chịu định vị trí mới và tính toán lại; như các máy GPS khác. Có lúc cái máy GPS cho biết xe tôi lái đã tới một cái phà, bảo phải lên phà. Rồi nó cứ cho chiếc xe đi trên một mặt biển xanh. Mà quả thật, lúc đó chiếc xe đang đi trên đường nhựa!

Khi bắt đầu kể chuyện này, tôi viết: “Trên đời này chắc chỉ có một người như bà Sabine Moreau.” Nhưng khi suy nghĩ lâu một chút về một người cả tin vào máy GPS, thì phải thấy bà Moreau không phải là người duy nhất đã sai lầm kiểu đó. Có những người cũng tin tưởng một cách máy móc vào một giáo điều, một chủ nghĩa, rồi đi lạc đường hàng vạn dặm mà không biết. Ðó là các đảng viên cộng sản, trên khắp thế giới. Họ tin vào những giáo điều, y như tin cái máy GPS. Ở Nga và Ðông Âu, hàng chục triệu đảng viên cộng sản đi theo cái máy đó đến nửa thế kỷ mới thấy ra là mình lạc đường, bèn dựng lại quay đầu trở về nhà. Tức là trở về cuộc sống bình thường, trước khi có chế độ cộng sản.

Chủ nghĩa Cộng sản đặt trên niềm tin thứ nhất, là lịch sử loài người đi theo một con đường duy nhất, sẽ tiến theo trình tự đó, không thể nào tránh được. Ðây là một ý kiến do Hegel nêu ra, được Karl Marx mượn, rồi đảo ngược đầu đuôi. Niềm tin “lịch sử tất định” này giống như cái máy GPS. Bây giờ loài người không còn tin thuyết lịch sử tất định nữa; nhưng trong cả thế kỷ trước vẫn có nhiều người tin. Người ta tin như tin một tôn giáo. Ai đã tin cái GPS rồi, cứ cho địa chỉ vào máy, nó sẽ chỉ đường mà đi. Nếu máy tốt thật, nhưng cho một địa chỉ sai vào thì nó cũng làm người ta đi lạc!

Một sai lầm dễ nhận ra nhất của chủ nghĩa cộng sản là khi dùng máy GPS họ lại ghi cái địa chỉ sai, cho nên lạc đường! Nhiều người bây giờ vẫn còn mơ mơ màng màng nói tới “lý tưởng cộng sản.” Lý tưởng là một thứ rất mơ hồ. Ai làm việc gì cũng có thể bịa ra là mình có ý định rất tốt. Anh tướng cướp cũng có thể nói mình theo lý tưởng “san sẻ của cải” trong thiên hạ, cho tiền bạc được chia công bình hơn. Câu hỏi là: Anh thực hiện cái lý tưởng đó theo con đường nào? Và anh đã đi tới đâu rồi?

Chủ nghĩa Cộng sản đã dùng GPS để tìm đường, với các địa chỉ có sẵn. Tất cả những lý thuyết đấu tranh giai cấp, tư bản giẫy chết, chuyên chính vô sản của Marx, cho tới những câu thần chú trong “Nhà nước và Cách mạng” của Lenin đều là những địa chỉ sai lầm. Tới năm 1989, cả thế giới cộng sản biết họ đi lầm, quay đầu trở lại. Cũng như lời bà Sabine Moreau nói với nhà báo La Nouvelle Gazette rằng: Khi tới Zagreb, tôi tự bảo mình phải quay trở lại mới được! Nhưng các đảng viên cộng sản ở Nga, Ðông Âu không thể nói một cách thản nhiên như vậy. Vì trong khi đi lạc đường hơn nửa thế kỷ, họ cũng làm cho hàng chục triệu người chết oan, hàng trăm triệu người đau khổ.

Ở Trung Quốc và Việt Nam, các tay lãnh tụ cộng sản bợm hơn trong việc đánh lừa dân và đánh lừa các đồng chí đảng viên của họ. Khi thấy đế quốc Liên Xô sụp đổ, họ biết ngay là cả cái máy GPS của họ đã vô dụng, mà cái địa chỉ cho vào máy cũng sai lầm. Nhưng họ không cho các đảng viên biết, cứ giả bộ như vẫn còn cái máy GPS tốt, vẫn hô hào đám đảng viên theo mình đến chết không được bỏ.

Trong khi đó, họ đã thay cái máy GPS mới và đi tới các địa chỉ mới.

Cái máy GPS của các lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam bây giờ là bộ máy cũ đã được các nước tư bản sử dụng vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nó là chế độ kinh tế tư bản thời hoang dã, không bị kiềm chế bằng pháp luật, cũng chưa có các định chế dân chủ tự do đóng vai kiểm soát. Họ biết cái máy này đã xài thử, và có công hiệu. Công hiệu của nó là giúp cho một thiểu số ngày càng giầu sụ hơn, mặc kệ những người khác, ra sao thì ra. Ở Việt Nam đã nhiều người nói tới “Chủ nghĩa Mặc Kệ,” thay thế cho Chủ nghĩa Mặc Xịt! Ðó là cái GPS mới mà bà con không biết, kể cả một số đảng viên.

Chủ nghĩa Mặc Kệ tiêu biểu bằng đồng chí Ếch. Chúng nó đem đồng chí ra “mổ xẻ,” thiếu điều “mổ xẻ” coi trong tim gan có những cái gì, nhưng đồng chí có thể tiếp tục ngồi yên trên cái ghế thủ tướng không động đậy. Ðồng chí X là Chủ nghĩa Mặc Kệ lên tới điểm cao nhất. Bên dưới đồng chí Ếch có những đảng viên cộng sản “thức thời” đã quay chung quanh đồng chí, cũng noi gương theo Chủ nghĩa Mặc Kệ. Mặc kệ tất cả, miễn mình còn nắm giữ được quyền hành và dùng quyền hành để làm giầu!

Tội nghiệp nhất là có những đảng viên cộng sản biết cái máy GPS cũ đã hỏng, không xài được, nhưng vẫn cứ ôm lấy với ảo vọng về “lý tưởng cộng sản.” Họ vẫn cứ tiếp tục nói lý tưởng cộng sản nó tốt lắm; chỉ có việc thực hành nó sai lầm thôi. Nhưng tại sao một cái lý tưởng tốt mà lại cứ toàn dẫn vào những con đường cụt suốt một thế kỷ qua? Chủ nghĩa đó cứ xét lại, rồi đổi mới, rồi xét lại lần nữa, đổi mới lần nữa, vân vân, mà cuối cũng vẫn chưa đi đến đâu cả, ngay Tòa thánh Mát Cơ Va của nó cũng sụp đổ rồi? Có phải đặc tính của chủ nghĩa cộng sản là “luôn luôn sai lầm,” “luôn luôn cần xét lại” không bao giờ thoát được cái vòng luẩn quẩn đó hay không?

Khác với bà Sabine Moreau, những đảng viên cộng sản còn ngây thơ tin ở lý tưởng đã trông thấy những tấm bảng chỉ đường hoàn toàn xa lạ, viết những chữ mình không hiểu được; mà họ vẫn không chịu tỉnh ra; không chịu quay đầu lại, trở về ngôi nhà thật của mình. Cứ như vậy, họ sẽ phải sống giả dối, tự dối mình và dối cả con cháu; chỉ vì không chịu thú nhận rằng cuộc đời có những sai lầm cay đắng.

 

 

 

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-22/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link