Nga:
Thời đại mới, mô hình cũ?
·
In
·
Ý kiến (17)
·
Chia sẻ:
·
·
·
·
Tin liên hệ
·
Dùng
vn1975.info, vn3000.com, hoặc vn510.com để vào VOA hoặc Facebook nếu bị chặn
·
Nga
triệt thoái một số binh sĩ khỏi vùng biên giới giáp Ukraine
·
'Tôi là người Ukraine' thu hút hàng triệu lượt xem
trên YouTube
·
NATO
thảo luận về đáp ứng mạnh hơn trong vụ khủng hoảng Crimea
·
Người
Tatar muốn binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ có mặt tại Crimea
·
Nga
cáo buộc J.P. Morgan chặn việc chuyển tiền từ sứ quán
CỠ CHỮ
02.04.2014
MOSCOW — “Trở về với Liên bang Xô Viết” đã
là cụm từ được dùng nhiều để chỉ một nước Nga táo bạo dưới quyền của Tổng thống
Vladimir Putin kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Crimea.
Giáo sư sử học Andrei Zubov đã bị cất chức khỏi Viện Quốc
Gia Moscow về Quan hệ Ngoại giao vì một bài viết được đăng trên một nhật báo so
sánh hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ukraine với liên hiệp
chính trị Áo-Đức đạt được qua việc sáp nhập của Adolf Hitler năm 1938. Ông
không cho biết lý do tại sao lại viết bài báo đó:
Ông Zubov nói rằng ông muốn thấy nước Nga sẽ tiến xa như
thế nào từ thời kỳ Xô Viết. Ông viết bài báo vừa kể như một thông điệp và một
thí nghiệm.
Việc cất chức ông Zubov và sự đàn áp các báo độc lập, TV
Rain và Lenta.ru, cho thấy tình trạng kiểm soát chặt chẽ bất đồng chính kiến,
gợi nhớ lại thời kỳ Xô Viết.
Nhưng theo Masha Lipman của Trung tâm Carnegie thì có
những khác biệt quan trọng với nước Nga thời hiện đại, đặc biệt là sự thiếu ý
thức hệ. Ông nói:
“Người xã hội chủ nghĩa, hay cộng sản chủ nghĩa dù muốn
gọi thế nào cũng được. Có một khuôn mẫu rõ ràng những ý tưởng trong thời kỳ Xô
Viết, một công thức các nguyên lý hoàn toàn khác biệt với các nguyên lý của
Phương Tây.”
Tuy nhiên phương Tây vẫn là địch thủ chủ yếu. Quốc hội Nga
đang thúc đẩy các dự luật hình sự để bắt buộc tiết lộ việc mang hai quốc tịch.
Ông Putin đưa ra một số ý kiến rằng người Nga có quyền
biết ai sống ở nước họ và làm gì. Và những người mang hai quốc tịch cần phải
theo dõi.
Ông Zubov có một giải thích đơn giản về sự tin cậy của
chính phủ đối với mô hình cũ. Ông nói rằng các thế hệ trung niên và cao niên
thường hay nghĩ theo kiểu Xô Viết và chưa quen với các ý kiến mới.
Dự luật về quốc tịch chủ yếu nhắm vào người Ukraine và người
Nga mang hai quốc tịch, nhưng ông Lipman thuộc Trung tâm Carnegie còn thấy đây
là sự chuyển hướng khỏi bản chất Xô Viết quốc tế. Ông nói:
“Những diễn biến ở Crimea đang đẩy ông Putin và người Nga
nói chung đến chỗ càng ngày càng giống như người theo chủ thuyết “dân tộc” cho
rằng công dân sinh ra tại địa phương trội hơn người nhập cư.”
Một hành động tiến tới chính sách quốc gia sắc tộc có thể
nguy hiểm cho một nước Nga cũng đa dạng như thời kỳ thế hệ trước. Trong khi đó
các phương pháp cổ vẫn còn sẵn sàng cho các ý kiến mới phát triển.
Tranh chấp Mĩ - Liên Âu với Nga ảnh hưởng thế
nào tới Việt Nam?
Âu Dương Thệ (Danlambao) - Lợi dụng cuộc khủng hoảng nội bộ trầm
trọng và kéo dài của Ukraine, nên vào giữa tháng 3 Tổng thống Nga Putin đã dùng
nhiều thủ đoạn ra tay chiếm đoạt bán đảo Krim của Ukraine. Đây là hành động vi
phạm trắng trợn Hiến chương Liên hiệp quốc và các Công ước quốc tế đối xử giữa
các nước, qui định khi có những tranh chấp phải giải quyết theo đường lối hòa
bình. Đặc biệt hành động của Putin đã cố tình coi thường Hiệp ước về An ninh và
Hợp tác ở Âu châu 1975, cũng như Hiệp ước 1994 Nga kí với Mĩ-Anh nhìn nhận độc
lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Thủ đoạn cho binh sĩ Nga trá hình làm “dân quân
tự vệ” người gốc Nga ở Krim chiếm đoạt các cơ quan chính quyền, các cơ sở quân
sự của Ukraine tại đây, rồi sau đó cho tổ chức chớp nhoáng cuộc trưng cầu dân ý
dân chủ giả dối theo kiểu của cựu Liên xô để sát nhập “hợp pháp” Krim vào Nga
đã làm cho nhân dân Ukraine vô cùng bất mãn, cả Liên minh Âu châu (EU) bàng
hoàng và Mĩ cực kì lo lắng.
Vì EU và Hoa kì tin và chờ đợi là, sau khi Liên
xô sụp đổ, các nước CS Đông Âu chuyển sang dân chủ đa nguyên hòa bình và gia
nhập EU thì Âu châu nói riêng và toàn thế giới sẽ chấm dứt chiến tranh lạnh để
thực hiện giấc mơ thống nhất Âu châu trong hòa bình và thịnh vượng từ nhiều thế
kỷ nay vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn. Kì vọng chính đáng này đã bị Putin tạm
thời phá vỡ qua hành động lấn chiếm Krim để nhằm thực hiện giấc mơ phục hồi đế
quốc Nga thời Liên xô cũ.
Một số chính khách Mĩ và Âu châu còn so sánh
sách lược xâm chiếm Krim của Putin với thủ đoạn của nhà độc tài Hitler chiếm
một phần lãnh thổ của Tiệp khắc nơi có người Đức sinh sống vào năm 1938 từ đó
mở màn cho Thế chiến Thứ 2. Ý định của Putin đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, độc
lập và chủ quyền của Ukraine trong giai đoạn này còn đe dọa hòa bình cho toàn
Âu châu. Vì hai cuộc thế chiến của thế kỷ trước đã nổ ra ở Âu châu, giúp cho
các chế độ độc tài ở Nga, Đức và Ý thực hiện các cuộc chiến tranh tàn khốc, gây
ra những cuộc di cư của hàng chục triệu người từ nước này sang nước khác và các
biên giới bị đảo lộn. Hiện nay ở các nước Âu châu đều có nhiều dân tộc thiểu số
của các nước lân bang. Đặc biệt là các nước nhỏ thuộc cựu Liên xô mới được độc
lập hơn hai thập niên, trong các nước này những người thiểu số gốc Nga rất
đông. Nếu để cho Putin viện cớ bảo vệ người thiểu số Nga ở các nước vừa mới độc
lập này để tự ý thay đổi biên giới thì các cuộc chiến tranh giữa các dân tộc sẽ
bùng nổ trở lại và với những võ khí tối tân giết người hàng loạt như bom nguyên
tử…như hiện nay thì nguy cơ diệt chủng cho cả Âu châu và đe dọa hòa bình toàn
thế giới.
Hoa kì và EU đã giữ thái độ và phản ứng như
thế nào?
Đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn, các chính
trị gia có tầm nhìn và có ý thức trách nhiệm về những công việc của mình thường
phải cân nhắc thận trọng, so sánh tương quan lực lượng giữa mình và đồng minh
với đối thủ. Tương quan lực lượng ở đây không phải chỉ về quân sự mà cả về sức
mạnh kinh tế, cơ cấu chính trị và hậu thuẫn ngoại giao của các bên trước mắt và
lâu dài.
Về tương quan lực lượng trong quân sự: Nga vẫn
là một siêu cường về võ khí nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa ngang ngửa với
Mĩ. Nếu Hoa kì và EU chọn giải pháp đối đầu quân sự với Putin thì phải tính tới
những rủi ro khủng khiếp chưa thể lường hết được, nhất là với EU nằm sát lách
Nga. Mặt khác, Putin –cựu sĩ quan mật vụ (KGB) thời Liên xô- theo đuổi đường
lối quốc gia quá khích, tính tình bất định, có nhiều tham vọng cá nhân và sẵn
sàng dùng các thủ đoạn bất kể tới lương tâm và đạo đức –cụ thể như cố tình giải
thích Hiến pháp Nga tùy tiện theo cách có lợi nhất cho cá nhân mình để có thể
làm tổng thống suốt đời!
Sau những cuộc chiến tranh phiêu lưu vung tay
quá trán của cựu Tổng thống G. Bush trong thập niên đầu của thế kỷ này ở Irak
và Afghanistan đã khiến Hoa kì phải phung phí cả trên 3000 tỉ Mĩ kim mà chẳng
đạt được mục tiêu gì, khiến cho kinh tế Mĩ rơi vào khó khăn lớn. Trong khi đó,
lợi dụng tình trạng Wahington bị sa lầy trong chiến tranh Trung đông, Bắc kinh
đã có thể tập trung tăng cường phát triển kinh tế rất mau và nay trở thành
cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, đồng thời còn là chủ nợ lớn của Hoa
kì. Không những thế Bắc kinh còn tăng cường nhanh chóng không quân và đặc biệt
hải quân, đang uy hiếp trực tiếp các đồng minh chính của Mĩ ở châu Á và đe dọa
đường hàng hải quốc tế quan trọng ở Á châu và còn đòi chia đôi Thái bình dương
với Mĩ.
Về tương quan kinh tế: Trình độ kinh tế của Nga,
đặc biệt về công nghiệp sản xuất các hàng tiêu dùng, còn rất chậm tiến, nên
phải nhờ sự đầu tư vốn và kĩ thuật của Mĩ và đặc biệt EU. Mặt mạnh trong kinh
tế của Nga chỉ nằm trong xuất cảng năng lượng dầu hỏa và khí đốt. Nếu Tây
phương rút vốn và ngưng đầu tư vào Nga thì kinh tế Nga sẽ mau chóng rơi vào
khủng hoảng trầm trọng.
Về cơ cấu chính trị và hậu thuẫn ngoại giao: Cả
Mĩ lẫn EU là những xã hội theo dân chủ đa nguyên, người dân có mức sống cao và
được hưởng các quyền tự do căn bản nên các nước này rất ổn định về chính trị.
Các xã hội dân chủ đa nguyên này giành được thiện cảm của nhiều dân tộc trên
thế giới, đặc biệt là các thành phần tiến bộ và giới trẻ. Vì thế các nước này
hầu như đạt được sức mạnh hậu thuẫn ngoại giao trên thế giới hoàn toàn áp đảo
với Nga. Trong khi đó chế độ chính trị ở Nga là độc tài cá nhân, quyền lực của
Putin liên hệ với một số tài phiệt mới phất lên một cách bất chính từ khi Liên
xô sụp đổ. Hầu hết các tỉ phủ Nga hợp tác với Putin chỉ vì mục đích trục lợi
quyền-tiền cho cả hai bên.
Vì vậy dưới quan điểm của Tổng thống Obama, Nga
đang là một cường quốc đi xuống nên không phải là đối thủ nguy hiểm, trực tiếp
và lâu dài của Mĩ. Trong khi đó Trung quốc là một cường quốc đang đi lên cả về
kinh tế lẫn quân sự và theo chế độ độc tài toàn trị mới chính là đối thủ nguy
hiểm của Hoa kì và thế giới.
Hoa kì và EU đã và đang thực hiện chống Putin
ra sao?
Biến cố ở Krim và sự thách đố của Putin đã làm
cho Hoa kì và EU ngồi sát lại với nhau sau nhiều tháng nghi ngại nhau do việc
cơ quan tình báo Mĩ NSA đã thu thập hàng trăm triệu điện thoại, điện thư,
fax…của dân chúng nhiều nước Âu châu, kể cả người Mĩ; đặc biệt còn nghe trộm
điện thoại, điện thư của nhiều nguyên thủ đồng minh của Hoa kì như Thủ tướng
Đức, Tổng thống Pháp…Không những thế, việc chiếm Krim của Putin cũng thúc đẩy
28 nước trong EU xích lại với nhau sau ba năm khủng hoảng đồng Euro. Sở dĩ các
nước ở hai bờ Đại tây dương đoàn kết và nhất trí chống Putin, vì họ đều có
chung những giá trị lớn với nhau, như dân chủ đa nguyên, kinh tế thị trường,
chế độ pháp trị, tôn trọng các quyền tự do dân chủ và vinh danh nhân quyền…Đứng
trước hiểm nguy họ biết cùng nhau bảo vệ những giá trị chung ưu việt đó.
Mĩ và EU đã nhanh chóng thỏa thuận một chiến
lược chung đối phó với Putin chia thành nhiều bước và nhiều lãnh vực. Đặc điểm
của sách lược này là dùng sở trường của mình đánh sở đoản của đối phương, chặt
vây cánh của Putin, bao vây Nga về mặt ngoại giao quốc tế và có thể đi tới
phong tỏa kinh tế của Nga. Washington và Bruxell (trụ sở trung ương của EU) đã
công bố danh sách một số tỉ phú Nga có quan hệ với Putin và nhiều cộng sự viên
thân cận của Putin, cấm họ nhập cảnh và khóa các trương mục ngân hàng. Nhân dịp
Hội nghị cấp cao thế giới về hạt nhân ở La Haye (Hòa lan) vào cuối tháng 3 TT
Obama và thủ lãnh các nước G7 đã chính thức loại Nga ra khỏi khối G8. Đại hội
đồng Liên hiệp quốc vừa họp thảo luận việc Putin xâm chiếm trái phép bán bảo
Krim của Ukraine, trong đó 100 nước đã kết án, Bắc kinh và Hà nội đã bỏ phiếu
trắng. Từ La Haye TT Obama đã tới Bruxell hội đàm với các nhà lãnh đạo của EU và
khối Liên minh phòng thủ Bắc đại tây dương (NATO) để chứng minh trước dư luận
thế giới về sự thống nhất trong lập trường và hành động của Mĩ-EU và NATO, đồng
thời chuẩn bị tâm lí và tổ chức các phương tiện cần thiết để đề phòng quân sự
và nếu cần chuyển sang phong tỏa kinh tế với Nga. Đầu tháng 4 NATO đã ngưng các
quan hệ quân sự và an ninh với Mạc tư khoa. EU cũng đã kí hiệp ước liên kết
kinh tế-thương mại với Ukraine. Đặc biệt nữa là EU, Quĩ tiền tệ Quốc tế, Ngân
hàng Thế giới, Mĩ và Nhật đã nhận tài trợ tất cả lên tới khoảng 30 tỉ USD để
phục hồi kinh tế Ukraine, với điều kiện chính phủ mới ở Ukraine phải có chính
sách chống tham nhũng và các chính sách kinh tế-tài chánh thích hợp.
Obama và EU theo đuổi chính sách tự kiềm chế
chống lại Putin, phù hợp với những điều kiện đặc thù hiện nay của Mĩ và EU
trong một thế giới đang trở thành đa cực trong kinh tế và quân sự. EU, đồng
minh chính của Mĩ ở Âu châu, tuy là một liên minh kinh tế lớn trên thế giới,
nhưng chưa phải là một liên bang về mặt chính quyền, ngoại giao và quân sự, nên
khả năng ứng phó trước các cuộc khủng hoảng lớn thường chậm chạp và kém hữu
hiệu. Vì thế Obama không dùng giải pháp quân sự là biết bảo tồn lực lượng cho
chính Mĩ, đồng thời không làm cho đồng minh EU quá căng thẳng trong nội bộ.
Ngay chính Hoa kì, trong Thông điệp về tình hình Liên bang của TT Obama và
thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Hagel vào đầu năm cũng tuyên bố giảm ngân
sách sách quốc phòng và giảm quân. Vì thế chiến lược này tỏ rõ tầm nhìn xa,
tránh những rủi ro tối đa và vẫn mở cửa để Nga có thể xuống thang và trở lại
với cộng đồng quốc tế. Nhờ thế Hoa kì có thể tiếp tục tập trung theo đuổi sách
lược quay trục về châu Á-Thái bình dương từ 3 năm qua với mục tiêu là răn đe
chủ trương bành trướng và đe dọa của Bắc kinh.
Sách lược tọa sơn quan hổ đấu của Tập Cận Bình
Đối với các nhà hoạch định chiến lược Hoa kì,
chế độ toàn trị ở Bắc kinh theo đuổi chủ trương bành trướng và áp chế cả về
kinh tế lẫn quân sự mới là đối thủ chính của Mĩ hiện nay và trong các thập kỉ
tới. Việc đại diện Trung quốc bỏ phiếu trắng tại Hội đồng bảo an và Đại hội
đồng Liên hiệp quốc bàn về việc Putin xâm chiếm bất hợp pháp bán đảo Krim của
Ukraine cho thấy, Bắc kinh muốn tỏ ra bề ngoài là không đứng về phe nào. Đây là
ý đồ sò hến tranh nhau ngư ông biển lợi, tọa sơn quan hổ đấu, đục nước béo cò!
Sách lược này Bắc kinh đã âm thầm thực hiện trong nhiều giai đoạn khác nhau từ
giữa Thế kỉ 20 trở lại đây, trong đó VN đã nhiều lần trở thành nạn nhân trực
tiếp và gián tiếp. Khi chiến tranh VN tới cao độ gây khủng hoảng trong nội bộ
Hoa kì nên Nixon phải tìm cách “rút lui trong danh dự”, khi ấy Mao-Chu đã mở
rộng bàn tay để đón Nixon thăm Trung quốc, gây bàng hoàng cho Lê Duẩn-Lê Đức
Thọ. Đổi lại Trung quốc chiếm ghế Hội viên thường trực của Đài loan trong Hội
đồng Bảo an Liên hiệp quốc và chiếm quần đảo Hoàng sa của VN, khi ấy Hà nội
nhắm mắt bịt miệng!
Bắc kinh cũng đã mừng rỡ khi TT G. Bush sa lầy
trong các cuộc chiến tranh ở Irak và Afghanistan. Chỉ trong một thập niên kinh
tế Hoa kì bị suy sụp nhanh. Trong khi ấy Trung quốc vượt dần lên trở thành
cường quốc kinh tế thứ hai sau Mĩ và còn là chủ nợ của Hoa kì. Không những thế,
Bắc kinh đã gia tăng nhanh ngân sách quốc phòng để tối tân hóa không quân và
nhất là hải quân, tự ý vẽ bản đồ đường “lưỡi bò” bao phủ hầu hết biển Đông đe
dọa trực tiếp VN. Tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế của Mĩ và EU từ
cuối 2008 đã tạo thêm những khó khăn chồng chất hơn nữa cho Hoa kì. Xung đột
trầm trọng trong chính trường Mĩ khiến cho lưỡng viện bị tê liệt về ngân sách,
làm cho hành pháp Mĩ phải điêu đứng trong nhiều tuần vào cuối năm 2013, đến nỗi
TT Obama phải hủy bỏ cả các chuyến thăm ở Đông nam Á. Khi đó Tập Cận Bình trở
thành ngôi sao sáng trong Hội nghị thượng đỉnh APEC 21 tai Bali, Nam dương vào
đầu tháng 10.2013.
Trong những năm gần đây những người cầm đầu
Trung quốc từ Hồ Cẩm Đào tới Tập Cận Bình đã tự coi như ngang hàng với các TT
Mĩ, cho nên họ đã vận dụng đánh động tâm lí và sử dụng ngôn ngữ để thuyết phục
Hoa kì phải coi Trung quốc là một cường quốc ngang hàng. Mới đây tại Hội nghị
thượng đỉnh về hạt nhân ở La Haye Tập cận Bình đã nói với Obama:
“Về vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, phía Mỹ
nên có thái độ công bằng và khách quan, phân rõ phải trái và cần làm nhiều hơn
để tìm ra giải pháp thích hợp và cải thiện tình hình,” (BBC 25.3)
Chọn ngôn ngữ “thái độ công bằng” cho thấy Tập
Cận Bình coi Trung quốc nay trở thành cường quốc ngang ngửa với Hoa kì, cho nên
giữa hai “bạn” chơi với nhau thì phải chơi “công bằng”, có đi có lại. Hàm ý ở
đây là, Tập Cận Bình muốn đánh động tâm lí thuyết phục Obama là Mĩ phải nhìn
nhận Trung quốc có những vùng ảnh hưởng tự nhiên trong khu vực lãnh thổ và biển
kế cận Trung quốc, dĩ nhiên biển Đông và biển Hoa đông nằm trong ý này; đi xa
hơn nữa, Hoa kì và Trung quốc nên chia đôi Thái bình dương, như Hoa kì và cựu
Liên xô đã chia đôi Âu châu sau Thế chiến 2!
Riêng với Mạc tư khoa, nếu cuộc tranh chấp giữa
Mĩ-EU và Nga trong vấn đề Ukraine kéo dài và căng thẳng thêm, thì Bắc kinh có
thể được hưởng lợi với giá thấp trong việc mua khí đốt và dầu hỏa của Nga, vì
Putin cần ngoại tệ để cân bằng lại những thiệt hại từ phía Mĩ và EU gây ra. Mặt
khác quan trọng hơn, nếu tình hình tranh chấp giữa Nga với Mĩ và EU căng thẳng
hơn và xấu hơn thì Bắc kinh sẻ hưởng lợi lớn, vì khi đó Mĩ phải tập trung ở Âu
châu, không thể trở lại Á châu sớm, khi đó Mĩ cũng cần tới Trung quốc, như thế
là mở cửa cho Bắc kinh tung hoành cả về kinh tế, thương mại và quân sự đặc biệt
ở Đông nam Á!
Hà nội bỏ phiếu trắng là lập trường khép mình
theo Bắc kinh
Tục ngữ có câu, gặp khó khăn mới biết mặt anh
hùng! Tiêu chí ngoại giao hiện nay của chế độ toàn trị Hà nội là “làm bạn với
tất cả các nước”. Nhưng trong vụ tranh chấp Ukraine-Nga, Hà nội đã ngoan ngoãn
xếp hàng cùng Bắc kinh bỏ phiếu trắng tại Liên hiệp quốc và để cho phát ngôn
viên Bộ ngoại giao ra tuyên bố rất ba phải! Cuộc sát nhập chớp nhoáng bán đảo Krim
vào Nga đã cho thấy, Putin coi thường công pháp quốc tế và các hiệp ước Nga đã
kí với quốc tế. Không những thế đây sẽ tạo một tiền lệ để Bắc kinh cũng có thể
ra tay như vậy ở Á châu, nhất là đối với VN.
Nếu là những chính khách có trách nhiệm và tầm
nhìn xa thì phải đứng về lẽ phải chống lại hành động sai lầm của Putin và lường
trước nguy cơ trước mắt Bắc kinh có thể gây ra cho VN. Nhưng trái lại, đứng
trước cuộc tranh chấp quốc tế quan trọng này người đứng đầu chế độ toàn trị
Nguyễn Phú Trọng đã vội xếp hàng theo “bạn ta” thường khuyên răn không để bị
“Tây hóa!” Vì thế Hà nội đã ngoan ngoãn xếp hàng theo đuôi Bắc kinh bỏ phiếu
trắng! Trong khi đó trước khó khăn lớn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vội quên
lời thề hùng dũng “Chiến lược xây dựng niềm tin” trong bang giao của VN với các
nước tại cuộc Hội thảo quốc tế “Đối thoại Shangri-La 2013” vào cuối tháng
5.2013 ở Singapore. Thay vì đứng về lẽ phải để xây dựng niềm tin và uy tín quốc
tế thực sự cho VN, ông Dũng cũng bắt chước ông Trọng trong vụ tranh chấp
Ukraine-Nga đã “gởi trọn niềm tin” vào anh cả phương Bắc bằng cách theo đuôi
cũng bỏ phiếu trắng!
Do tầm nhìn thiển cận là Đảng trước Nước sau,
nên những người có quyền lực của chế độ toàn trị CSVN nhắm mắt trước nguy cơ,
chính Bắc kinh đã từng thực hiện thôn tính chớp nhoáng quần đảo Hoàng sa (1974)
và một phần Trường sa (1988) khi thời cơ tới, như Putin đã thôn tính Krim. Hiện
Bắc kinh đã chuẩn bị quân sự chỉ chờ cơ hội tốt để chiếm trọn Trường sa và uy
hiếp toàn biển Đông. Họ biết được ý đồ này của Bắc kinh, nhưng vẫn phải chạy
theo Bắc kinh, điều này chứng tỏ sự ươn hèn và lệ thuộc quá lớn vào phương Bắc!
***
Những điều gì có thể xẩy ra trong thời gian tới?
Tùy theo mức độ và thời gian tranh chấp giữa Nga với Mĩ-EU có nhiều trường hợp
có thể diễn ra cho Bắc kinh và Hà nội. Tuy nhiên ít nhất có hai hướng chinh sẽ
ảnh hướng lớn tới tình hình chính trị VN, chúng ta phải chú tâm theo dõi:
1. Nếu tình hình Ukraine và Âu châu căng thẳng
thêm, có nghĩa là Hoa kì phải tập trung vào Âu châu, thì Bắc kinh sẽ khai thác
triệt để tình hình này để gia tăng áp chế với VN về chính trị, ngoại giao, kinh
tế, thương mại để thực hiện các yêu sách về các hải đảo và toàn bộ biển Đông.
Vì lệ thuộc, ươn hèn và chỉ lo quyền lợi ích kỉ riêng nên các ủy viên Bộ chính trị
ĐCSVN sẽ có những thỏa hiệp nhượng bộ vô nguyên tắc với Bắc kinh, đồng thời
quay lại đàn áp nhân dân chống đối những hành động cực kì sai trái của họ. Như
thế họ sẽ tự phơi bầy thái độ hèn với giặc, ác với dân! Điều này sẽ dẫn tới
phân hóa, giành giựt và thanh toán nhau ngay trong Trung ương đảng trước thềm
Đại hội 12 một cách công khai, gay gắt và tàn bạo hơn. Các đảng viên yêu nước
và tiến bộ sẽ cùng với nhân dân đứng lên phản đối và chống lại nhóm cầm đầu bảo
thủ, tha hóa đạo đức và đầu hàng Bắc kinh; thành phần đảng viên đứng giữa sẽ
thất vọng và hoang mang. Đây chính là cơ hội rất tốt cho cuộc vận động dân chủ
ở VN để bảo vệ tổ quốc và toàn vẹn lãnh thổ!
2. Nếu cuộc tranh chấp ở Âu châu lắng đọng
xuống, Hoa kì có thể tập trung khai triển việc thực hiện quay trục về châu
Á-Thái bình dương. Khi ấy nhiều nước Á châu, đặc biệt Đông Á và Đông nam Á, lo
ngại chủ trương bành trướng và tham vọng của Bắc kinh có thể dẫn tới nguy cơ,
Bắc kinh cũng sẽ áp dụng thủ đoạn như Putin để khuyến khích người gốc Hoa đang
sinh sống rất đông đảo ở Đông nam Á kết hợp với những ràng buộc kinh tế thương
mại quá lớn để tạo bất ổn và đặt yêu sách về hải đảo, tài nguyên trên biển, kể
cả can thiệp vào chính trị ở các nước này. Vì thế không chỉ các nước Đông Á
tăng cường hợp tác với Mĩ, mà cả nhiều nước Đông nam Á sẽ hợp tác chặt chẽ với
Hoa kì để ngăn chặn các nguy cơ này.
Trong đó Việt Nam có thể là một trung tâm của
cuộc vận động mới rất cần thiết và hữu ích này, vì những sai lầm chồng chất của
chế độ toàn trị CSVN nên nước ta đang phải chịu áp lực rất lớn và cực kì nguy
hiểm từ phương Bắc. Không chỉ những thành phần trí thức, chuyên viên, văn nghệ
sĩ và thanh niên mà cả các đảng viên yêu nước tiến bộ càng nhận ra sự thực
rằng: Ngày nay chính Bắc kinh mới là kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp của VN, vì
nó ở sát lách VN và đang chủ trương bành trướng và thôn tính ở khu vực với mục
tiêu thực hiện “giấc mơ vĩ đại nhất Trung quốc”, như Tập Cận Bình công khai
tuyên bố.
Ngược lại, Hoa kì không là đối thủ của VN, không
có tham vọng đất đai và hải đảo gì ở VN, không chủ ý bòn rút tài nguyên nào của
VN; nhưng chỉ muốn VN độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và nhân dân ta hạnh phúc tự
do!
Bất kể chính kiến và thành phần xã hội, những
người dân chủ VN cần nhận ra và thực hiện tốt nhất cơ hội này; hãy chủ động,
tích cực, tự chủ và sáng tạo cương quyết biến nó nằm trong tầm tay của nhân dân
ta trong thời gian tới!
4.4.14 – Nhân dịp giỗ Tổ Hùng vương
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment