Thursday, April 4, 2013

Thái Lan xoay trục về phía Trung Quốc nhưng không bỏ đồng minh Mỹ


 

PHỎNG VẤN - 

Bài đăng : Thứ tư 03 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 03 Tháng Tư 2013

Thái Lan xoay trục về phía Trung Quốc nhưng không bỏ đồng minh Mỹ


Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Reuters)

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Reuters)

Arnaud Dubus / Mai Vân  RFI


Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cạnh tranh với nhau để thiết lập ảnh hưởng chính trị và kinh tế lên vùng Đông Nam Á, một cuộc đua tranh càng lúc càng gay gắt. Là một quốc gia bản lề trên lục điạ Đông Nam Á, Thái Lan, đang cố cân bằng quan hệ của mình giữa hai cường quốc. Một bên là Hoa Kỳ, quốc gia mà các mối liên hệ thân thiết được nung đúc từ thời chiến trạnh lạnh bắt đầu nhạt đi, và bên kia là Trung Quốc đang khôn khéo ra sức chiêu dụ qua một chiên lược ngoại giao vừa kinh tế vừa văn hóa.

Tại chỗ, thông tín Arnaud Dubus phân tích thế đứng của Thái Lan :

Arnaud Dubus : Thái Lan có quan hệ chính trị và an ninh rất chặt chẽ với Hoa Kỳ. Bangkok thường được gọi là đồng minh chủ chốt ngoài khối yếu NATO của Washington. Quy chế đó cho phép Thái Lan được ưu đãi trong trợ giúp quân sự, kể cả những khoản tín dụng rất hời để mua vũ khí.

Nhưng điều đã khiến cho tình hình thay đồi dần dần từ cuối thập niên 1980 là sự kiện Trung Quốc không còn bị xem là một mối đe dọa đối với Thái Lan nữa, trong lúc đà vươn lên về mặt quân sự của Trung Quốc lại khiến cho Washington lo ngại. Tóm lại Thái Lan và Hoa Kỳ không còn cùng chung mục tiêu về an ninh.

Trong cùng một thời điểm, Trung Quốc đã trở thành một đối tác kinh tế rất quan trọng của Thái Lan. Trong năm 2011, kim ngạch trao đổi giữa hai bên lên đến 65 tỷ đô la, gần gấp đôi trao đổi giữa Mỹ và Thái Lan.

Công cuộc hội nhập kinh tế của khối ASEAN lại càng thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này. Thái Lan đã ký một hiệp định tự do mậu dịch với Trung Quốc về nông sản vào năm 2003, và một hiệp định rộng hơn giữa ASEAN với Trung Quốc đã có hiệu lực từ năm 2010.

Trong tình hình chính quyền Thái Lan đương nhiệm dành ưu tiên cho vấn đề kinh tế hơn là chính trị và an ninh trong chính sách ngoại giao của mình, rõ ràng là đang có một sự ‘xoay trục’ của Thái Lan hướng về Trung Quốc.

RFI : Các dự án hạ tầng cơ sở giao thông cấp khu vực phải chăng đã tạo thuận lợi cho tiến trình mà anh gọi là ‘xoay trục’ đó ?

Arnaud Dubus : Đúng như thế. Việc thiết lập các hành lang giao thông trong các dự án của Tiểu vùng Sông Mêkông hầu như đã hoàn tất, ngoại trừ ở Miến Điện. Trong số những hành lang này, một trong những trục quan trọng nhất là hành lang Bắc Nam, đi từ Vân Nam, qua Lào và đến Thái Lan.

Từ nay đến năm 2016, trục lộ này sẽ có thêm đường xe lửa, băng qua Lào và kể từ thành phố biên giới Nongkhai sẽ được nối với một đường cao tốc đi về hướng Bangkok và biên giới Malaysia.

Trục lộ Đông -Tây nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông cũng đi qua Bangkok. Thái Lan như thế sẽ vẫn là giao lộ trọng yếu của màng lưới giao thông khu vực giữa Trung Quốc và vùng Đông Nam Á.
Cho nên Thái lan cần định hướng lại kinh tế của mình, hướng nó về phía Trung Quốc, cũng như tất cả các nước trong khu vực đang làm.


RFI : Điều này phải chăng có nghĩa là Thái Lan giữ khoảng cách với Mỹ ?

Arnaud Dubus : Không đâu. Thái Lan vẫn là một đối tác quan trọng của Mỹ, đặc biệt trong lãnh vực an ninh.
Cuộc tập trận Cobra Gold thường niên do Mỹ tài trợ tổ chức trên đất Tháí là cuộc tập trận quan trọng nhất ở Châu Á. Ngoài ra thì, như truyền thống ngoại giao của họ, Thái Lan luôn luôn tránh việc dấn thân quá sâu cùng với một đối tác duy nhất, mà chỉ muốn tạo thế cân bằng giữa các cường quốc, như Bangkok đã khôn khéo làm trong thời kỳ thuộc điạ giữa đế chế Anh và Đông Dương của Pháp.


Bị quyến rũ trước đà vươn lên hùng mạnh của kinh tế Trung Quốc, nhưng Thái Lan vẫn thận trọng khi nhìn thấy thái độ ngày hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

RFI : Anh có đề cập đến khía cạnh ngoại giao văn hóa của Trung Quốc. Anh có thể nói rõ thêm ?

Arnaud Dubus : Trung Quốc rất khéo léo trên điểm này, và xoáy vào khía cạnh là có một phần lớn dân chúng ở các thành phố lớn tại Thái Lan là người gốc Hoa.

Bắc Kinh rất tích cực trong việc khuyến khích học tiếng Hoa trong giới trẻ Thái Lan, hàng năm, họ gởi cả ngàn người đến dậy tiếng Hoa. Tiếng Quan thoại là một trong những ngoại ngữ được học nhiều nhất trong trường phổ thông Thái Lan bên cạnh tiếng Anh và tiếng Nhật.

Mặc dù thế, thanh niên Thái vẫn thích văn hóa Mỹ hay văn hóa Hàn Quốc hơn là văn hóa Trung Quốc. Giấc mơ của một thanh niên thuộc gia đình khá giả ở Thái Lan là đi du học ở Yale hay Columbia, bên Mỹ, chứ không phải là qua Bắc Kinh hay Thượng Hải !



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày26/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link