Wednesday, January 23, 2013

Trung Quốc : Kiểm duyệt báo chí theo kiểu « ném đá giấu tay »


 

TRUNG QUỐC - 
Bài đăng : Chủ nhật 20 Tháng Giêng 2013 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 20 Tháng Giêng 2013

Trung Quốc : Kiểm duyệt báo chí theo kiểu « ném đá giấu tay »

Biểu tình ủng hộ các nhà báo của tuần báo Nam Phương Chu mạt ở Quảng châu chống kiểm duyệt báo chí, ngày 9/1/2013.
Biểu tình ủng hộ các nhà báo của tuần báo Nam Phương Chu mạt ở Quảng châu chống kiểm duyệt báo chí, ngày 9/1/2013.
REUTERS/Bobby Yip

Lê Phước  RFI

Hồi tháng 10/2012, tạp chí Anh New Statesman đã dành hồ sơ đặc biệt về hiện tượng kiểm duyệt báo chí tại Trung Quốc. Rồi sau vụ tờ Nam Phương Chu Mạt ở Quảng Đông bị kiểm duyệt hồi đầu tháng Giêng này, hồ sơ nói trên đã được dân mạng Trung Quốc chuyển thành file PDF và hiện được lan truyền trên các trang blog tại Trung Quốc.
Tạp chí Courrier International số ra tuần này trích dẫn hồ sơ nói trên với bài viết chạy tựa : « Kiểm duyệt không để lại dấu vết ». Hiện tượng kiểm duyệt báo chí tại Trung Quốc không phải là chuyện mới mẻ gì, thế nhưng, cách thức kiểm duyệt thì dường như cũng ngày càng có vẻ « hội nhập » với sự phát triển các công nghệ hiện đại. Trước kia, khi nhà cầm quyền cần nhắc nhở điều gì thì gửi công văn bằng giấy trắng mực đen đến tòa soạn hay cá nhân có liên quan. Thế nhưng, theo bài viết, khoảng vào cuối nhiệm kỳ của ông Giang Trạch Dân, (làm tổng bí thư Trung Quốc từ 1989-2002), Đảng Cộng Sản Trung Quốc siết chặt kiểm soát truyền thông. Và một sự thay đổi đã đến. Đó là việc các cơ quan hữu trách không kiểm duyệt bằng văn bản hay thư tín như trước kia, mà bắt đầu kiểm duyệt bằng cách điện thoại chỉ đạo trực tiếp hay nhắn tin SMS.
Sự thay đổi trên được giải thích là do lệnh kiểm soát được siết chặt, nên các yêu cầu kiểm duyệt ngày càng nhiều. Trong khi đó, để ra chính thức một văn bản giấy phải qua rất nhiều cửa với rất nhiều khâu vô cùng phức tạp. Bởi thế, kiểm duyệt bằng cách điện thoại trực tiếp hay bằng tin nhắn SMS là tiện mọi bề, vừa nhanh vừa hiệu quả.
Tiếp đến, bài viết cho hay, ở thời đại Hồ Cẩm Đào (từ 2002 đến 2012), việc kiểm soát truyền thông vẫn tiếp tục, nhưng tăng cường kiểm duyệt bằng cách không để lại dấu vết. Bài viết nêu rõ, các cơ quan hữu trách điện thoại cho bên có liên quan để đưa ra chỉ thị nhưng rất thường xuyên yêu cầu bên nhận không được ghi lại dấu vết với cách nhắn gửi đại khái là : «Đừng ghi lại trên văn bản cuộc nói chuyện của chúng ta ! Đừng để lại dấu vết trên văn bản. Điều mà tôi vừa ra lệnh phải được giữ kín giữa chúng ta. Đừng bao tiết lộ tên cơ quan hay tên quan chức đã chỉ thị ». Và bằng cách đó, sự kiểm duyệt của chính quyền được giữ kín như bưng.
Một độc chiêu kiểm duyệt khác được bài viết nhắc đến đó việc nhà cầm quyền cài người tin cậy vào các tờ báo để thu thập thông tin một cách bí mật. Một cách kiểm duyệt khác nữa, là nhà cầm quyền bổ nhiệm người của mình đứng đầu các hãng truyền thông và các tờ báo lớn. Theo tác giả của bài viết này, thì từ Đại hội 18 vừa rồi của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhà cầm quyền đã cho bổ nhiệm những cựu quan chức của mình vào nắm giữa các vị trí trọng yếu của tập đoàn Nam Phong, tập đoàn này trực tiếp quản lý hai tờ báo Nam Phương Chu Mạt và Nam Phương Đô Thị.
Kiểm duyệt tiền tiêu và kiểm duyệt hậu kỳ
Hai cách kiểm duyệt khác tại Trung Quốc cũng được bài viết đề cập. Cách thứ nhất, nhà cầm quyền thực hiện chính sách « đọc phản biện » những tờ báo. Các cơ quan tuyên huấn địa phương báo cáo định kỳ về nội dung chính của báo chí, kèm theo đó là những đề xuất xử lý các bài báo mà họ cho là không thích hợp. Trên cơ sở đó, nhà cầm quyền sẽ có quyết định xử lý. Đây là cách kiểm duyệt hậu kỳ.
Cách kiểm duyệt thứ hai trong loại này là kiểm duyệt đầu vào. Tức nhà cầm quyền bổ nhiệm người của họ vào ban biên tập các tờ báo lớn. Những người này có quyền đọc lại và kiểm tra tất cả các bài viết của tờ báo có liên quan trước khi phát hành.
Như vậy, hiện tại, việc kiểm duyệt tại Trung Quốc ngày càng tinh vi với mục đích là không để lại dấu vết nào. Một cách kiểm duyệt không kèn không trống nhưng rất hiệu quả. Trong bối cảnh đó, tác giả kết luận : các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc ngày càng xa quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngày càng xa sự thật và công lý.
Hoa Kỳ đổi hướng chính sách ngoại giao
Nhìn về nước Mỹ, tờ Financial Times tại Luân Đôn có bài nhận định về chính sách ngoại giao của tổng thống Barack Obama, được Courrier International dẫn lại với dòng tựa : « Đổi hướng chính sách ngoại giao ».
Tổng thống Obama đã bổ nhiệm ông Chuck Hagel làm bộ trưởng Quốc phòng, và ông John Kerry làm bộ trưởng Ngoại giao. Một nhân vật khác cũng đáng chú ý, đó là ông Brennan. Ông này sẽ rời vị trí cố vấn chống khủng bố của Nhà Trằng để về lãnh đạo Cục tình báo liên bang (CIA). Tờ báo nhận định, ba người này sẽ tạo thành một ê-kíp bao gồm những người am hiểu chính trường Mỹ đến tận chân tơ kẽ tóc, họ có nhiều kinh nghiệm trên chính trường, trong lĩnh vực tình báo và về kinh nghiệm trận mạc.

Trước tiên đến với ông chủ mới của Lầu năm Góc, tờ báo viết : ông Hagel vốn là cựu thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa. Ông được xem là một chính trị gia « cánh trung », từ dùng để phân biệt với phe « tân bảo thủ » của đảng Cộng hòa, những người mà đã đưa nước Mỹ vào cuộc chiến Irak. Tờ báo cho biết, khi ấy, ông Hagel đã ra sức phản đối cuộc chiến này.
Còn ông Kerry thì Financial Times cho rằng, ông này đại diện cho trường phái cẩn trọng và thực tế trong chính sách ngoại giao. Đặc biệt, hai ông Kerry và Hagel đều là cựu binh tham chiến tại Việt Nam, vì thế Financial Times nhấn mạnh, điều đó sẽ khiến cho hai ông cân nhắc cẩn trọng việc cử quân đi tham chiến ở nước ngoài. Một cựu quan chức Hoa Kỳ tóm lược về hai nhân vật nói trên như sau: Ê kíp này sẽ không ưu tiên cho giải pháp quân sự, mà sẽ tập trung vào giải pháp ngoại giao.
Bàn về tân lãnh đạo CIA Brennan, tờ báo cho biết, việc bổ nhiệm ông này chứa đựng một vài nguy cơ chính trị, nhất là trong ba hồ sơ: tra tấn, máy bay không người lái và Yemen. Hồi nhiệm kỳ đầu, tổng thống Obama đã từng dự định bổ nhiệm ông Brennan vào ghế lãnh đạo CIA, nhưng khi đó ông này bị chỉ trích vì đã từng ủng hộ « các kỹ thuật hỏi cung » gắn liền với việc tra tấn dưới thời tổng thống Bush.
Ngoài ra, ông Brennan còn là một trong những người ủng hộ chính việc sử dụng máy bay không người lái tấn công các mục tiêu khủng bố trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Obama. Ông Brennan cũng chính là là người phụ trách hồ sơ Yemen của chính phủ, tức ở nước mà Mỹ đã sử dụng nhiều máy bay không người lái nhất.
Tuy vậy, theo Financial Times, việc bổ nhiệm ông Brennan nắm giữ CIA chủ yếu là vì ông có nhiều kinh nghiệm chống khủng bố vì đã từng là cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng. Hơn nữa, khi còn giữ chức cố vấn chống khủng bố, ông Brennan là người giữ vai trò then chốt trong chiến dịch tấn công và hạ sát Ben Laden, một hồ sơ được xem là chiến công nổi bật nhất trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Obama.
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link