Thứ
tư 05 Tháng Sáu 2013
''Davos châu Á'' :
Miến Điện hội nhập thế giới sau 50 năm cô lập
Một
ngôi chùa lớn tại thủ đô Naypyidaw
Wikipedia
Thụy My
Hàng trăm
nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo công nghiệp thế giới hôm nay 05/06/2013 gặp gỡ
tại Miến Điện nhân Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á. « Diễn đàn Davos châu Á
» tại Naypyidaw lần này là sự hội nhập bất ngờ của Miến Điện với thế giới, bên
cạnh đó là một loạt các thách thức sau nửa thế kỷ bị cô lập.
Khoảng 900 đại biểu của 50 quốc gia tụ họp về Naypyidaw để tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á kéo dài ba ngày. Hội nghị Davos của khu vực mang ý nghĩa biểu trưng rất lớn, trong lúc Miến Điện mở cửa cho đầu tư nước ngoài và đang thu hút các công ty trên toàn cầu.
Các công ty ngoại quốc xếp hàng để vào làm ăn tại Miến Điện - một thị trường tiềm năng với 60 triệu người tiêu thụ mới, nguồn lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên dồi dào chưa được khai thác của một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Trong số đó có Coca-Cola, quay lại Miến Điện sau hơn sáu thập kỷ vắng mặt, với việc khai trương nhà máy đóng chai vào hôm qua. Tập đoàn nước ngọt nổi tiếng loan báo sẽ đầu tư trên 150 triệu euro trong vòng 5 năm, tạo ra 20.000 việc làm mới. Tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever khẳng định sẽ sản xuất các sản phẩm vệ sinh cho thị trường nội địa trong vài tuần tới. Một viên chức chính phủ cho AFP biết, rất nhiều nhân vật quan trọng muốn gặp Tổng thống Thein Sein, nhưng ông không thể tiếp tất cả mọi người.
Cựu tướng lãnh Thein Sein, nay là người đứng đầu một chính phủ hầu như dân sự, đã làm cả thế giới ngạc nhiên khi lên nắm quyền cách đây hai năm, với những cải cách chính trị ngoạn mục. Trả tự do cho các tù nhân chính trị, nhà đối lập Aung San Suu Kyi được phép quay lại chính trường, ngưng bắn với các nhóm nổi dậy người thiểu số, ban hành luật đầu tư nước ngoài… Trước hàng loạt đổi mới này, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã được dỡ bỏ.
Một ngày trước hội nghị, Tổng thống Thein Sein tuyên bố sẽ trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm. Các nhà tranh đấu nói rằng có khoảng 200 tù nhân chính trị vẫn còn bị giam giữ, và tố cáo chính quyền Miến Điện sử dụng việc ân xá để tìm kiếm lợi ích chính trị. Theo chương trình, cả ông Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi sẽ phát biểu tại diễn đàn ngày mai.
Diễn đàn Davos châu Á chưa bao giờ thu hút nhiều thành viên tham gia đến thế - Sushant Palakurthi Rao, người phụ trách khu vực nhận xét. Dọc theo các đại lộ mênh mông của thủ đô Naypyidaw, màu sơn còn mới nguyên, và lực lượng an ninh được triển khai dày đặc. Thủ đô mới do các tướng lãnh đầy tham vọng khai sinh từ năm 2005, được âm thầm xây dựng giữa rừng nhiệt đới, nằm cách xa các tuyến đường du lịch.
Sang năm, khi giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, Miến Điện sẽ tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của các nước lớn châu Á, và cả Hoa Kỳ. Điều này mang lại hy vọng cho các khách sạn, họ cho biết chưa bao giờ trông thấy nhiều người ngoại quốc đến thế, và mong rằng những người khách sẽ quay lại.
« Những mong đợi là quá lớn » - Sean Turnell, thuộc trường đại học Macquarie của Úc cảnh báo. Vị chuyên gia nhìn thấy trong sự hồ hởi này « một trong những mối nguy mà Miến Điện phải đương đầu », và so sánh diễn đàn lần này với sự nhập môn của một người nghiệp dư.
Trong ba ngày hội nghị, các đại biểu sẽ nhận ra những thử thách hiện nay của Miến Điện. Các nhà tổ chức đã báo trước là tại đây không có máy rút tiền, không thể chi trả bằng thẻ tín dụng, không có hệ thống 3G cho những người sử dụng điện thoại BlackBerry và các loại điện thoại di động khác. Bộ trưởng Du lịch Htay Aung nhìn nhận : « Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu, và chúng tôi đang còn lúng túng ».
Các đoàn đại biểu sẽ thảo luận về chủ đề « chia sẻ thịnh vượng ». Nhưng khung cảnh vùng ngoại vi Naypyidaw cho thấy các cải cách vẫn chưa làm thay đổi cuộc sống người dân Miến Điện. Một người nông dân 32 tuổi đang chăn trâu cách trung tâm hội nghị chỉ vài phút đi bộ nói với AFP : « Cách sinh nhai của chúng tôi chưa thực sự thay đổi mấy ». Còn về diễn đàn Davos châu Á ? « Tôi không hề hay biết ».
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment