Wednesday, January 23, 2013

Trung Quốc tiếp tục chạy đua võ trang trên con đường không có điểm tới


 

Trung Quốc tiếp tục chạy đua võ trang


    trên con đường không có điểm tới 


Nguyễn Văn Huy

 

“...Như người phóng lao phải theo lao, Trung Quốc bắt buộc phải tiếp tục cuộc chạy đua võ trang trên con đường không có điểm tới, không những vừa tốn kém và vô ích mà còn mang tiếng xấu bành trướng...”

 

 


Thái độ thách đố của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật Bản đang có nhiều biểu hiện bất lợi cho Trung Quốc. Thứ nhất là sự thắng cử của phe diều hâu trong cuộc bầu cử quốc hội Nhật với tân thủ tướng Shinzo Abe, người chủ trương tái võ trang lại Nhật Bản. Thứ hai là cuộc chạy đua võ trang, đặc biệt là hải quân và không quân, giữa các quốc gia trong vùng Đông Á đang gia tăng tốc độ, vượt khỏi tầm với của lực lượng quân sự Trung Quốc.

 

Tái võ trang Nhật Bản

    Trung Quốc đã hố to khi đưa cuộc tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lên một tầm vóc mới : đe dọa sử dụng võ lực và kích động tâm lý bài Nhật trên qui mô toàn quốc.

    Phản ứng tự nhiên của người Nhật biểu lộ qua cuộc bầu cử quốc hội ngày 16/12/2012, đảng Tự Do Dân Chủ (LDP-Liberal Democratic Party) đã thắng lớn và giành lại chính quyền từ đảng Dân Chủ Nhật Bản (DPJ-Democratic Party of Japan). Ông Shinzo Abe, chủ tịch đảng LDP, trở thành thủ tướng.

    Khác với những thủ tướng tiền nhiệm thuộc đảng DPJ, luôn luôn tỏ ra hòa hoãn và nhượng bộ Bắc Kinh để duy trì những quan hệ thương mại với Trung Quốc, Shinzo Abe chủ trương cứng rắn với Trung Quốc để tiếng nói của Nhật Bản được tôn trọng. Phần lớn những bộ trưởng trong chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe là những thành phần cực hữu, như phó thủ tướng đặc trách tài chánh Taro Aso, bộ trưởng kinh tế Akira Amari, thư ký chánh văn phòng Yoshihide Suga, bộ trưởng tư pháp Sadakazu Tanigaki... Chương trình cầm quyền của thủ tướng Abe cũng khá giản dị : tái võ trang và mạnh về kinh tế. Cụ thể hơn : tu chỉnh lại hiến pháp để Nhật Bản có thể tự bảo vệ và bơm 185 tỷ USD vào kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.

    Trong chương trình tu chỉnh hiến pháp, Shinzo Abe chủ trương hủy bỏ "Chương II : Từ khước chiến tranh, theo đóĐiều 9 : Thành tâm ước muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên công lý và trật tự, dân chúng Nhật Bản từ khước quyền phát động chiến tranh như là một quyền bất khả xâm phạm của dân tộc, hay quyền đe dọa, hay quyền sử dụng sức mạnh quân sự như là phương tiện để giải quyết những xung đột quốc tế. Để đạt mục đích kể trên, Nhật Bản sẽ không bao giờ duy trì các lực lượng quân sự lục quân, hải quân và không quân, hay một lực lượng quân sự nào", đặc biệt là "cho phép quốc hội ban bố tình trạng khẩn trương và trong thời kỳ khẩn trương những sắc lệnh của quốc hội là luật".

    Ngoài ra Shinzo Abe còn dự định duyệt lại Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật và tạo điều kiện cho giới trẻ Nhật làm quen với các loại vũ khí trong các chương trình giáo dục khi đất nước bị đe dọa. Là đệ tử ruột của cựu thủ tướng Junichiro Koizumi, người chủ trương phục hồi tinh thần võ sĩ đạo, Shinzo Abe muốn phục hồi lại quyền thăm viếng đền Yasukuni-jinja, nơi tôn vinh những người đã vì Nhật hoàng hy sinh cho tổ quốc, mà hậu ý là tôn vinh các tướng lãnh Nhật bị Hoa Kỳ xử tử sau chiến tranh, phủ nhận những hành vi vô nhân đạo của quân đội Nhật trong chiến tranh và phủ nhận các bản án tội phạm chiến tranh trong thời gian từ 1946 đến 1948.

    Cũng nên biết sau khi bị Hoa Kỳ đánh bại năm 1945 và áp đặt bản hiến pháp hòa bình năm 1947, các chính quyền Nhật Bản tập trung vào việc phục hồi và phát triển kinh tế, nền an ninh của Nhật Bản nằm dưới quyền bảo vệ của Hoa Kỳ. Đó là những gì đã xảy ra cách đây 60 năm.

    Bước vào năm 2013, tình hình đã rất khác. Bàn cờ chiến lược của thế giới đã thay đổi rất nhiều : khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không còn là độc quyền của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang có khuynh hướng bành trướng ra Biển Đông bằng cách chiếm giữ những nguồn tài nguyên dưới lòng biển, bất chấp chủ quyền của các quốc gia trong khu vực và đe dọa sự qua lại của các tàu bè trong khu vực. Trong khi Hoa Kỳ, mặc dù vẫn là cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới, vừa ra khỏi hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan đầy tốn kém và đang lúng túng phục hồi nền kinh tế trì trệ, không còn đủ khả năng bảo vệ Nhật Bản như trước. Tái võ trang Nhật Bản không những không còn là một trở ngại đối với Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh Châu Âu mà còn là một hy vọng đối với các quốc gia nhỏ bé và yếu kém hơn trong khu vực. Do đó những tu chỉnh và ý định duyệt lại những hiệp ước đã ký với Hoa Kỳ của chính quyền Shinzo Abe nằm trong lô gích tái võ trang Nhật Bản và có nhiều triển vọng trở thành hiện thực trong năm 2013  này.

    Để thực hiện những chủ trương trên, chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Shinzo Abe không phải là sang Hoa Kỳ hay các quốc gia phát triển Châu Âu mà là ba quốc gia ASEAN : Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, địa bàn đầu tư tương lai của các doanh nhân Nhật sau khi rút khỏi Trung Quốc trong những ngày sắp tới. Chuyến viếng thăm này còn có thêm ý nghĩa là trấn an hai quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, đó là Indonesia và Việt Nam. Theo thủ tướng Shinzo Abe, tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku không chỉ là vấn đề của Nhật Bản mà cả với các quốc gia Đông Nam Á : phải chặn đứng tham vọng bành trướng của Trung Quốc ra Biển Đông và buộc Trung Quốc tôn trọng những nguyên tắc về quyền ứng xử trên biển (DOC-Declaration of Conduct).

    Thật ra Nhật Bản đã và đang thực hiện chương trình tái võ trang từ nhiều năm qua, đặc biệt là hải quân, dưới hình thức tân trang và thay thế những tàu tuần tiểu của Đội Phòng Vệ (SDF-Seft Defence Forces) đã cũ và lỗi thời (so với Hoa Kỳ). Theo tuần san quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly của Mỹ, ngày 27-1-2012, Nhật Bản vừa cho hạ thủy một tàu khu trục (destroyer) mang tên 22DDH, dài 248 m, trọng tải 19500 tấn, tốc độ 30 hải lý/giờ, trị giá hơn một tỷ USD. Trên nguyên tắc, đây là một tàu chở trực thăng có khả năng vận chuyển 14 trực thăng, 50 xe chiến đấu và 4000 binh lính, tương đương với hàng không mẫu hạm Cavour của Ý, dài 244 m, hay Charles de Gaulle của Pháp, dài 267 m. Trong thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn tàu DDH này có thể trở thành hàng không mẫu hạm, vì tất cả trang thiết bị quân sự trên tàu đều được thiết kế như một hàng không mẫu hạm, nghĩa là tất cả các tầng hầm và thang máy có thể vận chuyển 12 phản lực cơ chiến đấu tàng hình F35B lên và hạ cánh thẳng như trực thăng. So với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (dài 304 m, trọng tải 60000 tấn, tốc độ 32 hải lý/giờ) mà Trung Quốc vừa cho hạ thủy, tàu khu trục DDH22 nhẹ hơn, luớt nước nhanh hơn và được trang bị tối tân hơn. Cũng nên biết hiện nay Nhật Bản đang đóng 5 tàu chở trực thăng loại này : 2 tàu Hyuga (11 trực thăng) và 2 tàu DDH22 (14 trực thăng), tất cả sẽ đi vào hoạt động vào năm 2014-2016.

    Ưu điểm của Nhật Bản trong chương trình tái võ trang này là khả năng tự sản xuất, không cần mua bằng sáng chế của bất cứ ai. Khi cần, chỉ trong một thời gian ngắn các đại tổ hợp tư nhân Nhật Bản có thể sáng chế và sản xuất các loại tàu chiến, chiến đấu cơ, phi đạn, tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới. Nhắc lại, Nhật Bản đã làm chủ kỹ thuật chế tạo động cơ tàu ngầm không tiếng động từ thập niên 1980 (công ty Toshiba bị trừng phạt vì bán cho Liên Xô kỹ thuật chế tạo động cơ tàu ngầm không tiếng động năm 1987). Do đó, yêu cầu tái võ trang chỉ là hình thức vì trong thực tế Nhật Bản đã và đang xúc tiến chương trình này từ năm 2005 để ứng phó với sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc.

    Trừ khi bị tấn công bằng hạt nhân, chiếc ô dù bảo vệ của Mỹ hiện nay chỉ còn là hình thức, Nhật Bản đủ khả năng tự vệ và giáng trả đích đáng mọi tấn công trên không, trên biển và trên đất liền bằng các loại vũ khí chính quy (conventional). Hệ thống phòng không của Nhật có thể nói ngang với Hoa Kỳ và Do Thái.

 

Chạy đua võ trang trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

    Theo một báo cáo gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS-Center for Strategic and International Studies) của Mỹ, trong năm 2012 ngân sách quốc phòng của các quốc gia Châu Á vượt hẳn Châu Âu. Năm 2011, ngân sách quốc phòng của 5 quốc gia hàng đầu Châu Á đã tăng gấp đôi so với năm 2000 : hơn 224 tỷ USD, bằng 87% tổng số chi phí quốc phòng của toàn Châu Á (260 tỷ USD), theo đó Trung Quốc : 89,8 tỷ, Ấn Độ : 37,3 tỷ, Nhật Bản : 58,4 tỷ, Nam Hàn : 29 tỷ và Đài Loan : 10 tỷ. Theo dự đoán của tuần san quốc phòng Jane’s Defence, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng trung bình từ 13 đến 15%/năm từ hơn 20 năm qua, từ 119,8 tỷ USD năm 2012 lên tới 238 tỷ USD năm 2015. Đối với dư luận quốc tế, sự gia tăng đều đặn ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là bất bình thường, do đó cần phải đề phòng.

    Nhưng đề phòng bằng cách nào ? Chỉ có một câu trả lời : chạy đua võ trang.

    Cuộc chạy đua võ trang này không tình cờ, nó bắt đầu từ năm 2005 khi ngân sách quốc phòng Trung Quốc vượt hẳn Nhật Bản và đứng hạng thứ hai sau Hoa Kỳ (739,3 tỷ USD năm 2011). Trước sự gia tăng không bình thường này, vì Trung Quốc không bị một đe dọa nào, các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã đồng loạt gia tăng ngân sách quốc phòng từ 10 đến 15%/năm, đặc biệt trong ba lãnh vực : phi đạn tầm xa, hải quân và không quân để không bị bỏ rơi trong cuộc chạy đua võ trang này. Một vài thí dụ : Ấn Độ dự trù mua 126 phi cơ chiến đấu Rafale của Pháp (12 tỷ), Nhật Bản đặt mua 42 phi cơ tàng hình F35 của Mỹ (21 tỷ), Nam Hàn dự tính mua 60 phi cơ chiến đấu mới, Đài Loan tân trang lại 145 phi cơ F16 (3,7 tỷ), Indonesia mua hơn 20 phi cơ F16 tân trang. Những trang bị này rất tốn kém, vượt khỏi tầm tay của những quốc gia nghèo và yếu kém hơn.

    Tuy nhiên cho dù có nghèo hơn, trước sự đe dọa quân sự của Trung Quốc, các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Việt Nam, Indonesia và Philippines cũng buộc phải gia tăng ngân sách quốc phòng : Việt Nam : 3,3 tỷ USD (tăng 8,92%), Indonesia : 8,1 tỷ USD (tăng 8,8%), Philippines : 2,3 tỷ USD, Malaysia : 4,3 tỷ USD, để tân trang hoặc mua các loại máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu ngầm, tàu tuần tiễu, phi đạn phòng không, hệ thống truyền tin mới hơn.

    Những quốc gia không liên quan trực tiếp đến những tranh chấp chủ quyền đất đai và hải đảo với Trung Quốc như Nga và Hoa Kỳ cũng không đứng yên. Vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế của vùng Đông Á quá lớn để Nga và Hoa Kỳ không thể bỏ qua. Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga dự trù chi 780 tỷ USD trong 10 năm để tân trang lại quân đội, chủ yếu là sản xuất 400 đầu đạn liên lục địa, 600 chiến đấu cơ đời mới Sukhoi T50 và các loại tàu chiến mới để hiện diện tích cực hơn tại Châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Barack Obama cho biết trọng tâm quốc phòng của Hoa Kỳ trong những năm tới hướng về Châu Á - Thái Bình Dương, nghĩa là tăng cường hợp tác quân sự với Nam Hàn, Nhật Bản và Úc để cân bằng cán cân quân sự với Trung Quốc.

    Cuộc chạy đua võ trang này có lợi cho ai? Ngoài những mục tiêu chiến lược nhắm tới : duy trì vai trò cường quốc quân sự quốc tế và hù dọa đối phương, cuộc chạy đua này không mang lại lợi lộc cho ai cả. Tất cả những loại vũ khí mới này rất tốn kém, vấn đề là chúng có thể mới ngày hôm nay nhưng sẽ lỗi thời ngày mai, do đó phải thường xuyên thay thế. Cái vòng lủng củng này không bao giờ chấm dứt nếu không có một cuộc chiến tranh đại qui mô thật sự để tiêu thụ lượng vũ khí tồn kho. Nhìn lại lượng vũ khí của các cường quốc quân sự Mỹ, Nga và Trung Quốc hiện nay, nếu không bán lại cho những quốc gia nghèo yếu hơn thì phải hủy bỏ. Những nghĩa địa máy bay quân sự của Mỹ, tàu ngầm của Nga và xe tăng của Trung Quốc là một phí phạm ngân sách lớn. Số lượng vũ khí hạng nhẹ của Trung Quốc bán cho các quốc gia nghèo và các tổ chức phiến loạn tại Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ đang làm thiệt mạng và tàn tật cho hàng ngàn người mỗi ngày.

    Trong cuộc chạy đua này, có lẽ Hoa Kỳ chiếm ưu thế hơn những cường quốc quân sự khác nhờ bán vũ khí, nhưng số nợ mà Hoa Kỳ vay để đầu tư vào quốc phòng đang đè nặng lên vai dân chúng Mỹ, do đó không thể tiếp tục kéo dài. Nhưng quốc gia chịu nhiều áp lực nhất có lẽ là Trung Quốc, những lợi tức mang lại hàng trăm tỷ USD mỗi năm nhờ bắt dân chúng thắt lưng buộc bụng để xuất khẩu không được dùng để đem lại phúc lợi cho dân chúng như làm trong sạch hóa bầu trời, kéo dài tuổi thọ của người dân, nâng cao mức sống. Mặc dù là cường quốc kinh tế và quân sự thứ nhì sau Hoa Kỳ, lợi tức đầu người Trung Quốc thuộc vào hạng trung bình hoặc nghèo : 8 500 USD/năm, hạng 121/226 quốc gia (WB 2011). Đó là chưa kể khối lượng nhân sự và những kỹ thuật tiên tiến nhất được sử dụng để sản xuất và sáng chế những loại vũ khí mới thay vì đầu tư kiến thức để phát minh ra những sản phẩm mới.

    Bắc Kinh đã hố to khi khởi đầu cuộc chạy đua võ trang này. Với khối lượng khổng lồ quân nhân, xe quân sự, tàu chiến và chiến đấu cơ đủ loại đang có trong tay, nếu không phát động một cuộc chiến tranh qui mô, chi phí bảo trì và bảo hành là một gánh nặng lớn : hơn phân nửa ngân sách quốc phòng hàng năm dùng để trả lương, mua xăng dầu và bảo trì dụng cụ chiến tranh. Như người phóng lao phải theo lao, Trung Quốc bắt buộc phải tiếp tục cuộc chạy đua võ trang trên con đường không có điểm tới, không những vừa tốn kém và vô ích mà còn mang tiếng xấu bành trướng.

Nguyễn Văn Huy

Nguồn :  Thông Luận  

 

 

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link