04/02/13
|
Bản chất hiếu chiến
mới của Trung Quốc
“China’s New Militancy”
Gordon Chang
The Diplomat
31-1-2013
Người dịch: Nguyễn Quốc Khải
Tóm tắt (bởi người dịch): Chế độ Cộng Sản đã lỗi thời. Những nhà lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay phải dựa vào chủ nghĩa quốc gia dân tộc để có lý do duy trì quyền lực. Chính sách bành trướng lãnh thổ, gây gỗ với những nước láng giềng dựa trên sức mạnh quân sự của Trung Quốc thể hiện chính sách quốc gia dân tộc này. Ảnh hưởng của phe quân đội ngày càng trở nên quan trọng hơn. Những nhà lãnh đạo dân sự cần phải dựa vào những cấp chỉ huy quân đội. Đó là một vài lý do làm cho Trung Quốc có bộ mặt hiếu chiến hiện nay. Bắc Kinh không cho những quốc gia láng giềng có một lựa chọn nào khác ngoài việc cùng đứng lên chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
oo0oo
Những nhà lãnh đạo Trung Quốc lập lại những lời kêu gọi Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân sẵn sàng lập kế hoạch, chiến đấu, và đoạt thắng lợi. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại.
Trong bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai Tổng Thống Obama nói rằng: “Chúng ta sẽ bầy tỏ sự can đảm, để thử nghiệm và giải quyết những khác biệt của chúng ta với những nước khác một cách ôn hòa – không phải vì chúng ta khờ khạo về những nguy hiểm mà chúng ta đối mặt, nhưng vì sự giao tiếp có thể làm tan biến sự nghi ngờ và sợ hãi lâu bền hơn.”
Cộng đồng thế giới “giao tiếp” với những quốc gia thù nghịch chính xác như thế nào? Chúng ta hãy lấy Trung Quốc làm một thí dụ.
Ông Tập Cận Bình (Xi Jinping) được chọn lựa là tổng bí thư của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) vào tháng 11 vừa qua. Ông phản ảnh bản chất hiếu chiến mới. Vào ngày thứ Ba [29-1-2013], ông đã đọc một bài diễn văn không nhượng bộ và thiết thực trước Bộ Chính Trị. Theo bài diễn văn này, ông loại trừ mọi thỏa hiệp về những vấn đề lãnh thổ và an ninh. Những từ ngữ cứng rắn của ông phù hợp với giọng điệu the thé của những thông điệp mà ông gửi đến Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân về việc sẵn sàng thiết lập kế hoạch, chiến đấu, và đoạt thắng lợi. Theo truyền thống, những nhà lãnh đạo Trung Quốc thường thuyết giảng và kêu gọi quân đội cải thiện tư thế sẵn sàng, nhưng nhà quan sát Trung Quốc kinh nghiệm Willy Lam ghi nhận rằng Ông Tập Cận Bình đã đặc biệt nhấn mạnh về điểm này. Ngoài ra, lời kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng đối phó với xung đột của Ông Tập Cận Bình đi xa hơn hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao).
Trong quá khứ, những bài nói về chiến tranh của quân đội trái ngược với những lời lẽ xoa dịu của những nhà lãnh đạo cao cấp dân sự. Ngày nay, những lời phê bình gây gỗ của những sĩ quan chỉ huy phù hợp với những gì mà Ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao, tuyên bố. Như tờ báo Financial Times ghi nhận, những lời tuyên bố về chiến tranh của Ông Tập Cận Bình pha trộn với sự phóng đại xem ra được tính toán để cổ võ chủ nghĩa quốc gia dân tộc.
Trong môi trường này, những sĩ quan của quân đội Trung Quốc có thể bênh vực những cuộc chiến tranh ngắn hạn, đột ngột và mạnh mẽ và nói về sự cần thiết của hành động tấn công trước mà không bị khiển trách. Như một vài người đã nói một cách riêng tư, tính chất liều lĩnh của những sĩ quan này cho thấy rằng Tổng Bí Thư Tập Cận Bình liên kết với một số các tướng và các đô đốc. Những người này nghĩ rằng chiến tranh với Hoa Kỳ có thể là một ý kiến hay.
Trung Quốc có vẻ đang đi vào một trong những ngã rẽ định kỳ sai lầm. Có phải vì Ông Tập Cận Bình là một người theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc và ông ta muốn đưa đất nước vào con đường phát triển sức mạnh gây nhiều chú ý? Hoặc là ông không chống nổi những áp lực từ những phần tử bên trong chế độ ngày càng thêm rối loạn?
Đa số những nhà phân tách nghĩ rằng Quân Đội Nhân Dân vẫn còn ở dưới sự kiểm soát chặt chẽ của những nhà lãnh đạo dân sự của Bắc Kinh. Thí dụ một số nguồn tin tường thuật rằng Tổng Bí Thư Tập Cận Bình đích thân điều khiển việc xâm nhập của Bắc Kinh vào lãnh hải và không phận của Nhật Bản. Ngoài ra, Ông Scott Harold của cơ quan Rand ghi nhận tường tận rằng những nhà lãnh đạo dân sự của Bắc Kinh có thể chấm dứt những lời tuyên bố cứng rắn của những sĩ quan diều hâu, khi Đảng CSTQ cần phải biểu hiện một mặt trận ôn hòa, như khi Ông Hồ Cẩm Đào thăm Hoa Kỳ vào năm 2011. Ông Harold nói với hãng tin Reuters rằng “Đùng một cái, những gã này đột nhiên yên lặng,” khi ông đề cập đến những sĩ quan lắm điều.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội thoát khỏi sự kiểm soát của dân sự. Năm vừa qua có hai loạt tin đồn phổ biến ở Trung Quốc, một vào tháng Một và loạt kia vào tháng Ba. Câu chuyện có thể không đúng, nhưng điều này hầu như không quan trọng. Những tin đồn này lan truyền khắp nơi ở Trung Quốc, không phải chỉ vì chúng nhậy cảm mà cũng vì chúng đáng tin cậy đối với nhiều người dân Trung Quốc. Thật vậy, những tin đồn này được tin cậy vì những nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đã làm cho dân Trung Quốc trong vài năm vừa qua tin rằng những sĩ quan cao cấp đã nhận lãnh một vai trò chủ chốt trong chính trường tại Bắc Kinh.
Thí dụ, Ông Hồ Cẩm Đào vô tình đã làm cho những tin đồn về việc quân đội toan tính đảo chánh có vẻ đáng tin cậy vì đã ra những thông báo dưới hình thức những nhắc nhở có chủ đích rằng Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân phục vụ nguyện vọng tuyệt đối của Đảng CSTQ. Ông Tập Cận Bình cũng đã phổ biến những lời cảnh cáo tương tự trong nhiệm kỳ ngắn ngủi làm tổng bí thư và chủ tịch Ủy Ban Quân Sự Trung Ương của Đảng CSTQ. Cho đến nay, đã có quá nhiều những lời tuyên bố như vậy để nghĩ rằng vào lúc này Đảng CSTQ vẫn thật sự “kiểm soát súng đạn.”
Trên thực tế, những tướng lãnh và những đô đốc làm cho những nhà lãnh đạo dân sự đang tranh chấp với nhau phải cám ơn họ về ảnh hưởng ngày càng phát triển của quân đội. Bắt đầu vào một thập niên trước, những sĩ quan cao cấp bị lôi cuốn vào một cuộc tranh chấp quyền lực giữa Ông Giang Trạch Dân, người ra đi, nhưng lúc đó vẫn cố gắng nấn ná lại trong ánh đèn sân khấu, và Ông Hồ Cẩm Đào, người tiếp nối. Năm ngoái, chúng ta cũng đã chứng kiến những nhà lãnh đạo dân sự đã chạy tới giới lãnh đạo quân đội để tìm kiếm sự hỗ trợ của họ trong nhiều cuộc tranh chấp giữa những nhà lãnh đạo dân sự với nhau.
Thí dụ, khi Ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), lúc đó là bí thư tỉnh Trùng Khánh (Chongqing), gửi sĩ quan an ninh võ trang đến bao vây sứ quán Hoa Kỳ tại Thành Đô (Chengdu) vào tháng Hai năm ngoái, ông đã đến Côn Minh (Kumming) để thăm viếng bản doanh của Binh Đoàn XIV. Cha của Ông Bạc Hy Lai là Ông Bạc Nhất Ba (Bo Yibo) đã thành lập đơn vị này. Những nhà phân tách ước đoán một cách tự nhiên rằng Ông Bạc con kêu gọi những sĩ quan đương thời ủng hộ ông được thăng chức [hiện nay đã thất bại] từ Bộ Chính Trị của Đảng lên Ban Thường Trực của Bộ Chính Trị.
Ngoài ra, vào đầu tháng Tư, cựu lãnh tụ Giang Trạch Dân theo lời đồn đãi, đã bàn thảo với những sĩ quan quân đội trước khi họp với Ông Hồ Cẩm Đào và những thành viên khác của Ban Thường Trực và trước khi bãi những chức vụ đảng của Ông Bạc Hy Lai. Về sau, khi họp với Ông Hồ Cẩm Đào và Ban Thường Trực, Ông Giang Trạch Dân họp với họ tại bản doanh của Ủy Ban Quân Sự Trung Ương tại Bắc Kinh, một địa thế tượng trưng mạnh mẽ.
Trong một dấu hiệu gây lo ngại nhiều hơn về vai trò ngày càng lớn của quân đội và vị thế ngày cảng suy yếu của những nhà lãnh đạo dân sự, những “người thuộc phe tả” năm ngoái đã công khai kêu gọi quân đội can thiệp vào hoạt động chính trị của quốc gia.
Từ tất cả những sự kiện biểu hiện ra bề ngoài, Quân đội đã giữ một vai trò mở rộng trong chính sách cũng như trong chính trị. Những sĩ quan cao cấp có vẻ như hành động độc lập với những viên chức dân sự, nhưng trong bất cứ trường hợp nào, những sĩ quan công khai chỉ trích các viên chức dân sự và đưa ra những lời tuyên bố về những lãnh vực mà trước đây chỉ dành riêng cho các nhà ngoại giao.
Tiến trình quân đội hóa chính trị và chánh sách đã đi quá xa đến nỗi Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân có thể sớm trở thành một phe mạnh nhất trong Đảng CSTQ, nếu hiện nay đã không xẩy ra như vậy. Quân đội duy trì được sự kết hợp tốt hơn là những phe khác trong Đảng CSTQ, đặc biệt là nhóm các ông hoàng tử con không có tổ chức của Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình hình như không có một nền tảng quyền lực nào cả. Ông Giang Trạch Dân đã chiếm được Ban Thường Trực, đỉnh quyền lực chính trị tại Trung Quốc, và Ông Hồ Cẩm Đào đã chọn lựa Ủy Ban Quân Sự Trung Ương. Còn lại gì cho Ông Tập Cận Bình? Thông thường, phe của tổng bí thư cuối cùng phải được cái gì nhiều quyền lực nhất, nhưng phe của ông – nếu ông có một phe – rõ ràng là không được như vậy. Do đó, đối với ông thật là hợp lý là dựa vào quân đội để củng cố một địa vị bất ổn của ông.
Khi một nhà lãnh đạo mới lên cầm quyền luôn luôn có sự mặc cả, và hiện nay đây là trường hợp đặc biệt đúng vì sự chuyển tiếp đã không khởi sự một cách tốt đẹp. Trong thời gian khó khăn này, chúng ta không nên ngạc nhiên rằng những phần tử cứng rắn nhất tại Bắc Kinh có vẻ như họ tự do nói và làm những gì họ muốn.
Có vẻ đó là lý do tại sao những nhà lãnh đạo Trung Quốc nói về chiến tranh và sử dụng những chiến thuật gây gỗ trong khi họ cố gắng đẩy biên giới của Trung Quốc ra xa hơn và gây gỗ với Nhật, Ấn Độ, và tất cả những quốc gia giáp ranh với Biển Hoa Nam. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc tìm cách đóng vùng biển quan trọng mà những nhà lãnh đạo Bắc Kinh xem như là một hồ nước riêng của Trung Quốc. Các cơ quan truyền thông của nhà nước ám chỉ từ giữa năm 2011 rằng đây là “lãnh hải” của Trung Quốc.
Những đòi hỏi bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh có thể là kết quả không tránh được theo quỹ đạo [biến thái] của Đảng CSTQ. Ông Edward Luttwak ghi nhận rằng: “Chủ nghĩa quốc gia dân tộc hiếu chiến là một thay thế có thể duy nhất [cho chế độ cộng sản] đối với những cựu đảng viên cộng sản muốn duy trì quyền lực.” Như vậy, một điều tự nhiên là Ông Tập Cận Bình tuyên bố cứng rắn và quân đội đảm nhiệm một vai trò tiên phong trong việc bành trướng lãnh thổ và lãnh hải dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh này, cộng đồng thế giới đang phải cố gắng một cách khó khăn để duy trì liên hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Khi có một lãnh tụ Trung Quốc mới xuất hiện tại hiện trường luôn luôn có hi vọng mới, nhưng đừng trông đợi sự lạc quan sẽ tồn tại lâu. Nếu Ông Tập Cận Bình tốt như lời nói của ông ta và sẽ không có sự thỏa hiệp về những vấn đề quan trọng như ông tuyên bố vào ngày thứ Ba [29-1-2013] vừa qua, ông dành cho những nước bị đe dọa rất ít lựa chọn, ngoại trừ chống lại những đòi hỏi bành trướng lãnh thổ của ông.
Tổng Thống Obama có thể nghĩ rằng ông có thể hoạch định một chính sách giao tiếp mơ hồ với Trung Quốc, nhưng cuối cùng ông Obama sẽ phải phản ứng một cách tuyệt vọng đối với một chế độ đang đi tới.
Gordon G. Chang viết cho Forbes.com. Ông là tác giả của cuốn sách “The Coming Collapse of China. Liên lạc: Twitter @GordonGChang
Bản tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment