Tuesday, January 22, 2013

Cha chung cũng có người khóc


 

Cha chung cũng có người khóc

___________________________________________________________________________________________________________

Chu Thập


Kỳ nghỉ Giáng Sinh và đầu năm Dương lịch vừa qua, tôi theo người thân làm một chuyến du ngoạn lên miền Bắc tiểu bang NSW. Với tôi, có đi là có học. Một sàng khôn thì chưa hẳn đã có, nhưng ít nhứt tôi cũng đã học được một số điều nhỏ để tự nhắc nhở phải sống tốt đẹp và ra người tử tế hơn.

Úc đại lợi vốn có vô số thắng cảnh để ngắm. Nhưng trong chuyến đi vừa qua, đập vào mắt tôi lại không phải là những cảnh núi rừng, ao hồ hùng vĩ mà là những chuyện nhỏ. Chẳng hạn như tại thị trấn Antiene, nơi có hai nhà máy phát điện được giải nhiệt bằng một hồ nước nhân tạo khá lớn, tôi thấy có một cái trụ nhỏ được dựng lên ở cổng ra vào của một bãi cắm trại (caravan park) có ghi vài điều kiện đại khái như: mỗi chiếc xe phải trả 5 đô, lấy ticket và bỏ tiền vào hộp “honesty box”. Những “cửa tiệm” không có người đứng bán hàng nhưng được thay thế bằng một cái hộp kêu gọi tự giác như thế thì tôi rất thường thấy dọc đường ở vùng quê Úc đại lợi. Nay thì tôi lại thấy một cái hộp như thế ngay ở cổng ra vào của một bãi cắm trại được hội đồng thành phố quản lý. Quả là chuyện hiếm thấy. Nhìn xung quanh tôi không thấy có bất cứ chiếc máy thu hình tự động nào để theo dõi những người ra vào cả. Bên trong thì lại có đủ mọi tiện nghi tối thiểu cho một cuộc cắm trại như nhà vệ sinh, nhà tắm v.v.

Tôi cứ tưởng chuyện tự giác trả tiền khi vào bãi cắm trại là sáng kiến riêng của trị trấn nhỏ Antiene. Nhưng đi xa hơn về hướng Bắc, tôi cũng thấy một hiện tượng tương tự tại một bãi cắm trại lớn xung quanh Đập Chaffey ở gần Tamworth. Cũng với giá cả tương tự, cũng với cái hộp “honesty box”. Riêng trong cái bãi cắm trại rộng lớn này, ngoài những tiện nghi tối thiểu, những người cắm trại còn được hưởng thêm một thứ xa xỉ khác là nước nóng trong các phòng tắm. Chỉ cần một người bỏ vào một lỗ khóa nhỏ một đô là 5 phòng tắm đều có nước nóng!

Một chuyện nhỏ khác cũng khiến tôi suy nghĩ không ít về tinh thần tự giác và tôn trọng công ích của người dân Úc. Một bữa trưa, chúng tôi mua một ít lương khô và lái xe lên một nơi được xem là đỉnh cao của vùng có một tên gọi nghe rất hùng vĩ là “hanging rocks” (những tảng đá treo). Có lẽ không phải là một địa điểm du lịch nổi tiếng được nhiều du khách tìm đến, cho nên nơi này chỉ được trang bị sơ sài bằng vài ba cái bàn và một số ghế. Sau bữa cơm trưa dã chiến, tôi tìm cái thùng rác để ném các đồ thừa vào. Thấy thiếu một “thiết bị” tượng trưng cho văn minh, tôi định “vô tư” như người Hà nội thời xã hội chủ nghĩa để ném đại rác rưởi vào rừng, nhưng lại nhìn thấy một tấm bảng có hàng chữ viết đủ rõ để ai cũng có thể đọc được: xin vui lòng mang rác về nhà để tránh cho chim chóc và thú rừng không bị nhiễm độc!
 
Tôi cảm thấy hổ thẹn vì cái thói quen bừa bãi thiếu trách nhiệm của mình. Nhìn xung quanh, tôi không thấy có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy có người đã vô tư “xả rác” ở nơi công cộng này. Hình ảnh của cái hộp “honesty box” ở những bãi cắm trại tôi vừa mới đi qua, cộng với tình trạng sạch sẽ ở một nơi vắng vẻ như thế này khiến tôi thầm phục người Úc. Họ dạy cho tôi bài học về tự giác, tự trọng và dĩ nhiên tinh thần tôn trọng công ích. Ai bảo “cha chung không ai khóc”! Thật ra, tôn trọng công ích cũng chính là nghĩ đến quyền lợi riêng tư của mình. Chính vì mọi người đều biết tôn trọng công ích mà ai cũng được hưởng những điều mà công ích mang lại cho mỗi người.

Nghĩ về công ích, tôi cũng liên tưởng đến quyền tư hữu. Chỉ trong những xã hội trong đó công ích được tôn trọng thì quyền tư hữu mới được thực sự nhìn nhận. Giàu có bao nhiêu cũng được. Chiếm hữu bao nhiêu cũng được. Quyền tư hữu không có giới hạn. Tôi có ý nghĩ ấy khi được vào “ tham quan” một khu rừng nơi chúng tôi có ý định qua đêm và săn bắn. Từ lâu nay tôi cứ nghĩ hễ “rừng” thì phải là lâm viên quốc gia. Nhưng khu rừng trong đó chúng tôi phải dùng chiếc Hilux để đi một phần ba chu vi mà đã mất hơn cả tiếng đồng hồ, lại thuộc về một tư nhân.
 
Người chủ của nông trại, vốn là một người Nam Phi đến Úc lập nghiệp từ hơn 2 thập niên qua, hãnh diện nói rằng đây là công lao mồ hôi nước mắt của ông chứ không phải là tài sản của ông bà để lại. Rộng gần 2 ngàn mẫu tây, nông trại này chỉ để nuôi khoảng 1500 con bò. Trung bình, mỗi con bò chiếm được một không gian hơn cả mẫu. Thật ra, cơ ngơi này chỉ là trung bình. Có những nông trại còn rộng gấp 5,10 lần khu rừng mà chúng tôi đã thăm viếng.

Thấm mệt và xương cốt hầu như muốn rớt ra khỏi thân thể sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi lắc lư trên chiếc xe Ute, tôi chợt có ý nghĩ: người ta chiếm hữu một khu rừng rộng lớn như thế có lẽ không phải để khai thác hay thu lợi, mà chỉ để nhìn ngắm cho thỏa thích mà thôi. Không thiếu những người chỉ cảm thấy hạnh phúc vì chiếm hữu được nhiều hơn người khác.

Có lẽ văn hào Leo Tolstoy của Nga đã muốn mỉa mai cái niềm “hạnh phúc” ấy qua câu chuyện ngắn kể về một tá điền nghèo được ông chủ cho chạy được bao nhiêu thì được bấy nhiêu đất đai. Từ sáng tinh sương, con người suốt đời không có được một tấc đất làm của riêng đã hăm hở chạy. Ông chạy cho đến kiệt sức và ngã quỵ xuống. Mắt ông hoa lên để không còn có thể quay nhìn lại và thấy được phần đất mình đã chiếm hữu được. Cuối cùng, người tá điền nghèo đã nhắm mắt xuôi tay trước khi còn đủ sức để cắm dùi và thể hiện quyền làm chủ đất đai của mình. Có lẽ chỉ có người điên mới hành động một cách ngu xuẩn như nhân vật tá điền trong câu chuyện của văn hào Tolstoy. Thật ra, tôi cho rằng chiếm hữu hay đắc thủ của cải vật chất đến độ “quên ăn quên ngủ” chỉ vì đam mê chiếm hữu hay vì quyền lực thống trị có lẽ cũng là một thái độ khờ dại.

Tôi có ý nghĩ ấy khi nhìn vào cách tiêu xài của võ sĩ quyền anh nổi tiếng nhứt thế giới hiện nay là Floyd Mayweather. Trước đây, người võ sĩ 36 tuổi này được người ta đặt cho cái tên là “Pretty Boy”. Nay nhiều người đã có lý để gọi anh là ông “Money” (Tiền!). Ai mà chẳng tham tiền. Nhưng tay vô địch quyền anh này muốn tỏ rõ cho nhiều người thấy rằng anh “đấm đá” là để có nhiều tiền và được tạp chí Forbes “vinh danh”.Với 5 lần vô địch thế giới, năm vừa qua, anh đã được tạp chí này bầu chọn làm lực sĩ có doanh thu cao nhứt thế giới. Đây là tước hiệu mà danh thủ đánh Golf Tiger Wood đã chiếm giữ trong 11 năm liên tiếp.

Với tài sản lên đến 115 triệu đô, Mayweather không biết làm gì khác hơn là khoe ra cho mọi người thấy. Anh ít khi dùng thẻ tín dụng mà chỉ thích xài tiền mặt. Mỗi lần mua sắm, anh tung ra từng cuộn giấy bạc $100. Trong các hộp đêm, anh có thói quen rải tiền cho đám đông. Trong các cận vệ của anh, có một người chuyên mang theo từng bao tiền để anh đánh cá, thường là trong các trận thể thao và trong các sòng bài tại Las Vegas. Dạo tháng 9 năm ngoái, anh “nổi tiếng” hơn khi bỏ ra $2.9 triệu để đánh cá trong một trận Football của Mỹ (x. The Australian, phụ trương thể thao, 5-6/1/2013).

Đúng là xài tiền như nước. Dĩ nhiên, người ta sẽ bảo: tiền của tôi tôi xài, mắc mớ gì đến các người mà thắc mắc! Quả vậy, đồng tiền liền khúc ruột. Quyền tư hữu gắn liền với quyền được xử dụng của cải. Tiền của tôi, tôi muốn làm gì mặc tôi. Tôi cất giữ khư khư cho riêng tôi cũng được, mà phung phí cũng được.

Thật ra, lương tri và lẽ thường dường như không cho phép tôi suy nghĩ như thế. Liệu tôi có thể “yên tâm” để khư khư ôm lấy tài sản của tôi hay phung phí tiền của khi xung quanh tôi có vô số người đang đói khát không? Có thể đây là suy nghĩ mà cứ sau mỗi mùa nghỉ Giáng Sinh và Đầu Năm Dương Lịch, báo chí thường gợi lên cho chúng ta khi nhìn lại cách mua sắm thức ăn trong một năm qua. Theo báo The Sydney Morning Herald, mỗi năm người dân Úc phung phí khoảng 8 tỷ Úc kim về thức ăn. Ông John Dee, người sáng lập tổ chức “Do Something” (Hãy làm một cái gì đi!) cho biết: trung bình, mỗi năm, mỗi một gia đình Úc phí phạm khoảng $1036 tiền thức ăn. Một cách cụ thể, trên toàn quốc, mỗi năm có khoảng 4 triệu tấn lương thực bị quăng vào thùng rác. Nếu biết tính toán và tiết kiệm, số tiền dùng để mua số thức ăn bị quăng vào thùng rác có thể đủ để nuôi sống một gia đình trong một tháng và đủ để trả tiền điện cho một gia đình trong 6 tháng. Chỉ riêng tại tiểu bang New South Wales, số thực phẩm bị quăng vào thùng rác chiếm đến 38 phần trăm lượng rác rưởi trong mỗi gia đình.

Theo ông Dee, sở dĩ người dân Úc hiện nay phung phí thức ăn là vì họ đã đánh mất những kỹ năng mà các thế hệ trước đã đắc thủ được. Ông cũng nói rằng phung phí thức ăn cũng ảnh huởng đến cả nền kinh tế: ném một ký lô thịt bò vào thùng rác chẳng hạn, là phí phạm cả ngàn lít nước dùng để sản xuất ra một ký thịt bò! (x.SMH, 23/12/2012)

Trên đây chỉ là cái nhìn kinh tế. Nhìn rộng hơn, có lẽ cũng phải nói rằng phí phạm thức ăn, một cách nào đó, cũng có nghĩa là sống mà không nghĩ đến vô số những người nghèo trên thế giới hằng đêm phải đi ngủ với cái bụng trống rỗng. Đây là thực tế mà ở mỗi độ cuối năm, khi nhìn lại núi lương thực bị quăng vào thùng rác tại Úc đại lợi, tôi thường mang ra để suy nghĩ và tự vấn lương tâm. Sống mà dửng dưng trước sự đói khát và khốn khổ của người đồng loại thì có khác gì thú vật, bởi vì nói như ông tổ của chủ nghĩa cộng sản, chỉ có thú vật mới “quay mặt làm ngơ trước nỗi khổ của đồng loại để chăm sóc cho bộ da riêng của mình”. Thật là đau lòng khi nhìn vào cách ăn xài của giai cấp “tư bản đỏ” thường được gọi là đại gia tại Việt nam hiện nay.
 
Theo báo “Người Đưa Tin” trong nước được báo mạng Calitoday trích dẫn, trong khi đại đa số người dân Việt nam hiện nay phải thắt lưng buộc bụng để chống chọi với cơn khủng hoảng kinh tế thì vẫn có những đại gia vung tay để hưởng thụ những bữa ăn trị giá bằng thu nhập cả năm của một người lao động. Đó là chưa so sánh với cảnh khốn khổ của những người nghèo cùng trong xã hội.

Chỉ có một xã hội trống rỗng những giá trị tinh thần mới sản sinh ra một hạng người vô tâm như thế. Có lẽ trên thế giới và trong ngôn ngữ của các dân tộc, không đâu người ta xử dụng từ “sở hữu” nhiều cho bằng ở Việt nam hiện nay. Động từ đơn giản và dễ hiểu nhứt là “có” đã hầu như được thay thế bằng cái chữ bự này. Nói rằng một cô người mẫu “sở hữu” một đôi chân dài tới…nách, nghe còn tạm chấp nhận được.
 
Đàng này, người ta lại còn bảo một đại gia nào đó “sở hữu” một cô vợ là người mẫu. Trong một xã hội trong đó ngay cả con người cũng có thể trở thành sự vật để chiếm hữu và dĩ nhiên để xử dụng thì còn đâu là nhân phẩm và những giá trị tinh thần như tình liên đới, sự chia sẻ.

Nhân một chuyến đi về hướng Bắc tiểu bang New South Wales, ghi nhận một vài lời nhắc nhở về tự giác và tự trọng, học được bài học về sự tôn trọng công ích nơi người Úc, tôi nghiệm ra rằng công ích đích thực đòi hỏi con người cũng phải tưởng nghĩ đến người khác, nhứt là những người cần được giúp đỡ. Quê hương thứ hai của tôi chưa phải là thiên đàng tại thế.
 
Nhưng ít ra ở đây, cứ đi một ngày đàng là tôi học thêm một bài học về làm người và làm một người “hạnh phúc” thực sự chứ không chỉ trên khẩu hiệu được ghi ở đầu mỗi công văn, đơn từ hay giấy tờ hành chánh. Và niềm hạnh phúc mà tôi có thể cảm nhận được và luôn được thúc đẩy để tìm kiếm chính là trong mọi sự luôn biết tưởng nghĩ đến người khác.

Chu Thập

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link