Monday, January 21, 2013

Đúng là “cha thiên hạ”


 

 


Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày 18.01.2013     

                                         Đúng là “cha thiên hạ”

Người ta thường nói: “thằng đó đúng là cha thiên hạ” để chỉ những anh được đời chiều chuộng đủ thứ, được ăn trên ngồi trước, được ưu tiên mọi mặt, được “kính nể” ít nhất là cái bề ngoài, còn bề trong có bị chửi cũng là chửi thầm thôi bởi anh ta có quyền, có thế.

 

Ngoài những quan chức cỡ bự, những đại gia tiền tỉ - bây giờ người ta nói tỉ đô la chứ không phải là tỉ VN nữa - còn một lô những họ hàng hang hốc, bạn bè chí cốt, đàn em lau nhau bám theo sau. Vì thế ở đâu cũng gặp những VIP xếp hàng trước người dân. Từ bệnh viện tới trường học, từ cửa quan tới nhà giữ xe, từ nhà nhiều tầng đến nghĩa địa… chỗ nào VIP cũng ưu tiên. Chỗ nào kiếm lời nhiều là có VIP hiện diện, anh dân láu cá lắm cũng chỉ được miếng xương còn dính tí thịt.

 

Khi gió đổi chiều 

 

Nhưng cuộc đời không hoàn toàn là con đường thẳng. Đỉnh cao nào cũng có con dốc phía bên kia. Một minh chứng hùng hồn nhất là chuyện nhà đất. Khi giá cả lên cao ngất ngưởng và cung nhiều hơn cầu, tất nó phải đi xuống.

 

Có một thời, ai cũng biết, mấy ông kinh doanh nhà đất sờ đâu cũng ra tiền, nhà chưa làm xong, đô thị mới chỉ có trên giấy, khu chung cư cao cấp vừa được phê duyệt đã có ngay các VIP đến đặt hàng. Chủ đầu tư hay nói cho rõ là những ông Tổng giám đốc công ty lớn nhỏ của nhà nước hay tư nhân trúng thầu vớ được món bở, kiếm ăn vái trăm tỉ như chơi. Có khi chưa cần bỏ đồng xu vốn nào đã có ngay những người “góp vốn” bằng cách này hay cách khác. Chỉ ngồi đó gật lắc cũng có tiền. Tuy nhiên, ai cũng biết, trước khi trúng thầu ông ta đã phải “chạy dự án” sứt đầu bể trán, phải chung chi tơi tả mới được cái giấy phép chứ có phải chuyện đùa đâu.

 

Thêm một “vấn nạn” nữa sau khi có phép là phải biết chia miếng ăn cho các VIP. Tùy theo vai trò của vị VIP đó “quan trọng” như thế nào. Ông ta quen với Bộ hay người nhà, đàn anh hay đàn em của Bộ, của “một bộ phận cán bộ” đang có chức có quyền. VIP được coi là thượng khách, khác với người quen cấp Thành phố, cấp tỉnh hay lau nhau cấp huyện, cấp xã. Tất nhiên quen càng lớn thì được miếng càng to. Vậy đừng mất công hỏi tại sao bây giờ ở VN có nhiều người giàu đến thế. Họ giàu bằng nhiều cách, việc chạy chỗ nọ chỗ kia, chia chác miếng to, miếng nhỏ là chuyện thường xuyên và… liên tục. Chỗ này vài trăm “cây”, chỗ kia vài chục tỉ, “một cây làm chẳng nên non, nhiều cây góp lại nên hòn núi cao”. Gia tài của họ phát triển theo nhiều “đường lối” khác nhau. Việc kiếm mấy ngôi nhà, vài miếng đất rẻ tiền chỉ là một trong số những “mánh” làm giàu của họ. Và họ cũng biết “phân tán mỏng”, mượn tên người khác làm chủ tài sản để đề phòng khi bị kê khai tài sản. Hoặc có những cung cách kinh doanh… không giống ai.

 

Chỉ lấy một thí dụ nhỏ, bạn có thấy một nhà hàng nào làm ăn thua lỗ mà vẫn hăng hái khai lời để hàng tháng đóng thuế cho nhà nước không? Ấy thế mà vẫn có đấy. Không ai nghĩ ông chủ nhà hàng yêu nước đến cái cỡ đó. Thật ra ông ta khai nhà hàng có lời là để chứng minh tài sản của ông do kinh doanh lương thiện lời to mà có. Hoặc một mánh xưa quá rồi nhưng vẫn có người dùng là đi mua lại những tờ vé số độc đắc. Về chuyện này xin để bàn sau trong một vấn đề riêng về việc kê khai tài sản.

 

Giàu cỡ nào? Nhà cửa đất đai nhiều như… rác!

 

Người dân khó mà biết các đại gia giàu tới cỡ nào, nếu không có những chuyện “bất đắc dĩ” phải trưng ra khối tài sản của mình như bị CA điều tra và chuyện thường thấy là hai vợ chồng đại gia ra tòa ly dị nhưng không thỏa thuận được việc chia tài sản, phải kê khai tuốt luốt. Xin tạm kể ba “chuyện nhỏ” để chứng minh sự giàu có rất “khủng” này.

 

1- Vụ ly hôn 2.000 tỷ của vợ chồng đại gia
Vụ ly hôn giữ ông Trần Văn Mười - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao và bà Phạm Thị Hương Giang - Phó giám đốc Công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương là một vụ ly hôn kỷ lục bởi khối tài sản trị giá hàng ngàn tỉ đồng, kéo dài gần 4 năm.
Ông Giang và bà Mười kết hôn năm 1999, có hai con và đến năm 2004 thì lục đục rồi kéo nhau ra tòa.

 

Về phần tài sản, tổng cộng ông Mười và bà Giang sở hữu 2000 tỷ đồng bao gồm: 1 xe hơi Camry, biệt thự ở TP.Saigon, Vũng Tàu, Hải Phòng và nhiều nhà đất khác, vốn đầu tư trong các công ty: CP Tập đoàn quốc tế Năm Sao (85 tỉ đồng), Công ty CP quốc tế Hòn Đảo Việt (8,5 tỉ đồng), Công ty CP đầu tư đô thị Sam My (30 tỉ đồng), Công ty CP vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (16 tỉ đồng).
Số tài sản trên bà Giang đề nghị được chia đôi còn ông Mười cho rằng số tài sản này chủ yếu là vay mượn để mua bán kiếm lời. Ông Mười cho biết ông còn nợ khoảng 6.804 lượng vàng và 109 tỷ đồng, ông đề nghị số tài sản hiện có dành để ưu tiên trả nợ sau đó phần còn lại sẽ chia theo thoả thuận. Tuy nhiên bà Giang cho rằng số nợ này bà không biết nên trách nhiệm trả nợ là của một mình ông Mười.
Sau nhiều lần thương lượng hai bên không tìm được tiếng nói chung, ông Mười đưa ra cách giải quyết là đưa cho bà Giang 60 tỷ đồng và phần còn lại ông sẽ chi trả nợ nần và toàn quyền quyết định. Tuy nhiên bà Giang không chấp nhận giải pháp này. Cuối cùng
Tòa án đã hoãn xử để định giá lại khối tài sản trên.

 

2- Ly hôn đòi chia tài sản 10 ngàn tỷ đồng
Ngày 21-4-2011, Tòa án quận Hoàn Kiếm - Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và quyết định bà Nguyễn Thanh Thủy được ly hôn với ông Bùi Đức Minh Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn.

 

Vụ ly hôn này được dư luận vô cùng chú ý không chỉ bởi người vợ là đại gia của một tập đoàn có tiếng mà còn bởi khối tài sản tranh chấp lên tới 500 triệu USD (khoảng 10 ngàn tỷ đồng).
Ngoài cổ phần tăng thêm trong Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Sơn và nhiều tài sản khác thì lớn nhất là toàn bộ quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh - Hoài Đức, đứng tên Nguyễn Thanh Thủy - Tổng giám đốc công ty TNHH giải trí Thiên đường Bảo Sơn làm chủ đầu tư rộng 34ha. Khối tài sản này theo ước tính của ông Minh và một số chuyên gia bất động sản theo giá thị trường không dưới 500 triệu USD, tức là khoảng 10.000 tỷ đồng.

 

Ngoài ra còn những tài sản khác không thể “đo đếm” như những đồ trang sức hàng tỉ đồng, những món hàng hiệu, vật dụng trang trí trong nhà chưa biết là bao nhiêu.

 

3- Siêu mẫu Ngọc Thuý và đại gia tranh giành 288 tỷ đồng
Xưa nay chuyện siêu mẫu, “siêu sĩ” cặp kè với đại gia là chuyện gần như “tất yếu”, và những cuộc tình và tiền đó bị khui ra tùm lum. Nhưng ít có trường hợp nào phải lôi nhau ra trước “ba tòa quan lớn” như trường hợp này. Siêu mẫu Ngọc Thuý và đại gia Nguyễn Đức An quyết định đi tới hôn nhân sau 7 ngày quen biết. Họ đến với nhau chớp nhoáng và chia tay nhanh chóng, cuộc hôn nhân ấy lại kết thúc chóng vánh sau vỏn vẹn 13 tháng.

Dư âm còn lại của cuộc hôn nhân này là cuộc tranh giành tài sản lên tới 288 tỷ đồng sau khi chia tay. Một tài sản khá lớn khiền nhiều “siêu sĩ” mơ ước. Năm 2011, 4 năm sau khi ra toà, vì không thỏa thuận được về tài sản và tiền trợ cấp nuôi con nên họ phải nhờ đến pháp luật trong cuộc tranh chấp tài sản tiền tỷ này.

Chuyện là ông Đức An (người Việt ở nước ngoài) đã cho Ngọc Thúy đứng tên tất cả số tài sản ông đầu tư ở Việt Nam trong hai năm 2007, 2008 và số tiền này, được ước tính tới 288 tỷ đồng. Tài sản tranh chấp trị giá 288 tỷ đồng bao gồm:

-  5 căn nhà nằm trong Avalon Building tại quận 1- TP.Sài Gòn

-  4 căn nhà thuộc Sailing Tower cũng tại quận 1 - TP.Sài Gòn

- 13 lô đất và biệt thự thuộc Sea Links Golf & County Club, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận

-  2 thửa đất và một lô đất ở TP.Vũng Tầu

- 1 biệt thự 160m2 ở quận Bình Thạnh, TP.Sài Gòn và

... 31% cổ phần trong Công ty Sao Mai, TP.Vũng Tàu; khoản tiền quyền mua cổ phiếu của dự án Bank New Venture; tài khoản tiết kiệm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; 4 xe hơi Mercedes Benz; 1 xe Porsche Cayenne; 2 xe Volkwagen; 1 xe Vespa, các khoản vay 700.040 USD và 3.000.040 USD. Chưa biết sau cuộc tình này siêu mẫu được chia bao nhiêu trong số những tài sản kếch sù đó.
Đây mới chỉ là vài tảng băng nổi lập lờ trong những tảng băng chìm vĩ đại đằng sau các đại gia ở VN.

 

Câu chuyện bi hài về “suất ngoại giao”

 

Trở lại chuyện “suất ngoại giao” nhà đất, các VIP ăn nhiều rồi. Đến khi nhà đất đóng băng, gió đổi chiếu, giá xuống ầm ầm như động đất, các VIP lại tìm cách xoay xở nhả ra.

 

Đến văn phòng một quan chức vào một ngày cuối năm, khách tới đủ loại bàn chuyện công tư. Ông ta ngán ngẩm nhìn một đống thư riêng, e mail thỉnh thoảng một cú điện thoại khiến ông ngắc ngứ. Ông than thở: “Trước thì năn nỉ cậy nhờ, nay không bán được lại xin rút, câu chuyện bi hài ở chỗ đó”. Chưa hỏi vì sao, ông nói tiếp: “Đó là một số người quen xin trả lại “suất ngoại giao”.

 


Nhà đẹp, xuống giá, mời chào mỏi miệng cũng chẳng ai mua

 

Ông là quan chức thuộc ngành xây dựng nên ai cũng hiểu ngay “suất ngoại giao” là suất mua rẻ thời địa ốc sôi động, mua được 1 miếng bán lời gấp năm gấp mười, nhưng đến bây giờ bán như cho cũng chẳng ai đoái hoài tới. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm này đang là câu chuyện dở khóc dở cười của hàng loạt chủ đầu tư cũng như khách hàng. Chính vì điều này nên người ta mới biết đến bí mật của “suất ngoại giao”.

 

Chuyện ở Hà Nội

 

Chị Kỳ Phương, một khách VIP cỡ lớn từng được mua lô liền kề suất ngoại giao hàng chục tỷ đồng tại dự án ở Hà Đông với mức chiết khấu lên tới 20% đang đau đầu tìm cách đối phó với suất ưu đãi tỷ lệ cực cao này. Ôm suốt hai năm, muốn chờ thời địa ốc lên cao để "bắt sóng", bỏ qua mọi lời khuyên bán lúa non, giờ chị lãnh đủ. Không bán được, chị xin trả lại suất ngoại giao cho chủ đầu tư song nhân viên kinh doanh vẫn dùng dằng chưa giải quyết vì không thể hoàn tiền đến 60% cho khách hàng.

 

Anh Nguyễn Cảnh cũng cạy cục được mua một suất ngoại giao với giá 30 triệu đồng mỗi m2, ưu đãi giảm 15%. Như vậy, mỗi căn nhà rộng khoảng 104 m2, anh chỉ phải chi hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nộp 30% giá trị nhà thì thị trường đi xuống, rao bán mãi không ai mua, anh đã huy động tất cả các quan hệ để xin... trả lại.

 


Dự án An Điền xây dụng quá chậm bị khách hàng đòi tiền

 

Đọc trên các trang báo mạng, không thiếu thông tin rao bán “suất ngoại gia” với giá rẻ bằng 2 phần 3 thị trường. Một lô biệt thự riêng rẽ rộng 325m2 thuộc một dự án ở Hoài Đức (Hà Nội) được chính chủ rao bán bằng 70% giá thị trường. Quảng cáo nêu rõ là một trong những “suất ngoại giao”, hướng Đông Nam, sang trọng nhất khu đô thị, không gian rộng rãi với giá 25 triệu đồng mỗi m2". Trong khi thị trường đang bán loại căn nhà này giá trên 35 triệu đồng mỗi m2.

 

Ăn quen nhịn không quen

 

Đại diện một doanh nghiệp thừa nhận, bản thân bà cũng nhận được nhiều lời đề nghị xin trả lại suất ngoại giao sau khi khách hàng năn nỉ mua bằng được. Vì mối quan hệ và tùy độ VIP, chủ đầu tư sẽ ưu tiên giải quyết. Nguồn tin này tiết lộ: “Khách VIP nhỏ phải chạy qua nhiều phòng ban, còn “thượng khách” thì có thể a-lô trực tiếp cho những lãnh đạo cao nhất để xin trả lại”.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc khách VIP xin trả lại suất ngoại giao cũng giống như câu chuyện bi hài về cổ phần hóa năm nào. Suất ngoại giao địa ốc cũng như cổ phiếu ưu đãi trong thời điểm thị trường hưng thịnh bỗng trở thành “ngược đãi” khi thị trường lao dốc. Cả người cho và người nhận suất ưu đãi đều không ngờ có ngày thị trường bất động sản èo uột thậm chí đóng băng như hiện nay.

 

Bà Phạm  Chi Lan nói: “Chuyện người được ưu đãi từ chối nhận phần ưu đãi nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là một tình huống rất thực tế. Thị trường địa ốc phát triển quá nóng với cơn sốt đất Ba Vì năm xưa và bị siết tín dụng từ những tháng đầu năm 2011 nên nay cả khách VIP và doanh nghiệp lãnh đủ”.

 

Các VIP cỡ lớn “ăn quen, nhịn không quen” nên tìm mọi cách lấy lại số tiền mình đã lỡ bỏ ra đầu tư kiểu 1 ăn 10. Bằng mọi cách các VIP cỡ bự không chịu mất.Với những “thượng khách” thì chủ đầu tư ngậm bồ hòn làm ngọt, phải giải quyết để còn “đường nhờ cậy” sau này. Đúng là “cha thiên hạ”!

 

Tồn kho bất động sản lên tới 1 triệu tỷ đồng

 

Đó là sơ lược tình trạng thê thảm của địa ốc tại VN gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế hiện nay. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, tính đến 31/8, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ nợ xấu là 6,6%. Nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản, gồm cho vay kinh doanh nhà đất, vay đầu tư sản xuất và kinh doanh, thế chấp bằng bất động sản thì con số này khoảng 57% tổng dư nợ, tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng. Hàng tồn kho cả nước lên tới 16.469 căn nhà, hơn 4.000 nhà thấp tầng và khoảng 25.800 m2 văn phòng cho thuê.

 


Nhiều dự án buộc phải giảm giá do thị trường địa ốc ế ẩm

 

Bộ Xây dựng đánh giá, tồn kho bất động sản có ảnh hưởng trực tiếp đến những ngành có liên quan như vật liệu xây dựng. Từ tháng 4/2011 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng ế ẩm. Hàng loạt bất động sản cao cấp như chung cưbiệt thựđất nền giảm giá đến 30%, thậm chí 60% so với thời hoàng kim nhưng vẫn không bán được.

 

Chính vì thề nhiều vụ kiện cáo đã xảy ra, năm 2012 TP Sài Gòn và Hà Nội chứng kiến nhiều vụ tranh chấp, kiện cáo nhà đất của người mua nhà.

 

Khủng hoảng ăn sâu vào mọi ngóc ngách của nền kinh tế khiến chủ đầu tư hầu như mất khả năng chi trả, nhiều tranh chấp nhà đất đều không được giải quyết đến nơi đến chốn khiến tâm trạng người dân luôn bất an.

 

Có hàng ngàn chuyện để bàn đến vấn đề “xây dựng” ở VN nhưng có một chuyện không thể không nói đến là trong tình trạng khủng hoảng như vậy mà các quan tham từ xã đến tỉnh vẫn không tha cho dân. Các quan thanh tra nhà đất tham nhũng trắng trợn, bóp cổ từ anh dân đen đến anh nhà giàu, không chừa bất cứ ai. Một bằng chứng cụ thể vừa xảy ra tại TP Sài Gòn. Và xin bạn nhớ cho đây chỉ là một trong hàng ngàn hàng vạn sự việc tương tự đã và đang xảy ra tại VN mà thôi.

 

Sửa chữa nhà có giấy phép vẫn bị hành tới bến

 

Sửa chữa nhà có phép cũng phải đưa thanh tra xây dựng đi nhậu. Nhậu xong, các “quan” còn đòi thêm tiền. 

 

Anh Lê Phước T., ngụ ấp 3, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.Sài Gòn vừa tố cáo với báo chí, 3 thanh tra xây dựng (TTXD) xã ép anh phải đưa 6 triệu đồng nếu không sẽ dỡ nhà, mặc dù nhà anh sửa chữa có giấy phép.

 


Dù sửa chữa có giấy phép, nhưng nhà anh Lê Phước T. (xã Tân Kiên, Bình Chánh, TP.Saigon)

vẫn bị thanh tra xây dựng kiếm chuyện làm tiền

 

Theo đơn tố cáo của anh T., giữa tháng 11năm 2012 vừa qua, nhà anh liên tục bị ngập nước, hư hỏng nhiều vật dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Chạy đôn chạy đáo, anh mới mượn được vài chục triệu đồng chỉ đủ để nâng nền, làm lại vách tôn. Anh T. làm đơn xin sửa chữa nhà và được UBND xã Tân Kiên đồng ý. Sau đó, anh nâng nền nhà, dựng tôn theo nền cũ. Tuy nhiên, mới làm được 2 ngày thì có 3 TTXD xã Tân Kiên, gồm: Nguyễn Tiến Sơn (tổ trưởng), Lê Thành Nhân và một người tên Thơ, đến nhà kêu anh dẫn đi nhậu. Vì không muốn phiền hà, anh dẫn 3 người tới quán Bình Minh (Q.6) và phải bấm bụng trả hết 1,85 triệu đồng.

 

Tưởng yên thân, những ngày tiếp theo, một người tới nhà kêu anh đưa cho TTXD 6 triệu đồng! Anh T. không đưa thì ngày nào Nhân cũng tới yêu cầu anh phải đưa 6 triệu đồng và dọa: “Nếu không sẽ báo TTXD huyện tới dỡ nhà”. Sợ hãi, anh T. vay mượn khắp nơi, nhưng không đủ tiền. Không còn cách nào khác, anh điện thoại cho Nhân xin giảm xuống còn 4 triệu vì “hôm trước đã dẫn 3 anh đi nhậu hết triệu tám rồi”, thì được Nhân cho số điện thoại của Sơn và cảnh báo: “Gì đâu mà bớt biếc tùm lum, có gì anh gọi điện cho anh Sơn đi”. Anh T. gọi cho Sơn năn nỉ và được người này trả lời: “Bớt gì, ông xem nhắm được bao nhiêu thì đưa cho nó, có phải hàng tôm, hàng cá đâu mà bớt…”.

 

Sáng 15-12-2012, Nhân lại tới nhà anh T. yêu cầu đưa tiền. Phẫn nộ trước sự nhũng nhiễu trắng trợn, vợ anh T. đã to tiếng với anh này. Thấy vậy, Nhân bỏ đi, sau đó gọi điện thoại cho anh T. nói: “Vợ anh dữ quá!”. Anh T. cho biết thêm, đầu tháng 12-2012, một hàng xóm của anh làm căn nhà thấp lè tè, nhưng vẫn phải chi cho TTXD 13 triệu đồng. Biết chuyện, anh T. làm đơn tố cáo, thì sau đó người hàng xóm đã được nhận lại đủ số tiền trên.

 

Ông Nguyễn Văn Phó, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Kiên, cho báo chí biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi yêu cầu các TTXD làm kiểm điểm. Những người này thừa nhận có đi nhậu cùng anh T., riêng việc đòi tiền chưa hoàn thành nên chưa có cơ sở để xử lý. Chúng tôi sẽ báo cáo huyện để chuyển những TTXD này đi nơi khác”. Còn ông Đoàn Nhật, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh thì cương quyết: “Những TTXD đó phải cho thôi việc chứ không thể chuyển đi nơi khác được”. 

 

Đúng ra là phải đưa ra tòa, bỏ tù mọt gông những con sâu mọt này hiện nay lúc nhúc trong đời sống nhân dân trong khắp mọi ngõ ngách từ thành thị tới thôn quê. Loại sâu mọt này cũng đáng sợ như những loại bự khác. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt của người dân đổ ra làm giàu cho những tên vô lại?

 

Đúng là quan xã cũng “làm cha thiên hạ”.

Văn Quang

 
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link