Thứ
sáu 18 Tháng Giêng 2013
Sang Miến Điện sưu
tầm tiêm kích Spitfires
Thành
viên phái đoàn tìm kiếm trưng bức ảnh tiêm kích Spitfires trong cuộc họp báo
tại Rangoon, Miến Điện, ngày 09/01/2013
REUTERS
Đức
Tâm
Miến Điện mở cửa
tạo cơ hội cho giới sưu tầm đồ cổ tìm kiếm những vật quý hiếm. Ngày 05/01/2013,
một nhóm những người sưu tầm và các nhà khoa học Anh Quốc đã lên đường sang Miến
Điện với hy vọng tìm thấy hàng chục máy bay tiêm kích Spritfires, do Không quân
Hoàng gia Anh (RAF) chôn giấu trong rừng rậm vào năm 1945.
Ông David Cundall, dẫn đầu một nhóm 21 người, nói với AFP là việc đi tìm kiếm này giống như việc tìm kiếm ngôi mộ Toutankhamon, vị vua của vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại.
Spitfires là loại máy bay tiêm kích do Không quân Hoàng gia Anh và các nước Đồng minh sử dụng trong thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ hai. Theo ông Cundall, Spitfires « chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim người Anh ».
Từ tháng 07/1940 đến 05/1941, không quân Đức, với sự hỗ trợ của Ý đã oanh kích liên tục nước Anh, với mục đích hủy diệt lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, triệt hạ khả năng sản xuất và các cơ sở hạ tầng của Anh quốc để mở đường cho cuộc tấn công nước này. Tuy nhiên, nhờ có máy bay tiêm kích Spitfires, nước Anh đã kháng cự được chiến dịch của Đức.
Ông Cundall, là một nông dân Anh, say mê sưu tầm các máy bay cổ. Từ 17 năm qua, ông đã bỏ ra hàng chục ngàn bảng Anh để tìm kiếm loại máy bay Spitfires.
Nhóm tìm kiếm cho rằng, có ít nhất 36 máy bay tiêm kích Spitfires được tháo gỡ thành các bộ phận, đóng trong các hộp sắt và được chôn vùi ở độ sâu khoảng 10 mét trong khu vực sân bay quốc tế Rangoon và ở hai địa điểm khác trên lãnh thổ Miến Điện.
Theo một số nguồn tin, dường như đây là số máy bay mới. Không quân Hoàng gia Anh đã chôn cất để không lọt vào tay kẻ thù. Năm 1942, Anh Quốc đã phải nhượng quyền cai trị một phần lãnh thổ Miến Điện cho quân đội Nhật Hoàng. Tổng cộng, khoảng 124 máy bay Spitfires có thể được chôn giấu.
Nhóm sưu tầm, tìm kiếm đã phỏng vấn 8 nhân chứng và một số cựu quân nhân, là những người đã nhìn tận mắt thấy số máy bay Spitfires và tham gia vào công việc chôn giấu này.
Đợt khoan thử thăm dò đầu tiên đã tìm thấy một hòm sắt và cho phép xác định được hình dạng các bộ phận của máy bay trong hòm này.
Nhóm chuyên gia khai quật bao gồm các nhà khảo cổ, giới nghiên cứu, cựu quân nhân và những người say mê sưu tầm máy bay.
Ông Cundall khẳng định, sau 17 năm tìm kiếm, ông vẫn còn nhiều sức lực để có thể thực hiện dự án đến cùng : Đó là tìm và đưa về Anh quốc các máy bay tiêm kích Spitfires, phục chế lại và nhìn thấy loại tiêm kích này bay biểu diễn trên bầu trời nước Anh.
Giới chuyên gia thẩm định, hiện có ít nhất 50 tiêm kích Spitfires vẫn có khả năng bay được.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment