Monday, January 21, 2013

Hoàng Sa, Trường Sa, và bản đồ “Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ đời Minh Mạng” (1834)


 

Hoàng Sa, Trường Sa, và bản đồ
“Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ đời Minh Mạng” (1834)
 
Thursday, January 17, 2013 4:32:28 PM 

 
 
LTS. Nhân kỷ niệm trận Hải chiến Hoàng Sa giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng từ 17 đến 19 tháng 1 năm 1974, chúng tôi xin giới thiệu bài “Lịch Sử Hoàng Sa” của nhà biên khảo Võ Hương An cùng bản đồ chủ quyền hai đảo này thuộc Việt Nam được vẽ từ năm 1834, dưới thời Vua Minh Mạng.
         
***VÕ HƯƠNG AN
 
Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo san hô nằm trên Biển Ðông mà Việt Nam đã thủ đắc từ thời các Chúa Nguyễn, vào giữa thế kỷ XVII.
Tài liệu xưa nhất của Việt Nam ghi nhận sự thủ đắc Hoàng Sa là bộ Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Ðôn (xem Phủ Biên I, tr.208-211) - bộ sách đầu tiên về lịch sử xứ Ðàng Trong - được viết năm 1776, trong thời gian ông vâng lệnh Vua Lê-Chúa Trịnh vào giữ chức Tham thị Tham tán quân cơ hai đạo Thuận Hóa, Quảng Nam. Các sách sử khác về sau, khi nói về Hoàng Sa-Trường Sa đều lấy Phủ Biên làm tài liệu căn bản rồi mới cập nhật sự kiện, điển hình là Ðại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Ðức (1848-1883). Sách này đã đã mô tả hai quần đảo này như sau:
“Ðảo Hoàng Sa: ở phía Ðông cù lao Ré huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Từ bờ biển Sa Kì đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi, tục gọi là “Vạn lý trường sa”: nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích, cùng những hàng hóa của thuyền người Thanh bị bão, trôi giạt vào đấy.”        
“Hồi đầu bản triều (Nhà Nguyễn), đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm, cứ tháng 3 là ra biển kiếm hải vật, đến tháng 8 thì do cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên) về nộp; lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật ở các đảo. Phía Ðông đảo Hoàng Sa gần phủ Quỳnh Châu, đảo Hải Nam, nước Thanh. Ðầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ (thời Chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1,070 trượng (4,280m), cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam cồn có ngôi miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, có bia khắc 4 chữ “Vạn lí ba bình” (muôn dặm sóng yên). Ðảo này xưa gọi là núi Phật Tự, phía Ðông và phía Tây đảo đều là đá san hô, mọc vòng quanh ở mặt nước; về phía Tây Bắc tiếp với đá san hô nổi lên một cồn chu vi 340 trượng (1,360m), cao 1 trượng 2 thước (4.8m) ngang với cồn cát, gọi là đá Bàn Than. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), sai thuyền chở gạch đá đến đấy xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau.” (ÐNNTC 2, Tỉnh Quảng Ngãi, Viện Sử Học, tr.422-423).
Hai quần đảo này được ghi rõ trên Ðại Nam nhất thống toàn đồ, vẽ năm 1834, triều Minh Mạng, dưới hai tên Hoàng Sa (số 1 trên bản đồ) và Vạn Lý Trường Sa (số 2 trên bản đồ).
*Xin lưu ý rằng bản đồ xưa của Việt Nam chỉ vẽ với tính cách minh họa, gợi ý, chứ không vẽ theo sự đo đạc chính xác với tỷ lệ rõ ràng như kỹ thuật đồ họa phương Tây.
 
Ðại Nam nhất thống toàn đồ đời Minh Mạng (1834) có ghi vị trí Hoàng Sa (số 1) và Trường Sa (số 2). 
(Các số 1, 2 là do người viết đánh dấu)
 
 1. Hoàng Sa
 
Quần đảo Hoàng Sa, Tây phương gọi là Paracel Islands, gồm 16 đảo chính, nằm trên Biển Ðông, cách Ðà Nẵng về phía Ðông 170 hải lý (khoảng 300km).
Giới đi biển Việt Nam thì đặt tên một cách đơn giản, ví dụ đảo Cát Vàng, đảo Cây nhưng khi đi vào sách vở thì đổi thành Hoàng Sa, Cù Mộc... Giới địa lý hàng hải Tây phương gọi bằng tên riêng của họ và chia quần đảo Hoàng Sa làm hai nhóm:
-Nhóm Tuyên Ðức (Amphitrite Group) gồm có một số bãi ngầm và 9 đảo chính là: đảo Cây (Tree Island), đảo Bắc (North Island), đảo Giữa hay đảo Trung (Middle Island), đảo Nam (South Island), đảo Linh Côn (Lincoln Island), đảo Phú Lâm (Woody Island), Cồn Cát Tây (West Sand), Cồn Cát Nam (South Sand), đảo Ðá hay hòn Tháp (Rocky Island).
-Nhóm Nguyệt Thiềm (Croissant Group) cũng gồm có một số bãi ngầm và có 7 đảo chính, là: đảo Cam Tuyền (Robert Island), đảo Hoàng Sa (Pattle Island), đảo Duy Mộng (Drummond Island), đảo Quang Hòa (Duncan Island), đảo Vĩnh Lạc (Money Island), đảo Bách Quy (Passa Keah Island), đảo Tri Tôn (Triton Island).
Cho đến tháng 3 năm 1938, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 10 tháng 3, 1938, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Năm 1938, với tư cách là nước bảo hộ Việt Nam, Pháp cho dựng chủ quyền, lập hải đăng, đặt trạm quan trắc khí tượng và quân trú phòng trên quần đảo Hoàng Sa (đảo Pattle Island). Trong Ðệ II Thế Chiến, Nhật chiếm đóng Hoàng Sa (1939-1945) để kiểm soát lưu thông trên Biển Ðông. Ngày 7 tháng 1, 1947, quân đội Trung Hoa Dân Quốc chiếm đảo Phú Lâm từ tay quân Nhật. Năm 1949, đảo Phú Lâm mất về tay Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.
-Tại Hội nghị Cựu Kim Sơn để ký Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951 (San Francisco Peace Treaty 1951), Thủ Tướng Trần Văn Hữu của Quốc Gia Việt Nam tuyên bố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp một phản đối nào từ các nước tham dự.
-Ngày 14 tháng 9, 1958, Phạm Văn Ðồng, thủ tướng Cộng Sản Việt Nam, ký công hàm công nhận hải phận 12 hải lý do Trung Quốc qui định. Với sự công nhận này, Phạm Văn Ðồng đã giao trọn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
-Ngày 13 tháng 7, 1961, thời Ðệ I Cộng Hòa (Nam Việt Nam), Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ban hành sắc lệnh sáp nhập Hoàng Sa vào xã Ðịnh Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Từ đó, Quảng Nam chịu trách nhiệm phái quân đồn trú thường trực trên đảo.
-Thời Ðệ Nhị Cộng Hòa (Nam Việt Nam), sắc lệnh ngày 21 tháng 6, 1969 sáp nhập xã Ðịnh Hải vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
-Ngày 19 tháng 1, 1974, sau một trận hải chiến ác liệt trên biển Ðông giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) và Hải Quân Trung Quốc, nước này đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa. Mặc dầu vậy, Việt Nam Cộng Hòa vẫn khẳng định chủ quyền trên cả hai quần đảo.
 
Hình phóng lớn vị trí của Hoàng Sa (1) và Vạn Lý Trường Sa (2) trên Ðại Nam Nhất Thống Toàn Ðồ, 1834, đời Minh Mạng.
 
2. Trường Sa
 
Tên chánh thức trong sử sách là Vạn Lý Trường Sa, như thấy ghi rõ bằng chữ nho trên Ðại Nam nhất thống toàn đồ vẽ năm 1834 (xem bản đồ). Quần đảo này nằm về phía Ðông-Nam Hoàng Sa, Tây phương gọi là Spratly Islands, gồm hơn 100 đảo lớn nhỏ. Con số 130 đảo mà Ðại Nam nhất thống chí đề cập là cộng số đảo của cả hai quần đảo. Hiện có 6 nước trong vùng chiếm hữu số đảo này, là Việt Nam, Trung Quốc, Ðài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei, trong đó Việt Nam làm chủ một số bãi đá chìm, bãi ngầm và 7 đảo, là: đảo An Bang (Amboyna Island), đảo Bãi Thuyền Chài (Barque Canada Reef), đảo Trường Sa Ðông (Central London Reef), đảo Sinh Tồn (Sin Lowe Island), đảo Sinh Tồn Ðông (Sin Cowe East Island), đảo Nam Yết (Nam Yit Island), đảo Song Tử Tây (Southwest Cay), đảo Trường Sa (Spratlly Island).
Năm 1933, chính quyền Ðông Dương sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1973, Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy. Từ 1982, Trường Sa là một huyện thuộc tỉnh Phú Khánh, rồi nhập vào tỉnh Khánh Hòa năm 1989. Quần đảo Trường Sa hiện là điểm nóng tranh chấp quyền sở hữu giữa 6 nước kể trên.
(Trong Từ Ðiển Nhà Nguyễn của Võ Hương-An, Nam Việt xuất bản, 2012 - PO Box 14982 - Irvine, CA 92623)

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-20/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link