Sunday, June 2, 2013

Quân đội vì đảng hay vì dân?


 

Quân đội vì đảng hay vì dân?


Đoàn Xuân Lộc

Gửi cho BBC Việt ngữ từ London

Cập nhật: 15:53 GMT - thứ bảy, 23 tháng 3, 2013


Quân đội Việt Nam

Quân đội Việt Nam trung với đảng hay trung với dân trước?

Một thay đổi căn bản trong Bản dự thảo Hiến pháp 1992 là quy định lực lượng vũ trang hay quân đội ‘phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân’. Đây cũng là điểm làm nhiều người chỉ trích, phản đối.

Trong số những ý kiến phản đối có Kiến nghị của 72 nhân sỹ, trí thức. Kiến nghị 72 này ‘yêu cầu bỏ quy định quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản’.

Các bài liên quan



Chủ đề liên quan



Trên báo chính thống, có bài viết của Bảo Cầm đăng trên Thanh Niên ngày 20/02/2013, với tựa đề ‘Tổ quốc và nhân dân phải được đặt lên hàng đầu’. Bài viết đã trích dẫn một cựu quan chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói rằng ‘dứt khoát không thể quy định’ quân đội phải ‘tuyệt đối trung thành với Đảng’ được.

Trong khi đó một số báo chí của Đảng cho rằng những yêu cầu buộc quân đội ‘phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân’ là ‘phản lịch sử’, ‘phi thực tiễn’ và thậm chí ‘phản động’.

Hai chế độ, hai nhiệm vụ

Chắc không cần phải có nhiều kiến thức về chính trị, về quân đội mới có thể nhận ra rằng tại những quốc gia dân chủ, đa đảng – hay những nước ‘tư bản’ theo cách gọi của một số quan chức, báo chí Việt Nam – như Anh, Pháp và Mỹ, chuyện ‘đảng này’ lên nắm quyền và và đảng kia mất quyền là chuyện bình thường.

"Và việc đảng này lên, đảng kia xuống không tùy thuộc vào quân đội. Chuyện họ lên hay xuống hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ có được lòng dân hay không"

Và việc đảng này lên, đảng kia xuống không tùy thuộc vào quân đội. Chuyện họ lên hay xuống hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ có được lòng dân hay không. Vì vậy, ở những quốc gia đó dù bất cứ đảng nào lên nắm quyền, vai trò và nhiệm vụ của quân đội không thay đổi. Nói cách khác quân đội không buộc phải trung thành với bất cứ một đảng phái chính trị, cá nhân nào.

Một ví dụ điển hình về sự trung lập của quân đội là việc Tổng thống Barack Obama, một người thuộc Đảng Dân chủ, chọn hai người thuộc – hay từng làm việc dưới thời các tổng thống – đảng Cộng hòa làm Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như việc hai người này đồng ý giữ chức vụ ấy.

Năm 2008, khi ông lên làm tổng thống, ông Obama đã chọn ông Robert Gates làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Gates từng phục vụ nhiều năm dưới thời các tổng thống của Đảng Cộng hòa và đã nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2006, dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Và mới đây, sau khi tái đắc cử, Tổng thống Obama đề cử ông Chuck Hagel, một cựu Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa, làm Bộ trưởng Quốc phòng và đã được Thượng nghị viện Mỹ phê chuẩn.

Không chỉ tại các nước dân chủ như Anh, Pháp hay Mỹ mà ở những quốc gia châu Á đã và đang dân chủ hóa – như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines – quân đội cũng trở nên trung lập, không phụ thuộc hay buộc phải bảo vệ một đảng phái hay cá nhân nào.

Trái lại, ở những quốc gia không dân chủ, đa đảng, cá nhân hay chế độ nắm quyền thường buộc quân đội và các guồng máy an ninh khác phải trung thành, bảo vệ mình vì họ không thể cai trị lâu dài nếu không có sự trung thành, bảo vệ đó. Và khi một chế độ tồn tại được chỉ vì nhờ vào quân đội, chứ không phải dựa vào dân, chế độ ấy thường là độc tài, độc đảng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thuộc đảng Cộng hòa

Có nhiều ví dụ để chứng minh điều đó.

Những nhà độ độc tài tại Iraq trước đây hay tại các nước Bắc Phi và Ả-rập gần đây là những ví dụ điển hình. Họ nắm quyền được nhiều năm không phải vì uy tín của mình mà nhờ vào việc sử dụng quân đội cũng như những lực lượng, công cụ an ninh khác.

Bắc Hàn dưới quyền cai trị của gia đình họ Kim, hay Liên Xô hoặc các nước ở Đông Âu dưới thời chế độ Cộng sản cũng là những ví dụ khác. Những chế độ đó duy trì được quyền lực trong nhiều thập kỷ phần lớn nhờ vào quân đội, an ninh.

Bảo vệ Tổ quốc, nhân dân

Chỉ cần lướt qua vai trò của quân đội tại các nước dân chủ, đa đảng và ‘nhiệm vụ’ của họ tại các quốc gia độc tài, độc đảng như vậy, ít hay nhiều có thể hiểu tại sao có nhiều người ‘yêu cầu bỏ quy định quân đội phải trung thành với Đảng Cộng sản’. Có thể nói khi đưa ra đòi hỏi đó, các nhân sỹ, trí thức và tất cả ai đồng ý với kiến nghị đó đều muốn Việt Nam tiến tới dân chủ hay ít ra muốn Đảng Cộng sản không chuyên chính, độc tài và thực sự vì dân hơn.

Cũng như ở bất cứ quốc gia nào, Việt Nam sẽ không thể có dân chủ thực sự nếu quân đội buộc phải trung thành với Đảng Cộng sản hay bất cứ đảng phái nào, trước cả Tổ quốc và nhân dân. Đổi lại, khi biết đặt quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân lên trên hay không còn sợ mất quyền lực, quyền lợi, chắc chắn Đảng Cộng sản cũng không cần buộc ai phải trung thành hay bảo vệ mình.

Việc giới quân sự tại Miến Điện quyết định từ bỏ quyền lực – và nhờ vậy đất nước này mới có thể tiến hành những cởi mở về dân chủ – là một trường hợp cụ thể cho thấy khi lãnh đạo bằng các phương tiện dân sự và biết dựa vào dân, chứ không phải bằng sức mạnh quân đội, một đảng phái hay một chế độ có thể chính danh tiếp tục nắm quyền vì được người dân của mình và cộng đồng quốc tế ủng hộ.

"Có người còn chỉ ra rằng chính cái tên ‘Quân đội Nhân dân’, chứ không phải ‘Quân đội Đảng Cộng sản’, đã nói lên được rằng quân đội phải bảo vệ Tổ quốc và vì nhân dân, chứ không phải để trung thành, bảo vệ Đảng Cộng sản"

Trái lại, chuyện các nhà độc tài tại các nước Bắc Phi và Ả Rập bị lật đổ ít nhiều cho thấy duy trì quyền lực bằng sức mạnh và sự trung thành của quân đội không phải lúc nào cũng là một giải pháp tốt nhất cho việc duy trì chế độ.

Không chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ ở quốc gia nào, việc một đảng buộc quân đội phải trung thành với mình, bảo vệ mình trước cả tổ quốc và nhân dân, đảng ấy chắc chắn không được người dân hoàn toàn và thực sự tín nhiệm.

Để biện luận cho việc quy định quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, một số nhà lý luận cho rằng điều đó là phù hợp với ‘lịch sử’ và đúng với ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’. Nhưng nhiều người đã lên tiếng phản đối suy luận này vì họ hiểu rằng ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nói quân đội phải ‘trung với nước, hiếu với dân’, chứ không đề cập gì đến chuyện phải trung với Đảng.

Dù bối cảnh, nội dung, thời điểm của câu nói ấy như thế nào – như ông Hoàng Thoái được trích dẫn trong bài viết trên Thanh Niên nêu ra – không ai có thể phủ nhận bốn bản Hiến pháp của Việt Nam ‘đều chỉ ghi quân đội phải trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân’.

Có người còn chỉ ra rằng chính cái tên ‘Quân đội Nhân dân’, chứ không phải ‘Quân đội Đảng Cộng sản’, đã nói lên được rằng quân đội phải bảo vệ Tổ quốc và vì nhân dân, chứ không phải để trung thành, bảo vệ Đảng Cộng sản.

Quân đội Việt Nam

Quân đội diễu hành trước lăng Hồ Chí Minh trong một dịp kỷ niệm 10/10 giải phóng thủ đô

Nói vậy, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại rằng Thư chúc Tết Quý Tỵ 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không hề nhắc tới Đảng Cộng sản, công lao của Đảng hay kêu gọi ‘đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước’ bảo vệ Đảng.

Trái lại, ông nhắc mọi người Việt Nam phải ‘khắc sâu công ơn dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân’, ‘bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ’ đã ‘kiên cường chiến đấu’ và ‘hiến dâng cho Tổ quốc cuộc đời mình’.

Và cùng lúc, ông kêu gọi mọi người ‘quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam yêu quý’.

Do vậy, những lời kêu gọi quân đội phải đặt Tổ quốc, đất nước và nhân dân trước bất cứ đảng phái nào không ‘phi lịch sử’, ‘phi thực tiễn’ hay ‘phản động’ như một số người nhận định, suy diễn.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một trí thức công giáo, đang làm nghiên cứu sinh tại Global Policy Institute, London.

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link