Thursday, June 6, 2013

Hồng Kông : Yêu cầu làm sáng tỏ vụ thảm sát Thiên An Môn 1989


 

Thứ ba 04 Tháng Sáu 2013

Hồng Kông : Yêu cầu làm sáng tỏ vụ thảm sát Thiên An Môn 1989


Thắp nến tại công viên Victoria, 04/06/2013, tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.

Thắp nến tại công viên Victoria, 04/06/2013, tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.

REUTERS/Bobby Yip

Thu Hằng


24 năm kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn là dịp nhiều tổ chức nhân quyền nhắc lại yêu cầu kiên quyết đòi Bắc Kinh phải công bố sự thật. Nhân dịp này, nhật báo Le Figaro có một bài miêu tả lễ tưởng niệm tại Hồng Kông.

Trường Đại học Hồng Kông, dưới sự khởi xướng của chủ tịch Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào yêu nước và dân chủ Trung Quốc, tổ chức tưởng niệm để truyền bá kỷ niệm này và yêu cầu Bắc Kinh công bố sự thật về vụ thảm sát phong trào sinh viên năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn.

Dự kiến khoảng 180 000 người sẽ tham gia sự kiện này ở công viên Victoria, trung tâm Hồng Kông. Nhà tổ chức cho biết : « Mặc dù chắc chắn sự kiện sẽ làm trung tâm quyền lực Bắc Kinh lo lắng, nhưng các nhà lãnh đạo không thể chính thức cấm chúng tôi được. Khi ký hiệp ước trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, họ đã cam kết tôn trọng các quyền tự do trong lãnh thổ, mặc dù càng ngày họ càng sử dụng nhiều biện pháp hợp pháp để ngăn chặn tạm thời các cuộc biểu tình, mà họ cho là mang tính chất chống đối cho an ninh trật tự công cộng ».

Bắc Kinh luôn khẳng định chỉ có vài trăm người chết do chống cách mạng. Tổ chức Chữ thập đỏ công bố 2 600 người chết. Tuy nhiên, số người chết còn nhiều hơn, vì nhiều gia đình có con chết trong vụ thảm sát không dám công bố do sợ rủi ro sau này. Một nghị viên Hồng Kông phát biểu : « Chúng tôi muốn nói với các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới, những người yêu cầu chúng tôi yêu nước, là không thể được nếu họ không nói sự thật. Họ phải chính thức công nhận vụ thảm sát để chúng ta có thể tin vào họ. Dù họ muốn hay không, những người chết tại quảng trường Thiên An Môn sẽ mãi nằm trong trái tim của người dân Trung Quốc ».

Khó tái thống nhất bán đảo Triều Tiên

60 năm từ khi ký hiệp định đình chiến, ý tưởng tái thống nhất với Bắc Triều Tiên hiện giờ là điều khó thực hiện. Báo La Croix đăng bài phóng sự về sự kiện này của đặc phái viên từ Seoul.

Niềm hy vọng tái thống nhất đã bị dập tắt từ khi người anh em láng giềng Bắc Triều Tiên đơn phương rút nhân công khỏi khu công nghiệp Keasong và dọa xóa bỏ Seoul khỏi bản đồ dưới « tấm thảm bom và biển lửa ». Các hành động đe dọa của vị chủ tịch trẻ tuổi Bắc Triều Tiên chỉ làm căng thẳng thêm mối quan hệ sóng gió giữa hai nước và khiến giới trẻ Hàn Quốc có cái nhìn khác đi về người anh em láng giềng. Với họ, Bắc Triều Tiên giờ thành « nước ngoài » và không hình dung được là họ có thể sống ở đó.

Từ năm 1953, trong khi Hàn Quốc không ngừng phát triển, thì người anh em láng giềng trì trệ từ khi Liên Xô sụp đổ từ năm 1991, còn Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Phản ánh thực tế khó khăn tại Bắc Triều Tiên, một linh mục Hàn Quốc chuyên đàm phán để giúp đỡ lương thực cho người dân Bắc Triều Tiên cho biết : « Tình hình thực phẩm và sức khỏe vô cùng nguy kịch. Người dân chịu khổ và thiếu lương thực và thuốc men và nhiệm vụ của chúng ta là giúp đỡ những người anh em của mình, nhưng Bắc Triều Tiên lại nghĩ là phải giải phóng Hàn Quốc khỏi sự thống trị của Mỹ, đấy mới là quan điểm thống nhất của họ. Chẳng có gì giống với quan điểm của chúng ta ».

Thời gian gần đây, phía Hàn Quốc tăng cường mọi nỗ lực tái thống nhất. Các nhà kinh tế lớn nhất của nước này đã tới Đức để nghiên cứu quá trình tái thống nhất chính trị và kinh tế của hai miền Đông và Tây Đức. Tuy nhiên, trường hợp Bắc và Nam Triều Tiên khác biệt quá lớn, một mặt do phát triển kinh tế chênh lệch, mặt khác do thái độ bất hợp tác của Bình Nhưỡng. Chế độ của Kim Jong-un quá mạnh và quân đội càng ngày càng trung thành hơn. Hơn nữa, vị chủ tịch trẻ tuổi còn tuyên bố rằng chiến tranh Triều Tiên chưa kết thúc. Nhà báo nổi tiếng Hàn Quốc, Kim Huyn-kyung, dự tính : « Hàn Quốc sẽ hải chu cấp hàng nghìn tỉ đô la (từ 2 000 đến 5 000 tỉ theo nhiều nghiên cứu) để bảo đảm quá trình tái thống nhất trong trường hợp Bắc Triều Tiên sụp đổ ».

Các tổ chức phi chính phủ đặt niềm tin và kì vọng vào khả năng tái thống nhất. Ngoài các hoạt động nhân đạo giúp đỡ lương thực cho người dân Bắc Triều Tiên, họ còn giúp đỡ hàng trăm nghìn người sống tị nạn tại Trung Quốc (ước tính từ 150 000 đến 200 000 người). Từ năm 1953, khoảng 25 000 người tị nạn Bắc Triều tiên đã hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc. Trong trường hợp tái thống nhất, họ sẽ là chìa khóa cho sự thông cảm giữa người dân hai miền Triều Tiên.

Điều kì lạ hay ảo tưởng Nhật Bản ?

Vẫn liên quan đến tình hình Đông Á, các nhật báo Les Echos và Le Monde ra hôm nay đề cập đến chiến lược tăng trưởng của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong phụ trang Kinh tế, phóng viên báo Les Echos phân tích từ khi nhậm chức vào cuối tháng 12 năm 2012, hai trong ba mục tiêu trong chính sách tăng trưởng « Abenomics » của thủ tướng Nhật Bản lần lượt được thực hiện. Chính sách thứ nhất nhằm đầu tư vào các công trình công với 10 300 tỉ yên. Chính sách thứ hai nhằm giảm lạm phát xuống dưới 2% từ nay tới hai năm nữa. Tuần này, thủ tướng Shinzo Abe sẽ công bố mục tiêu cuối cùng, « chiến lược tăng trưởng ». Mục đích chiến lược này nhằm mở rộng thương mại Nhật Bản ra quốc tế. Tokyo hứa tham gia vào nhiều thỏa thuận tự do trao đổi mậu dịch. Chính phủ cũng mong muốn tạo cơ hội cho phụ nữ gia nhập thị trường lao động. Thủ tướng Nhật Bản cũng sẽ bãi bỏ kiểm soát nhiều lĩnh vực để kích thích cạnh tranh và sẽ đề ra các chính sách hỗ trợ các lĩnh vực tương lai như công nghệ robo và công nghệ sinh học.

Tác giả bài phân tích nhận định, nếu chính phủ Nhật Bản muốn thành công chính sách của mình, thủ tướng Shinzo Abe phải thể hiện được quyết tâm. Từ tháng 7 năm 2012, đảng của thủ tướng chiếm đa số trong quốc hội. Đây là cơ hội duy nhất cho chính phủ của ông để thực hiện các cải cách đầy tham vọng nhằm đánh thức nền kinh tế Nhật Bản. Nếu Shinzo Abe trượt mục tiêu, đất nước sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn : nợ nần nhiều hơn, bị qua mặt nhiều hơn và sẽ chia rẽ hơn bao giờ hết.

Còn trên báo Le Monde, chuyên gia kinh tế Jean-Pierre Petit trong bài « Từ Nhật Bản về » đánh giá cao chính sách của thủ tưởng Shinzo Abe là thống nhất trong chẩn đoán, nhất quán và quyết tâm trong hành động nhằm giúp Nhật Bản thoát khỏi cuộc khủng hoảng nặng nề. Tác giả kết luận, từ sáu tháng gần đây, Nhật Bản cuối cùng đã trở thành tia sáng thật sự cho toàn bộ các nước phát triển.

Ngành đường sắt Pháp đẩy mạnh thâm nhập thị trường Trung Quốc

Trước sự ưu ái của Trung Quốc dành cho Đức trong chuyến thăm Liên minh châu Âu, Pháp đang cố gắng lấy lại cân bằng trong mối quan hệ với cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới này. Tổng giám đốc Liên ngành đường sắt Pháp đã có chuyến thăm các chi nhánh của mình tại đây và thử nghiệm tàu cao tốc Trung Quốc. Phóng viên báo Les Echos miêu tả lại chuyến đi này.

Giải thích cho chuyến đi của mình, ông Guillaume Pepy cho biết « Cần phải tăng cường đi quan sát các nước đang phát triển để nghiên cứu công nghệ mới phục vụ cho xuất khẩu ». Công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF đã có mặt và phát triển tại thị trường Trung Quốc : Arep, một chi nhánh chuyên về kiến trúc nhà ga của SNCF, minh họa cho chiến lược phát triển của công ty tại đất nước này. Công ty đã thực hiện nhiều nhà ga tiêu biểu tại Thượng Hải và Vũ Hán và nhiều khu phức hợp trên các nhà ga bao gồm văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở. Ngoài ra còn có Systra, công ty liên doanh với RATP, chuyên về kỹ thuật, Geodis chuyên logistic và Keolis vừa mở văn phòng tại Vũ Hán và trở thành đối tác chiến lược để phát triển mạng lưới tàu điện ngầm của Thượng Hải.

Thủ tướng Pháp công bố thay đổi chính sách gia đình

Quay lại tình hình xã hội Pháp, trang nhất của các nhật báo ra hôm nay đồng loạt bàn về chính sách gia đình mới được thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault công bố ngày hôm qua.

Cải cách của thủ tướng gây nhiều tranh cãi trong các đảng và ngay trong nội bộ Đảng Xã hội. Nhật báo Le Monde đưa tin « Chính sách gia đình : các gia đình khá giả sẽ phải trả thêm 1 tỉ euro ». Báo Les Echos chỉ trích « Chính sách gia đình : Hollande lại tăng thêm thuế ». Báo Le Figaro thì hài hước : « Hỡi các gia đình : tôi đánh thuế… ». Tờ báo cho biết luật mới này sẽ liên quan tới khoảng 1,3 triệu gia đình, mỗi gia đình sẽ đóng thêm trung bình hàng tháng khoảng 64 euro. Báo La Croix thông tin thêm chính phủ sẽ tăng khoảng 270 000 chỗ dành cho trẻ dưới 3 tuổi và nhà trẻ sẽ đón ít nhất 10% con của những gia đình nghèo. Báo cực hữu Libération nhận định nhà nước chọn giải pháp tăng thuế đối với các gia đình khá giả thay vì cải cách chế độ trợ cấp gia đình. Khoảng 12% gia đình có con sẽ bị tăng thuế. Báo L’Humanité công kích : « Chính sách gia đình : chính phủ áp đặt chính sách khắc khổ ». Cải cách của chính phủ nhằm thu thêm 2 tỉ euro và cân bằng ngân sách giành cho gia đình từ giờ tới năm 2017.

Căng thẳng tại Thổ Nhĩ Kỳ leo thang

Các nhật báo Pháp đều đưa tin về xung đột căng thẳng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ ba ngày nay, những người chống đối tập trung tại quảng trường Taksim và yêu cầu thủ tướng Erdogan từ chức. Tuy nhiên, ông này khẳng định « băng cướp này sẽ không làm ông chùn bước ». Ngay nội bộ đảng AKP của Thủ tướng cũng bị chia rẽ và Thủ tướng chịu nhiều chỉ trích từ những đảng viên đảng này.

 


 

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link