Saturday, June 8, 2013

Nợ xấu, nợ công: Đuờng cùng của kinh tế Việt Nam


 

Nợ xấu, nợ công: Đuờng cùng của kinh tế Việt Nam


2013-06-06

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này



000_Hkg2687325-305.jpg

Nhân viên ngân hàng đếm đô la Mỹ

AFP photo

 

Nợ xấu bao phủ cùng với sự thiếu minh bạch trong con số của nợ công, kinh tế Việt Nam đang đối diện với một cuộc khủng hoảng tài chánh khó tránh khỏi trong thời gian ngắn sắp tới. Mặc Lâm phỏng vấn nhà báo, TS  kinh tế Phạm Chí Dũng để tìm hiều thêm vấn đề đang đuợc chú ý nhất hiện nay.

Nợ xấu


Mặc Lâm: Nói đến nợ xấu thì người ta nghĩ ngày đến nhóm lợi ích vì vậy sự thay đổi nhân sự của Bộ Chính trị vừa qua có ý nghĩa như thế nào về chuyện nợ xấu thưa ông?

TS Phạm Chí Dũng: Cám ơn anh đã nêu ra một câu hỏi rất ý nhị mà vẫn đủ hàm ý giải đáp về bức tranh kinh tế - chính trị theo trường phái hiện thực nhất ở Việt Nam hiện thời.

Sau Hội nghị trung ương 7 của Đảng vào tháng 5/2013 vừa qua, dư luận chung ở “lề dân” và cả “lề phải” một lần nữa đề cập một cách công khai và sắc nét hơn nhiều về hai phe phái “nhóm bảo thủ” và “nhóm lợi ích”.

Cả hai cụm từ này đều có bề dày lịch sử dài hạn và ngắn hạn của nó. Riêng “nhóm lợi ích” đã được chính các cơ quan ngôn luận của Đảng thừa nhận từ năm 2011.

Nhưng như thế nào và đâu là những nhóm lợi ích cụ thể? Câu hỏi này vẫn chỉ là một ẩn số quá trừu tượng, trong lúc hậu quả mà các nhóm lợi ích “kiến tạo” ở Việt Nam đã trở nên khủng khiếp đến mức khiến nền kinh tế chìm ngập trong thế vong thân, rồi cả nền chính trị cũng đang lâm vào thế tồn vong, trái với mong muốn của những người bảo thủ.

Mặc Lâm: Ai cũng thấy nợ xấu ngân hàng là đầu mối của sự sụp đổ kinh tế trong thời gian rất gần, tuy nhiên để giải quýêt thì không một cơ quan nhà nước nào đưa ra được một giải pháp khả thi. Theo ông tại sao như vậy?

TS Phạm Chí Dũng: Thế vong thân của nền kinh tế giờ đây lại lệ thuộc quá mật thiết vào núi nợ và nợ xấu. Một trong những hệ lụy trầm kha không thể che giấu là nợ xấu ngân hàng. Nợ xấu ngân hàng lại liên quan đến nhiều nhóm lợi ích mà trên hết là nhóm lợi ích bất động sản, trong đó có các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, sau đó liên quan đến cả những chủ nợ là khối ngân hàng thương mại.

Thế vong thân của nền kinh tế giờ đây lại lệ thuộc quá mật thiết vào núi nợ và nợ xấu. Một trong những hệ lụy trầm kha không thể che giấu là nợ xấu ngân hàng.
-TS Phạm Chí Dũng

Sau một thời gian dài bị che giấu, chỉ cho đến gần đây, vài con số được công bố chính thức mới lóe ra số nợ xấu liên quan đến bất động sản đã lên đến khoảng 250.000 tỷ đồng, còn nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lên đến hơn 500.000 tỷ đồng. Toàn bộ hiện tồn đó thuộc về trách nhiệm của những người trực tiếp điều hành chính sách kinh tế và tài chính chứ không phải là trách nhiệm của “cả hệ thống chính trị” như Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn dắt tại kỳ họp quốc hội đang diễn ra.

Nhưng làm thế nào để giảm được nợ xấu? Theo tôi, vấn đề này không còn phụ thuộc vào những chủ trương duy ý chí, không còn được cảm hứng từ các nghị quyết, mà phải dựa vào thực tế có giải quyết được núi tồn kho bất động sản và hàng tồn kho từ các lĩnh vực khác hay không.

Nợ công


000_Hkg8563081-250.jpg

Bảng lãi suất tại một ngân hàng ở HN hôm 10/5/2013. Ảnh minh họa. AFP photo

Mặc Lâm: Bên cạnh vấn đề nợ xấu thì nợ công cũng đang ám ảnh nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về tuyên bố của nhà nước rằng nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn?

TS Phạm Chí Dũng: Cho tới nay, Chính phủ vẫn cho rằng nợ công vẫn còn trong ngưỡng an toàn, thậm chí mới đây Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh còn “đánh tiếng” có thể nâng trần nợ công.

Nợ công đang được xem là “an toàn” - có nghĩa là hiện thời tỷ lệ này vẫn chỉ vào khoảng 55,4%, chưa tới ngưỡng nguy hiểm là 60-65%. Nhưng đó chỉ là con số báo cáo và theo cách tính của các cơ quan Việt Nam như Bộ kế hoạch và đầu tư và Bô tài chính – một cách tính được dựa trên căn bản của “bản sắc dân tộc”.

Còn nếu chiếu theo tiêu chí nước ngoài thì chúng ta phải cộng thêm vào nợ công số nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Khi đó, tỷ lệ nợ công có thể lên đến hàng trăm %.

Nhiều quan điểm đã được nêu ra, một số chuyên gia trong nước tính tỷ lệ nợ công hiện thời là 95%, còn những chuyên gia nước ngoài như ông Vũ Quang Việt khác lại tính đến 106%. Nhưng theo tôi, việc Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ tài chính của Việt Nam bỏ qua tiêu chí nợ của doanh nghiệp nhà nước đã làm méo mó khuôn mặt thật của nợ công.

Nếu con số còn hơn 1,3 triệu tỷ đồng nợ doanh nghiệp chưa được bổ sung vào nợ công mà tiến sỹ Lê Đăng Doanh đề cập là đúng, cũng có nghĩa là tỷ lệ nợ công hiện thời chắc chắn phải vượt hơn nhiều so với con số báo cáo, lên đến ít nhất 65 tỷ USD. Mà đã như thế thì tuyệt đối không thể có chuyện vay mượn nước ngoài theo cách “đẩy nợ cho tương lai” nữa.

Vậy cuối cùng người ta còn lại liệu pháp gì để giải quyết nợ xấu? Quay đi quay lại, vẫn chỉ là cái cách truyền thống xử lý nợ xấu bất động sản và do đó là nợ xấu ngân hàng. Nhưng bất động sản và ngân hàng lại là hai nhóm lợi ích tiêu biểu nhất ở Việt Nam, dính dánh chặt chẽ với một số quan chức theo cái cách mà gần đây một cơ quan đảng là Ủy ban kiểm tra trung ương đã khởi động một đề tài nghiên cứu khoa học về “nhóm thân hữu”.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng Bộ tài chính của Việt Nam bỏ qua tiêu chí nợ của doanh nghiệp nhà nước đã làm méo mó khuôn mặt thật của nợ công.
-TS Phạm Chí Dũng

Nợ xấu sinh ra từ con người, còn “nhóm thân hữu” lại bắt rễ vào vấn đề nhân sự, thậm chí cả nhân sự chủ chốt. Muốn giải quyết được đối tượng này, có thể Bộ chính trị đã tính toán đến việc sử dụng Ban kinh tế trung ương và Ban nội chính trung ương như hai vũ khí sắc bén để gây sức ép lên một số tập đoàn kinh tế có nhiều dấu hiệu sai phạm, trong đó Vinashin là một minh họa điển hình nhất. Việc tái lập Ban nội chính trên 63 tỉnh thành cũng vì thế được đẩy nhanh một cách khá bất ngờ.

Mặc Lâm: Ông vừa nhắc tới Ban Nội chính làm cho tôi liên tưởng tới sự ra đi của hai ông Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh. Theo ông thì việc thay đổi ngoài dự kiến này có ý nghĩa thế nào đối với kinh tế chính trị Việt Nam?

TS Phạm Chí Dũng: Điều không may mắn đối với những người muốn xử lý vấn đề nhân sự với ít nhất một sai phạm về nợ xấu là cả hai ông Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh đều không trúng vào Bộ chính trị. Thay vào đó là hai nhân vật trước đó ít được kỳ vọng hơn là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Dĩ nhiên chúng ta có thể thấy rõ rằng một khi không vào được Bộ chính trị, vai trò của ông Huệ và ông Thanh, nếu còn phụ trách Ban kinh tế và Ban nội chính trung ương, sẽ bị mờ nhạt đáng kể. Hai ban này, không được phụ trách bởi các thành viên Bộ chính trị, cũng không còn sức mạnh như đã từng được báo chí và người dân kỳ vọng.

Và nếu hệ quả này xảy ra, có thể nói việc làm rõ mối quan hệ chằng chịt giữa các nhóm thân hữu và nhóm lợi ích sẽ càng khó khăn, và triển vọng mù tịt về tên tuổi các nhóm này sẽ càng có thể rõ như ban ngày.

Với triển vọng bùng nhùng như thế, có lẽ chẳng có ý nghĩa nào đối với việc giải quyết nợ xấu và nhóm lợi ích, xuất phát từ sự thay đổi thành viên trong Bộ chính trị vừa qua.

Có chăng chỉ là bớt đi vài con người và thêm vào vài lá phiếu.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-20/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link