Saturday, February 9, 2013

Tập quán “đầu gấu”


 

 

 


Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 08.02.2013

  

 

                                        Tập quán “đầu gấu”

Tôi viết bài này vào ngày 28 tháng chạp mà chúng ta hay gọi là 28 Tết, có lẽ nhiều độc giả sẽ đọc vào những ngày Tết Quý Tị. Trước hết, xin kính chúc bạn đọc :

                                               

                                     NĂM MỚI QUÝ TỴ: - VẠN AN VẠN LỘC -

                                         VUI VẺ KHỎE MẠNH - NHIỀU MAY MẮN

Chuyện Tết nhất ở VN có lẽ chẳng còn gì đáng nói, vẫn là những “điệp khúc” quen thuộc của những cảnh đời “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”.

                                                                

                                               Lối vào đường hoa Nguyễn Huệ (con đường hoa có giá 17 tỉ đồng)

Đọc trên những trang báo  hàng ngày, đầy rẫy những khung cảnh lộng lẫy huy hoàng trên các đường phố, nhan nhản những món quà tiền tỉ biếu sếp, những loại hoa cảnh quý hiếm độc đáo có giá hàng trăm triệu cho các đại gia, tiểu gia. Bên cạnh đó là những cảnh nheo nhóc của dân lao động ngồi đầy đường đón xe về quê ăn Tết, cảnh chầu chực ở máy rút tiền ATM của các ngân hàng, tình trạng bi đát của những người nằm vỉa hè, không có Tết.

                                            

                                                                                       Công nhân chen chúc rút tiền ở máy ATM

Trộm cướp khắp nơi, dù Sài Gòn đã được “chi viện” hàng trăm cảnh sát từ Hà Nội vào dẹp “loạn”. Nhưng vẫn còn đó món “đặc sản cướp Sài Gòn” như tôi đã báo động từ hơn một tháng trước, chặt tay cướp xe, đâm người cướp của giữa đường phố, cướp tiệm vàng, cướp xông vào nhà bất kể ban ngày hay ban đêm, thậm chí trộm luôn một lúc 11 cái xe gắn máy tại một chung cư, trộm vặt trong tất cả các cửa hàng nhiều vô kể, kể không bao giờ hết…

                                           

                                                                              Bà Bùi Thị Em buồn bã nhìn dòng người đi sắm tết

 

                                           

                                             Những người nhặt ve chai vẫn mò mẫm trong những đêm giáp Tết

Có thể nói rất nhiều gia đình bậc trung năm nay đón Tết trong cái tâm trạng “vui thì vui gượng kẻo là” giữa tình hình kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Có một điều rất vui là tôi đi ăn sáng, bất ngờ mua được một “lố” 10 bao phong bao lì xì có in hình bản đồ VN xác nhận Hoàng Sa Trường Sa là của VN. Tôi hỏi, người bán hàng nói là các bà nội trợ chỉ chọn mua thứ  bao lì xì này, không mua hàng của Trung Quốc, hàng nào cũng không mua, toàn đồ “dởm”. Em bán hết chỗ hàng này là hết, không còn hàng, bà con mua đông quá. Chứng tỏ tinh thần quyết liệt chống giặc ngoại xâm đã ăn sâu trong lòng người dân. Không có bất cứ điểu gì có thể đi ngược lại ý chí này.

                                                         

                                                    Phong bao lì xì in hình Hoàng Sa – Trường Sa là của VN,

                                                    các bà nội trợ rất thích mua, không mua hàng Trung Quốc

Cho nên không khí Tết ở đây như người đang cố chọn cho mình mặc tấm áo mới che đi cái nội tâm bất an. Tất cả chỉ có thế. Vì vậy tôi xin bàn đến chuyện thời sự đáng chú ý trong tuần này.

Chuyện ở nhà quê

Có những chuyện tôi không thể bỏ qua trong những ngày cuối năm, bởi ảnh hưởng của nó có thể lâu dài, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nông thôn. Nếu để lâu, không trị ngay từ bây giờ, nó sẽ trở thành một thứ “tập quán” ở làng xã, nơi “quan xa, bản nha gần”. Nơi có thể áp dụng luật lệ tùy tiện, máy móc, thậm chí tàn ác để trả thù, để diễu võ dương oai, xưng hùng xưng bá, đi đến đâu cũng được người dân cúi đầu khiếp sợ. Nếu ngoảnh mặt làm ngơ trước những mầm mống tệ hại này, sẽ có nhiều quan làng quan xã áp dụng, nó sẽ thành “thói quen”, tức là một thứ luật lệ mới, một “tập quán mới”, nhất là lại được che chở bởi những cấp trên quan liêu, chưa nói đến tham nhũng.

Tôi viết những điều phẫn nộ này trước khi tường thuật chi tiết với bạn đọc vì thực ra tôi cũng “bức xúc” như người dân khi biết được chuyện này.

Lực lượng chức năng” muốn làm gì thì làm

Anh Hồ Duy Thuấn, 31 tuổi, ở tổ 5, khu vực 5, phường An Khánh, TP. Cần Thơ, cho biết, khoảng 16g ngày 23-1 đã bị “lực chức năng” gồm tổ bảo vệ dân phố và thú y quận Ninh Kiều, tại phường An Khánh tự ý xông vào nhà đập chết đàn gà chọi đang nuôi của gia đình anh gồm 50 con.

Theo tố cáo chi tiết của gia đình anh Thuấn, ông Nguyễn Văn Chuộc (tức Năm Chuộc mà người dân gọi là Năm Chuột) hiện là Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố đã đánh chết 25 con gà. Ngoài ra, 25 con gà khác đang nuôi nhốt trong chuồng cũng bị đập ngắc ngoải, chết vào sáng hôm sau (24-1).

Ông Khải cho biết: “Gia đình không hề hay biết quyết định nào của cơ quan chức năng, họ tự ý xông vào nhà gí súng vào con tôi và cả bản thân tôi! Sự việc đã khiến gia đình tôi hết sức bất bình. Tổ trưởng “Bảo Vệ Dân Phố” mà bảo vệ dân kiểu “hành hạ nhân dân” như thế sao?

Theo anh Thuấn, số gà chọi trên có rất nhiều loại khác nhau. Con trị giá thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 20 triệu đồng.

Cứ tính trung bình mỗi con 10 triệu đồng, giá trị 50 con gà chọi là 500 triệu, tức nửa tỉ đồng VN (bằng 25.000 USD). Cả một gia tài đối với người Việt Nam ở thành thị, còn ở làng xã, cái gia tài ấy còn có giá trị hơn nhiều. Một triệu đồng để ăn Tết còn kiếm chưa ra, nói gì đến hàng chục, hàng trăm triệu.

Tôi đã từng sống ở nhà quê, đã từng chứng kiến nhiều gia đình cả năm chỉ trông mong vào đàn heo, đàn gà, “nuôi như nuôi trứng, hứng như hứng hoa” suốt cả năm trời mong có tiền ăn Tết, làm vốn liếng cho cả mùa vụ năm sau. Thế mà bỗng dưng vô cớ cái “cơ quan chức năng” quỷ quái kia nhảy vào đập tan hoang vốn liếng của người dân. Hành động man rợ này không khác gì đám “cơ quan chức năng” xông vào hủy hoại tài sản của ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng. Chỉ khác là gia đình ông Vươn biết trước nên liều chết chống lại, súng nổ ầm ầm, tiếng kêu náo động cả làng xã, sự việc trở nên ồn ào, không chìm xuồng được. Còn gia đình ông Khải, anh Thuấn không dám chống lại hoặc không biết trước vì tính “sáng tạo bí mật, bất ngờ theo kiểu du kích chiến” của cơ quan chức năng phường An Khánh nên mọi chuyện có vẻ im lìm. Tuy nhiên, mức độ không hề thua kém cả về tính pháp lý và tính tàn bạo.

Tao gí súng mày làm gì được tao

Anh Nguyễn Trường Thâm, người làm công cho nhà ông Khải chứng kiến sự việc khi đang nhặt mai trong vườn, cho biết: “Em đang làm thì thấy 6 người xông vào nhà, đi đến chuồng gà, đòi bắt gà tiêu hủy. Em nói để gọi ông Khải và anh Thuấn (con trai ông Khải) về rồi nói chuyện”.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng phường An Khánh không cần chờ, ông Nguyễn Văn Chuộc đã trực tiếp dùng gậy cao su xông vào chuồng đập gà như một “anh hùng” và ra lệnh cho đàn em: “Tất cả lực lượng vào đập đàn gà”. Thiếu điều ông Năm Chuột hô “xung pheng” nữa là trở thành chiến trường đẫm… cứt gà!

                                            

                                                                    Đàn gà chọi hàng chục con bị đập chết

Ông Hồ Văn Khải nhớ lại: “Khi anh Năm Chuộc đi vào, tôi hỏi, anh làm gì thế? Bất ngờ, ông ấy rút súng chỉ vào mặt tôi, rồi nói: “Tao gí súng, mày làm gì được tao?”. Không riêng gì ông Khải bị uy hiếp, ông Năm Chuộc còn gí súng vào anh Hồ Văn Phước (con trai ông Khải), khi anh này phản ứng đoàn làm việc đập chết đàn gà chọi.

                                                    

                          Ông Nguyễn Văn Chuộc - Tổ trưởng tổ dân phố bị tố gí súng uy hiếp cha con chủ đàn gà

Đúng là “mày làm được tao” thật. Làm gì đây, bạn đọc ơi! Khi người ta có quyền và có súng, khi người ta là “quan cai trị, áp dụng luật rừng” thì người dân chỉ có nước chết đứng, ông muốn làm gì thì làm, chúng em thua. Ông Năm Chuột chính là hình ảnh tượng trưng nhất cho những “đại ca, đầu gấu” ở nhiều làng nhiều xã mà chúng ta không thể biết tới.

Ủy Ban ND Phường Xã đồng tình với cấp dưới và vu cáo người dân

Sau 3 ngày sự việc xảy ra, tức là sáng ngày 26-1 vừa qua, ông Lê Hoàng Vũ - Trưởng ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý gia cầm, Phó Chủ tịch UBND P.An Khánh, trả lời phóng viên báo chí: “Lực lượng tham gia gồm có công an, tổ bảo vệ dân phố, thú y phường và quận Ninh Kiều. Chúng tôi chỉ làm theo quy định chỉ thị 02, năm 2009 của Q.Ninh Kiều”.

Khi được hỏi “lực lượng kiểm tra đã khống chế, đập chết cả đàn gà như vậy có quá mức không?”, ông Vũ chỉ ngồi trầm ngâm, không trả lời.

Còn việc ông Nguyễn Văn Chuộc rút súng uy hiếp chủ nhà thì ông Vũ cho biết: “Thuộc phạm vi xử lý của công an”.

Ông Mai Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND P.An Khánh thì cho rằng: “Chúng tôi không cần thông báo, không cần có quyết định. Cứ phát hiện gà là đập chết mới khách quan. Vì gà đá (gà chọi) có giá trị kinh tế, nếu mang về đi tiêu hủy thì sợ dân nghi ngại “tráo đổi” gà tiêu hủy. Nên đập xong để giao cho Thú y quận giải quyết mới khách quan”.

Ông Hiệp nói rằng, nhà ông Khải có nhiều lần vi phạm với hình thức tổ chức đá gà ăn tiền. Ông nói: “Mặc dù công an đã nhiều lần bắt quả tang, lập biên bản nhưng vẫn ngoan cố”.

Nhưng anh Hồ Duy Thuấn khẳng định: “Từ trước đến nay gia đình tôi chưa bao giờ tổ chức đá gà ăn tiền. Nếu nói gia đình tổ chức đá gà thì phải có văn bản, biên bản xử lý vi phạm hành chính hay bất cứ giấy tờ gì chứng minh điều đó”. 

Rất trắng trợn, cấp trên của Phường An Khánh đã che chắn mọi hành động của toán người này và cho rằng làm việc đúng pháp luật! Rõ ràng hơn nữa là quan xã đã phạm tội vu cáo cho người dân vì không đưa ra được bằng chứng nào.

Ông Vũ Văn Bảo – Trưởng Công an P.An Khánh, xác nhận: “Hôm xảy ra sự việc tôi đến hiện trường, nghe gia chủ kể lại và tôi có xin lỗi gia đình”.

Nội dung chỉ thị 02, năm 2009 của Q.Ninh Kiều là gì?

Theo các văn bản của TP. Cần Thơ và Q.Ninh Kiều ban hành, từ khi xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1 vào năm 2009, địa phương này đã làm quyết liệt để tiêu hủy đàn gà bị nhiễm bệnh. Nói rõ hơn là văn bản này chỉ áp dụng khi có dịch cúm gia cầm năm 2009, cách đây 4 năm.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay (năm 2013), dịch bệnh gia cầm H5N1 không còn bùng phát như trước. Nhưng UBND P.An Khánh đã áp dụng chỉ thị này. Câu trả lời: “Chúng tôi không cần thông báo, không cần có quyết định. Cứ phát hiện gà là đập chết mới khách quan”. Đó là câu trả lời lời dứt khoát, quyết liệt, nhưng quả thật ông không hiểu thế nào là khách quan, thế nào là chủ quan. Quyết liệt với dân, áp dụng theo kiểu thi hành luật lệ thời chiến tranh trong thời bình. Ông bám vào cái quyết định trong tình hình khẩn cấp để “tự do” muốn đập chết đàn gà nào là cứ tự nhiên xông vào nhà dân đập chết liền, không cần thông báo, không cần quyết định. Vậy thì còn bao nhiêu luật lệ ban hành trong tình hình khẩn cấp nữa, một thí dụ khác như khi có dịch heo tai xanh, bây giờ ông lôi ra áp dụng rồi cứ tự do xông vào nhà dân, mang hết heo của dân ra hố chôn sạch? Chưa biết chừng khi có chỉ thị đề phòng “bọn xấu phản động mưu đồ phá hoại hòa bình”, các ông quan làng xã này sẽ tóm cổ nhốt hết anh nào nói năng không đúng lập trường, than thở đói khổ, phải luôn nói “phấn khởi hồ hởi” mới yên thân. Làm dân ở làng khổ thật. Đã thế cấp trên cũng chẳng thèm bênh vực nếu không muốn nói là bao che, làm cho mọi tội lỗi của cấp dưới nhẹ đi như… không hế có.

Cấp huyện và cấp thành phố nói gì?

Chiều 25/1, ông Nguyễn Trọng Quyền – Trưởng trạm thú y quân Ninh Kiều và Bình Thủy (TP. Cần Thơ) trả lời PV báo chí, trong năm 2010, UBND TP. Cần Thơ đã có quyết định “cấm người dân nuôi nhốt gia cầm trong thành phố”, nhất là gà đá.

Việc thành lập đoàn để đập gà của nhà anh Thuấn, ông Quyền cho hay: “Dưới phường có lập đoàn đi tịch thu, tiêu hủy. Mà đã tịch thu tiêu hủy thì phải đập chết”.

Còn hành vi gí súng vào người nhà anh Thuấn của người trong đoàn, ông Quyền cho hay, việc đó là do công an giải quyết!

Liên quan đến việc này, ông Phạm Văn Quỳnh – Giám đốc Sở Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn TP Cần Thơ cho biết: “Việc cấm nuôi nhốt gia cầm trong thành phố có chủ trương từ trước. Tuy nhiên, việc đập chết đàn gà là tàn nhẫn! Chúng tôi vẫn chưa nghe báo cáo gì hết”.

Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Quang Duy - Phó Chủ tịch UBND Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ khẳng định, việc làm của đoàn kiểm tra P.An Khánh như thế là “cứng nhắc”. Thời điểm này trên địa bàn không còn xảy ra cúm A (H5N1).

Chỉ là “cứng nhắc”, có nghĩa là họ làm việc vẫn đúng, chỉ cứng một tí thôi (?!) Nghe nhẹ hều như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Trước sự việc trên, luật sư của gia đình anh Hồ Duy Thuấn đã gửi đơn lên Bí thư, Chủ tịch, Trưởng Công an và Viện kiểm sát Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ yêu cầu xử lý hành vi “hủy hoại tài sản công dân”. Và tất nhiên phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình anh Thuấn lên đến hàng tỉ đồng.

Phải nhìn sự việc như vụ phá hoại tài sản nhà ông Đoàn Văn Vươn

Bạn đọc đã thấy rõ hành động ngang ngược của cơ quan chức năng Phường An Khánh và lời chạy tội của cả chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường này. Chẳng khác gì vụ hủy hoại tài sản nhà ông Vươn ở huyện Tiên Lãng xảy ra hôm 5-1-2012, chưa quá 1 năm . Ban đầu, các quan làng quan xã, thậm chí quan huyện Tiên Lãng cũng ra sức bênh vực các “chiến sĩ” đã làm nhiệm vụ đập phá nhà ông Vươn, ngay cả ông Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng cũng ca tụng “đây là một trận đánh rất đẹp, có thể viết thành sách” cho các đơn vị học tập.

Chỉ đến khi dư luận nổi sóng, Thủ tướng Chính phủ kết luận đó là sai phạm của chính quyền địa phương. Lúc đó mọi chuyện mới được phanh phui và đưa ra tòa xét xử, rất nhiều quan chức bị cho về vườn, bị bồi thường thiệt hại, đến nay vẫn còn lai rai các quan chức bị điều tra. Nếu không, vụ này đã chìm xuồng. 

Nhìn lại sự việc ở Phường An Khánh, có thể đây là một vụ trả thù có tính toàn vô cùng thâm độc. Tại sao từ  khi biết nhà dân nuôi gà chọi, cái “ủy ban chức năng” đó không giải thích, không thông báo quy định cấm nuôi mà đợi đến lúc đàn gà lớn vào dịp gần Tết mới bất ngờ kéo quân đến đập chết? Các quan phường xã  “là đầy tớ nhân dân” như cái khẩu hiệu to tướng treo trên mọi bức tường trụ sở Ủy Ban chứ không phải là kẻ thù của nhân dân và cũng không phải cứ có tí chức sắc trong làng xã là cha thiên hạ.

Thật ra ở nhiều làng xã đã từng có biết bao chuyện tương tự xảy, người dân cắm đầu chịu đựng vì chẳng biết kêu ai khi các cấp che chở, bênh vực cho nhau. Có khi kêu oan còn “ăn đòn” nặng hơn, chẳng thiếu gì chuyện đã xảy ra như vậy. Thế nên đành “nín thở qua sông”.

Mời bạn đọc xem qua ý kiến của người dân tràn lan trên các trang báo trong nước từ hơn một tuần nay:

- Bạn nguyen thanh: Còn đâu là luật pháp? Đất nước này đến loạn mất thôi. Đây là hình thức trả thù cá nhân? hành chính hay hành dân!

- Bạn nvananh: Hành động côn đồ thế này thì người dân sống sao ổn. Khả năng là những đối tượng này lợi dụng chức vụ để làm hại nhà ông Khải do tư thù, ghen ghét. Hành động của họ phạm nhiều tội: tự ý không báo trước, phá hoại tài sản riêng của người dân, uy hiếp tinh thần, hành động và lời nói vô văn hóa...Họ cần bị đào thải và trừng trị chứ nếu còn được ở những chức vụ đó thì dân còn oan khổ.

Bạn nguyễn ngọc hòa: Ông Năm Chuột dùng súng dí vào đầu ông Khải là đe dọa tước mạng sống ngay trong tức khắc nếu ông Khải có bất cứ hành động chống đối nào. Như vậy, vấn đề đặt ra là ông Năm Chuột có được phép dùng súng trong trường hợp như vậy hay không? Ai cấp súng và cho phép làm điều này? Nếu ông Khải bị bắn chết thì sao ...? Nếu ông Khải có phải ứng nào đó làm ông Năm Chuột chết (phản ứng làm chấm dứt ngay hành vi gây nguy hiểm) thì có bị khởi tố hình sự vì tội chống người thi hành công vụ hay không?

Đừng để trở thành “tập quán đầu gấu nông thôn”

Tôi nhắc lại điều tôi đã viết ở trên: Nếu không diệt ngay từ mầm mống tình trạng côn đồ này, mai mốt sẽ thành một thứ “tập quán đầu gấu”. Mặc cho quan làng quan xã lộng hành, người dân càng thống khổ hơn.

Văn Quang

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-22/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link