Lại
xì-căng-đan sữa bột của Tàu dán “mác Thụy-sĩ”
Bích Vân
Một
nhân viên cao cấp thuộc công ty Xile Lier tại tỉnh Tô Châu, “đối tác” của nhóm
thực phẩm Hero (Thụy-sĩ), vừa bị tống giam vì can tội giả mạo sữa bột cho em
bé. Theo tường trình của các điều tra viên trên đài truyền hình CCTV (China
Central Television) hôm 28/03, công ty Xile Lier đã “giở trò ma mãnh” pha trộn
sữa bột nhập cảng với sữa bột đã hết hạn rồi sửa đổi nhãn ghi ngày hết hạn tiêu
dùng dán trên hộp để bán ra dưới dạng sữa bột dành cho trẻ sơ sinh (nhiều tiền
hơn) thay vì sữa bột dành cho trẻ em đã lớn (thường thì rẻ tiền hơn).
Những vụ
xì-căng-đan liên quan đến thực phẩm tại Trung quốc vẫn thường xảy ra từ hàng
chục năm nay và nhiều như lá mùa Thu, đặc biệt là vụ sữa chứa chất melamin dành
cho trẻ em trở nên hết sức “nhạy cảm” và được bàn tán nhiều trên khắp thế giới
kể từ năm 2008 khi có ít nhất 6 trẻ em bị thiệt mạng và gây ra bệnh thận mãn
tính cho hơn 300 000 trẻ em khác tại Trung quốc (melamin là một chất không mầu,
rất độc nếu cho vào thực phẩm nhưng lại có thể cho ảo tưởng tỷ lệ protein hiện
diện trong sữa cao).
Nhà chức trách tỉnh Tô Châu cho biết đã đình chỉ khâu sản
xuất sữa bột của công ty Xile Lier từ tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên những sản
phẩm của Xile Lier dán nhãn Hero Nutradefence (của Thụy-sĩ) vẫn thấy bầy bán
trong các siêu thị tại Trung quốc.
Kể từ vụ bê bối sữa chứa melamin bùng nổ năm 2008, nhu cầu nhập cảng sữa bột cho trẻ em tăng mạnh tại Trung quốc (vì đa số dân chúng tẩy chay hàng nội địa), đến nỗi gây nên sự khan hiếm sữa bột luôn cả tại Hông-Kông khiến nhà chức trách Hông-Kông phải ra lệnh giới hạn số lượng hộp sữa bột mà du khách được phép mang ra khỏi lãnh thổ.
[Liên hiệp công ty thực phẩm Hero có trụ sở tại Lenzburg, Thụy-sĩ, trong năm 2012 vừa qua có số doanh thu lên tới 1,43 tỷ quan tương đương với gần 1,5 tỷ mỹ kim]. (BV)
Uống nhiều vitamin C có thể bị sạn thận
Sinh tố C được xem như thành phần quan trọng không thể thiếu cho một cơ thể khoẻ mạnh. Chúng ta có thể tìm thấy sinh tố C dễ dàng và nhiều trong trái cây, rau quả, các thực phẩm hàng ngày, v.v… Nhưng có nhiều người vì quá lo xa, cho rằng cơ thể vẫn thiếu sinh tố C nên lại uống thêm thuốc bổ sung dinh dưỡng có chứa nhiều sinh tố C, mà không biết rằng nếu trong người có nhiều sinh tố C quá số lượng cần thiết rất dễ đưa tới tình trạng làm hại thận.
Theo quan điểm của Hiệp-hội-các-bác-sĩ-nội-trú tại Wiesbaden (Đức quốc), quả thật trong một thời gian dài nếu thường xuyên uống các loại thuốc bổ sung có chứa nhiều sinh tố C sẽ nguy hiểm vô cùng vì dễ có nguy cơ mắc bệnh có sỏi trong thận, đặc biệt nguy hiểm cho những người sẵn mắc các bệnh như bị cao huyết áp, bị bệnh tiểu đường hoặc những người ít hoạt động, ít chịu uống nước.
Các bác sĩ người Đức đã dẫn chứng một cuộc khảo cứu gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận nơi những người đã uống mỗi ngày 1000 mgr sinh tố C trong vòng 10 năm nhiều gấp đôi so với những người không uống. Nguyên nhân là vì một phần của lượng sinh tố C dư thừa không được thải ra theo nước tiểu, mà tích tụ lại trong cơ thể và chuyển hoá thành chất axit oxalic để từ đó dễ sinh ra sỏi trong thận làm nghẽn đường tiết niệu và rồi suy thận.
Thêm một điều đáng nêu về sinh tố C là cho đến nay vẫn chưa kiểm chứng được rõ ràng rằng uống thuốc chứa nhiều sinh tố C có thật sự giúp ngăn ngừa các bệnh cảm cúm, ung thư và các bệnh về tim mạch hay không, như mọi người vẫn tưởng bấy lâu. (BV)
Âu châu cấm ngành mỹ phẩm không được thử nghiệm trên động vật
Liên minh Âu châu vừa ban hành lệnh cấm triệt để ngành mỹ phẩm dùng động vật để thử nghiệm, nghĩa là kể từ nay những sản phẩm nào được thử nghiệm với loài vật đều bị cấm bán. Tonio Borg (phát ngôn viên của Hội Người Tiêu thụ thuộc Uỷ ban Âu châu) cho biết lệnh cấm này có hiệu lực cho tất cả những sản phẩm như dầu gội đầu, son môi hoặc những loại kem xoa trên da, sản phẩm về vệ sinh, v.v… được sản xuất tại Âu châu và luôn cả những loại mỹ phẩm nhập vào Âu châu.
Thật ra lệnh cấm bán các loại mỹ phẩm từng thử nghiệm với động vật đã được ban hành từ gần mười năm nay (từ 2004) nhưng cho đến nay vẫn có những trường hợp ngoại lệ nên còn nhiều loại mỹ phẩm tuy đã được thử nghiệm với động vật cũng vẫn được phép bán, và đa số là những sản phẩm có những tác dụng phụ phức tạp nên cần phải được thử nghiệm tỉ mỉ và kỹ lưỡng (ví dụ như các thử nghiệm để tìm hiểu xem những thành phần trong sản phẩm có thể dẫn đến tình trạng không thể có con nối dõi hay không).
Các hãng sản xuất mỹ phẩm tại Âu châu đang lo ngại lệnh cấm có thể mang tới sự bất lợi cho họ trong vấn đề cạnh tranh trên thị trường.
Lệnh cấm tuy đã được đưa ra nhưng các nhà bảo vệ thú vật vẫn nghi ngờ rằng ngành sản xuất mỹ phẩm chưa có thể hoàn toàn dứt bỏ được những thử nghiệm trên động vật, lý do là vì các chất được xử dụng trong các mỹ phẩm lại chịu những luật lệ khác nhau, chẳng hạn những hoá chất có trong thành phần cấu tạo của mỹ phẩm vẫn được phép thử nghiệm với động vật. (BV)
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment