Friday, January 25, 2013

Dự thảo hiến pháp: Thử thách sự sống còn của chế độ

Dự thảo hiến pháp: Thử thách sự sống còn của chế độ


 

Dự thảo hiến pháp: Thử thách sự sống còn của chế độ


Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2013-01-24

Sau tuyên bố không có vùng cấm trong việc đóng góp sửa đổi Hiến pháp 1992 đã xuất hiện một bản dự thảo Hiến pháp gần như hoàn chỉnh của hơn 800 trí thức và được báo chí thế giới đánh giá như một cuộc cách mạng mềm trong chính trường Việt Nam.


AFP photo

TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi về phía lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi khai mạc phiên họp hàng năm của Quốc hội hôm 22 tháng 10 năm 2012.

 


 

Đề nghị bỏ lời nói đầu của hiến pháp 1992


Có thể nói sự chờ đợi sửa đổi bản hiến pháp năm 1992 lần này khác hẳn như sự thay đổi Hiến pháp năm 1946 vào năm 1992. Nhà nước chứng tỏ đã chuẩn bị dư luận rất kỹ trong việc kêu gọi người dân tham gia vào tiến trình đóng góp ý kiến của mình vào bản hiến pháp này. Tuyên bố mạnh mẽ của ông Phan Trung Lý. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tăng thêm sự mạnh dạn của quần chúng khi biết rằng không có vùng cấm nào trong các ý kiến tham gia.

Trong khi báo chí quốc doanh loan tải một vài bài viết lác đác trên hệ thống thông tin nhà nuớc không được ai chú ý thì tại nhiều trang blog như trang Bauxitvn, Basàm lại nóng lên với bản dự thảo hiến pháp được ký tên bởi hơn 700 chữ ký của các nhân vật trí thức. Bản dự thảo này ngay lập tức lan truyền rộng rãi trên mạng và các cơ quan thông tấn của Đức, Pháp, Hoa kỳ loan tin lại với những nhận xét khá tích cực về một cuộc đổi thay lớn trong mặt bằng chính trị tại Việt Nam.

Điều khiến dư luận chú ý trước tiên của bản dự thảo là đề nghị bỏ lời nói đầu của bản hiến pháp năm 1992. Đề nghị này hợp lý và hấp dẫn người theo dõi bởi tính chất bản hiến pháp của một nước không thề viện dẫn tính cao cả của bạn bè quốc tế hay sự những chiến thắng có tính giai đoạn lịch sử không thể kéo dài để biện minh cho lý lẽ cai trị của chế độ. Lời nói đầu bản hiến pháp năm 92 đã viết:

"Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Vì trước mắt chưa có Chủ nghĩa xã hội cho nên trở lại với cái tên của nó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chứ không có gì mới, chỉ là tên cũ đặt lại cho chuẩn thôi.
Ông Nguyễn Đình Lộc

Tính chất vi hiến lộ ra rất rõ khi Mác-Lê Nin và Hồ Chí Minh chỉ đạo toàn bộ hiến pháp của nước Cộng hòa Xã Hội chủ Nghĩa Việt Nam. Lời nói đầu này đã khiến Hiến pháp không còn do nhân dân Việt Nam quyết định mà rõ ràng do một chủ thuyết đã tỏ ra lạc hậu, một nhân vật không còn tinh khôi như thời cầm quyền đã ngang nhiên chiếm lĩnh đời sống chính trị cũng như toàn bộ nền tảng của một bản hiến pháp của đất nước.

Phủ nhận lời nói đầu này là phủ nhận toàn bộ tính chất áp đặt của Đảng cầm quyền hiện nay lên hiến pháp để từ đó gợi ý một nội dung khác, một tính chất khác, một hiến định khác nhằm giải tỏa những áp đặt đè nặng lên dân tộc trong nhiều chục năm qua.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học một trong những người vận động chữ ký cũng như soạn thảo bản hiến pháp cho biết:

Trong số những người có ý tưởng đề xuất bản kiến nghị này tất nhiên có những người hiểu biết luật pháp, có luật sư nên bản kiến nghị đưa ra chặt chẽ. Chúng tôi không ở trong một tổ chức nào hết mà chỉ là những con người, cá nhân, những công dân quan tâm đến vận mệnh đất nước và nhân việc nhà nước tuyên bố cần sự góp ý cho hiến pháp và không có giới hạn ngăn cấm nên chúng tôi thấy cần phải đề xuất cho đến cùng. Đến cái chỗ mà dân tộc Việt Nam hiện nay đang mong muốn, quan tâm nhất. Bản kiến nghị này hình thành là như vậy.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng là người ký tên trong bản kíên nghị cho biết lý do khiến bản dự thảo hiến pháp này ra đời. Với ông không gì khác hơn là tạo cơ hội để chính quyền có tính chính danh trong khi vận hành đất nước, đặc biệt là những người Đảng viên Đảng Cộng sản có cơ hội nhìn lại mình và Đảng của mình:

Theo như ông chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã nói thì khi góp ý xây dựng hiến pháp sẽ không có vùng cấm nào cả. Bản thân tôi là một Đảng viên Đảng Cộng sản tôi cũng không muốn Đảng mình đóng vai trò lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo xã hội do áp đặt. Mà chúng tôi muốn lãnh đạo xã hội, lãnh đạo chính quyền một cách danh chính ngôn thuận, dựa trên uy tín, phẩm chất, năng lực thật sự của mình. Thứ hai nữa nếu bây giờ mà đặt ra trong hiến pháp điều cố định là tổ chức nào đó như Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ vĩnh viễn lãnh đạo xã hội thì đó là cách làm hư Đảng. Nó sẽ làm cho Đảng viên không còn phấn đấu, không còn phải rèn luyện, chinh phục cái tâm của người dân nữa mà dần dần sẽ hư hỏng đi, mà như thế thì làm Đảng yếu đi.

Đề nghị đổi tên nước


000_Hkg7748046-250.jpg

Công nhân kết hoa cho lá cờ Đảng và lá cờ nước chuẩn bị cho lễ Quốc Khánh 02/9/2012 tại Hà Nội. AFP photo

Bản dự thảo thay đổi Hiến pháp bác bỏ tên nước là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam với nguyên nhân chính là thời kỳ xã hội chủ nghĩa vẫn chưa xuất hiện tại Việt Nam thì việc lấy cái đuôi này áp vào tên nước cho thấy tính mơ hồ của một bản Hiến pháp có giá trị của một quốc gia. Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết:

Trong cuộc họp của “Hội đồng dân chủ pháp luật” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hà Nội vừa rồi mà tôi có tham dự thì một số ý của vài vị đưa ra là chúng ta phải xác định thời kỳ này có phải là thời kỳ xã hội chủ nghĩa hay chưa? Hay là đang trong quá trình xây dựng một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa? Bởi vì thật ra khi có hiến pháp năm 1946 thì sau đó là chiến tranh rồi chia hai đất nước, thành ra thể chế cộng hòa đó nó chưa thể hiện một cách rõ ràng trong thực tế bằng một tổ chức nhà nước của chúng ta. Do đó tính chất vẫn là thời kỳ nối tiếp của năm 1946 chứ chưa phải là chủ nghĩa xã hội hay quá độ. Vả lại sau tất cả các bản hiến pháp từ năm 1946 là một hiến pháp rất tiến bộ có tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Độc lập, Tự do, Hạnh phúc - Ba chữ Độc lập Tự do Hạnh phúc nó rất bao quát. Một đất nước độc lập rồi phải dân chủ tự do và đem lại hạnh phúc cho người dân.

Nguyên Bộ trưởng Bộ tư Pháp Nguyễn Đình Lộc cũng nhận xét việc đổi tên nước là cần thiết nhưng không có gì mới so với bản hiến pháp năm 1946 khi Đảng Cộng sản chưa nhúng tay vào thực hiện việc thay đổi hiến pháp mà nhiều người vẫn cho là dân chủ nhiều lần hơn bản năm 1992.

Thật ra bây giờ gọi là nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nhưng xã hội chủ nghĩa chỉ là một định hướng lâu dài mà thôi vì trước mắt chưa có Chủ nghĩa xã hội cho nên trở lại với cái tên của nó là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chứ không có gì mới, chỉ là tên cũ đặt lại cho chuẩn thôi.

Một nét mới của bản dự thảo hiến pháp này là mạnh dạng thay đổi hệ thống chính quyền từ Chủ tịch nước theo hệ thống cộng sản sang Tổng thống chế như của nhiều nước tư bản Tây phương. Nói về thay đổi này luật gia Lê Hiếu Đằng cho biết:

Dự thảo này cũng chỉ là gợi ý thôi chứ không có tính chính thức. Nó theo tổng thống chế, mô hình của các nước có chế độ lưỡng viện tức là Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Nó làm cho chức năng của từng viện rõ ràng và bao quát hơn, có tính chất đại diện rộng rãi hơn.

Hai viện này đại diện cho cả nước và đồng thời đại diện cho địa phương nên có tính chất tiêu biểu. Thượng viện chẳng hạn, rất quan trọng. Thật ra mô hình này đã có một số nước người ta áp dụng và có hiệu quả vì vậy mình nên theo. Điều gì mà con người tiến bộ đã áp dụng thì mình theo chứ không nên sáng tạo một con đường nào khác, rất mù mờ không có hiệu quả, vì nó không đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên.

Những thay đổi cốt lõi của bản dự thảo hiến pháp còn nằm ở chỗ giải phóng quyền tham gia chính trị một cách thật sự của các Đảng phái đối lập, điều mà cả hai bản hiến pháp năm 1946 và 1992 hoàn toàn không nêu ra.

Câu nói nổi tiếng của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mà nhiều người vẫn nhớ đó là: “bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát”.

Nội hàm quan trọng của điều 4 hiến pháp là gì khiến chủ tịch một nước phải xác định với ngôn ngữ không cần bóng gió như vậy? Câu trả lời nhanh nhất: Điều 4 hiến pháp cho phép quyền lực Đảng Cộng sản Việt Nam bao trùm lên cả ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp theo hiến pháp quy định.

Những quyền lực tuyệt đối của điều 4 vô hiệu hóa mọi quy định mà hiến pháp đưa ra. Từ quyền tối thiểu của người dân như sự đi lại cho đến cao hơn là quyền phát biểu chính kiến. Riêng trong lĩnh vực tòa án sự tha hóa và bất công lộ ra rõ hơn khi Đảng toàn quyền đưa ra những bản án bỏ túi cho từng phạm nhân, những ai phạm tới quyền lực của Đảng cầm quyền.

Điều 4 hiến pháp cho phép Đảng làm bất cứ thứ gì có lợi cho Đảng và hệ thống, trong đó có toàn quyền quyết định về chủ quyến đất nước thông qua các cuộc đàm phán không công khai. Đảng cũng đuợc quyền chấp thuận trong bóng tối ai là người được phép khai thác tài nguyên quốc gia và cứ mỗi lần đại hội Đảng là việc sắp xếp nhân sự lại diễn ra, người dân không một chút quyền hạn gì trong việc bỏ phiếu cho ai là người lãnh đạo đất nước.

Đề nghị bỏ điều 4 hiến pháp


000_Hkg4913882-200.jpg

Pano tuyên truyền cho kỳ bầu cử quốc hội lần thứ 13 năm 2011. AFP photo

Điều 4 hiến pháp năm 1992 xuất hiện khi hiến pháp 1946 thay đổi. Trong bối cảnh Liên xô lúc ấy, điều 4 hiến pháp của Việt Nam rập khuôn điều 6 hiến pháp của Liên xô. Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM cho biết tại sao có điều 4 hiến pháp của Việt Nam:

Trước đây ở hiến pháp năm 46 thực chất lúc bấy giờ Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng lãnh đạo và đương nhiên việc đó cũng thể hiện vào trong việc soạn thảo hiến pháp 1946 nhưng lúc bấy giờ có đưa vào đâu? Vả lại muốn đưa cũng không đưa được.

Nhưng rồi sau đó vận dụng vào điều 6 của hiến pháp Xô viết để đưa điều 6 của Xô viết vào vì nghĩ rằng sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng trên thực tế thì ngược lại. Thứ nhất, với đìêu 6 đó thì Đảng Cộng sản Liên xô vẫn không tránh khỏi sự sụp đổ. Với điều 4 trong hiến pháp của năm 92 mà bây giờ đang đưa ra lấy ý kiến thì không tránh đuợc sự thoái hóa biến chất của một bộ phận rất lớn và nó càng ngày càng làm cho uy tín của Đảng suy sút nghiêm trọng trong dân. Điều này thì chính Đảng nói chứ không phải ai nói cả.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng không thể áp đặt lên nhân dân những gì mà Đảng muốn, ông nói:

Bởi vì Đảng lãnh đạo thì Đảng sinh ra vì dân vì nước chứ không phải sinh ra vì quyền lợi của Đảng cho nên không cần ghi là Đảng lãnh đạo bởi vì quyền lãnh đạo do dân tín nhiệm trao cho chứ không thể áp đặt được.

Chính điều 4 hiến pháp giao cho Đảng mọi chiếc chìa khóa quan trọng trong việc điều hành đất nước nên Đảng đã dùng nó để khóa trái những cánh cửa tự do mà người dân được quyền hưởng vì muốn bảo vệ sự độc đảng của mình. Chiếc chìa khóa mở cánh cửa dùng quyền biểu tình mà hiến pháp quy định để chống lại xâm lược cũng bị Đảng khống chế do đó Đảng quyết định luôn vận mệnh đất nước trong các cuộc đi đêm nếu có lợi cho Đảng.

Ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, TP HCM người ký tên vào bản kiến nghị dự thảo hiến pháp nghi ngờ sự mong manh của bản hiến pháp lần này:

Tôi thấy rằng họ có thể ghi những điều mà dự thảo yêu cầu nhưng nếu điều 4 còn thì nó sẽ phủ định hết tất cả. Vì họ độc quyền lãnh đạo mà nếu họ ghi những điều đó đồng thời với điều 4 thì điều 4 nó sẽ phủ định hết tất cả những cái cải lương, thay đổi đó.

Cũng từ điều 4 hiến pháp này Đảng đã tận dụng nó như một quyền năng tuyệt đối để quay lại ra lệnh cho chính hiến pháp quy định lực lượng vũ trang phải hết lòng bảo vệ cho Đảng. Đìêu này làm cho nhân sĩ trí thức nổi giận, trong đó có thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, ông nói:

Tôi đứng trên quan điểm chung của mọi nước và như tôi đã phân tích quân đội phải bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ một tổ chức, cá nhân nào. Bởi vì nếu bảo vệ tổ quốc thì trong đó có cả Đảng Cộng sản rồi, cũng trong tổ quốc Việt Nam thôi thì có gì mà họ phải phản ứng mà phản ứng là vô lý cho nên tôi tôi cứ nói theo ý của tôi và tôi không sợ gì sự phản ứng cả.

Tôi thấy rằng họ có thể ghi những điều mà dự thảo yêu cầu nhưng nếu điều 4 còn thì nó sẽ phủ định hết tất cả.
Ông Huỳnh Kim Báu

Ông Huỳnh Kim Báu chia sẻ những ý kiến của tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và nhìn lại những nỗ lực mà trí thức đang vận động trong dự thảo thay đổi hiến pháp này, ông nói:

Thực tế ra nói là vì tương lai của đất nước, lo cho dân thôi chứ còn chúng tôi không tin dù một chút. Thường thường tất cả đều đã được chuẩn bị hết chẳng qua nếu mà hỏi ý kiến dân thì người ta chỉ chọn những gì phù hợp với người ta mà thôi chứ còn dứt khoát như điều 4 họ không giải quyết đâu, hay là luật đất đai điều 86 sẽ không giải quyết được đâu nhưng mà nói thì vẫn phải nói. Tôi không tin nhưng về lương tâm phải nói để bảo vệ đất nước.

Quân đội là của nhân dân. Quân đội được nuôi bởi tiền thuế của nhân dân thì phải phục vụ nhân dân, làm sao chỉ một nhóm người? Đây là quyền lợi cả một dân tộc mà lại vĩnh viễn luôn thì không bao giờ có chuyện đó.

Giáo sư Hoàng Xuân Phú, tác giả của các bài viết nảy lửa về Hiến pháp trong những lúc gần đây cho rằng “Quy định trong Hiến pháp về quyền lãnh đạo đương nhiên của ĐCSVN đối với Nhà nước và xã hội tưởng để Đảng trường tồn, nhưng lại là điều khoản khai tử của ĐCSVN, khai tử khỏi lòng Dân và khai tử khỏi cuộc sống chính trị.”

Số phận ĐCS sẽ ra sao?


000_Hkg6879719-200.jpg

Một cửa hàng bán các sản phẩm tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác - Lê tại Hà Nội. Ảnh chụp 01/2/2012. AFP photo

Câu  hỏi mà nhiều đảng viên có lòng với vận mệnh đất nước hiện nay quan tâm là nếu bỏ điều 4 hiến pháp thì số phận của Đảng Cộng Sản Việt Nam ra sao? Những đảng viên thuộc nhiều thế hệ sẽ như thế nào và liệu họ có thoát khỏi dòng chảy đào thải của cuộc thay đổi này hay không?

Sự sụp đổ chế độ Cộng sản tại Liên xô và Đông âu cho thấy không có bất cứ cuộc tắm máu nào hay sự rối loạn xã hội bởi thay đổi thể chế cầm quyền. Lý do mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra là các cuộc cách mạng ấy diễn tiến trong nội bộ của Đảng Cộng sản Liên xô và tác động lên các nước còn lại. Nguồn gốc của những cuộc cách mạng này nằm trong tính tất yếu của các cuộc vận động lịch sử, khi sự tha hóa, độc tài đã đến lúc chín rã thì phải bị đào thải bởi các dòng chảy cách mạng của nhân dân. Chân lý này đã xảy ra trong quá khứ và không nghi ngờ gì nó sẽ lập lại khi điều kiện đã chín muồi và không ai, thế lực nào có khả năng năng ngăn lại sự chín muồi đó.

Bản dự thảo hiến pháp rõ ràng là một sự chín muồi có điều kiện. Những nhận thức từ căn bản của một hiến pháp không phù hợp với tiêu chí của các nước văn minh đã và đang trì kéo sức bật của cả dân tộc, vì vậy nếu thay đổi đúng với tinh thần một bản hiến pháp cần có thì đảng cầm quyền hiện tại phải chấp nhận trò chơi công bằng của các đảng phái chính trị ngang hàng nhau trong mọi điều kiện để cạnh tranh một cách công bằng hầu cải thiện đời sống dân chủ của người dân.

Đìêu kiện cần có ấy sẽ gây ra tổn thất cho nhiều bên, trong đó không thể không nhắc tới Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mất mát tất cả quyền lực hiện nằm trong tay và viễn ảnh về hưu cay đắng không dễ gì thuyết phục người ta chấp nhận như Miến Điện đang thay đổi, mặc dù trước đây ít lâu chính quyền Miến được xem độc tài và bạo chúa gấp nhiều lần Việt Nam. Câu hỏi về niềm tin sẽ thay đổi tư duy của đảng cầm quyền có làm cho những vị vận động bản dự thảo hiến pháp nghĩ đến hay không được Giáo sư Nguyễn Huệ Chi trả lời:

Chúng tôi từ lâu đã suy nghĩ về những điều ấy nhưng vận động của lịch sử là một cái gì không thể cưỡng được cho nên tôi nghĩ là Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trước những thách thức về dân chủ và về quyền con người, quyền công dân. Nếu như mình tranh thủ được sự đồng tình của toàn dân thì Đảng Cộng sản sẽ giữ được vai trò lãnh đạo như trước. Cho nên không có sự gì gọi là xáo trộn, làm cho những người cộng sản tự biến mất vị trí, hoàn toàn không.

Chúng ta chỉ thực hiện quyền bình đẳng dân chủ trước pháp luật của toàn dân và người Cộng sản muốn đóng được vai trò trách nhiệm trước lịch sử thì họ phải làm thế nào cho xứng đáng với tư cách người lãnh đạo của một đất nước có công bằng, dân chủ, văn minh không thoái hóa về nhiều phương diện thì đương nhiên người cộng sản sẽ vẫn được tín nhiệm như thường. Vì thế tôi không nghĩ có một sự xao trộn gì lớn trong việc này và Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn phải phấn đấu nhiều hơn, đưa hết sức lực ra thì tự nhiên họ sẽ giữ đựơc vị trí của mình thôi.

Già thuyết về sự mất trắng quyền bính của Đảng Cộng sản cũng như ba triệu đảng viên của nó là lực cản lớn nhất cho dự thảo thay đổi hiến pháp lần này được Giáo sư Tương Lai giải thích:

Không nên khẳng định nếu bản hiến pháp này thông qua thì quyền bính của họ mất trắng vì nói như vậy cũng không sát với kiến nghị của chúng tôi. Kiến nghị của chúng tôi trong đó có những người là Đảng viên như bản thân tôi. Tôi không kiến nghị về việc bác bỏ sự lãnh đạo của một Đảng nếu Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn được nhân dân tin phục thông qua trưng cầu dân ý và bỏ phiếu tín nhiệm. Việc Đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử. Là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân kể cả các Đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.

Khi được hỏi ảnh hưởng tích cực sau khi bản dự thảo hiến pháp thành hình là gì Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết người ký tên vào bản dự thảo cho biết:

Tôi nghĩ ảnh hưởng thì chắc chắn là có lợi cho sự phát triển của đất nước, có lợi đối với toàn dân thì rất rõ ràng. Khi chúng ta xây dựng được một bản hiến pháp dân chủ, có một hệ thống pháp luật dân chủ, một xã hội dân chủ thật sự thì không có quyền lợi chính đáng nào của người dân sẽ bị coi nhẹ, tước bỏ.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay cũng có những người cứ lo lắng mơ hồ là nếu có sự thay đổi thì mình không đảm bảo được lương hưu chẳng hạn. Sự lo lắng ấy là không có cơ sở trong xã hội dân chủ bởi vì lương hưu nó thuộc hệ thống bảo hiềm xã hội. Có đóng tiền bảo hiểm xã hội thì mình có lương hưu, chuyện ấy không cần bàn cãi.

Việc Đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử. Là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân trước bối cảnh hiện nay của đất nước.
Giáo sư Tương Lai

Hai nữa tôi cũng xin nói lại, kiến nghị này của anh em trí thức là một kiến nghị xây dựng hiến pháp dân chủ chứ đây không phải là mình làm cuộc lật đổ hay “Cách mạng nhung”, “Cách mạng hoa” gì cả. Vấn đề là toàn dân thống nhất xây dựng nguyên tắc dân chủ đưa vào hiến pháp thì chắc chắn dân chủ sẽ tốt hơn.

Giáo sư Tương Lai tin tưởng vào sự hiểu biết của đảng cầm quyền. Trong tình hình khá chín muồi hiện nay sẽ thúc đẩy họ có cái nhìn tỉnh táo hơn về thực trạng mà họ phải đối phó để đi đến quyết định có lợi cho quốc gia dân tộc:

Đành rằng không thể nào những người đang làm công tác soạn thảo sẽ theo tinh thần mà người dân muốn để người ta dễ dàng chấp nhận điều này. Không có đâu. Nói như vậy là hết sức ảo tưởng. Nhưng chân lý chỉ có một, chính nghĩa chỉ có một, công lý chỉ có một, tùy theo điều kiện lịch sử mà nó thể hiện ra. Nếu những người cầm quyền, những người đang soạn thảo dự thảo hiến pháp này họ hiểu ra được việc thì họ phải có những hành động cần thiết.

Đương nhiên giữa hiểu biết, nhận thức và lợi ích thực tế, lợi ích phe nhóm, lợi ích của nhóm cầm quyền nó có một cuộc đấu tranh gay gắt. Nhưng tôi tin rằng trong lương tâm mỗi một người đều có một đốm sáng, và chính cái đốm sáng ấy là cái mà chúng tôi thức tỉnh để nó bùng lên, để họ cùng với nhân dân thực hiện sứ mệnh lịch sử của họ.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cái lợi lớn nhất cho người dân là họ sẽ thực sự làm chủ vận mệnh của mình nếu hiến phảp thay đổi theo bản dự thảo này:

Hiến pháp là một khế ước xã hội, trong đó người dân giao ước với nhau về thể chế mà mình muốn thành lập để giới hạn quyền lực của bộ máy chính quyền ấy. Và cao hơn hết là về quyền con người trong xã hội được hưởng những quyền gì. Cái gì ảnh hưởng tới người khác tới cộng đồng thì không được làm, cụ thể nó như thế nào.

Theo tôi nếu chúng ta sửa hiến pháp như thế và có bản thảo hiến pháp kèm theo để cho người dân tham khảo thì tôi chắc chắn là người dân sẽ có quyền tự do dân chủ rộng rãi và xứng đáng là người chủ của xã hội, của đất nước chứ không phải chỉ là người chủ trên danh nghĩa.

Một cán bộ cao cấp ký tên trong bản kiến nghị dự thảo cho chúng tôi biết góc nhìn của ông:

Kết quả về kiến nghị thì hiện nay chưa thấy gì cả nhưng tôi hy vọng trong thời đại hiện nay thì phải tìm ra cái lợi ích hài hòa giữa lực lượng và lợi ích của toàn dân không thề tôn trọng lợi ích của một bên nào cả. Hiện nay cái không khí dân chủ nó đang mở rộng, việc đòi hỏi dân chủ của người dân nó đang lên cao thì tôi hy vọng Đảng sẽ chấp nhận ở mức độ nào đó, từng bước dần dần hai bên sẽ gặp nhau.

Gác lại những hy vọng nếu những kịch bản từng xảy ra trong nhiều năm nay được lập lại, đó là sự im lặng đối với những gì mà trí thức lên tiếng. Khả năng các cuộc truy lùng trong bóng tối cũng không phải là hiếm hoi khi đảng cầm quyền cho rằng bản dự thảo này là một thách thức có thể bùng lên thành giòng chảy cách mạng như từng xảy ra trên nhiều nước. Ông Huỳnh Kim Báu khẳng định sự quyết tâm của mình:

Tất nhiên họ còn như vậy thì vẫn còn tranh đấu tới hơi thở cuối cùng chứ không nhân nhượng chuyện đó. Hai nữa thì hy vọng trong những người lãnh đạo cộng sản cũng có thề có những người họ thức tỉnh, thì cũng chỉ hy vọng vậy thôi. Tôi nghĩ đây là chuyện lâu dài chứ không phải một ngày nhưng mà làm cái gì cũng phải lâu dài chuẩn bị cho việc trả giá cũng như tình hình trước đây ở Đông âu vậy cho nên chúng tôi sẳn sàng trả giá.

Báo chí quốc tế có cái nhìn tích cực đối với cuộc vận động này không phải là không có nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân ấy là nền chính trị độc đảng của Việt Nam đã chạm đáy, nó cần nổi lên để thở, và nhất là để tránh một cuộc thay đổi dưới hình thức bạo động qua gợi mở một cuộc rút lui trong danh dự từ bản dự thảo hiến pháp này.

Theo dòng thời sự:





No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link