Friday, February 8, 2013

Chuyện Phạm Duy và chuyện Tết ở VN

Văn Quang – Viết từ SàiGòn
Chuyện Phạm Duy và chuyện Tết ở VN
Viết thì thừa, không viết thì thiếu. Đó là chuyện nhạc sĩ Phạm Duy vừa ra đi và chuyện Tết nhất ở VN. Bởi cả hai thứ chuyện này đã có nhiều người tường thuật rồi. Bài nào cũng dài thoòng. Đọc trên net và được bạn bè “năm châu bốn biển” gửi cho, đọc mệt nghỉ. Ấy thế nhưng mấy ông viết chuyện hàng ngày hàng tuần, cộng tác thường xuyên với các báo đều… tự ý thức được phải “mùa nào thức nấy”. Những chuyện “đại sự” không thể bỏ qua.
 
Thế nên tôi cũng có bổn phận phải hầu chuyện với bạn đọc về hai cái thứ chuyện “đại sự” này, chưa nói đến việc các ông chủ bút mấy tờ báo nhắc khéo: “Chắc kỳ sau anh viết bài về Tết VN nhỉ? Có ông hỏi khéo hơn “Ông Phạm Duy từ trần ở VN, trong tòa soạn, anh là người gần nhất, chắc anh biết nhiều”. Ông nào cũng đúng cả.
 
Tôi phân vân vì kỳ trước tôi đã hứa với độc giả sau bài “văn hóa hòa cả làng” sẽ bàn tiếp về các thứ văn hóa khác đang khiến dư luận nổi sóng. Nhưng có đến hai ông chủ bút nhắc khéo tôi về đề tài Tết và Phạm Duy nên tôi đành tạm ngưng chuyện văn hóa lại rồi ra giêng ngày rộng tháng dài tha hồ bàn chuyện văn hóa linh tinh. Xin nói “chuyện xưa” về anh Phạm Duy trước.
Phạm Duy – Thái Hằng hàng xóm của tôi
Thưa bạn đọc, đó là tiêu đề trong một bài tôi viết trong tờ đặc san “Văn” xuất bản tại Cali vào năm 2002. Hồi đó anh Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách tờ báo này. Anh ra số đặc biệt về Phạm Duy, hồi đó nhạc sĩ Phạm Duy còn ở Mỹ, chưa về “định cư” tại VN. Anh Nguyễn Xuân Hoàng gửi mail giục tôi viết bài về Phạm Duy. Lần thứ nhất tôi trả lời là “Có gì để viết về ông ấy đâu, nhiều người viết quá rồi, tôi không chen chân vào lãnh vực âm nhạc. Cái gì biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”.
 
Nhưng hai lần sau, anh Hoàng nói là viết về bất cứ mặt nào cũng được, anh Hoàng “gáy” tôi: anh là hàng xóm của anh Phạm Duy mà. Tôi tóm được cái ý chính, một anh hàng xóm viết về anh hàng xóm, cũng được đấy chứ. Tôi bèn viết rất sơ lược về anh Phạm Duy, dồn tâm ý viết về chị Thài Hằng (chắc độc giả thừa biết đó là phu nhân Phạm Duy). Gia đình chúng tôi ở rất gần nhau trong cái cư xá gọi là Chu Mạnh Trinh, gần ngã tư Phú Nhuận.
 
 Thật ra cái ngõ đó không có tên, nó nằm ở số 215 đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu). Bởi ngõ nằm ngay sau trường học Chu Mạnh Trinh nên lâu ngày nó thành tên chứ có ai đặt tên cho cái ngõ đó đâu. Và một sự thật nữa là cái cư xá đó do ngân hàng xây dựng nên thoạt tiên người ta gọi là “Cư xá nhà băng”, mãi sau này nhiều gia đình thuộc giới văn nghệ Sài Gòn đến mua nhà ở nên người ta mới thay tên là cư xá Chu Mạnh Trinh cho khỏi lẫn với mấy cư xá nhà băng khác trong thành phố.
 
Sơ lược tôi còn nhớ những gia đình đã từng ở đó, sau này có thể đã dọn đi nơi khác. Từ ngoài đường lớn vào là nhà các ông Nguyễn Mạnh Côn, Năm Châu, Dương Thiệu Tước - Minh Trang- Quỳnh Giao, Phạm Duy, Đỗ Tiến Đức, Hoàng Anh Tuấn, Anh Ngọc, Mộc Lan, Hoàng Nguyên, Hồ Anh, Duyên Anh, , Thẩm Thúy Hằng, Trịnh Viết Thành, Linh Lan…
 
Nhà tôi ở ngay mặt đường ngõ vào, cách nhà anh Phạm Duy không quá 50m. Nhưng rất it khi sang nhà nhau. Lý do giản dị, tôi và Thanh Nam, Mai Thảo là bạn khá thân của anh Phạm Đình Chương. Sau “vụ Khánh Ngọc”, chúng tôi rất ít tiếp xúc với anh Phạm Duy. Suốt thời gian tôi làm ở Đài Phát Thanh Quân Đội, anh Phạm Duy có một chương trình nhạc trong Đài này, hàng tuần gặp nhau ở Đài, chúng tôi không có thì giờ nói chuyện nhiều. Ở đây tôi nhắc lại một đoạn trong bài tôi đã viết 10 năm trước:
Lần duy nhất sang nhà Phạm Duy
“Tôi chỉ sang nhà anh duy nhất một lần vào cuối năm 1974, anh mua được mảnh đất khá rộng, bán căn nhà cũ cho ông Nguyễn Mạnh Côn. Anh dọn vào ở cuối ngõ, xây căn nhà mới khá lớn. Chị Thái Hắng đi qua nhà tôi, nhắc “Anh rủ bạn bè qua nhà tôi chơi.
 
Nhà tôi đang làm một chỗ cho các anh chơi ở ngoài vườn, thơ mộng lắm”. Tôi sang nhà anh Phạm Duy khi khu vườn vừa được trang trí rầt hữu tình. Những hòn giả sơn, những hàng cây, bể nước lớn, những hòn đá tảng rải rác đây đó… Đúng là nơi dưỡng già thật tuyệt. Nhưng “cảnh quan” đó chưa hoàn chỉnh thì ngày 30-4-75 tới, anh phải rời xa.
 
(Xin chú thích thêm là sau này khi anh về VN sống cũng không “đòi” lại được. Một lần tôi hỏi, anh chỉ nói “quên chuyện đó đi, ông ơi”. Coi như huề cả làng).
Tính cách của nữ danh ca Thái Hằng
“Tôi có nhận xét rất thành thật là nếu ở con người anh Phạm Duy, luôn luôn hiện diện hai chữ nghệ sĩ lớn như cây đại thụ thì ở chị Thái Hằng trong xóm tôi, chị là người rất bình dị. Chưa bao giờ chị chứng tỏ mình là “một cái gì”, ít ra cũng là vợ một nhạc sĩ có tên tuổi. Nói khác đi, chị không phải là bà Phạm Duy nổi tiếng và cũng chẳng phải là một nữ danh ca thượng thặng trong ban hợp ca Thăng Long. Gia đình chị là một gia đình nghệ sĩ danh tiếng với Phạm Đình Chương, Thái Thanh, Hoài Trung và những anh em như Phạm Đình Sĩ, Kiều Hạnh, Mai Hương…
 
Chị sống chan hòa như một người chị mẫu mực, hiền hậu. Đối với mọi người trong xóm, chị sống hết sức bình dị, không se sua, không làm dáng. Mỗi buổi sáng, quần ta, áo cánh xách giỏ đi chợ như mọi bà nội trợ bình thường khác. Chị thân thiện chân thành chứ không phải sự “nhún mình” để che giấu một thứ hào quang sau gáy.
 
Suốt hơn 10 năm, sống gần gia đình chị, từ khi Duy Quang, Duy Cường, Duy Minh còn rất nhỏ cho tới khi các cháu lớn lên, tôi chưa hề thấy chị to tiếng với bất kỳ cháu nào và chị cũng chưa từng làm mất lòng ai trong xóm. Sự khoan hòa dung dị của chị có thể là một tấm gương lớn cho nữ giới.
 
Trong những ngày sau này, có vụ tai tiếng ở nước Mỹ giữa ông Clinton và cô thư ký nhà trắng, thái độ khôn ngoan của bà Hillary Rodham Clinton khiến nhiếu người nể phục. Khi có chuyện tình lỉnh kỉnh của anh Phạm Duy, các báo ở Sài Gòn khai thác tối đa.
 
Thái độ điềm đạm của chị Thái Hằng còn đáng khâm phục hơn. Các phóng viên cố khai thác ở chị một vài chi tiết nhưng chị chỉ có một câu trả lời: “Tôi rất tin tưởng ở chồng tôi”. Thế là hết, chẳng anh nào khai thác được gi ở chị, nhờ vậy dư luận cũng xẹp dần. Sau này chị cũng không xuất hiện cùng chồng con ở những cuộc vui, những đại hội.
 
Cái bóng cực kỳ thầm lặng đó làm nên tính cách lớn của chị Thái Hằng. Từ trong đáy sâu tâm tư tôi, chị mãi mãi là một nữ nghệ sĩ rất xứng đáng được kính trọng”
Phạm Duy trên đường đến đoàn tụ cùng Thái Hằng
Thưa bạn đọc, đó là những gì tôi đã viết 10 năm trước. Và bây giờ, năm 2013, anh Phạm Duy từ trần, tôi cũng được một ông chủ báo nhắc: “Viết bài về Phạm Duy đi ông”. Tôi cũng trả lời như 10 năm trước: “Chẳng có gì để viết về ông ấy cả. Nhiều người viết quá rồi. Tôi chỉ xin nhắc đến chị Thái Hằng. Tôi nghĩ đó là một lẽ công bằng và ít người viết”.
 
Sau 1 ngày anh mất, sáng 28-1-2013 tôi và anh Nguyễn Quốc Thái cùng Quốc Anh, phóng viên báo Tuổi Trẻ, mang một trong những vòng hoa đầu tiên đến tiễn đưa anh. Một mái che như cái rạp dựng ngay trên ngõ, trước cửa ngôi nhà nhỏ của anh. Lúc đó tôi chỉ thấy vài người quen mặt như ông Nguyễn Ánh Chín, Phạm Thiên Thư, Lưu Trọng Văn, Nguyễn Thiện Cơ, Nguyễn Khắc Nhân, vợ chồng nữ ca sĩ Ánh Tuyết…
 
Sau lễ nhập quan vào 9g sáng, chúng tôi chia buồn cùng tang quyến, đứng trước bàn thờ thắp nén nhang vĩnh biệt anh. Riêng tôi, chỉ cầu xin anh trên đường đi gặp chị Thái Hằng mang tấm lòng kính trọng của người cùng xóm đến với chị, anh chị mãi mãi bên nhau như những ngày còn ở cư xá Chu Mạnh Trinh.
Những ngày cận Tết
Sang đến chuyện Tết đang đến gần, trong những ngày này, bất cứ một gia đình nào ở VN cũng nói đến cái Tết đang gần kề, từ ông nhà giàu đến anh rách tả tơi cũng nói chuyện tết. Mỗi anh nói theo cách của mình. Anh nghèo càng nghèo, càng lo chạy tiền ăn Tết, thậm chí sợ tết. Anh giàu lại vẫn đi tậu những “đặc sản” tô điểm cho cái vẻ “đại gia” của mình. Tuy thế năm may nhiều đại gia vỡ mặt vì suy thoái, nhưng dù “vỡ mặt cũng còn cái mũi”, vẫn phài làm ra vẻ “đẳng cấp” để che cái túi rỗng. Ngoại trừ những ông “ xụm bà chè” không đứng dậy nổi vì bị con nợ đến tận nhà bao vây, có ông trốn luôn ngay từ đầu tháng chạp.
 
Nhưng nổi bật nhất là rất nhiều công nhân bị nợ lương từ 1 tháng đến vài tháng, suốt ngày long đong đi kiếm chủ công ty. Họ khổ hơn là những anh chị làm ở ngân hàng, ở những công ty xí nghiệp to đùng không được thưởng Tết hoặc không có lương tháng 13. Những khoản tiền này không có trong hợp đồng lao động và cũng không có trong luật nên các ông chủ toàn quyền quyết định. Cho nên có những công ty thưởng Tết “không giống ai”.
 
Như công ty sản xuất hương, tặng công nhân mỗi người vài bó hương với lý luận nhà nào chẳng cần hương ngày Tết. Một công ty may ở Hà Nội, tặng nhân viên mỗi người 70 cái quần đùi (quần lót đàn ông) là thứ hàng bán ế. Thậm chí có công ty còn thưởng Tết cho nhân viên bằng…gạch xây dựng… Đúng là kiểu thưởng chỉ có ở VN.
Những cảnh chờ tàu xe từ “muôn năm cũ” vẫn tái diễn
Vế quê ăn tết luôn là mối lo của những anh chị công nhân từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam làm ăn. Dường như chẳng có mối bận tâm nào của người miền Nam ra Bắc kiếm ăn, con số này quá ít, hầu như chỉ có vài ông công chức, vài ông giám đốc gặp thời đang phất mới ra Bắc “lãnh nhiệm vụ” mà thôi. Còn hầu hết là những ông công chức bự từ miền Bắc vào miền Nam lãnh nhiệm vụ quan trọng. Những ông này ở đây lâu năm, có nhà cửa vợ con xe pháo đề huề nên đôi khi cũng chẳng cần “về quê ăn Tết” nữa. Mà có về thì máy bay đi cái vèo là tới. Lo gì cái vặt.
 
Với ngươi lao động, tình trạng vẫn như cũ bao năm rồi. Nhà tàu nói “cải tiến”, khách kêu “cải lùi”! Trong khi hai bên liên quan chính năm nào cũng như dàn trận đấu với nhau, “cò vé” ở giữa hưởng lợi lớn từ nguồn vô biên là túi tiền của khách.
 
Vài năm nay công nghệ thông tin lên ngôi nên vé tàu hòa được đặt qua mạng internet. Nhưng khách chờ dài người từ chập tối đến đêm, có người chờ 3 ngày liền mạch vẫn nghẽn đến “sập mạng”, không thể chen vào ghi tên được. Cái nền văn minh ấy coi như tắc tịt. Lại nhào đến nhà ga mua vé. Lại ngày đêm nằm vạ nằm vật chờ đợi mua được tấm vé. Nhưng ra chợ đen thì bao nhiêu cũng có, đi Đà Nẵng hay Hà Nội đều đầy đủ.
Có hàng ngàn lời kêu ca gửi đến các báo. Bạn chỉ cần đọc vài ý kiến của người đi mua vé tàu cũng đủ biết họ bị hành như thế nào:
 
- Bạn Thế: thepearltb@gmail.com muốn gào lên” “Tức muốn chết! Ngồi đặt vé cả sáng không được, chạy ra ga Sài Gòn đã thấy 1 đám người kêu ơi ới: “Em ơi, vé về Tết không”. Sau đó là tiến hành giao dịch: 200k 1 vé hẹn vài hôm sẽ có vé. Và tổng thiệt hại cho 1 vé là 1triệu + 200k nữa @@. Chả hiểu bao giờ mới được như các hãng hàng không nữa? Chung quy vẫn khổ dân!” -
 
- Bạn Mai Thùy Giang có địa chỉ giangthuy@gmail.com viết:
“Không thể chấp nhận được cách làm việc của ngành Đường Sắt VN (ĐSVN). Đừng đổ lỗi cho nghẽn mạng mà hãy xem lại nội bộ ngành đường sắt như thế nào. Tôi nghĩ, mỗi một mùa Tết chắc mỗi nhân viên liên quan cũng kiếm được chiếc xe hơi nhờ ôm vé đẩy ra chợ đen và các đại lý... Vậy thì lấy đâu ra vé cho người dân mua nữa? Có ít thì chỉ một số người cực kỳ may mắn mới mua được vé giá gốc thôi...Thật buồn!”
 
- Bạn Hùng: vu.dinh.hung.234@gmail.com than thở: “Vậy mà năm nào các ông nhà tàu cũng kêu ầm lên: Chúng tôi đã cải thiện tốc độ đường truyền, mọi người có thể yên tâm... Năm nào cũng cải thiện, năm nào cũng nghẽn, vậy mà chả rút được tí kinh nghiệm nào thì chả hiểu các ông lập kế hoạch, vạch hướng đi thế nào nữa? Mà năm nào cũng tái diễn, sao không thấy mấy ông quản lý cấp trên nữa nói gì nhỉ? Hay cũng lại nói đã vạch kế hoạch rồi và phải làm từng bước một?” .
 
Quá nhiều lời thở than với bao giọt nước mắt ngắn dài, những giọt mồ hôi cay xé mắt…ẩn chứa trong đó. Vậy mà hình như chưa bao giờ động được tới con tim, khối óc của những ai có khả năng và cả trách nhiệm phải thay đổi tình thế?
Những người nông dân cần cù lo đói ngày Tết
Những năm gần đây, nền kinh tế suy thoái, đồng tiền trở nên mất giá, đồ ăn thức uống cái gì cũng cao nên việc bỏ tiền ra thuê người dọn nhà hay giúp việc những ngày cuối năm cũng không còn nhiều như trước. Nhiều khi người ta tự tay làm còn chỉ những việc quá khó nhọc hay cần thiết phải thuê thì người ta mới thuê.
Gần Tết, là lúc công việc đồng áng cũng khép lại, lao động tự do từ các huyện kéo lên thành phố càng đông, người thì đông việc thì ít, kéo theo mức giá trả cho nhân công cũng bèo bọt. Mỗi ngày chỉ khoảng 70 - 80.000đ VN, may mắn lắm cũng chỉ 100.000đ/ngày.
 
Nếu như những năm trước, gần Tết là dịp để người lao động tự do kiếm được “đồng ra đồng vào” hơn, công việc cũng nhiều hơn thì năm nay việc cũng ít mà giá trả cũng thấp, thành ra “nghề đứng đường đợi Tết” những ngày cuối năm lại càng trở nên ảm đạm. Trên những góc đường không khó để bắt gặp từng nhóm “cửu vạn” vật vờ, co ro chờ việc.
 
Anh Hải, một người lao động bốc vác tâm sự: “Vào thời điểm này các năm về trước, ngày nào tôi cũng có vài mối, không đi dọn nhà thì cũng bốc vác gì đó. Từ năm ngoái đến nay thì ít hẳn, chẳng có việc. Giờ đây kinh tế suy thoái, giá cả leo thang nên có sửa sang nhỏ hay dọn dẹp gì thì họ toàn làm lấy, cái gì vất vả lắm thì họ mới thuê. Ban ngày tôi cứ ra đây ngồi chán chê, rồi lại lang thang ra các ngã tư tìm việc mà cũng chẳng ai thuê, Tết nhất đến nơi rồi, ngồi không thế này như ngồi trên đống lửa. Cuối năm mà công việc còn không có thì ra giêng chỉ có mà đói”.
 
Chứng kiến những cảnh vật vờ, co ro trong giá lạnh của những người nông dân cần cù vào những ngày tháng cuối năm mới thấu hiểu phần nào sự khốn khổ của họ. Tết đang tới gần và cũng như hết thảy những người “tìm Tết” nơi đô thị vẫn đứng co ro tìm cái Tết đạm bạc nhất cũng không xong!
Dân nhà giáu vẫn chơi sang
Thế nhưng có một thành phần ngược hẳn. Thời kỳ bão giá có thể khiến bạn nghĩ rằng các đại gia sẽ “ngại” mở ví tiền sắm những món đồ chơi Tết đắt đỏ. Tuy nhiên, đến làng đào Nhật Tân, chợ hoa Quảng Bá của Hà Nội những ngày này, chứng kiến nhịp mua bán đào, lan giá “khủng” vô cùng sôi động, chắc chắn bạn sẽ hết hồn.
Vườn đào của ông Lê Hàm có khoảng 60 -70 gốc đào Thất Thốn. Năm nay, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng giá đào Thất thốn dường như vẫn chẳng hề bị tác động. Những cây thất Thốn nhỏ nhất cũng có giá trên dưới chục triệu đồng. Cây đào thất thốn đẹp nhất trong vườn nhà ông Lê Hàm đã được khách đặt giá 70 triệu đồng, chờ đến ngày Táo Quân tới chở về.
 
Theo chân một vài đại gia đi sắm đào ở Nhật Tân, có thể thấy giá của những gốc đào bích đẹp có thể được “hét” từ 18 -30 triệu đồng một cây. Giá thuê và mua chỉ chênh nhau khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, giá của cành đào rừng “quý” nhất chợ Quảng Bá đang được ghi nhận ở mức 20 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, lan hồ điệp cũng rất bền, có thể chơi lâu tới hơn 2 tháng. Giá các loại lan hồ điệp từ 600 đến 800 ngàn đồng một cành, cao nhất có thể cán mốc 1,5 triệu đồng/cành.
 
Các cửa hàng hoa, siêu thị hoa ở Quảng An bày bán không ít những chậu lan hồ điệp có giá lên tới 20 triệu đồng, 28 triệu đồng, 35 triệu đồng, thậm chí là 65 triệu đồng!
 
Giá đắt như vậy nhưng có khách mua không? Một người bán lan ở chợ Quảng An cho biết đắt mấy cũng có khách mua, giá càng đắt, dân chơi càng chứng tỏ mình là loại người nào nên thị trường hoa Tết sẽ càng sôi động trong một vài ngày tới. Bên cạnh lan hồ điệp, rất nhiều đại gia Hà Nội đã liên lạc tới hỏi và đặt cọc tiền mua các loại đia lan cao cấp như giống vàng Nhật, xanh Newzealand... Giá cả của mỗi chậu lan này cũng không thể dưới chục triệu đồng.
Thú chơi sang như Mỹ
Lì xì, mừng tuổi đã trở thành việc “không thể thiếu” vào dịp Tết. Cho nên không nhiều thì ít, cứ tết đến, hầu hết các ông các bà lại nhờ một số người quen “đổi” ít tiền mới để lì xì. Gần đây ở VN nhiều người, kể cả dân tiểu thương có cái thú chơi tiền lì xì là 2 đô la Mỹ. Ông Tứ, nhân viên của trang web liên quan đến đổi tiền cho biết đồng 1-2 USD được người dân dùng nhiều để lì xì trong dịp Tết nên có mức phí khá cao.
 
Thậm chí để có được tờ tiền loại 2 USD in năm 1976, khách hàng phải mua với giá 160.000 đồng/tờ, hay phải mua với giá trên 450.000 đồng cho tờ in năm 1953. Tờ 2 USD in năm 1917 có giá 2 triệu đồng. Khách hàng mua số lượng nhiều mới có giá đó, còn mua ít giá còn cao hơn nữa.
Đợi cái hài kịch ông Táo để xả hơi
Ở đây tôi chỉ nêu vài hoàn cảnh trái ngược để bạn đọc có thể hình dung thấy những cảnh đời trái ngược tại VN hiện nay ra sao. Khoảng cách giữa giàu nghèo ngày càng lớn càng sâu, không thể nào san lấp được. Và tại sao lại có những người giàu khủng khiếp nhanh chóng đến thế và tầng lớp lao động, nông dân lại khôn khổ đến như vậy? Câu hỏi tưởng như rất khó trả lời mà thật ra rất dễ. Tại tham nhũng, quan liêu, xa xỉ công quỹ, pháp luật chưa nghiêm minh.
 
Khi tối viết bài này, sắp đến ngày 23 thàng chạp, theo tập tục VN là ngày ông Táo lên chầu trời để báo cáo về công việc dưới trần thế. Báo chí VN đang quảng bá rầm rộ cho vở “đại hài kịch táo quân” với những “danh hài” sẽ ra mắt khán giả, nhưng đối với tôi, chẳng có gì lạ, bởi đây chỉ là dịp quả bóng được xì hơi. Dù sao, cười được một tí cũng đỡ buồn!
Văn Quang – 01-2-2013
Hình:
01-_Gia_dinh_Thai_Hang_Pham_Duy_o_Chu_Manh_Trinh.jpg
01- Gia đình Phạm Duy - Thái Hằng khi còn ở cư xá Chu Mạnh Trinh.
02-_Ban_tho_Pham_Duy.jpg
02- Bàn thờ nhạc sĩ Phạm Duy sau lễ nhập quan
03-_Hang_ngan_cong_nhan_keo_di.jpg
03- Hàng ngàn công nhân Công ty Minh Phú (Hậu Giang) đình công, yêu cầu chủ doanh nghiệp thưởng Tết và trả đủ lương tháng 13.
04-_Ngu_vat_va_cho_mua_ve_tau_tet.JPG
04- Nằm vạ nằmvật ngủ chờ mua vé tàu Tết.
05-_Nguoi_dan_ong_co_ro.JPG
05- Người đàn ông co ro trong gió lạnh bên đường chờ việc làm
6_Cay_dao_that_thon.jpg
06 - Cây đào Thất thốn giá 70 triệu đồng
07-_Chau_lan_Ho_Diep_co_gia.jpg
07- Chậu lan hồ điệp có giá 65 triệu đồng vẫn có người mua
Attachment(s) from Dzung Nguyen
7 of 7 Photo(s)

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link