Hiệp
định TPP và Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Trung Quốc
Việt Long& Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2013-06-05
2013-06-05
- In trang này
- Chia sẻ
- Ý kiến của
Bạn
- Email
Đồ họa cho thấy các thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái
Bình Dương, một thỏa thuận thương mại tự do Mỹ hậu thuẫn hiện đang đàm phán
giữa 11 quốc gia.
AFP
Nguyên thủ của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ hội họp
hai ngày tại một trang trại ở California. Nghị trình thảo luận giữa lãnh đạo
của hai nền kinh tế đứng đầu thế giới tất nhiên bao gồm hồ sơ kinh tế và cả
Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương TPP. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu riêng về hồ
sơ đó qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện với chuyên gia kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Việt-Long: Xin chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, Hiệp
định Hợp tác Kinh tế và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, mà người ta gọi tắt
là TPP, có nằm trong nghị trình làm việc của Tổng thống Barack Obama với Chủ
tịch Tập Cận Bình nhân cuộc gặp gỡ cuối tuần này tại California hay không?
Chúng tôi nêu câu hỏi đó và đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của thượng đỉnh
này.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Về bối cảnh chung, kinh tế thế giới chưa
ra khỏi năm năm đình trệ, bên trong lại có quan hệ thiếu cân xứng giữa hai nền
kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, tôi thiển nghĩ rằng ưu
tiên thảo luận vẫn xoay về kinh tế là hồ sơ có ảnh hưởng chính trị rất cao
trong nội tình của từng nước.
Ngoài ra, hai nước còn
có nhiều mâu thuẫn khác thuộc lĩnh vực an ninh. Như sự bành trướng quân sự của
Trung Quốc tại miền Tây Thái Bình Dương khi Hoa Kỳ chủ trương "chuyển
trục" về Đông Á. Hoặc khi "hắc khách", hay "hackers",
xuất phát từ Trung Quốc lại đột nhập và ăn cắp thông tin lẫn kỹ thuật của doanh
nghiệp hay cơ quan dân sự và quân sự của Mỹ. Mâu thuẫn ấy lại lồng trong bối
cảnh quốc tế là sự bành trướng của Trung Quốc khiến nhiều xứ lân bang ưu lo và
quan tâm đến phản ứng của Hoa Kỳ. Họ muốn biết Hoa Kỳ ứng xử ra sao với Trung
Quốc và cân nhắc thế nào ưu tiên về kinh tế và an ninh của nước Mỹ trong khung
cảnh chung của cả khu vực Đông Á hay Tây Thái Bình Dương. Chính là hai khía
cạnh kinh tế và an ninh mới phần nào kết tụ vào một hồ sơ là Hiệp định TPP mà
ông nêu ra.
Nếu Trung Quốc muốn
trở thành cường quốc có trách nhiệm và trao đổi tự do với các nước thì việc
tham gia vào một hiệp định chiến lược về kinh tế và về nhiều mặt khác là điều
có lợi cho mọi người.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Việt-Long: Vẫn nói về bối cảnh, thưa ông, những người vừa lên lãnh đạo
Trung Quốc kể từ Đại hội 18 vào Tháng 11 năm ngoái sẽ phải cải cách kinh tế từ
cơ cấu. Đây là một ưu tiên của Trung Quốc để tránh động loạn ở bên trong như
lãnh đạo Bắc Kinh đã nói ra từ nhiều năm nay. Liệu Hiệp định TPP có là cơ hội
cải tổ không, nếu cho rằng Hoa Kỳ sẽ mời Trung Quốc gia nhập vòng đàm phán với
các nước khác?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Câu hỏi của ông nêu ra một vấn đề lý thú
mà người ta có thể hiểu ra khi rà soát lại hiện tình kinh tế của Trung Quốc.
Sau 30 năm đạt tốc độ
tăng trưởng cao nhờ Đặng Tiểu Bình cải cách từ năm 1979, Trung Quốc đã bước qua
hình thái kinh tế khác và không thể tiếp tục tăng trưởng trên 8% hay 9-10% như
xưa. Vì vậy, yêu cầu chuyển hướng từ lượng qua phẩm với đà tăng trưởng thấp hơn
là một đòi hỏi khách quan được đặt ra từ hơn năm năm trước mà vẫn chưa thể tiến
hành và nay là trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo mới.
Khi có mức tăng trưởng
kinh tế cao, Trung Quốc đã có thêm phương tiện đầu tư vào quân sự và trở thành
một cường quốc quân sự gây e ngại cho các lân bang đang có tranh chấp về chủ
quyền. Ngày nay, lãnh đạo của họ đang bị lỡ trớn vì gặp nhiều bài toán nan
giải.
Việt-Long: Ông nói về các bài toán nan giải của Trung Quốc, thưa ông đấy là
gì?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Thứ nhất là kinh tế bên trong có nhiều
nhược điểm phải cải sửa vì thiếu cân đối, bất công và không ổn định nên chẳng
vững bền. Điều này, giới lãnh đạo đã công nhận nên họ mới nói đến yêu cầu
chuyển hướng, nếu không thì xứ này sẽ bị nội loạn. Chúng ta đã có nhiều chương
trình đề cập đến chuyện đó nên tôi xin khỏi nhắc lại ở đây.
Thứ hai, nếu phải giảm
tốc độ tăng trưởng và tìm lực đẩy ở tiêu thụ nội địa hơn là xuất khẩu và đầu
tư, trong khi hệ thống ngân hàng và các địa phương mắc nợ quá nhiều mà chẳng ai
biết nổi là bao nhiêu, thì Trung Quốc có thể nào gia tăng ngân sách quốc phòng
như xưa hay không?
Thứ ba, nói về phẩm
hơn lượng, nếu phải dồn tiền giải quyết các vấn đề chồng chất, từ xã hội đến
môi sinh, thì liệu quân sự sẽ ưu tiên tới mức nào? Một thí dụ là xứ này thiếu
nước ngọt, nhiều mạch nước ngầm bị ô nhiễm sau mấy chục năm khai thác một cách
cẩu thả và vô ý thức và các dự án thủy lợi hay thủy điện vĩ đại của họ là những
quả bom nổ chậm. Cụ thể là thành phố Thiên Tân có 13 triệu dân đã phải lọc nước
biển thành nước uống và năm 2011 đã mua một nhà máy của Israel với cái giá là
bốn tỷ đô la để có nước ngọt với giá thành cao gấp đôi giá bán mà họ vẫn thiếu
nước. Thành phố này cần một hệ thống lọc nước tốn đến 20 tỷ đô la.
Nếu kể thêm nhu cầu
của nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, ta có thể suy ra số đầu tư
cần thiết cho môi sinh. Khi ấy, Trung Quốc có còn dồn tiền vào chiến cụ hay
quân đội chăng? Tôi nghĩ rằng nhiều phần thì họ sẽ tiếp tục như vậy và gây ra
hai vấn đề song hành là khó khăn bên trong và sự nghi ngại của các nước ở bên
ngoài. Nói đến bên ngoài, ta trở lại chuyện TPP.
Bài
toán của TQ
Tổng thống Mỹ Barack
Obama nâng ly cùng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong một bữa ăn tối tại Nhà
Trắng hôm 19/1/2011. AFP photo
Việt-Long: Trở lại hồ sơ Xuyên Thái Bình Dương, chúng ta biết là có bốn
nước nguyên thủy là Brunei, Chile, New Zealand; rồi thêm Hoa Kỳ, Úc, Peru, Việt
Nam từ năm 2008; sau đó có Malaysia, Mexico và Canada rồi mới đến Nhật và sau
này sẽ còn vài xứ Thái Bình Dương khác. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc chưa được
mời tham gia. Liệu trong thượng đỉnh lần này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đôi bên
có thể thỏa thuận về việc đó không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Chúng ta không quên là cũng như Tổ chức
Thương mại Thế giới WTO, xứ nào tham dự Hiệp định TPP đều phải có sự đồng ý của
từng thành viên, chứ không riêng gì Hoa Kỳ. Nước Mỹ có sức nặng kinh tế và thị
trường tiêu thụ lớn nhất nên sự đồng ý tất nhiên là có ảnh hưởng tới quan điểm
của các nước khác, nhưng các nước kia cũng có yêu cầu của họ. Thí dụ là trước
khi đặt chân tới Hoa Kỳ, ông Tập Cận Bình đã tới Mexico để chủ yếu thảo luận
việc khai thông ách tắc về ngoại thương và đầu tư giữa hai nước. Trong đề mục thảo
luận hôm Thứ Ba vừa qua cũng có nạn Trung Quốc vi phạm luật lệ về quyền sở hữu
trí tuệ khi Mexico ra khỏi chiến lược xuất khẩu năng lượng mà trở thành một
trung tâm chế biến có thể cạnh tranh với Trung Quốc không chỉ nhờ nhân công rẻ
mà còn vì năng suất cao và lại tiếp cận với hai thị trường lớn ở Bắc Mỹ. Các
thành viên khác cũng thế, họ đều có vấn đề với lề lối làm ăn của Trung Quốc và
sẽ đòi hỏi nhiều điều kiện cải sửa khá gắt gao thì mới đồng ý.
Việt-Long: Thưa ông, chúng tôi xin đặt ngược vấn đề là cả Chủ tịch Tập Cận
Bình lẫn Thủ tướng Lý Khắc Cường của Bắc Kinh đều nói đến yêu cầu tái cấu trúc
kinh tế và việc cải cách đó cũng phù hợp với quy tắc tự do kinh tế của Hiệp
định Xuyên Thái Bình Dương. Nếu như vậy thì việc Trung Quốc gia nhập hiệp định
này cũng có lợi cho nỗ lực cải cách của họ chứ?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Thưa đúng như vậy và đấy mới là điều kẹt
cho lãnh đạo Bắc Kinh!
Chúng ta hãy nhìn sự
thể như thế này, Hiệp định TPP sẽ kết hợp các nước Á Châu với các nước Nam Bắc
Mỹ ở bên kia biển Thái Bình. Riêng khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã quy tụ 60%
sản lượng kinh tế và phân nửa số giao dịch ngoại thương của toàn cầu nên là thị
trường rất lớn mà Trung Quốc không thể vắng mặt, nhất là khi đã có hai nền kinh
tế hạng nhất và hạng ba là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng Hiệp định này dự trù xoá
bỏ đến cả vạn điều khoản về thuế quan và gần ba chục chương trình cải cách đang
được các nước liên tục đàm phán. Trong số này có vai trò của khu vực kinh tế
nhà nước, có quy chế lao động và bảo vệ môi sinh hay quyền sở hữu trí tuệ, là
loại vấn đề thật ra là sinh tử cho Trung Quốc vì đụng chạm vào quyền lợi của
các nhóm lợi ích bên trong hệ thống kinh tế chính trị của họ. Một thí dụ khác
là chế độ kiểm soát ngoại hối của Bắc Kinh với cách duy trì đồng Nguyên quá
thấp nhờ ràng giá vào đô la Mỹ.
Nếu Trung Quốc muốn
trở thành cường quốc có trách nhiệm và trao đổi tự do với các nước thì việc
tham gia vào một hiệp định chiến lược về kinh tế và về nhiều mặt khác là điều
có lợi cho mọi người. Nhưng nếu tham gia thì phải cải cách mạnh hơn và đấy mới
là vấn đề cho Bắc Kinh.
Việt-Long: Nếu như vậy và nhìn từ giác độ của lãnh đạo Bắc Kinh, sáng
kiến về hiệp định Xuyên Thái Bình Dương TPP có là một phần của chiến lược be bờ
ngăn cản Trung Quốc không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Ta không quên rằng sáng kiến này xuất
phát từ bốn nước nhỏ tại vành cung Thái Bình Dương và chỉ có sự tham dự của
nước Mỹ từ năm 2008 với tầm ảnh hưởng mở rộng hơn một thỏa thuận về mậu dịch.
Sau đó, các nước khác như Canada, Mexico hay Nhật Bản mới cân nhắc lợi hại, là
muốn có lợi thì phải cải cách và ra khỏi lối suy tính bảo hộ ở bên trong.
Ban đầu thì lãnh đạo
Bắc Kinh có thể bị tự kỷ ám thị và bệnh "tự bế" hay
"autistic" vì cái nhìn thiên lệch về thế giới bên ngoài nên cho rằng
đó là âm mưu be bờ hay vây hãm của Hoa Kỳ. Họ không thấy là chính sự bành
trướng ảnh hưởng quân sự và uy hiếp xứ khác mới gây phản ứng ngược từ một chuỗi
quốc gia lân bang, khi Hoa Kỳ còn bận tâm về chuyện khủng bố. Ngày nay, khi
nước Mỹ cố rút chân khỏi hậu quả đắt đỏ của cuộc chiến chống khủng bố và chú ý
hơn đến Á Châu thì đã có sự hưởng ứng và kêu gọi của các quốc gia nói trên, từ
Nhật Bản qua nhiều nước ASEAN đến Úc và Ấn Độ. Sự hưởng ứng này đến từ các nước
chứ không do Hoa Kỳ vận động. Trong khung cảnh đó, Hiệp định TPP là một mặt
thiết thực của quan hệ quốc tế dựa trên quyền lợi kinh tế và nếu thấy có lợi
thì tham gia mà muốn tham gia thì phải cải cách.
Việt-Long: Kết luận của ông về hồ sơ TPP này là gì đặt trong mối quan hệ
song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi trộm nghĩ là Bắc Kinh mắc bẫy do
chính họ giăng ra cho các nước.
Dù bên trong gặp nhiều
trở lực khi cần tái cơ cấu kinh tế, lãnh đạo của họ vẫn cứ tuyên truyền về
thiện chí hợp tác kinh tế một cách hòa bình tử tế với các nước. Bây giờ, hiệp
định TPP là cơ hội chứng tỏ sự thành tâm cải cách và làm ăn tử tế với các nước.
Hoa Kỳ có thể lờ hẳn các vụ hăm dọa hay ăn cắp kỹ thuật mà nhũn nhặn đề nghị
tham dự kế hoạch TPP khiến Trung Quốc thay đổi mà khỏi bị mang tiếng có ý đồ
bao vây hay có âm mưu gọi là "diễn biến hòa bình". Ta nên theo dõi
chuyện đó mà suy ngẫm về cách hành xử của Việt Nam.
Việt-Long: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment