Viếng
Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa
Nguyễn
Hoàng Vi (Danlambao) - Những ngày cuối năm, nhiều gia đình người Việt vẫn duy trì
phong tục tảo mộ ngày xuân. Vào dịp này, họ thường thăm viếng nghĩa trang để
dọn dẹp, sửa sang mộ phần người đã khuất với niềm tin rằng hương hồn của những
người quá vãng về ăn tết cùng con cháu.
Tại Việt Nam, hiện vẫn còn hơn 16.000 ngôi mộ quanh năm cô quạnh. Gần tết, những ngôi mộ càng trở nên lạnh lẽo, đây là nơi yên nghỉ của các tử sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tại Việt Nam, hiện vẫn còn hơn 16.000 ngôi mộ quanh năm cô quạnh. Gần tết, những ngôi mộ càng trở nên lạnh lẽo, đây là nơi yên nghỉ của các tử sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Lương tâm con người không khỏi xót xa và thúc
đẩy chúng tôi phải làm một điều gì đó để chia sẻ với họ, những người gần như đã
bị quên lãng suốt gần 38 năm nay.
Sáng ngày 02.02.2013,
chúng tôi đã có cuộc viếng thăm nghĩa trang Quân đội Biên Hòa. Có mặt tại đền
Tử sĩ hơn 7h sáng, chúng tôi cùng nhau quét dọn, sửa sang, dâng hương và cầu
nguyện, rồi cùng nhau qua phía nghĩa trang để thắp hương và cầu nguyện cho
những người đã khuất.
Khi vào cổng, bảo vệ bắt chúng tôi phải đăng ký
họ tên và chứng minh nhân dân, trong bảng nội quy thăm viếng không hề nhắc đến
điều này. Dù vậy, chúng tôi vẫn bày tỏ sự thiện chí.
Sau khi đăng ký xong, xe chúng tôi vào trong để
thắp hương thì lập tức có khoảng 4-5 người đi theo vào trong. Khi xe vừa dừng,
có một chú đến bắt chuyện với linh mục Anton Lê Ngọc Thanh:
- Tôi biết ông này là Cha (trong khi Cha Thanh
không hề mặc áo nhà dòng).
Những người đó giới thiệu với chúng tôi, họ là
những người canh và quét dọn nghĩa trang.
Khoảng 1 phút sau, có một người đàn ông trung
niên tóc dài đã lốm đốm trắng chạy xe đến yêu cầu chúng tôi không được chụp
hình, đồng thời căn dặn những người đi theo chúng tôi điều gì đó.
Chúng tôi bắt đầu đặt hoa và đốt nhang, một anh
trong đoàn mang theo máy để chụp hình lưu niệm thì bị một chú nhắc nhở không
cho chụp hình. Chúng tôi hỏi:
- Vì sao vậy chú?
- Ở đây cấm chụp hình, quay phim.
- Chúng tôi có thấy bảng cấm chụp hình đâu?
Trong nội quy thăm viếng cũng không cấm mà.
- Các anh chị thông cảm. Chỉ đạo của bên an ninh
không cho chụp hình.
- Ủa... Nghĩa trang mà cũng có an ninh chỉ đạo
nữa hả chú?
- Có chứ. Phòng bảo vệ chính trị của tỉnh ngày
nào mà chẳng cắt cử người xuống đây canh...
Chúng tôi bắt đầu chia ra thắp hương cho từng
ngôi mộ. Đa số các ngôi mộ đều xuống cấp, sụp đổ, hoang tàn. Những ngôi mộ
không có thân nhân đều chỉ xây bằng đất. Họ trồng cây cối xung quanh, rễ cây ăn
sâu vào mộ khiến cho một số ngôi mộ bị trồi lên. Nhìn thấy Đài Nghĩa Dũng đang
được xây mới, chúng tôi hỏi những người đi theo:
- Đài đó được ai bỏ tiền ra xây lại ạ?
- Không. Do nhà nước bỏ tiền ra xây lại đấy.
- Vậy những ngôi mộ ở đây sao có những ngôi mộ
được xây rất đẹp, có những ngôi mộ xây bằng xi măng qua loa, có những ngôi mộ
chỉ bằng đất thôi vậy chú?
- Những ngôi mộ được xây đẹp đa số là do thân
nhân họ xây lại.
- Vậy những ngôi mộ không có thân nhân thì không
được xây lại hả chú? Sao nhà nước không bỏ tiền ra xây mộ lại mà lại xây Đài
kia?
- Nhà nước "bên
kia" họ bỏ tiền ra xây đó...
....
Xong việc, chúng tôi tập trung lại để đọc kinh
cầu nguyện (vì đa số những người đi viếng là người Công giáo) nhưng lại bị nhắc
nhở:
- Ở đây không được làm lễ hay đọc kinh cầu
nguyện nên các anh chị thông cảm. Nếu có đọc kinh thì đọc thầm trong miệng để
chúng tôi khỏi khó xử với an ninh.
Vì mục đích của chúng tôi là thăm viếng, thắp
hương để linh hồn các anh được ấm áp trong những ngày cuối năm nên chúng tôi
cũng đành chấp nhận để hoàn thành xong công việc.
Chuyến viếng thăm để lại trong tôi nhiều suy
nghĩ, nhất là về chủ trương của những người tự nhận 'bên thắng cuộc'.
Để hòa giải, hòa hợp dân
tộc như đã tuyên truyền, trước hết hãy biết hòa giải với những người khác chính
kiến, nhất là đối với những người đã khuất.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment