Nguyên
tác : Arvind Subramanian
Dịch giả : Trần Ngọc Cư
Dịch giả : Trần Ngọc Cư
( Tại sao sự khống chế của TQ
là một điều chắc chắn )
Lời tiên đoán của Macmillan năm 1971, rằng Hoa Kỳ có thể suy yếu “trong 200 năm nữa”, đã để lộ một lối giải thích lịch sử máy móc: ông đã tiên đoán một vai trò siêu cường lâu dài cho Hoa Kỳ, tương tự như địa vị siêu cường mà nước ông từng được hưởng. Nhưng TQ có thể thúc đẩy tiến trình các mô hình lịch sử — và buộc Hoa Kỳ phải đối diện với sự xuống dốc của mình sớm hơn Macmillan tiên đoán rất nhiều hay thậm chí sớm hơn cả hầu hết mọi người dự kiến hiện nay.
Ảnh: Flickr
Đối với con nợ, thì chủ
nợ có thể giống như nhà độc tài. Những chính phủ gặp phải vấn đề tài chính
thường hướng về Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với thái độ van xin, và vì phải hành
động theo mệnh lệnh của các chủ nợ quan trọng, IMF thường áp đặt những điều
kiện gay gắt lên họ. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990,
Mickey Kantor, đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton, gọi tổ chức
này là “trục gỗ húc cửa thành” (battering ram), vì nó đã được sử dụng để mở cửa
thị trường châu Á cho hàng hóa của Mỹ.
Trong cuộc khủng hoảng Kinh đào Suez năm
1956, Mỹ đe dọa sẽ cắt nguồn tài trợ mà Vương quốc Anh đang khẩn cấp cần đến
nếu quân đội Anh không chịu rút khỏi Kinh đào Suez. Bộ trưởng Tài chính Anh lúc
bấy giờ, Harold Macmillan, người đã chủ trì những màn thương thuyết nhục nhã
cuối cùng của cuộc khủng hoảng, về sau đã nhớ lại rằng đó là “cái thở hắt cuối
cùng của một cường quốc đang suy tàn”. Ông viết thêm, “có lẽ trong vòng 200 năm
nữa Hoa Kỳ mới hiểu được chúng tôi đã cảm nhận như thế nào”.
Phải chăng cái ngày ấy
đã đến quá nhanh, khi Trung Quốc lăm le giành lấy địa vị siêu cường của Hoa Kỳ?
Đây là một câu hỏi rất quan trọng, nhưng nó chưa được xét đến một cách nghiêm
túc tại Mỹ. Ở đó, sự cao ngạo chủ yếu vẫn còn ngự trị tâm lý con người: sự
khống chế kinh tế thế giới của Hoa Kỳ không thể bị đe dọa nghiêm trọng vì chính
Hoa Kỳ tự làm cho mình xuống dốc. Sớm muộn gì rồi Hoa Kỳ cũng sẽ vươn dậy đối
đầu với cuộc thử thách để khỏi phải thua cuộc hoàn toàn.
Trung Quốc có thể đang
trên đường trở thành một siêu cường kinh tế, và Mỹ có thể phải chia sẻ sân khấu
toàn cầu với TQ trong tương lai. Nhưng, theo lý luận này, mối đe dọa của Trung
Quốc chưa phải cận kề, chưa quá lớn, chưa đủ đa diện để có thể đẩy Hoa Kỳ ra
khỏi vị trí người cầm lái.
Cũng với lý luận này,
kinh tế gia Barry Eichengreen trong cuốn lịch sử các trữ kim khác nhau, nhan đề
Exorbitant Privilege (Đặc quyền quá đáng) mới được xuất bản, đã kết luận rằng
“Điều đáng mừng trong tình huống tồi tệ hiện nay là, số phận đồng đôla vẫn còn
nằm trong tay chúng ta, chứ không phải trong tay của Trung Quốc”. Và vào tháng
Chạp năm 2010, khi ông từ giả Nhà Trắng trong vai trò cố vấn kinh tế quốc gia
cho Tổng thống Barack Obama, ông Larry Summers tuyên bố rằng: “Những tiên đoán
về sự suy yếu của Hoa Kỳ cũng có từ lâu, như số tuổi của nước cộng hòa này.
Nhưng chúng thể hiện một chức năng quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình
đổi mới, luôn luôn được đòi hỏi ở mỗi thế hệ người Mỹ.
Tôi xin thưa với quí vị
rằng bao lâu mà chúng ta còn ưu tư về tương lai đất nước, thì tương lai ấy sẽ
tốt đẹp hơn. Chúng ta có nhiều thách thức. Nhưng chúng ta cũng có một xã hội
uyển chuyển, năng động, có đầu óc kinh doanh cao nhất mà thế giới chưa bao giờ
thấy”. Nói cách khác, nếu Hoa Kỳ có thể chấn chỉnh được ngôi nhà kinh tế của
mình, thì nước này có thể chặn đứng mối đe dọa đến từ TQ.
Nhưng những quan điểm
này đã đánh giá thấp một khả năng gần như chắc chắn rằng TQ sẽ khống chế kinh
tế thế giới trong vòng 20 năm sắp tới. Và chúng để lộ một quan niệm đơn phương,
tự coi Hoa Kỳ là rốn vũ trụ: rằng sự khống chế thế giới sẽ được định đoạt chủ
yếu do hành động của Hoa Kỳ, chứ không do hành động của TQ. Thật ra, kết quả
của cuộc chạy đua này rất có thể được hình thành bởi phía TQ.
THẾ GIỚI VÀO NĂM 2030
Nói chung, sự khống chế
kinh tế là khả năng của một quốc gia dùng các phương tiện kinh tế để buộc các
nước khác làm những điều nó muốn hoặc ngăn chặn các nước khác làm những điều nó
không muốn. Những phương tiện ấy có thể là kích cỡ nền kinh tế của nước ấy, nền
thương mại của nó, tình trạng tài chính của nó ở trong nước và ngoài nước, sức
mạnh quân sự của nó, tính năng động công nghệ của nó, và địa vị quốc tế mà tiền
tệ của nó chiếm giữ.
Cuốn sách sắp xuất bản của tôi sẽ phát triển một chỉ số
khống chế (an index of dominance) chỉ kết hợp ba yếu tố then chốt: GDP của một
nước, thương mại của nó (được đo bằng tổng số lượng hàng xuất khẩu và lượng
hàng nhập khẩu), và tầm mức nó làm một chủ nợ của thế giới còn lại. GDP đóng
một vai trò quan trọng vì nó xác định nguồn lực tổng quát mà một nước có thể
huy động để phóng chiếu quyền lực chống lại các đối thủ tiềm tàng hay nói cách
khác có thể làm theo ý mình.
Thương mại, nhất là nhập khẩu, quyết định độ mạnh
của đòn bẫy mà một nước có thể vận dụng do việc cho phép hay từ chối các nước
khác tiếp cận thị trường của mình. Và việc đóng vai một nhà tài trợ hàng đầu sẽ
tạo được ảnh hưởng phi thường lên các nước khác đang cần ngân quĩ, nhất là
trong các giai đoạn khủng hoảng. Không có thước đo nào nói lên sức mạnh khống chế
rõ ràng như ba yếu tố kể trên: các sức mạnh khác phần lớn bắt nguồn từ đó (sức
mạnh quân sự, chẳng hạn, tùy thuộc vào tình trạng tổng quát và kích cỡ của một
nền kinh tế trong dài hạn), hoặc chỉ có giá trị ngoại biên (như sự khống chế
tiền tệ), hoặc khó đo lường một cách nhất quán khi so sánh các quốc gia (như
sức mạnh ngân sách).
Tôi đã tính toán chỉ số
[mô tả sức mạnh khống chế] này bằng cách đi ngược dòng lịch sử đến năm 1870
(chỉ tập trung vào địa vị kinh tế của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh lúc bấy giờ) và
phóng chiếu chỉ số này đến năm 2030 (chỉ tập trung vào địa vị kinh tế của Hoa
Kỳ và TQ vào thời điểm đó).
Những dự phóng này chủ yếu dựa vào những giả định
tương đối dè dặt về mức tăng trưởng trong tương lai của TQ, nghĩa là nhìn nhận
rằng TQ đang đối mặt với nhiều thử thách ở phía trước. Trước hết, dân số TQ sẽ bắt
đầu già nua trong vòng một thập kỷ tới. Và kinh tế TQ đang bị méo mó nghiêm
trọng dưới nhiều khía cạnh: tiền vốn cho vay với lãi suất quá rẻ (overly cheap
capital) đã dẫn đến việc đầu tư quá lố; hối suất đồng nhân dân tệ bị kìm giữ ở
mức quá thấp đã dẫn đến sự phát triển quá mức về hàng xuất khẩu; và năng lượng
được bao cấp đã dẫn đến sự sử dụng thiếu hiệu quả và ô nhiễm môi trường.
Việc
điều chỉnh những lạm dụng này nhất định sẽ tạo ra những trục trặc rất tốn kém.
Tính luôn cả những tốn kém này, tôi dự đoán rằng mức tăng trưởng của Trung Quốc
sẽ chậm lại một cách đáng kể: trung bình 7% mỗi năm trong vòng 20 năm tới, so
với khoảng 11% mà TQ đạt được trong thập kỷ vừa qua. Lịch sử cho biết rằng nhiều
nền kinh tế — như Đức, Nhật Bản, Singapore, Nam Hàn, và Đài Loan – đã tăng
trưởng theo nhịp độ mà tôi dự đoán cho TQ sau khi họ đạt được một mức phát
triển như hiện nay của TQ.
Trong khi đó, tôi giả định rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng
trưởng khoảng 2,5% mỗi năm, như trong 30 năm qua. Dự đoán này là hơi lạc quan
so với dự đoán mới nhất là 2,2% của Phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) về mức tăng
trưởng dài hạn, một dự đoán mà CBO thỉnh thoảng phải hạ thấp vì tác động tiêu
cực lên nền kinh tế Hoa Kỳ do các núi nợ, công cũng như tư, ngày một chồng chất
và con số thất nghiệp vừa cao vừa kéo dài.
Kết quả sau cùng trong
sự phân tích của tôi là, vào năm 2030 sự suy yếu tương đối của Hoa Kỳ sẽ không
tạo ra một thế giới đa cực (multipolar) nhưng là một thế giới gần như đơn cực
(near-unipolar) bị TQ khống chế. Sức mạnh kinh tế của TQ sẽ chiếm gần 20% GDP
toàn cầu (một nửa đo bằng trị giá đôla và một nửa bằng sức mua thực sự), so với
Hoa Kỳ lúc đó chỉ chiếm 15%.
Vào thời điểm đó, GDP bình quân đầu người của TQ sẽ
vào khoảng 33.000 đôla, hay khoảng một nửa GDP đầu người của Mỹ. Nói thế khác,
Trung Quốc sẽ không còn nghèo tả tơi (dirt poor), như người ta thường lầm
tưởng. Hơn nữa, TQ sẽ tạo ra 15% mậu dịch thế giới — gấp đôi Mỹ. Khoảng năm
2030, TQ sẽ ở vị trí khống chế dù cho người ta có nghĩ GDP là quan trọng hơn
thương mại hay ngược lại; TQ sẽ vẫn dẫn đầu trong cả hai lãnh vực.
Theo chỉ số và những dự
đoán này, sự khống chế của TQ là khá gần kề. Mặc dù hiện nay GDP của Hoa Kỳ vẫn
còn lớn hơn GDP của TQ và sức mạnh mậu dịch của hai quốc gia là gần ngang nhau,
nhưng Hoa Kỳ là một con nợ rất lớn và có nhiều nhược điểm — Hoa Kỳ ngốn hết
khoảng 50% vốn luân lưu của thế giới – trong khi TQ là một chủ nợ quan trọng
đối với thế giới.
Năm 2010, sự vượt trỗi của Hoa Kỳ đối với TQ là không đáng
kể: sự khác biệt chưa tới 1% giữa chỉ số khống chế (indices of dominance) của
hai quốc gia. Thật ra, nếu người ta cân nhắc những yếu tố này một cách hơi khác
hơn, bằng cách coi nhẹ kích cỡ của nền kinh tế so với sức mạnh mậu dịch một
chút, thì Trung Quốc đã đứng trước Hoa Kỳ vào năm 2010.
Sự khống chế của TQ
trong tương lai cũng sẽ được nhìn nhận trong nhiều lãnh vực hơn hiện nay. Kinh
tế TQ sẽ lớn hơn kinh tế Hoa Kỳ và lớn hơn kinh tế của bất cứ quốc gia nào
khác; ngoài ra, thương mại và nguồn vốn của TQ cũng sẽ to lớn như thế. Đồng
nhân dân tệ cũng sẽ là một đối thủ đáng nể của đồng đôla trong địa vị một trữ
kim hàng đầu của thế giới.
Ngoài ra, khoảng cách
giữa TQ và Hoa Kỳ sẽ mở rộng hơn dự kiến. Năm 2010, Hội đồng Tình báo Quốc gia
Mỹ tiên đoán rằng vào năm 2025, “Hoa Kỳ vẫn còn là một siêu cường, nhưng sự
khống chế của Hoa Kỳ sẽ bị suy giảm hơn nhiều”. Đánh giá này là lạc quan không
hợp lý.
Những dự đoán của tôi cho thấy rằng khoảng cách giữa TQ và Hoa Kỳ vào
năm 2030 sẽ tương tự như khoảng cách giữa Hoa Kỳ và các đối thủ của nó giữa
thập niên 1970, thời cao điểm của bá quyền Mỹ, và lớn hơn khoảng cách giữa
Vương quốc Anh và các đối thủ của trong thời cao điểm của Đế quốc Anh, vào năm 1870.
Tóm lại, việc TQ khống chế kinh tế tương lai là cận kề hơn và sẽ là vừa to lớn
vừa đa diện hơn nhiều người đang nghĩ.
MẠNH NHƯ MỘT CON BÒ MỘNG
Martin Wolf, cây viết
chuyên đề trên tờ Financial Times (Tài chính thời báo) đã dùng từ “siêu cường
nóng vội” (premature superpower) để mô tả khả năng độc đáo của TQ trong việc
vận dụng quyền lực mặc dù đang còn là một nước nghèo. Tuy nhiên, theo dự đoán
của tôi, vào năm 2030, TQ sẽ không còn nghèo như thế.
Trái lại, GDP đầu người
của TQ (dựa vào sức mua nội địa) sẽ lớn hơn một nửa GDP đầu người của Hoa Kỳ và
lớn hơn GDP đầu người bình quân trên thế giới. Tuy nhiên, sự khống chế kinh tế
của TQ sẽ không có tính thuần nhất: khác với quá khứ, trong khi các siêu cường
– Vương quốc Anh và Hoa Kỳ — là rất giàu có so với các địch thủ của mình, thì
TQ sẽ là một quốc gia có lợi tức trung lưu hay trên trung lưu. Và câu hỏi đặt
ra là, liệu một nước có thể trở thành siêu cường thậm chí cả khi nó không phải
là quốc gia giàu có nhất hay không?
Có ba lý do khả tín để
cho rằng nó không thể trở thành siêu cường. Một là, một nước tương đối nghèo có
thể phải đặt tham vọng phóng chiếu quyền lực quốc tế của mình nằm dưới nhu cầu
giải quyết các thách thức bức thiết hơn ở trong nước, như phải đạt mức sống cao
hơn và ổn định xã hội rộng lớn hơn. Hai là, nước đó có thể không đủ sức huy
động nguồn lực cần thiết để phóng chiếu quyền lực của mình ra nước ngoài.
Chỉ
nội một điều là, phương tiện quân sự cũng cần đến tài chính, và các nước nghèo thường
gặp nhiều khó khăn hơn các nước giàu khi bắt người dân đóng thuế. Ba là, một
nước nghèo không thể có nhiều ảnh hưởng ở nước ngoài nếu nó không có được quyền
lực mềm trong tay, như chế độ dân chủ, xã hội cởi mở, hay những giá trị đa
nguyên. Quyền lãnh đạo đi kèm với sức mạnh khống chế chỉ tồn tại khi nào nó còn
tạo được động lực cho người theo: chỉ có những ai làm biểu tượng cho một cái gì
có sức thu hút rộng lớn hay gần như phổ quát mới gây được cảm hứng.
Tương tự
như thế, chỉ một nước giàu — một nước đang nắm lợi thế kinh tế và công nghệ —
mới có thể làm một nguồn ban phát tư tưởng, công nghệ, các định chế, và các lề
lối cho nhiều nước khác.
Như vậy, dù khả năng
khống chế không luôn luôn đi liền với sự nghèo khó, một quốc gia vẫn có thể trở
thành siêu cường mặc dù nó không thuộc vào những nước giàu có nhất. Thậm chí một
nước có lợi tức trung bình, một nước mà Trung Quốc có khả năng trở thành vào
năm 2030, có thể giữ đoàn kết nội bộ, huy động được nguồn lực cho những mục
đích đối ngoại (như các chi phí quân sự), và nắm được một số lý tưởng dân tộc
đủ sức kích động.
Thật vậy, dù với GDP đầu người tương đối thấp như hiện nay, TQ
đã có sức mạnh khống chế trên nhiều phương diện. TQ đã thuyết phục được nhiều
nước chủ nhà tại châu Phi, những nơi mà TQ đã bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư,
đóng cửa các đại sứ quán Đài Loan.
Với trữ lượng ngoại tệ gồm 3.000 tỉ đôla, TQ
đưa ra đề nghị mua lại nợ của Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha
nhằm chặn đứng hoặc giảm bớt tình trạng hỗn loạn tài chính tại châu Âu. (Trong
dịp chủ tịch nước của Trung Quốc đến thăm vào tháng Tư, Thủ tướng Tây Ban Nha,
Ông José Luis Rodríguez Zapatero đã nói “Trung Quốc là người bạn tốt nhất của
Tây Ban Nha.”) Trung Quốc cũng sử dụng vai vế to lớn của mình để thắt chặt các
quan hệ thương mại và tài chính tại châu Á và châu Mỹ La-tinh: chẳng hạn, nhiều
thương vụ giữa một số quốc gia trong hai khu vực nói trên hiện nay có thể thanh
toán bằng đồng nhân dân tệ.
Trước hết, chính sách
hối suất của TQ đã ảnh hưởng bất lợi cho các nền kinh tế khắp thế giới, gây tổn
thương cho các nước đang phát triển cũng như cho bản thân Hoa Kỳ: bằng cách kìm
giá đồng nhân dân tệ ở mức quá rẻ, TQ có thể làm cho hàng xuất khẩu của mình có
sức cạnh tranh hơn hàng xuất khẩu từ các nước như Bangladesh, Ấn Độ, Mê-hi-cô
và Việt Nam.
Nhưng các nước này cho đến nay vẫn khoanh tay đứng bên lề, để cho Washington
một mình tiến hành cuộc thánh chiến chống Bắc Kinh – và do đó, Hoa Kỳ không mấy
thành công. Trong khi đó, TQ đủ sức mua chuộc phe chống đối tỉ giá hối suất của
TQ.
Mặc dù nhiều nước lấy làm bất mãn vì thấy sức cạnh tranh của mình bị phá
họai bởi một đồng nhân dân tệ bị kìm giá, họ vẫn giữ thái độ im lặng, hoặc vì
khiếp sợ trước cơ bắp chính trị của TQ hoặc vì TQ cống hiến cho họ sự hỗ trợ
tài chính hay cơ hội mua bán.
Thậm chí trong phạm vi nước Mỹ, ít có nhóm nào
thực sự lên tiếng chỉ trích chính sách hối đoái của TQ. TQ là một thị trường
rộng lớn cho các công ty Hoa Kỳ, và vì vậy, chính cánh tả tự do (the liberal left)
chứ không phải những người nắm giữ vốn của Hoa Kỳ đã lên án chính sách hối đoái
của TQ, vì quyền lợi của công nhân Mỹ.
Cho dù trong tương lai
rất gần TQ không thể huy động loại hình khống chế có thể tự động thúc đẩy hay
xây dựng những hệ thống và cơ chế quốc tế như những tổ chức Hoa Kỳ đã tạo ra
sau Thế chiến II, nhưng Bắc Kinh đang sử dụng những hình thức khống chế khác.
Chẳng hạn, TQ có thể đòi hỏi các công ty Mỹ và châu Âu chia sẻ công nghệ của họ
với các công ty TQ trước khi cho phép họ tiếp cận thị trường TQ. Và TQ có thể
theo đuổi các chính sách có hậu quả sâu rộng [mang tính hệ thống], bất chấp sự chống
đối của nhiều nước trên thế giới.
Chính sách hạ giá hối suất đồng nhân dân tệ
là một chiến lược cổ điển gây phương hại cho các đối tác thương mại và làm lợi
cho TQ, một chính sách phá hoại tính thông thoáng (openness) của các hệ thống
thương mại và tài chính thế giới đồng thời cũng tạo các điều kiện tiếp cận tiền
mặt quá dễ dàng (easy liquidity), một hiện tượng đóng góp cho cuộc khủng hoảng
kinh tế toàn cầu gần đây.
CHẾT ĐUỐI VÌ NHỮNG CON
SỐ
Hoa Kỳ có thể đảo ngược
xu thế này không? Tương lai kinh tế Mỹ gợi lên nhiều nỗi lo âu: nước này đang
kinh qua vấn đề ngân sách, vấn đề tăng trưởng kinh tế, và, có lẽ bất trị hơn
tất cả, vấn đề của giai cấp trung lưu.
Những đợt giảm thuế liên tục và hai cuộc
chiến tranh, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008-10, tình trạng gia tăng
không ngừng các quyền lợi an sinh của người già-người nghèo (đặc biệt liên quan
đến y tế), và sự gia tăng số tài sản xấu [như nhà bị tịch biên] mà cuối cùng chính
phủ có thể phải đứng ra gánh vác — tất cả những điều này đã tạo ra nghi vấn
nghiêm trọng về khả năng quân bình ngân sách trong khu vực công của Hoa Kỳ.
Nợ
công, nợ tư, và nạn thất nghiệp lâu dài sẽ kềm hãm mức tăng trưởng lâu dài. Và
một sự kết hợp bao gồm các yếu tố như mức thu nhập đình trệ của giới trung lưu,
cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn, khả năng thăng tiến xã hội bị thoái hóa,
và, gần đây, các viễn ảnh tương lai sa sút đối với cả thành phần có giáo dục
đại học đã tạo ra những vấn đề to lớn về phân phối lợi tức. Giới trung lưu Mỹ
cảm thấy đang bị vây khốn: họ không muốn phải tuột thang kỹ năng, nhưng viễn
ảnh thăng tiến của họ ngày một bị hạn chế vì sự cạnh tranh đến từ TQ và Ấn Độ.
Sức mạnh liên tục của
Hoa Kỳ phát xuất từ thái độ dám làm (can-do attitude) trong việc chỉnh sửa các
vấn đề kinh tế và từ niềm tin tưởng rằng các yếu tố kinh tế cơ bản lành mạnh có
thể đảm bảo sức khống chế lâu dài của nền kinh tế Mỹ.
Đáng lưu ý nhất là, Hoa
Kỳ có đủ khả năng tạo các cơ hội cho giới doanh nghiệp mà các nước khác không
có đựợc (unique opportunities for entrepreurship) “Hoa Kỳ có một văn hóa doanh nghiệp
thuận lợi, công nghiệp đầu tư già dặn nhất nhằm giúp vốn cho các công ty mới
mẻ, quan hệ chặt chẽ giữa các đại học và công nghiệp, và một chính sách nhập cư
cởi mở”, theo Tổ chức Theo dõi Doanh nghiệp Toàn cầu (Global Entrepreurship
Monitor, GEM), một tổ chức học thuật chuyên nghiên cứu sinh hoạt kinh doanh
toàn cầu. Trong một bản thăm dò năm 2009, GEM đã xếp Hoa Kỳ đứng đầu thế giới
trong việc cung ứng những cơ hội như thế.
Gần như tất cả các công ty thương mại
thành công quan trọng nhờ những phát kiến công nghệ trong ba thập kỷ qua –
Apple và Microsoft, Google và Facebook — đều được thành lập và đặt bản doanh
tại Hoa Kỳ.
Thật vậy, chính nhờ tìm ra được những nguồn tạo sự tăng trưởng mới
mẻ và năng động trong thập niên 1990 mà Hoa Kỳ đã có thể ngăn chặn thách thức
kinh tế do một cường quốc đang trỗi dậy của thời đại đó, tức Nhật Bản. Ngày
nay, những người lạc quan lý luận rằng Hoa Kỳ có thể lặp lại kinh nghiệm đó với
TQ. Thật vậy, nếu kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng đều đặn ở tỉ lệ 3.5% trong vòng 20
năm tới, như đã diễn ra vào thập niên 1990, tinh thần của người đầu tư và sự
tin tưởng đặt vào đồng đôla như một trữ kim có thể sẽ được nâng cao.
Nhưng ngày nay, một số
khác biệt then chốt chắc chắn đã giảm bớt niềm hi vọng đó. Hoa Kỳ bước vào thập
niên 1990 với số công trái (government debt) nhỏ hơn rất nhiều so với số nợ
nước này sẽ mắc trong tương lai. Năm 1990, tỉ lệ công trái so với GDP là vào
khoảng 42%, trong khi con số mới nhất mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội (COB) dự
đoán cho năm 2020 là gần 100%. Hai thập niên về trước, tư thế đối ngoại của Hoa
Kỳ cũng ít có nhược điểm như bây giờ. Chẳng hạn, trong năm 1990, nước ngoài chỉ
cầm giữ 19% số trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ; ngày nay con số đó đã lên
gần 50%, và phần lớn nằm trong tay TQ. Mãi cho đến thập niên 1990, Hoa Kỳ vẫn
chưa mấy bận tâm về cái ngày phải lo lắng những chi phí cho quyền lợi của các
nhóm đặc biệt (entitlements) như người già, người nghèo.
Và hiện nay, giới trung
lưu Mỹ đang bị nhiều vấn đề vây bủa. Trong 20 năm qua, nhiều căn bệnh kinh tế
có khả năng bóp nghẹt giới trung lưu Mỹ, như mức thu nhập trung bình bị đình
trệ, đã trở nên trầm kha và bất trị hơn xưa. Thậm chí cả tỉ lệ tăng trưởng
3,5%, một tỷ lệ vượt quá những mong đợi hiện nay, có lẽ cũng không đủ sức duy
trì sự tin tưởng vào mô hình Mỹ, một mô hình đặt cơ sở trên niềm hi vọng về một
tương lai tốt đẹp hơn cho đại đa số.
Nói cách khác, Hoa Kỳ
không thể tránh cái lô-gíc không lay chuyển của dân số học và sự kiện là các
nước nghèo, nhất là TQ, sắp bắt kịp Hoa Kỳ. TQ, có dân số đông gấp 4 lần Hoa
Kỳ, sẽ là một nền kinh tế lớn hơn ngay sau khi mức sống trung bình của người
dân TQ (tính theo GDP đầu người) vượt quá 1/4 mức sống trung bình của người Mỹ.
Bằng một số cách đo lường, kể cả cách của tôi, sự kiện này đã bắt đầu diễn ra,
và nếu kinh tế TQ vẫn tiếp tục tăng trưởng, thì khoảng cách giữa TQ và Hoa Kỳ sẽ
chỉ nới rộng ra mà thôi.
Một Hoa Kỳ cố vùng lên có thể sẽ trì hoãn tiến trình
ấy, nhưng sẽ không thể chặn đứng được nó. Phải tăng trưởng 3,5%, thay vì 2,5%
như hiện nay, trong 20 năm tới, may ra Hoa Kỳ mới có thể đẩy mạnh thành tích
kinh tế, ổn định xã hội, và nâng cao tinh thần quốc gia. Nhưng khả năng này
cũng không thay đổi đáng kể địa vị của Hoa Kỳ đối với TQ nếu nước này duy trì
mức tăng trưởng chừng 7%.
Những dự đoán này làm
lung lay quan niệm chính yếu cho rằng sức mạnh siêu cường kinh tế Mỹ tự nó
thoái hóa [chứ không do sứ ép từ ngoài].
Thật ra, chính những hành động của TQ
sẽ định đoạt phần lớn sự cách biệt lớn hay nhỏ giữa mức tăng trưởng kinh tế của
TQ và Hoa Kỳ. Chẳng hạn, TQ có thể thất bại ghê gớm nếu cứ tiếp tục để cho các
bong bóng địa ốc căng to hay nếu không ngăn chặn được các biến động chính trị.
Hoặc TQ có thể vươn lên mạnh mẽ hơn bằng cách chỉnh sửa các lệch lạc kinh tế
hiện nay, nhất là cần phải tránh xa chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất
khẩu và tiến tới một chiến lược phát triển nhu cầu trong nước.
Phạm vi hoạt
động của Hoa Kỳ là hạn hẹp hơn nhiều. Nếu Hoa Kỳ không thể tăng trưởng chậm hơn
2,0-2,5% một cách đáng kể, thì nó lại càng không thể tăng trưởng nhanh hơn
3,5%. Đây là điều không may của một nước đang đứng ở biên cương cuối cùng trong
tiến trình phát triển kinh tế: cả tiểm năng đi lên lẫn tiềm năng đi xuống đều
bị giới hạn.
Dù Hoa Kỳ có tăng trưởng
nhanh chăng nữa — chẳng hạn, 3,5 % — thì những nước khác, như TQ, cũng có thể
tăng trưởng nhanh hơn, khiến bức tranh cơ bản về tương quan lực lượng kinh tế
không thay đổi. Thật vậy, khi tốc độ cải tiến công nghệ trong những nước tiên
tiến, như Hoa Kỳ, tăng nhanh, thì những công nghệ mới của họ cũng nhanh chóng
rơi vào tay những nước nghèo, giúp kích thích sự tăng trưởng kinh tế ở đó.
Thậm
chí quan trọng hơn cả việc tạo ra các công nghệ mới, đó là khả năng nắm giữ vốn
nhân lực (human capital) và những kỹ năng để sử dụng những công nghệ đó. Theo
Sáng hội Khoa học Quốc gia (National Science Foundation), vào năm 2006 số sinh
viên theo học bốn năm đầu đại học khoa học tại TQ gần gấp đôi tại Hoa Kỳ.
Sự
cách biệt này chỉ có thể trở nên lớn hơn mà thôi. Mặc dù TQ có một hệ thống
giáo dục tồi dở hơn Hoa Kỳ rất xa, nhưng TQ lại tỏ ra rất sẵn sàng hấp thụ công
nghệ mới. Vào năm 2002 số tạp chí khoa học đăng bài có sự duyệt xét của chuyên
gia cùng ngành (peer-reviewed scientific publications) tại Hoa Kỳ nhiều gấp TQ
6 lần – nhưng vào năm 2008 con số này chỉ còn 2,5 lần.
Khả năng dẫn đầu mức
tăng trưởng kinh tế của các nước giàu bị hạn chế từ bên trong vì TQ có thể hấp
thụ và sử dụng công nghệ mới khôn khéo hơn. Sự tinh vi của công nghệ TQ đang
gia tăng: Rất ít có sản phẩm nào Hoa Kỳ, châu Âu, và Nhật Bản xuất khẩu mà TQ
không xuất khẩu được.
Nói chung, nếu mức tăng trưởng của Hoa Kỳ bị chậm lại,
thì mức tăng trưởng của TQ có thể không bị ảnh hưởng, nhưng nếu mức tăng trưởng
của Hoa Kỳ tăng nhanh, thì mức tăng trưởng của TQ cũng có thể sẽ tăng nhanh.
Bằng cách nào thì Hoa Kỳ cũng không thể bỏ xa TQ.
TRỞ LẠI BÀI HỌC KINH ĐÀO
SUEZ
Thậm chí một Hoa Kỳ vươn
dậy trở lại cũng không thể sử dụng quyền lực và sức khống chế của mình đối với
TQ. TQ đã đủ sức để làm những điều mà phần còn lại của thế giới không muốn nó
làm. Liệu chẳng bao lâu nữa TQ có đủ sức buộc Hoa Kỳ phải làm cả những điều mà
Hoa Kỳ không muốn làm hay không? Liệu một vụ Kinh đào Suez khác có thể xảy ra
hay không?
Năm 1956, trong khi đồng
sterling (Anh kim) chịu sức ép nặng nề vì Ai Cập phong tỏa Kinh đào Suez, Vương
quốc Anh quay sang Hoa Kỳ để xin hỗ trợ tài chính, dựa vào “tình hữu nghị đặc
biệt” của hai nước. Nhưng Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã từ chối. Ông giận
dữ vì Anh (và Pháp) đã tấn công Ai Cập sau khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel
Nasser quốc hữu hóa Kinh đào Suez, đúng vào thời điểm Eisenhower đang vận động
tái tranh cử với danh nghĩa một con người hòa bình đã chấm dứt cuộc chiến trên Bán
đảo Triều Tiên.
Ông đòi Vương quốc Anh phải tuân theo một nghị quyết LHQ do Mỹ
bảo trợ buộc quân Anh phải rút khỏi Ai Cập tức khắc và vô điều kiện. Nếu Anh
không chịu rút quân, Washington sẽ không cho phép Vương quốc Anh tiếp cận các
nguồn lực tài chính từ IMF.
Nhưng nếu chính phủ Anh chịu rút quân, họ sẽ nhận
được sự trợ giúp tài chính quan trọng. Vương quốc Anh đồng ý, và Hoa Kỳ đã hậu
thuẫn cho một gói tài trợ to lớn, gồm một khoản cho vay chưa từng có từ IMF
đáng giá 1,3 tỉ đôla và một khoản 500 triệu đôla từ Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu
Hoa Kỳ.
Bây giờ, ta cứ tưởng
tượng một tương lai không xa trong đó Hoa Kỳ đã phục hồi từ cuộc khủng hoảng
2008-2010 nhưng vẫn còn chồng chất nhiều vấn đề kinh tế từ trong cơ cấu: khoảng
cách thu nhập (giàu nghèo) ngày càng lớn, một tầng lớp trung lưu chịu nhiều sức
ép, và cơ hội thăng tiến kinh tế và xã hội bị suy giảm.
Hệ thống tài chính Mỹ
vẫn còn mong manh như thời trước khủng hoảng, và chính phủ chưa đối phó được
những chi phí ngày càng lớn cho người già – người nghèo và sự gia tăng số tài
sản xấu trong hệ thống tài chính, mà chính phủ có thể phải tiếp quản.
Nạn lạm phát
là một vấn đề toàn cầu vì giá thương phẩm tăng vọt do sự tăng trưởng nhanh
chóng tại các thị trường mới nổi (emerging markets). TQ có một nền kinh tế và
một luồng mậu dịch lớn gấp đôi Hoa Kỳ. Đồng đôla mất hết vẻ hào nhoáng của nó;
mức cầu của đồng nhân dân tệ như một trữ kim ngày càng gia tăng.
Cũng rất giống như năm
1956, khi Washington bị tình nghi là đã đạo diễn các cuộc bán tháo đồng
sterling tại New York để buộc chính phủ Anh rút quân khỏi Kinh đào Suez, tin
đồn đoán loan truyền khắp nơi là TQ có kế hoạch sử dụng sức mạnh tài chính của
mình; TQ không còn chịu đựng thêm nữa sự hiện diện của hải quân Mỹ tại Thái
Bình Dương. Bắc Kinh bắt đầu bán một phần trữ lượng ngoại tệ (lúc bấy giờ có
thể lên tới 4 nghìn tỉ đôla).
Các nhà đầu tư bắt đầu giao động, lo sợ đồng đôla
có thể suy sụp, và các thị trường trái phiếu bán tháo giấy nợ của chính phủ Hoa
Kỳ. Liền sau đó Hoa Kỳ mất điểm tín dụng AAA của mình. Các cuộc bán đấu giá công
khố phiếu Hoa Kỳ không tìm được người mua. Để duy trì lòng tin của giới đầu tư,
Quĩ Dự trữ Liên bang đưa lãi suất lên rất cao. Chẳng bao lâu, lãi suất vượt quá
tỉ lệ tăng trưởng rất xa, và Hoa Kỳ cần tài trợ với lãi suất thấp.
Hoa Kỳ hướng
đến các nước xuất khẩu dầu hỏa, nhưng các thủ lĩnh độc tài thân thiện với Hoa
Kỳ ngày xưa đã bị thay thế bởi những nhà lãnh đạo dân chủ giả hiệu (illiberal
democrats) thuộc mọi khuynh hướng Hồi giáo, từ ôn hòa đến cực đoan, tất cả đều
mang ký ức lâu dài về bàn tay can thiệp của Mỹ tại Trung Đông.
Cũng như đối với
Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan, và Bồ Đào Nha gần đây, việc tìm kiếm tài trợ từ IMF có vẻ
là điều không thể tránh: vì nếu Hoa Kỳ không trả nổi nợ nần của mình, việc này
sẽ rất nguy hại cho nỗ lực duy trì những gì còn sót lại trong vai trò toàn cầu
của Hoa Kỳ.
Nhưng vào thời điểm này,
TQ, đã là ông chủ ngân hàng lớn nhất thế giới từ năm 2000, đang kiểm soát túi
tiền của IMF. Mặc dù TQ cũng nhận thấy việc IMF cứu giúp Hoa Kỳ là cần thiết,
nhưng họ đưa ra một điều kiện tiên quyết: Hoa Kỳ phải triệt thoái hải quân ra
khỏi Tây Thái Bình Dương.
Đòi hỏi này có ảnh hưởng mạnh mẽ vì TQ, trong tư thế
là nước đóng góp nhiều nhất cho IMF và là một ân nhân cho nhiều thành viên của
IMF, có thể ngăn chặn việc Hoa Kỳ xin tài trợ một cách dễ dàng. Vào lúc đó, TQ
thậm chí có thể đã giành được quyền phủ quyết nhờ những cải tổ liên quan việc
điều hành IMF được dự trù vào năm 2018.
Một số người sẽ cho rằng
kịch bản này là hoàn toàn hoang tưởng. Dẫu sao, Hoa Kỳ có thể dễ dàng từ chối
tài trợ cho Vương quốc Anh năm 1956 vì có làm như thế cũng không gây hậu quả
nghiêm trọng cho đồng đôla hay nền kinh tế Hoa Kỳ. Nhưng nếu ngày mai, TQ bán,
hoặc chỉ chấm dứt mua, công khố phiếu Hoa Kỳ, đồng đôla sẽ xuống giá và đồng
nhân dân tệ sẽ lên giá — một hậu quả mà chính TQ đã và đang cương quyết ngăn
chặn.
TQ không thể bất thần đạp đổ chiến lược tăng trưởng kinh tế bằng thủ đoạn
thương mại (mercantilist growth strategy) và liều mất những số vốn to lớn trong
khối dự trữ ngoại hối của TQ. Một số người khác có thể cho rằng thậm chí nếu TQ
muốn làm như thế khi kinh tế Hoa Kỳ bị đình đốn, thì Quĩ Dự trữ Liên bang chỉ
việc quá sung sướng mua hết bất cứ lượng công khố phiếu Hoa Kỳ nào mà TQ đem
bán đổ.
Nhưng tất cả dự kiến này
không hề xét đến khả năng là, những động cơ của TQ trong tương lai có thể sẽ
khác xa với hiện nay. Kể từ 10 năm sau, TQ có thể sẽ giảm bớt quyết tâm kìm giá
đồng nhân dân tệ. Nếu TQ tiếp tục từng bước quốc tế hoá tiền tệ của mình, thì
cả khả năng kìm giá đồng nhân dân tệ lẫn động lực để TQ làm như vậy có thể sẽ
sớm biến mất.
Khi cả hai điều này biến mất, thì sức mạnh của TQ đối với Hoa Kỳ
sẽ trở thành đáng kể. Nhưng chính phủ TQ là nguồn cung cấp vốn lớn nhất cho Hoa
Kỳ: nó giữ nhiều loại trái phiếu của Mỹ và tài trợ để Hoa Kỳ đối phó với nạn
thâm thủng ngân sách. Sức mạnh đòn bẫy để điều khiển Hoa Kỳ tập trung trong tay
Bắc Kinh.
Hẳn nhiên, những viễn
tượng của một đồng đôla mất giá chắc sẽ ít nhức nhối cho Hoa Kỳ trong tương lai
giả tưởng này hơn là viễn ảnh của đồng sterling mất giá đối với Vương quốc Anh
năm 1956. Lúc bấy giờ, một sự tuột giá của đồng sterling chắc chắn sẽ gây thiệt
hại to lớn cho tiền tệ của các cựu thuộc địa Anh, tức những nước đang giữ các
tài sản to lớn dựa vào đồng sterling.
Những thuộc địa này chắc chắn sẽ bán tài
sản bằng đồng sterling của họ, do đó sẽ làm suy yếu thêm những quan hệ kinh tế với
Vương quốc Anh. Ngăn chặn hiểm họa này là điều quan trọng đối với chính phủ
London trong nỗ lực duy trì những gì còn sót lại của Đế quốc Anh. Một sự tuột
giá của đồng đôla sẽ ít gây rắc rối hơn, một phần vì nợ nước ngoài của Hoa Kỳ
đều tính bằng đôla.
Một sự lặp lại kinh nghiệm
của cuộc khủng hoảng Kinh đào Suez có vẻ không thể xảy ra trong thế giới ngày
nay. Nhưng tình hình kinh tế hiện nay của Hoa Kỳ thật sự làm cho nước này có
nhiều điểm yếu cơ bản khi đối diện với sức mạnh khống chế không thể tránh của
TQ. Ngày trước, Vương quốc Anh đã cầm một tay bài kém cỏi trong cuộc khủng
hoảng Kinh đào Suez, không những chỉ vì nước này lâm vào tình trạng nợ nần và
nền kinh tế của nó đang suy yếu, nhưng còn vì một cường quốc kinh tế khác đã
xuất hiện. Ngày nay, thậm chí khi kinh tế Hoa Kỳ đang suy yếu từ trong cơ cấu
(structurally weak), khi cơn nghiện nợ đã làm cho nước này quá lệ thuộc ngoại
bang, và khi viễn tượng tăng trưởng kinh tế của nó là tối thiểu, thì một đối
thủ hùng mạnh đã lù lù xuất hiện.
TQ có thể không hẳn là kẻ địch của Hoa Kỳ,
nhưng nó cũng chẳng phải là một đồng minh. Lời tiên đoán của Macmillan
năm 1971, rằng Hoa Kỳ có thể suy yếu “trong 200 năm nữa”, đã để lộ một lối giải
thích lịch sử máy móc: ông đã tiên đoán một vai trò siêu cường lâu dài cho Hoa
Kỳ, tương tự như địa vị siêu cường mà nước ông từng được hưởng. Nhưng TQ có thể
thúc đẩy tiến trình các mô hình lịch sử — và buộc Hoa Kỳ phải đối diện với sự
xuống dốc của mình sớm hơn Macmillan tiên đoán rất nhiều hay thậm chí sớm hơn
cả hầu hết mọi người dự kiến hiện nay.
Arvind Subramanian là
hội viên nghiên cứu thâm niên tại Viện Peterson về khoa Kinh tế Quốc tế (the
Peterson Institute for International Economics) và tại Trung tâm Phát triển
Toàn cầu (the Center for Global Development). Bài báo này dựa vào nội dung cuốn
sách sắp xuất bản của ông, cuốn Eclipse: Living in the Shadow of China’s
Economic Dominance (Peterson Institute for International Economics, 2011)
Nguồn: Arvind
Subramanian, Foreign Affairs, tháng Chín/tháng Mười 2011
© Trần Ngọc Cư (Bản
tiếng Việt)
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment