Tuesday, April 2, 2013

Bắc Hàn : đằng sau những đe dọa


 

Chiến lược xây dựng lá chắn chống phi đạn này dưới thời cựu tổng thống George
W. Bush trước đây bị Moskva và Bắc Kinh chống đối kịch liệt vì nghi ngờ để bao
vây Nga và Trung Quốc. Lần này cả Nga lẫn Trung Quốc chỉ bực bội nhìn Hoa Kỳ xây dựng chung quanh lãnh thổ mình những dàn tên lửa Patriot chống phi đạn
trong bất lực.

Không biết tình cờ hay cố ý, Bắc Hàn đã làm lợi cho Hoa Kỳ trong chiến lược
tái phối trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chắc chắn chính quyền của
tổng thống Obama sẽ có một cử chỉ nào đó giúp Bắc Hàn qua cơn khốn đốn
trong những ngày sắp tới.

 

Bắc Hàn : đằng sau những đe dọa

Nguyễn Văn Huy

“ ...Vì tuyệt vọng Bắc Hàn đã làm càn bất chấp những khuyến cáo của hai quốc gia đàn anh khiến Nga và Trung Quốc lâm vào thế bị kẹt: Hoa Kỳ đã chính thức hiện diện trong khu vực bờ biển phía đông của Nga và Trung Quốc...”

 


Trong những ngày cuối tháng 3/2013, Bình Nhưỡng liên tục tung ra những lời đe dọa tấn công Nam Hàn và cả với Hoa Kỳ nếu tiếp tục bị khiêu khích. Chính quyền Hán Thành ghi nhận nhưng không cho là quan trọng trong khi Washington đánh giá là rất quan ngại. Moskva và Bắc Kinh bày tỏ sự dè dặt trước sự leo thang ngôn ngữ chiến tranh của Bắc Hàn và khuyên Hoa Kỳ và Nam Hàn nên sáng suốt trước thái độ hiếu chiến của Bắc Hàn.

Thấy gì qua những phản ứng này? Bắc Hàn muốn phát động một cuộc chiến tranh với Nam Hàn và Hoa Kỳ? Nếu tình trạng dùng dằng nửa chiến tranh nửa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên kéo dài, ai là người hưởng lợi?

Bắc Hàn muốn phát động một cuộc chiến tranh?

    Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Bắc Hàn (Triều Tiên) đe dọa chiến tranh với Nam Hàn (Đại Hàn hay Hàn Quốc). Từ sau khi cuộc chiến tranh Nam-Bắc chấm dứt năm 1953 đến nay, Bắc Hàn đã nhiều lần tấn công Nam Hàn bằng quân sự, chẳng hạn như những vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong những năm 1999, 2002 và 2010, bắn chìm tàu hộ tống Cheonan năm 2010. Không những thế, Bình Nhưỡng còn đe dọa tấn công Nam Hàn bằng bom nguyên tử, nhiều vụ thử nghiệm trong những năm 2006, 2009 et 2013 đã bị Liên Hiệp Quốc lên án, đó là chưa kể những vụ bắn thử nghiệm phi đạn tầm trung qua không phận Nam Hàn và Nhật Bản.

Đối với Washington, chính việc đe dọa sử dụng bom nguyên tử của Bắc Hàn đã khiến Hoa Kỳ tăng cường hợp tác quân sự với Nam Hàn. Sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba ngày 12/2/2013, Hoa Kỳ quyết định tập trận cùng hải quân Nam Hàn ngoài khơi Biển Vàng trong hai tháng, từ 20/2 đến 20/4/2013, nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng tác chiến của Nam Hàn. Trong cuộc thực tập này có sự tham dự của oanh tạc cơ tàng hình khổng lồ B2 của Mỹ. Ngày 29/3, hai oanh tạc cơ B2 đã bay lượn trên bầu trời Nam Hàn như để trấn an Hán Thành (Seoul) và cảnh cáo Bình Nhưỡng (Pyongyang).

Đối với Bắc Hàn, chính cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn từ tháng 2 vừa qua đã khiến Bình Nhưỡng nổi giận. Để trả đũa, ngày 30/3/2013 chính quyền Bắc Hàn tuyên bố tình trạng chiến tranh với Nam Hàn, đường dây điện thoại đỏ với Hán Thành bị cắt đứt và lớn tiếng hăm dọa "đánh phủ đầu không thương tiếc" Hoa Kỳ bằng bom nguyên tử nếu tiếp tục bị khiêu khích. Nhiều vụ xuống đường rầm rộ của dân chúng và quân đội tại Bình Nhưỡng lên án Nam Hàn chuẩn bị chiến tranh và tố cáo đế quốc Mỹ muốn tiêu diệt Bắc Hàn.

Quan sát kỹ tình hình, người ta thấy có một cái gì gượng gạo trong thái độ hung hãn của Bắc Hàn. Ai cũng biết, Bắc Hàn không phải là đối thủ quân sự của Mỹ, và ngay cả Nam Hàn. Điều làm những người yếu bóng vía lo sợ là cảnh rừng người trong những cuộc thao diễn quân sự, từng đoàn người diễn hành một cách máy móc như những robot, gương mặt lạnh lùng giữa rừng cờ đỏ cùng những người lính đứng nghiêm như pho tượng trên những chiến xa và xe chở đầu đạn đi ngang qua khán đài. Tiếng gót giầy rần rật và tiếng hét vang của hàng chục người cùng một lúc càng làm tăng nỗi sợ hãi. Nhưng nếu nhìn kỹ, quân nhân Bắc Hàn ăn mặc nghèo nàn và thiếu ăn thấy rõ, ánh mắt của họ để lộ sự sợ hãi cấp trên như những nô lệ, khí tài sử dụng tuy nhiều nhưng đã quá lỗi thời không còn thích hợp với một cuộc chiến tranh qui ước hiện đại đòi hỏi những loại vũ khí có tầm sát hại chính xác hơn.


Cuộc chiến tranh Nam-Bắc đã xảy ra cách đây 60 năm nhưng kỹ thuật huấn luyện của quân đội Bắc Hàn vẫn y như cũ, lực lượng tác chiến chủ yếu vẫn là bộ binh kết hợp với chiến xa và pháo binh. Yếu tố đã tạo ra sức mạnh của quân đội Bắc Hàn là lòng dũng cảm và sự hy sinh trong những cuộc tấn công bằng biển người.
 
Người lính Bắc Hàn sẵn sàng lao tới họng súng của kẻ thù không hề nao núng. Thành công của chiến thuật biển người là sau khi thấy số người bị bắn giết quá nhiều, máu đã chảy thành sông, địch quân sẽ bị chùn tay và tự động bỏ chạy hay buông súng đầu hàng. Ngày nay, trong cuộc chiến hiện đại, sự hy sinh và lòng dũng cảm của người lính không có trọng lượng nào trước sự chính xác của những loại khí tài tinh vi được hướng dẫn từ xa: Người lính bị giết chết mà không hề nhìn thấy kẻ thù.
 
Quân đội Bắc Hàn có thể đông gấp đôi quân đội Nam Hàn, nhưng nếu xảy ra chiến tranh chiến thuật biển người chỉ là mồi ngon cho những cuộc tập kích của pháo binh, không quân và hải quân từ xa. Hiện nay quân đội Nam Hàn được trang bị những loại vũ khí tài tinh vi có khả năng ngăn chặn đầu đạn từ xa và có tầm sát hại lớn và chính xác.

Như một người giỏi võ biết tự kềm chế, trong những cuộc đụng độ gần đây quân đội Nam Hàn đã chịu một vài thiệt hại đáng kể về nhân mạng và khí tài, nhưng chính quyền Hán Thành luôn luôm tìm cách giảm thiểu căng thẳng để tránh leo thang chiến tranh. Ưu tư của Nam Hàn là duy trì hòa bình để phát triển kinh tế, trong khi Bắc Hàn cố tình khiêu chiến với hy vọng được thế giới chú ý và giúp đỡ. Nam Hàn là cường quốc kinh tế hạng thứ 12 trên thế giới trong khi Bắc Hàn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nguồn lợi tức duy nhất của Bắc Hàn là xuất khẩu vũ khí, khoáng sản và buôn lậu ngày nay đang sút giảm nặng.
 
Khách hàng mua vũ khí chính của Bắc Hàn là Lybia, Syria và các quốc gia Châu Phi hiện nay đang gặp khó khăn không còn mua nữa; những đuờngdây buôn lậu ma túy và hàng quốc cấm tại những quốc gia lân cận đã lần lượt bị khám phá và phảingừng hoạt động; về khoáng sản, Trung Quốc đã tìm được những nguồn cung cấp dồi dào và rẻ hơn tại Châu Phi nên hầm mỏ của Bắc Hàn không còn hấp dẫn.
 
Thêm vào đó, bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài trên thế giới, Trung Quốc không còn rộng lượng như trước, nhất là không thể cung cấp nhiên liệu và lương thực thực phẩm đổi lấy tài nguyên thiên nhiên như trước. Trước nguy cơ bị sụp đổ, Bình Nhưỡng càng lên gân đe dọa Nam Hàn và Hoa Kỳ với hy vọng giải tóa sự bực bội của dân chúng đang bị thiếu ăn và quân đội đang thiếu trang bị.

Trước đây, lợi dụng sự sa lầy của Hoa Kỳ trên hai mặt trận Afghanistan và Iraq, Kim Chính Nhật (Kim Jong-Il), cha của đương kim chủ tịch Kim Chính Ân (Kim Jong-un), đã yêu sách tổng thống George W. Bush và chính quyền Nam Hàn cung cấp lương thực và dầu lửa, đổi lại Bắc Hàn đình chỉ những cuộc thử nghiệm bom nguyên tử. Nhờ những trợ giúp này mà dân chúng Bắc Hàn thoát được nạn đói.
 
Ngày nay, dưới thời Barack Obama, Hoa Kỳ không còn kẹt chân trên hai chiến trường vừa kể do đó không còn nhu cầu trợ giúp Bắc Hàn về lương thực và dầu lửa. Càng lớn tiếng đe dọa, bộ tham mưu của Kim Chính Ân càng gặp thất vọng lớn. Hoa Kỳ đã không những không trợ giúp màđãvận động Liên Hiệp Quốc lên án và cô lập Bắc Hàn,vàcòn tăng cường hợp tác quân sự với Nam Hàn trên qui mô lớn để cảnh cáo.

Cũng nên biết từ 60 năm qua, 25% GDP hàng năm của Bắc Hàn được trích ra để nuôi quân đội (10 tỷ USD). Chính sự ưu đãi này mà cha con họ Kim [Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), Kim Chính Nhật (Kim Jong-Il) và Kim Chính Ân (Kim Jong-un)] đã mua được sự trung thành của quân đội; trong chính quyền các tướng lãnh đã nắm giữ những chức vụ cao nhất và quan trọng nhất của chế độ. Nếu không được tài trợ, chắc chắn quân đội sẽ có phản ứng, con thú ở thế cùng đường sẽ có những phản ứng hung bạo trước khi bị giết. Đây cũng chính là điều mà các cấp lãnh đạo ở Nam Hàn từ trước đến nay lo sợ và không muốn thấy xảy ra cho đồng hương miền Bắc.

Trong cuộc so cựa quân sự trên bán đảo Triều Tiên hiện nay, chắc chắn Bắc Hàn sẽ không dám đơn phương phát động chiến tranh với Nam Hàn và Hoa Kỳ. Nhưng trước  nguy cơ bị sụp đỗ, không ai biết áp lực của phe quân nhân trên vị lãnh tụ Kim Chính Ân non trẻ, năm này vừa tròn 30 tuổi, sẽ dẫn đến những hậu quả nào.

Ai thủ lợi trong cuộc leo thang hăm dọa chiến tranh này?


Một cách tổng quát, cuộc tranh chấp trên bán đảo Triều Tiên có ba phe: Phe trong cuộc gồm Bắc Hàn và Nam Hàn, phe ngoài cuộc nhưng liên quan trực tiếp đến Nam Hàn là Hoa Kỳ và Nhật Bản, phe ngoài cuộc liên quan trực tiếp đến Bắc Hàn là Trung Quốc và Nga.

Trong cuộc tranh chấp hiện nay, Bắc Hàn là phe bị thiệt thòi nhất. Một phần tư lợi tức quốc gia của Bắc Hàn chỉ được dùng để nuôi dưỡng một lực lượng quân sự đông hơn 9,4 triệu người (1,1 triệu quân nhân tại ngũ và hơn 8,3 triệu quân nhân trừ bị và dân quân tự vệ). Bắc Hàn là quốc gia quân sự hóa nhất thế giới. Tuy là một quốc gia nghèo, chính quyền Bắc Hàn không hề dè dặt trong những chi tiêu hoang phí cho mục tiêu quốc phòng, như chế tạo bom nguyên tử và phóng phi thuyền vào không gian.
 
 Trừ quân đội, dân chúng Bắc Hàn sống triền miên trong cảnh nghèo khó và thiếu ăn. Trước tình hình khó khăn chung trên thế giới, Bình Nhưỡng không đủ khả năng tài chánh để nuôi dưỡng một khối lượng quân nhân tương đương 40% dân số toàn quốc (25 triệu người), nếu không tiến hành một cuộc chiến tranh qui mô quân đội sẽ không có lý do tồn tại và sẽ là một đe dọa cho chế độ. Chính sự sợ hãi này đã khiến vị lãnh tụ non choẹt hăm dọa vung vít, bất chấp các qui luật quốc tế.
 
Càng leo thang đe dọa chiến tranh với Nam Hàn, Bắc Hàn càng bị thế giới cô lập, dân chúng Bắc Hàn càng tiếp tục sống trong nghèo khó.

Trong khi đó, chính quyền Nam Hàn vẫn bình chân như vại, tiếp tục yên tâm nâng cao mức sống người dân và gia tăng phát triển kinh tế. Lực lượng quân đội tuy chỉ có 672.000 quân hiện dịch và 4,5 triệu quân trừ bị, tương đương với 9,5% dân số (49 triệu người), nhưng là một trong những quân đội thiện chiến nhất thế giới. Ngân sách dành cho quốc phòng tuy chỉ chiếm 2,5% GDP nhưng nặng tới 36 tỷ USD, lớn hơn Bắc Hàn gấp 3,6 lần.
 
Với khả năng tài chánh này, quân đội Nam Hàn đã được trang bị và tự sản xuất những loại vũ khí tối tân nhất như Hoa Kỳ để tự vệ. Hiện nay, không cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, quân đội Nam Hàn đủ khả năng ngăn chặn những vụ tấn công bằng phi đạn hay biển người của Bắc Hàn. Thêm vào đó, 25.000 quân nhân Hoa Kỳ đồn trú trên lãnh thổ là một bảo đảm cho an ninh của Nam Hàn nếu Trung Quốc và Nga can thiệp vào. Mặc dù chiếm ưu thế về quân sự, thái độ nhường nhịn của Nam Hàn trước những khiêu khích quân sự của Bắc Hàn đã chiếm được nhiều cảm tình của dư luận thế giới. Thật ra Nam Hàn không muốn nuốt chửng Bắc Hàn như Tây Đức đã làm đối với Đông Đức trong thập niên 1990, vì quá tốn kém.

Những hăm dọa tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn không ngờđã củng cố chiến lược tái phối trí quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Vì là đồng minh của Nam Hàn, Hoa Kỳ có quyền đem tàu chiến đến gần bờ biển Nam Hàn để diễn tập quân sự, đặc biệt là trong khu vực Biển Vàng mà từ lâu Bắc Kinh tự cho thuộc quyền ảnh hưởng của mình.
 
 Cũng chínhvì có những đe dọa tấn công Hoa Kỳ bằng đầu đạn nguyên tử, Hoa Kỳ đã chính thức xây dựng những phòng tuyến chắn tên lửa tại Nam Hàn, Nhật Bản và Alaska, những vùng đất mà từ trước đến nay Nga và Trung Quốc không ngừng phản đối. Nói chung, trong cuộc leo thang hăm dọa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ là quốc gia hưởng lợi trực tiếp vì những dự toán chiến lược đã được thực hiện: Có thể đưa tàu chiến vào các vùng Biển Vàng và Biển Nhật Bản, và thiết đặt những phòng tuyến chắn tên lửa sát cạnh Trung Quốc và Nga, một hình thức bao vây chiến lược hai đối thủ quân sự trong vùng.

Trước những đe dọa này, Nhật Bản được Hoa Kỳ khuyến khích tái võ trang để tự vệ. Tuy nhiên, vì là một quốc gia thương mại và không muốn làm phật lòng ai, Tokyo đã phải miễn cưỡng tăng cường khả năng tự vệ và tái võ trang, điều mà hiến pháp Nhật Bản cho tới nay vẫn cấm. Cũng nên biết chi phí quốc phòng của Nhật Bản tuy chỉ chiếm 1,1% GDP nhưng trị giá gần 60 tỷ USD, đứng hạng thứ tư trên thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.
 
Với khả năng tài chánh và trình độ kỹ thuật cao, Nhật Bản trở thành đồng minh chiến lược quân sự chính của Mỹ trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Nhờ hợp tác với Hoa Kỳ, khả năng chiến đấu của quân đội Nhật ngang hàng với các lực lượng quân sự phương Tây. Thêm vào đó, ngành công nghệ Nhật Bản có thể tự sản xuất những loại khí tài tiên tiến nhất thế giới, hơn hẳn Trung Quốc và ngang hàng với Nga và Mỹ, nhưng không dám vì vẫn còn bị ám ảnh bởi những hình ảnh ghê rợn trên đất nước họ trong Thế chiến II.

Bị thiệt thòi gián tiếp trong cuộc tranh chấp quân sự trên bán đảo Triều Tiên là Nga và Trung Quốc. Vì tuyệt vọng, Bắc Hàn đã làm càn bất chấp những khuyến cáo của hai quốc gia đàn anh, khiến Nga và Trung Quốc lâm vào thế bị kẹt: Hoa Kỳ đã chính thức hiện diện trong khu vực bờ biển phía Đông của Nga và Trung Quốc. Chiến lược xây dựng lá chắn chống phi đạn này dưới thời cựu tổng thống George W. Bush trước đây bị Moskva và Bắc Kinh chống đối kịch liệt vì nghi ngờ để bao vây Nga và Trung Quốc. Lần này cả Nga lẫn Trung Quốc chỉ bực bội nhìn Hoa Kỳ xây dựng chung quanh lãnh thổ mình những dàn tên lửa Patriot chống phi đạn trong bất lực.

Không biết tình cờ hay cố ý, Bắc Hàn đã làm lợi cho Hoa Kỳ trong chiến lược tái phối trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chắc chắn chính quyền của tổng thống Obama sẽ có một cử chỉ nào đó giúp Bắc Hàn qua cơn khốn đốn trong những ngày sắp tới.

Nguyễn Văn Huy
Nguồn : Thông Luận

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-17/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link