Món nợ 62 năm
Bùi Tín - Ông
Hồ Chí Minh được bộ máy tuyên truyền đảng CS ca tụng là nhà chính trị tài ba nhất,
nhà ngoại giao xuất chúng nhất, nhà thơ sâu sắc nhất, cũng là nhà báo kiệt xuất
nhất trong lịch sử nước ta, mặt hoạt động nào cũng là số một, không có số hai,
là mẫu mực. Nhưng với thời gian mọi sự chỉ là thêu dệt. Trong bài báo, C.B. kể
tội khơi khơi là bà Năm "giết ngót 260 người", nhưng không một dẫn
chứng, một tên tuổi, một hình hài, một chứng minh. Một bài báo bất minh.
Hơn nửa thế kỷ nay, nói đến số người chết và lâm
nạn do liên quan trong Cải cách ruộng đất, bộ máy tuyên truyền của đảng CS leo
lẻo rằng ngay sau đó đã sửa sai nghiêm chỉnh, phục hồi danh dự, đền bù cho
những nạn nhân, nợ đã trả xong. Lại là lời nói dối khổng lồ sau những tội ác
khủng khiếp nhân danh đảng CS...
*
Cám ơn nhà báo Xuân Ba đã viết một bài báo tâm
huyết truyền cảm. Tít bài báo là: Chuyện về người phụ nữ đầu tiên bị
bắn oan trong Cải cách ruộng đất.
Xuân Ba gửi bài báo này cho báo An ninh thế
giới, báo này đăng ngày 15/3/2014, nhưng đã tự xóa bỏ một số đoạn. Do vậy anh
gửi cho mạng Tễu của nhà hán nôm Nguyễn Xuân Diện để đăng nguyên văn toàn bộ
bài báo từ ngày 24/3, chia thành 3 đoạn với các tít:
1-/ Dấu chấm hết thành dấu chấm lửng;
2-/ Tan tác một mái ấm;
3-/ Tìm mộ bà Năm.
Mở đầu, Xuân Ba giới thiệu bài viết ngắn của
C.B. đăng trên báo Nhân Dân ngày 21-7-1953, có tít là "Địa chủ ác
ghê", trong đó kể tội ác của địa chủ gian ác Nguyễn Thị Năm: giết chết
14 người ; tra tấn đánh đập hàng chục người nay còn tàn tật; làm chết 200 người
thuộc 32 gia đình nghèo đói; hãm chết 30 người trong Chùa Hang. Tổng cộng là
ngót 260 người bị giết chết, với "thủ đoạn tra tấn không kém thời thực dân
Pháp, dội nước lạnh, treo người trên xà nhà, đóng gióng trâu vào mồm nông
dân...".
C.B. là một bí danh khi viết báo của ông Hồ Chí
Minh, lúc ấy là chủ tịch nước, đứng đầu đảng cộng sản Đông dương; khi lần đầu
gửi bài cho báo Nhân Dân, ông viết thư giải thích C.B. là "Của Bác".
Bức thư này còn lưu giữ ở phòng kỷ niệm báo Nhân Dân. Các bài báo lập tức được
đăng trên cao, trang nhất, không sửa một chữ, một dấu chấm, dấu phẩy nào.
Ông Hồ Chí Minh được bộ máy tuyên truyền đảng CS
ca tụng là nhà chính trị tài ba nhất, nhà ngoại giao xuất chúng nhất, nhà thơ
sâu sắc nhất, cũng là nhà báo kiệt xuất nhất trong lịch sử nước ta, mặt hoạt
động nào cũng là số một, không có số hai, là mẫu mực. Nhưng với thời gian mọi
sự chỉ là thêu dệt.
Trong bài báo, C.B. kể tội khơi khơi là bà Năm
"giết ngót 260 người", nhưng không một dẫn chứng, một tên tuổi, một
hình hài, một chứng minh. Một bài báo bất minh.
Hơn nửa thế kỷ nay, nói đến số người chết và lâm
nạn do liên quan trong Cải cách ruộng đất, bộ máy tuyên truyền của đảng CS leo
lẻo rằng ngay sau đó đã sửa sai nghiêm chỉnh, phục hồi danh dự, đền bù cho
những nạn nhân, nợ đã trả xong.
Lại là lời nói dối khổng lồ sau những tội ác
khủng khiếp nhân danh đảng CS.
Chỉ một trường hợp bà Nguyễn Thị Năm, theo bài
viết của Xuân Ba, sẽ thấy họ sửa sai, trả nợ ra sao.
Trong phần 1 nhan đề "Dấu chấm hết
thành dấu chấm lửng", bài báo cho biết đến tận ngày 28 tháng 1 năm
1987, ông Lê Đức Thọ - Sáu Búa - ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung
ương mới cử ông Lưu Văn Lợi thư ký riêng của mình, tìm ghé đến nhà ông Nguyễn
Hanh, con cả của bà Nguyễn Thị Năm để thăm hỏi. Cái kiểu cách nhận sai lầm, xin
lỗi và an ủi của ông Sáu Búa cũng không giống ai. Đó là lấy cuốn sách in thơ
của mình không có tít, chỉ có chữ Thơ, và tên: Lê Đức Thọ, rồi ghi hàng chữ
ngoài bìa: "Thân mến tặng Công và Hanh, đánh dấu chấm dứt sự
đau buồn kéo giài lâu năm của gia đình cũng là của chung. Thọ".
Một kiểu xí xóa tội ác của đảng ông ta đối với gia đình nạn nhân một cách chủ
quan, vô duyên, trịch thượng. Sách mỏng in thơ ông ế ẩm, in ra từ 7 năm trước,
nay tặng gia đình bà Năm sao lại có thể chấm dứt được đau buồn thê thảm của bao
nhiêu người? Sao lại để đến 34 năm sau, bỗng nhớ ra tội của đảng, mới lên tiếng
muộn màng, vuốt đuôi đến vậy. Chưa nói phạm lỗi chính tả, dài thành
"giài’’.
Nhà báo Xuân Ba dùng đầu đề "Dấu
chấm lửng" để phủ định cái "dấu chấm dứt" của ông Thọ,
kể ra một loạt điều còn lơ lửng, những đau buồn còn dai dẳng. Ông Nguyễn Hanh
kể rằng khi mẹ ông bị xử bắn, ông đang cùng đơn vị ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung
Quốc. Người ta giấu ông mọi tin tức từ trong nước. Hai tháng sau, cuối tháng
6/1953 ông được đưa về nước, bị tống ngay vào trại giam ở Tuyên Quang vì là con
của địa chủ gian ác. Năm 1954 ông mới được nghe bà vợ ông đến trại để thăm nuôi
kể rõ về sự kiện bi thảm này. Cuộc sửa sai kéo dài, đến năm 1957 ông mới được
về nhận công tác ở Ty kiến trúc Thái Nguyên, rồi sau đó về một công ty dược ở
Hà Nội, để về hưu sớm. Con gái đầu của ông là Phương sau khi đỗ trường Đại học
Bách Khoa, may lắm mới được nhận vào làm việc ở Tổng cục Thống kê rồi ở Bộ Vật
tư. Con trai ông là Nguyễn Tấn cuộc sống cũng không có lối thoát để vươn lên vì
là cháu nội địa chủ. Em ruột ông Hanh là Nguyễn Cát, bí danh là Hoàng Công, cả
2 anh em đều hoạt động từ thời kỳ tiền khởi nghĩa 1944 ở vùng Đình Cả, Vũ Nhai.
Hoàng Công từng là trung đoàn trưởng của sư đoàn Quân Tiên Phong 308, cũng bị
đưa vào trại cải tạo năm 1953, năm 1956 mới được tự do, đau ốm, đến năm 1989
ông chết thảm trong một tai nạn xe máy. Vợ ông, bà Đỗ Kim Chi và con gái - cô
Ngọc Diệp sống cùng gia đình ông Hanh. Ông Hanh năm nay đã 90, vợ ông, bà Phạm
Thị Cúc cũng đã 86 tuổi, lại thiếu niềm vui khi về già, vì 2 con, Phương và em
trai cuộc sống đều tẻ nhạt không có tương lai.
Bà Nguyễn Thị
Năm
|
Trong phần 2 "Tan tác một mái
ấm", bài báo tả lại cảnh gia đình bà Năm tan vỡ ra sao, sau một thời
gian là một gia đình đầm ấm, kinh doanh phát đạt lại cực kỳ nhân hậu, được đồng
bào cả một vùng rộng lớn ở Thái Nguyên một thời quý mến. Khi cách mạng tháng 8
nổ ra chính chiếc xe ô tô con của cửa hàng Cát Hanh Long đã từ Hải Phòng lên
Thái Nguyên rồi lên tận vùng Vũ Nhai báo tin mừng cho 2 anh em Hoàng Công và
Nguyễn Hanh và đồng đội. Bà Năm đã giao cho Hoàng Công 20 ngàn đồng bạc Đông
Dương (giá trị bằng 700 lạng vàng) để góp vào quỹ cách mạng ở căn cứ địa. Sau
đó trong tuần lễ Vàng ở Hải Phòng nhà kinh doanh Cát Hanh Long lại đứng đầu
bảng đóng góp hơn 100 lạng vàng nữa. Cát là tên người con thứ, Hanh là tên con
cả, Long là tên người bố, một nhà kinh doanh tài ba lanh lợi, cùng chung với vợ
bản chất nhân hậu. Không may ông Long mất sớm vì bạo bệnh ngay trước Cách mạng
tháng Tám.
Ông Hanh kể rằng suốt những năm 1945 đến 1951,
vùng Đồng Bẩm tấp nập các đơn vị vệ quốc đoàn qua lại, đóng quân, tập luyện
chuẩn bị cho chiến dịch biên giới. Các ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc
Việt, Lê Văn Lương đều qua đây. Tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh cũng
từng ở đây, hội họp, nghỉ ngơi. Trụ sở và nhà ở của hãng buôn Cát Hanh Long
chuyên kinh doanh tơ lụa rồi cả sắt thép ở Hải Phòng và Hà Nội đều mở rộng cửa
cho cán bộ cộng sản ra vào, nghỉ ngơi như bà con thân thiết nhất.
Vợ chồng ông
Nguyễn Hanh
|
Hồi 1987, nhà báo Xuân Ba gặp 2 gia đình ông
Hanh và ông Công chung sống trong một phòng nhỏ trong ngôi nhà 117 hàng Bạc
cuối khu phố cổ Hà Nội, chỉ rộng 20 mét vuông, ngột ngạt, ẩm thấp, bên nhà vệ
sinh chung hôi hám, với chiếc bàn thờ nhỏ nhoi. Hai vợ chồng cụ già tiếp nhà
báo Xuân Ba trong cảnh chật hẹp, buồn thảm, trái ngược với các ngôi nhà xưa,
luôn nhộn nhịp ấm cúng tình người. Ông Hanh kể rằng ngôi nhà gạch bề thế ở Đồng
Bẩm chính bà Năm mẹ anh đã đưa những chiếc búa lớn cho anh em bộ đội phá tan,
thực hiện "vườn không nhà trống" theo lời kêu gọi của ông Hồ, khi vào
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đọc đến đoạn này, mọi người không khỏi trách ông
Sáu Búa và cả ông Lưu Văn Lợi sao tệ đến vậy, không chút động tâm để hồi ấy
phân phối một nơi ở tươm tất hơn cho 2 gia đình con cháu Cụ Năm, khi Hà Nội
đang xây dựng lại, có bao nhiêu nhà mới xây. Tệ bạc đến vậy đối với 1 gia đình
từng đóng góp cả 2 con trai và biết bao tài sản cho đất nước.
"Chấm dứt đau buồn" sao được khi ông
cụ già Nguyễn Hanh, người đảng viên CS khi mới 21 tuổi, người sỹ quan QĐND cấp
trung đoàn khi mới 24 tuổi đã mất sạch mọi thứ, từ bà mẹ nhân hậu đảm đang bị 2
phát đạn oan khiên, đến nhà cửa, tiền bạc, công danh, nay cay đắng thổ lộ rằng
ông đã gửi hàng vài chục lá thư đề nghị các ông lãnh đạo xét cho 2 điều: công
nhận mẹ ông, bà Nguyễn Thị Năm là người có thành tích, có công đóng góp cho
cách mạng, truy thưởng cho bà Huân chương Kháng chiến, và công nhận Bà là một
Liệt Sỹ, nhưng không có một hồi âm nào. Điều duy nhất ông nhận được đến nay là
công văn tháng 6 năm 1987 của ban tổ chức tỉnh ủy Thái nguyên, quy định lại
thành phần giai cấp của bà mẹ là "Tư sản - địa chủ kháng chiến".
Trong nước mắt ông than thở: "Mẹ tôi từng nuôi dưỡng, che chở cho cả sư
đoàn bộ đội, cán bộ, nhiều người biết chuyện nhưng đã cao tuổi, nên sau khi họ
mất đi thì mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng". Cả 2 tiêu chuẩn trên đều ghi
rõ trong NQ 28 CP ngày 29-4-1995.
Trong phần cuối "Tìm mộ bà
Năm" Xuân Ba kể lại việc tìm ra thi hài bà Năm cuối cùng đã được
thực hiện vào năm 1993, sau 40 năm tìm kiếm rất kiên trì của gia đình, nhờ nhà
ngoại cảm Nguyễn Văn Liên ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Bên cạnh một ao sen, ở bên gốc
cây phượng hoa đỏ đã tìm ra di hài Cụ Năm nhờ chiếc vòng ngọc bám chặt cổ tay
và chiếc răng vàng cũng như 2 đầu đạn. Mọi người có mặt đều tin rằng Cụ rất
thiêng cứ như hướng dẫn cụ thể từng bước cho việc tìm ra mộ mình.
Nhiều bạn đọc viết comment ngay dưới bài viết
của nhà báo Xuân Ba trên mạng Tễu và mạng Huỳnh Ngọc Chênh nói lên sự phẫn uất
cao độ của mình đối với lãnh đạo đảng CS tàn ác, bất nhân, vô ân bạc nghĩa với
những ân nhân của mình. Nhiều bạn trào nước mắt thương cảm với thân phận của bà
Năm và gia đình và chân thành an ủi ông bà và các cháu.
Trong bộ chính trị hiện nay tôi nghĩ 3 ông trong
bộ chính trị là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban tổ chức trung ương Tô
Huy Rứa và trưởng ban tuyên huấn - nguyên tổng biên tập báo Nhân dân, cần sớm
ghé qua thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Hanh, thắp một nén hương trên bàn thờ Cụ
Nguyễn Thị Năm và trả lời cho gia đình Cụ Năm về 2 yêu cầu thiêng liêng nói
trên của gia đình. Không thể lờ mãi.
Riêng tôi, tôi xin mạn phép có ý kiến riêng với
ông Nguyễn Hanh, bà Phạm Thị Cúc và bà Đỗ Kim Chi là xin chớ quá bận tâm về
việc xin tấm Huân Chương Kháng chiến cho Cụ Nguyễn Thị Năm. Được thì càng tốt,
không được cũng không sao. Vì trong cuộc kháng chiến ấy đảng CS đã thực hiện
việc tiêu diệt các đảng viên các đảng chính trị khác cũng là những người yêu
nước chân chính, làm vấy bẩn cuộc kháng chiến. Năm 1995, nhân ngày kỷ niệm
30/4/1975, tôi đã tuyên bố từ bỏ tất cả các huân chương Kháng chiến, Chiến
công, huy hiệu các Chiến dịch, bằng khen... vì nhận ra rằng về bản chất đây là
cuộc chiến huynh đệ tương tàn, một sai lầm lịch sử, trong hơn 30 năm chiến trận
ấy, người Việt Nam ta giết nhau lâu năm nhất, đẫm máu nhất, hăng hái, say sưa
và mù quáng nhất, cho nên không có một điều gì là vinh hạnh, là vẻ vang để khen
thưởng cả. Đảng CS dẫn ép dân ta làm quân cờ cho 2 phe, để đất nước tan hoang.
Món nợ này không thể trả. Món nợ 62 năm của đảng CS với đại gia đình Cụ Năm
cũng là vậy.
Xin gia đình anh Nguyễn Hanh - chị Phạm Thị Cúc,
gia đình anh Nguyễn Cát /Hoàng Công - chị Đỗ Kim Chi cùng các cháu hãy yên tâm
nghĩ rằng Cụ Nguyễn Thị Năm vẫn sống mãi trong lòng mọi người dân yêu nước
lương thiện, trong tình nghĩa và lòng nhân ái của toàn dân. Chắc chắn sau bài
báo của anh Xuân Ba trên các mạng Tễu, Huỳnh Ngọc Liêng, Dân Làm Báo, Chuyển
Hóa... gia đình sẽ nhận được nhiều chia sẻ chân thành, cảm động của mọi tầng
lớp nhân dân, ở trong cũng như ngoài nước.
Không có gì quý hơn sự ấm áp, sâu đậm, vĩnh cửu
của lòng dân, quý hơn mọi huân chương hay danh hiệu gì khác.
Xin chúc mừng gia đình ta đã có nơi ở mới ấm
cúng, gọn ghẽ, thoáng mát ở đường Láng - Hà Nội do các cháu tự lực dựng lên.
Xin kính nhờ anh Hanh thắp giúp một nén hương trên bàn thờ Cụ cũng như trên nấm
mộ Cụ ở cánh đồng làng Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội, như một tưởng nhớ quý trọng
và tin yêu của một người con dân đất Việt luôn nhớ nước ta thương dân ta từ
phương trời xa.
* gửi Danlambao
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment