Friday, April 5, 2013

Quấy nhiễu để lấn dần biển đảo : Cuộc chiến hao mòn khôn ngoan của Bắc Kinh


 

 

TRUNG QUỐC - 
Bài đăng : Thứ hai 01 Tháng Tư 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 01 Tháng Tư 2013

Quấy nhiễu để lấn dần biển đảo : Cuộc chiến hao mòn khôn ngoan của Bắc Kinh

Nhằm khôi phục lại vinh quang của đế chế Trung Hoa thời xưa, Bắc Kinh lao vào chinh phục những lãnh thổ được cho là cần phải giành lại (AFP)
Nhằm khôi phục lại vinh quang của đế chế Trung Hoa thời xưa, Bắc Kinh lao vào chinh phục những lãnh thổ được cho là cần phải giành lại (AFP)

Thụy My  RFI

Thông tín viên nhật báo cánh tả Libération hôm nay trong bài viết mang tựa đề « Trung Quốc tiến ra biển » đã nhận định, chủ nghĩa bành trướng trên biển của Bắc Kinh làm các nước láng giềng lo ngại, và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Theo các chuyên gia, thì cuộc chiến tranh hao mòn để gặm nhấm biển đảo này rất là khôn ngoan.
 
Nói về tham vọng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, tác giả nhận định từ nhiều năm qua, Bắc Kinh không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển cũng như trên đất liền. Trung Quốc phải đối đầu với điều được coi là « chính sách ngăn chặn » của Hoa Kỳ.

 Các nước láng giềng hết sức quan ngại trước sự hung hăng của Bắc Kinh trên đại dương, và Hoa Kỳ nhân đó đã củng cố sự hiện diện về ngoại giao và quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương – một chiến lược mà ông Barack Obama gọi là « xoay trục về phía châu Á ». 

Thế nhưng cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên theo cái nhìn của Bắc Kinh đã tạo một cái cớ tốt cho Hoa Kỳ và các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để chống lại cái thế đang lên của Trung Quốc. 


Tiến ra biển để thực hiện « giấc mơ Trung Hoa » 
Lợi ích chiến lược của Bắc Kinh nằm trong khuôn khổ « giấc mơ Trung Hoa » mà ông Tập Cận Bình đã trưng ra trước quốc dân, trong bài diễn văn nhậm chức Chủ tịch nước hồi tháng Ba. Ông Tập đã gắn liền « giấc mơ » này với khái niệm « phục hưng Trung Quốc », nhằm khôi phục lại vinh quang và các biên giới của đế quốc Trung Hoa thời xa xưa.

Để đạt được điều đó, Bắc Kinh đã lao vào một tiến trình chinh phục những lãnh thổ được cho là cần phải giành lại, theo kiểu vết dầu loang, một chiến thuật dường như là lấy từ Binh pháp của Tôn Tử. 

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, hồi tháng 11/2012 là trung tâm của một cuộc khủng hoảng ngoại giao và thương mại giữa Tokyo và Bắc Kinh. Các sản phẩm của Nhật bị tẩy chay, và đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh bị những người biểu tình vây hãm. Từ đó đến nay, mỗi ngày Bắc Kinh đều gởi tàu đến quấy nhiễu lực lượng tuần duyên Nhật xung quanh quần đảo này. Thậm chí một chiến hạm Trung Quốc còn chĩa radar định vị hỏa lực vào một tàu khu trục Nhật – tất nhiên là Bắc Kinh đã chối phăng sự kiện trên. 

Libération dẫn lời các chuyên gia cho rằng các vụ va chạm trên biển này có nguy cơ lớn dẫn đến những cuộc đụng độ. Hôm 13/12/2012, lần đầu tiên kể từ nửa thế kỷ qua, một máy bay trinh sát Trung Quốc đã xâm phạm không phận Nhật Bản. Một phi đội Nhật lập tức bay lên truy đuổi, khiến người ta lo ngại một trận không chiến. Khu vực này được xem là « lãnh thổ chủ quyền cốt yếu » (tương tự như Tây Tạng), có nghĩa là quyền sở hữu nơi đây không thể tranh cãi. 

Bãi cạn Scarborough cũng là một đảo bị Trung Quốc yêu sách, nằm cách Philippines 160 km nhưng cách vùng duyên hải Trung Quốc đến 800 km. Mùa xuân năm ngoái, các chiến hạm Trung Quốc đã phong tỏa lối vào chính, khiến các ngư dân Philippines không thể vào được. Để phản ứng lại, Tokyo và Manila đã đứng chung một mặt trận, hợp tác với nhau trong lãnh vực quốc phòng. Những vụ đụng độ tương tự cũng diễn ra thường xuyên với Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa (bị Trung Quốc chiếm đóng) và quần đảo Trường Sa (cùng bị Malaysia, Brunei, Philippines và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền). 



Quấy nhiễu trên biển : Cuộc chiến tranh hao mòn khôn ngoan của Bắc Kinh 
Libération nhận định, những vụ đối đầu này chỉ là chương đầu tiên trong chiến dịch gặm nhấm đầy tham vọng, bởi vì Bắc Kinh yêu sách toàn bộ Biển Đông, trải dài từ duyên hải Indonesia cho đến Malaysia…cách Hoa lục đến hai ngàn cây số ! Khẳng định được kế thừa từ đế quốc Trung Hoa cũ, chế độ cộng sản Bắc Kinh đã tái khẳng định chủ quyền bằng cách cho phát hành các hộ chiếu có in tấm bản đồ bao gồm « đường lưỡi bò ».

Tuần rồi, một hạm đội xe lội nước Trung Quốc đã tập luyện đổ bộ lên một đảo san hô chỉ cách Malaysia có 80 km. Kuala Lumpur vốn hiền lành trước Bắc Kinh, cũng đã phải chau mày. 

Rõ ràng là Bắc Kinh đã làm các láng giềng rất lo sợ. « Từ thập niên 80, chiến lược quân sự của Trung Quốc dựa trên quan niệm biên giới chiến lược » - năm 2010, ông Shinzo Abe, nay đã trở thành Thủ tướng Nhật, giải thích như trên. Ông nói : « Ý tưởng này nói rõ là các đường biên giới và đặc khu kinh tế được xác định bởi quyền lực của một quốc gia. Kinh tế Trung Quốc càng lớn mạnh, thì vòng ảnh hưởng càng phải mở rộng. Một số cho rằng quan niệm này cũng tương đồng với Lebensraum (không gian cốt lõi) của Đức quốc xã ». 

Sở hữu ngân sách quốc phòng lớn thứ nhì trên thế giới, năm ngoái Trung Quốc đã cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên là Liêu Ninh. Nhưng về mặt chính thức thì Bắc Kinh vẫn rêu rao quan niệm « trỗi dậy hòa bình », và hầu như luôn gởi những tàu « dân sự » lên tuyến đầu để chiếm giữ các vùng biển yêu sách.

Chuyên gia Stéphanie Kleine-Ahlbrandt của International Crisis Group (ICG) mới đây đã giải thích với tờ Los Angeles Times: « Đó là một chiến lược khôn ngoan, bởi vì Trung Quốc có thể đạt được việc kiểm soát một khu vực mà chẳng cần bắn ra phát súng nào ». 

Bài báo của Libération kết luận : Đôi khi tình hình cũng có khác. Tuần rồi, Việt Nam lên án Bắc Kinh là đã bắn vào một chiếc tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã chối bay, và không có gì chứng minh cho những lời kết án của Hà Nội. Chỉ có một điều chắc chắn là, Bắc Kinh đã lại dấn thêm được một bước về chủ quyền trên biển. 


Bắc Kinh gây chiến với Apple : Kiểm duyệt hay cạnh tranh ? 
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, phụ tranh kinh tế của nhật báo cánh hữu Le Figaro đề cập đến « Chiến tranh công khai giữa Apple và Bắc Kinh ». Nhân dân Nhật báo đã kêu gọi quần chúng Trung Quốc « chấm dứt sự ngạo mạn của Apple ». 

Tờ báo cho biết từ mấy ngày qua, nhãn hiệu trái táo đã là mục tiêu đánh phá ác liệt của báo chí nhà nước Trung Quốc, và một cuộc điều tra chính thức đã được mở ra về dịch vụ hậu mãi của tập đoàn Apple. 

Tất cả bắt đầu từ ngày 15/03/2013, nhân Ngày thế giới những người tiêu thụ. Theo truyền thống thì trong ngày này, kênh truyền hình nhà nước CCTV cho chiếu một chương trình rất được chờ đợi, tố cáo những thiếu sót của một số nhãn hiệu. Danh sách này được giữ bí mật đến giờ chót, và nhiều doanh nghiệp không bao giờ ngóc dậy nổi sau cú đòn tung ra vào giờ vàng. 

Năm nay, Volkswagen và Apple bị đưa lên đoạn đầu đài. Nhãn hiệu trái táo bị lên án là không đối xử với người tiêu dùng Trung Quốc ngang bằng với các nước khác trong dịch vụ hậu mãi. Phối hợp với CCTV, Nhân dân Nhật báo, cơ quan của đảng Cộng sản mỗi ngày đều đăng một bài đả kích kịch liệt, kêu gọi đông đảo quần chúng « chấm dứt sự ngạo mạn chưa từng thấy của Apple ».

Một viên chức của cơ quan quản lý công nghiệp và thương mại đòi hỏi « Chính quyền địa phương cần điều tra và trừng phạt những hoạt động bất hợp pháp ». Tập đoàn California đã bác bỏ những lời tố cáo này, khẳng định luôn chấp hành luật pháp Trung Quốc. 

Theo Le Figaro, thì rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã không bị lừa gạt. Họ nhìn thấy phía sau chiến dịch thô bạo này là một thủ đoạn quy mô của nhà nước. Những blogger nổi tiếng cho biết, họ nhận được khuyến cáo cần hùa theo đề tài này, vào ngày giờ cụ thể … 

Thế thì động cơ của vụ này là gì ? Một số người cho đây là việc tấn công vào máy chủ của Apple, vốn không bị Trung Quốc kiểm duyệt. Hoặc có thể là nhằm tạo đà cạnh tranh cho các công ty Trung Quốc như Lenovo, Huawei, ZTE, vốn nghèo sáng tạo. 

Apple còn phải đối phó với các vụ kiện khác, chủ yếu là về sở hữu trí tuệ. Tuần rồi, công ty Trung Quốc Zhizhen đã kiện ra tòa án Thượng Hải, khẳng định Apple đã sao chép phần mềm nhận ra giọng nói của hệ thống Siri.

Tại Bắc Kinh, tập đoàn sản xuất phim ảnh của nhà nước Shanghai Animated Film Studio kiện Apple là đã bán phim mà chưa có sự đồng ý của họ. Năm ngoái, nhãn hiệu trái táo cũng đã phải trả 60 triệu đô la cho nhà sản xuất máy tính Trung Quốc Proview để chấm dứt vụ thưa kiện về quyền sở hữu cái tên iPad. 

Le Figaro cho biết, nhiều nhà quan sát rất lo ngại trước chủ nghĩa cực đoan dân tộc về kinh tế khá thô bạo này.

 Cách đây hai năm, vấn đề kiểm duyệt đã được sử dụng để đánh vào tập đoàn Google, còn bây giờ thì Bắc Kinh viện những cớ khác để ngáng chân Apple. Còn những chiếc xe hơi Nhật đã phải trả giá cho vụ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Một nhà ngoại giao nhận xét : « Cái cách tổ chức những chiến dịch kiểu này rất đáng ngại đối với các nhà đầu tư, đồng thời thiếu tôn trọng các quy định thương mại quốc tế ». 


Vì sao Bình Nhưỡng quá hung hăng ? 
« Bắc Triều Tiên gia tăng áp lực », đó là tựa đề bài báo của đặc phái viên Le Monde tại Seoul, về những đe dọa chiến tranh của Bình Nhưỡng đối với Hoa Kỳ và Hàn Quốc, mà theo tờ báo là có thể gây ra những hậu quả nặng nề trong khu vực. 

Các chuyên gia về Bắc Triều Tiên ở Seoul rất quan ngại trước nguy cơ leo thang chiến tranh, cũng như khả năng Bình Nhưỡng thử nguyên tử lần thứ tư. Theo Cheong Seong Chang của Viện Sejong, thì « cần phải quay lại với các nguyên tắc cơ bản của chế độ : chuyển từ tình trạng ngưng bắn sang hiệp ước hòa bình, đòi hỏi Mỹ đảm bảo an ninh, và bình thường hóa quan hệ với Washington – điều kiện cần thiết để được viện trợ ». 

Từ ngưng bắn thỏa thuận cách đây 60 năm sang hiệp ước hòa bình là một đòi hỏi lô-gích, nhưng phía sau đó, theo nhà phân tích Shim Jae Hoon, là như vậy « sẽ không còn lý do để duy trì quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc, mở ra cánh cửa cho cuộc phiêu lưu của Bình Nhưỡng ». 

Le Monde cho rằng có nhiều nhân tố dẫn đến sự leo thang của Bắc Triều Tiên. Trước tiên là do Hội đồng Bảo an tăng cường trừng phạt, rồi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho thành lập ủy ban điều tra, cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, và « sự kiên nhẫn chiến lược » của Washington, không có sáng kiến nào về cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên. Nhưng bên cạnh đó còn nhằm tái khẳng định sự độc lập trước Bắc Kinh – đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại hàng đầu của Bình Nhưỡng. 


Nga « khủng bố » các tổ chức phi chính phủ như dưới thời Liên Xô 
Nhìn sang nước Nga, bài xã luận của Le Monde khi nói về đợt thanh tra rầm rộ các tổ chức phi chính phủ tại đây đã cho là một « xen trấn áp », mà cựu nhân viên mật vụ KGB, Vladimir Putin vốn quen thuộc, với mục đích là để gieo rắc sợ hãi. 

Tại các thành phố lớn của Nga, cảnh sát, tòa án, thuế vụ huy động hàng ngàn nhân viên để kiểm tra hàng trăm tổ chức phi chính phủ hoạt động trong mọi lãnh vực từ bảo vệ nhân quyền, sinh thái cho đến giáo dục, văn hóa. Human Rights Watch cho biết : « Đây là một đợt thanh tra quy mô chưa từng thấy tại Nga ». 

Các quỹ uy tín của Đức như Friedrich Ebert và Konrad Adenauer chuyên cấp học bổng, cũng như Alliance Française khuyến học tiếng Pháp, đều bị thanh tra. Tại tổ chức đấu tranh cho tự do Memorial của Nga, các nhân viên còn bị đòi xuất trình sổ tiêm chủng bệnh sởi, và giấy chứng nhận diệt chuột. 

Theo Matxcơva, thì đơn giản đây là việc áp dụng bộ luật được Quốc hội thông qua tháng 11/2012, theo đó tất cả các hiệp hội có nhận tiền từ nước ngoài đều phải kê khai là « cơ quan ngoại quốc », nếu không những người phụ trách có thể bị cho đi cải tạo hai năm. Le Monde mỉa mai rằng vẫn là một « tiến bộ », vì dưới thời Stalin cái tội « nhân viên ngoại quốc » có thể dẫn đến án tử hình hoặc bị tống vào gu-lắc suốt đời. 


Tờ báo cho rằng ý đồ của Matxcơva là tái tạo « con người xô-viết », mẫu công dân luôn sợ hãi chính quyền, bị nhồi sọ nỗi sợ các « thế lực thù địch ». Không chỉ nhằm trấn áp các tổ chức phi chính phủ, mà còn đẩy người dân Nga khỏi vòng ảnh hưởng của ngoại quốc, đặc biệt là phương Tây. 

Một nước Nga ở đầu thế kỷ 21 đang bị giằng xé bởi sự thoái lui về chủ nghĩa dân tộc cực đoan được ông Putin nuôi dưỡng, và khát vọng mở cửa ra với thế giới của giai cấp trung lưu. Theo Le Monde, thì tốt nhất là khả năng thứ hai vượt trội lên xu hướng thứ nhất.
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link