Saturday, January 26, 2013

NGƯỜI VIỆT DỄ TÍNH


NGƯỜI VIỆT DỄ TÍNH

________________________________________________________________________________________________

Nguyễn Khắp Nơi


Năm ngoái, sau khi đi Canada làm đám tang cho mợ tôi, về nhà, sẵn mùa Giáng Sinh và Tết Dương Lịch gần kề, vợ chồng tôi tự cho phép mình nghỉ hè sớm ở nhà nghỉ ngơi và . . . làm vườn.

Mỗi sáng, hai vợ chồng ngồi ghế ngoài vườn nhẩn nha ăn sáng uống cà phê nhìn chim bay cá lội gió thổi mây bay và nhớ lại những chuyện xưa cũ . . .

Mợ tôi là người cuối cùng của thế hệ trước còn lại trong giòng họ. Cậu tôi và các bác, các chú các cô dì của tôi đã đi về miền cực lạc từ lâu lắm rồi, nay mợ tôi cũng đã lại ra đi, đem theo tất cả những cái gì còn lại của một gia đình xum họp.

Nhớ lại ngày cậu tôi mất, anh em nhà tôi tụ họp khóc lóc như là cha chết, nhưng đến tối, chúng tôi ngồi lại với nhau nhắc lại chuyện xưa rồi . . . cùng cười với nhau. Mợ tôi bực mình đã phải mắng chúng tôi:

"Bố chúng mày mất mà chúng mày ngồi nói chuyện cười đùa cứ như ngày hội ấy! Con cái gì mà . . . bất hiếu thế!

Em Cường tôi lỡ trớn cười, phải cười cho hết rồi mới nói với mợ tôi:

"Mợ ơi . . . cậu mất đi là do tuổi đời, cậu đi mà không nuối tiếc gì cả, thì đó là . . . Hồng Tang đấy mợ ạ. Do đó, chúng con hãnh diện vì cậu, ngoài việc cậu đã mất, mình còn vui vì đã làm tròn những gì mình đã phải làm, phải không mợ . . ."

Sau đám tang mợ tôi, các anh chị em tôi lại được dịp ngồi lại với nhau ăn uống nói chuyện trước khi ai về nhà nấy, xứ nấy.

Đang vui vẻ thì chị Oanh, chị cả của chúng tôi, chợt buồn buồn nhìn đám em cháu mà nói:

"Mợ chết rồi, mai mốt đây, không biết anh em con cháu nhà mình có còn dịp nào để gặp nhau đông đủ như thế này nữa không nhỉ?"

Chúng tôi nghe như vậy, cũng tự động ngưng cười ngồi nhìn nhau . . .

Chú Ninh, chú út nhà tôi nhìn hai đứa con đang cười đùa với những đứa khác, nói liền:

"Vợ chồng con cái nhà em, cứ mỗi kỳ tụi nhỏ nghỉ hè là lại khăn gói chất nhau lên xe chạy . . . mười hai tiếng từ Virginia tới Montreal thăm bà nội cho tới gần hết kỳ nghỉ mới về . . . Quen rồi, chắc chúng em cũng cứ thế mà qua Montreal cúng viếng bà nội và thăm các anh chị, luôn tiện cho tụi nhỏ chơi với nhau . . ."

Anh Hiệp tôi trầm ngâm nhìn đám con cháu, tiếp lời:
"Còn mợ thì đứa con nào cũng vì tình thương, vì sự xum họp gia đình mà ráng dàn xếp mọi việc để về thăm mợ. Nay mợ mất đi rồi, ý nghĩa gia đình xum họp đôi khi phải nhường lại cho những nhu cầu cần thiết khác. Nhất là đứa nào cũng còn phải làm việc, con cái chúng nó lớn rồi, cũng chẳng muốn đi theo cha mẹ, nhất là các anh em ở xa lại còn ngại ngùng nhiều hơn . . . Mình ráng mà dàn xếp để anh em và đám con cháu chúng mình còn dịp mà gặp nhau . . . Nếu không thì chúng nó chẳng còn dịp nào mà gặp nhau nữa . . . Nhưng mà . . .dù sao đi nữa, chúng ta vẫn còn có những kỷ niệm đẹp với nhau . . ."


Ngồi suy nghĩ chuyện đời đã đời rồi tôi mới thay quần áo làm vườn vác cuốc xẻng mang cưa ra vườn cưa cây này đào cây nọ cho dãn gân cốt. Tôi không xem báo, không vào internet mà cũng chẳng đi đâu gặp ai cả.

Nhưng tôi chỉ được có mấy ngày yên ổn mà thôi, tới ngày Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, đám bạn bè và con cháu ào ào từ tứ phương đổ về: Đứa thì ở mãi Queensland, đứa thì chỉ ở cách xa vài chục cây số thôi, nhưng vì bận đi làm, nên cũng coi như từ xa về. Đứa thì bầy làm cái này, đứa thì đòi làm cái khác . . . vợ tôi cũng phải lo đi làm gà tây, ướp thịt muối . . . cả nhà nhộn nhịp hẳn lên.

Đám con cháu của chúng tôi, ngoài một số nhỏ thuộc thế hệ . . . một rưỡi (đã học trung học ở Việt Nam, rành tiếng Việt và lịch sử Việt) còn lại thì đa số đều thuộc thế hệ thứ hai, tức là thế hệ . . . nửa nạc nửa mỡ, thế hệ sinh ra sau 1975, đứa sinh ở Việt Nam, đứa sinh ở Úc. Có đứa biết rành tiếng Việt, có đứa biết vài câu xã giao, có đứa biết chút ít về lịch sử Việt Nam, có đứa chỉ biết con Kangaroo mà thôi . . .

Chỉ cần khác thế hệ với nhau một chút thôi, nhưng tầm hiểu biết của tụi nó về quê hương dân tộc, về con người Việt Nam của bọn nó đôi khi khác nhau nhiều lắm.

Có một đứa thuộc thế hệ thứ hai, đến khoe với tôi:

"Bác biết không, đám bạn bè của con chúng nó đọc sách, nói rằng, có rất nhiều người ngoại quốc, khi nhận xét về cá tính của người Việt Nam, đã cho rằng, người Việt Nam mình là những người thông minh, chịu khó làm việc, cần cù, xiêng năng và . . . dễ tính . . ."

Tôi khen đứa cháu giỏi, biết đọc sách.

Vài ngày sau, lại có một cháu đem laptop đến chơi, cháu mở máy ra, chỉ vào một bài viết trên internet mà hỏi tôi:

"Chú ơi, con thấy có một bài viết về người Việt Nam, từ năm 1913, nói rằng "Người Việt Nam, gì cũng cười . . ." Như vậy thì . . . theo chú, người Việt Nam mình . . . dể dãi hay là . . . khó chịu . . . ?"

Tôi theo ngón tay chỉ, nhìn vào màn ảnh, đọc được như sau:

“GÌ CŨNG CƯỜI"


Nguyễn Văn Vĩnh

Bài này của Học Giả Nguyễn Văn Vĩnh viết, đã đăng trong “Đông Đương Tạp Chí” vào năm 1913, mà tôi xin trích một đoạn ngắn, như sau:

"An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì . . .

. . . Thực không có tức gì bằng cái tức phải đối đáp với những kẻ nghe mình nói chỉ lấy tiếng cười hì hì mà đáp. Phản đối không tức, kẻ bịt tai chẳng thèm nghe cũng không tức đến thế...”

Bài này, tôi đã học thuộc lòng từ hồi còn bé, tới khi lớn lên cũng đã đôi lần làm bài Luân Lý, nhưng mà bây giờ đã . . . quên hết những lời giải thích cũ rồi, đành phải làm bộ uống nước mà nghĩ cách giải thích . . . gì cũng đúng cho đứa cháu ham học hỏi của tôi:

"Theo chú, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã nhận xét rằng, người Việt Nam mình, mặc dù . . . cái gì cũng cười, nhưng cái cười đó đôi khi thể hiện bản tính hiền hòa, dễ tính mà cũng đôi khi cái cười đó xem ra đã tỏ bầy rất nhiều lý lẽ, làm cho cái cười đó có vẻ châm biếm, dễ gây mất lòng người khác."

Đương nhiên, cách giải thích của tôi như vậy đã làm cho đứa cháu tôi không những không hiểu mà còn có thêm phần thắc mắc:

"Vậy thì cá tính của người Việt chúng ta ra làm sao? Dễ hay là khó?"

Tôi lại trả lời nước đôi:

“Có người dễ tính và cũng có người khó tính . . .”.

Vì chỉ lo nghỉ ngơi, tôi không vào internet nên không biết tình hình trên các diễn đàn ra sao. Nhưng bạn bè thấy tôi im lặng vô tuyến, liền gọi điện thoại hỏi thăm:
“Anh có biết tin gì hay chưa?”


“Tin gì?”

“Thì tên Huy Đức đó!”

“Huy Đức nào? Ai mà biết!

“Thì hắn vừa mới xuất bản cuốn sách tên là “Bên Thắng Cuộc” gì đó, anh có mua chưa? Có đọc cuốn sách của hắn chưa?”

“À! Huy Đức . . . tên Việt Cộng con đó phải không? Hắn ta xuất bản sách, ghi rõ ràng là “Bên Thắng Cuộc” hả? Nếu vậy cuốn sách đó chỉ để đánh bóng cho phe của hắn ta thôi. Vậy thì tôi mua làm chi? Đọc làm chi? Anh . . . có mua rồi hả? Anh cũng có đọc rồi hả?”

“Không. Tôi . . . chưa mua, nên . . . chưa có đọc. Nhưng một số người quen của tôi, trong đó có cả những chiến hữu của tôi nữa, họ đã mua, đã đọc và giới thiệu với tôi: “Đó là cuốn sách của một nhà báo Việt Cộng dám nói sự thật về cuộc chiến Việt Nam”

Hắn chỉ thòng có vài câu “Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà” thế là phe ta có người tưởng bở là hắn viết ra sự thật, rủ nhau đi mua về đọc, lại còn khen ngợi hắn, thậm chí còn viết lên trên diễn đàn thảo luận với nhau, rủ nhau mua sách của tên Việt Cộng con này để đọc nữa. Sao mà cho đến bây giờ, đã mất nước rồi, lại vẫn còn có nhưng người Việt Nam . . . thơ ngây . . . không hiểu Việt Cộng là gì hết vậy? Anh biết không . . . không những chỉ những chiến hữu của mình, mà ngay cả những người trí thức, những giáo sư đại học cũng còn ngây thơ, đã cho rằng:

"Bên Thắng Cuộc của Huy Đức là quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975 mà tôi được biết, kể cả những công trình bằng ngoại ngữ của các học giả nước ngoài.” – Trần H D, Đại học Wright, Ohio, USA
“Bên Thắng Cuộc là tác phẩm ‘thực’ nhất, cho đến thời điểm này, ghi lại một giai đoạn lịch sử khốc liệt, thông qua tư liệu, của dân tộc từ biến cố 1975 đến nay.” – Đinh Q A T, Nhật báo Người Việt, California, USA
“Cuốn sách phân tích tình hình Việt Nam từ năm 1975 - của một nhà báo sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản - một cách chuyên nghiệp và công bằng hiếm có. Nó là một kho tàng dữ liệu quý báu, có thể làm ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên qua.” – Nguyễn M H, Đại học George Mason, Virginia, USA

Ý kíên của anh về những người được gọi là “Việt Nam” này ra sao?

Tôi đã trấn an anh:

“Đừng lo, đó chỉ là một số người chưa hiểu gì về Việt cộng, chưa hiểu gì về Cộng sản mà thôi. Còn thiếu gì những Người Việt Chân Chính khác, còn thiếu gì những chiến hữu khác của chúng ta, không đồng ý với quan điểm của những người như trên, họ có đọc sách của Huy Đức và đã nhận xét cuốn sách của hắn chỉ nhắc lại những gì mà chúng ta đã biết, đã trải qua mà thôi. Không những thế, cuốn sách này đã che đậy sự thật, đã nói láo về những điều xẩy ra và nhất là đã hạ nhục người Lính Việt Nam Cộng Hoà của chúng ta. Điển hình là Huy Đức đã phỏng vấn trích dẫn hoàn toàn sai sự thật về Thiếu Tá Thuỷ Quân Lục Chiến Lê Quang Liễn. Thiếu tá Liễn nghe người ta nói là cuốn sách của Huy Đức có nói về mình, ông đã phải mua để đọc, sau đó đã viết thư phản đối gởi tới y và đòi y phải xin lỗi và viết lại cho đúng. Tôi xin trích lại phần sau đây từ website

http://tudo4vn.wordpress.com Tiếng Nói Việt Nam:

“Tudo4VN: Bên thắng cuộc, Tác giả viết sách có nhiều đoạn không chính xác. Thiếu Tá Lê Quang Liễn phản đối phần nội dung sách Bên Thắng Cuộc nói về Ông — Tác giả Huy Đức xin lỗi – Yêu cầu của Thiếu Tá Liễn đối với Tác giả Huy Đức.

Date: Thursday, December 20, 2012, 8:52 AM

PHỔ-BIẾN TỔNG-QUÁT

(Và trong BCC có 150 địa chỉ)

Do sự ủy-thác của cựu Th/T Lê-quang-Liễn danh hiệu Long-Hồ, trân trọng chuyển tiếp tới quý Huynh-Đệ, và quý vi để đọc và xin nhờ tiếp tay phổ biến … lời xác nhận và xin lỗi của ông Huy-Đức, tác giả cuốn sách “Bên Thắng cuộc” về vài vấn đề sau đây:

- Vài chi tiết trong sách dựa theo sự NGỤY-TẠO của cựu dân biểu Phan-xuân-Huy.

- Ông Huy Đức hứa sẽ chấn chỉnh sự sai sót này trong lần “tái bản” sắp tới.

- Ngoài ra ông Liễn cũng yêu cầu ông Huy-Đức hãy gửi những lời xin lỗi trên Facebook tới những cơ sở truyền thông đã giúp quảng bá cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” như RFA, Nhật báoNgười Việt và ông gs Trần Hữu Dũng

DNguyen

*****

Thư của ông LÊ-QUANG-LIỄN gửi ông HUY-ĐỨC tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc”


Thưa tác giả Huy Đức,
Được nghe, đọc nhiều quảng cáo trên internet về tác phẩm Bên Thắng Cuộc của ông. Cho nên tôi cũng tò mò tìm đọc cho biết.
Trong Chương II, tiểu mục Ngụy Quân trang 52, tình cờ tôi đọc những điều người vợ cũ của tôi (theo sách là gia đình “Cách mạng”) và được Phan Xuân Huy phỏng vấn (?), viết về chuyến đi thăm tôi ở trại tù tháng 9 năm 1975 và được đăng tải trên báo Tia Sáng năm 1975. Tôi rất ngạc nhiên và ghê tởm, sau gần 40 năm mới hay, về những điều mà nhà báo PXHuy đã viết ra và gán ghép cho kẻ vắng mặt vì những lý lẽ sau đây:
***trại tù như một trại Hè ***ca tụng về cuộc sống lành mạnh ở Trại tù ***…”đã bị tên tướng ngụy Bùi Thế Lân bỏ kẹt tại cửa Thuận An và đã cùng toàn bộ binh lính trong Tiểu đoàn 7 đầu hàng quân đội giải phóng…”
Thật ra toàn bộ anh em TQLC đã bị bắt, nếu anh em chúng tôi ra hàng thì đã được hưởng qui chế đãi ngộ hàng binh như Phạm Văn Đính và một số đồng bọn thuộc Trung Đoàn 56. Vả lại, đơn vị chúng tôi lúc đó thuộc quyền của Bộ Tư Lịnh Tiền Phương Quân Đoàn I. Ở đây, vị Tư lịnh TQLC không có trách nhiệm nào hết. Người chịu trách nhiệm là Trung Tướng Lâm Quang Thi mới đúng nghĩa hơn.Khi viết toàn bộ ra hàng là điều cố tình hạ nhục anh em chúng tôi khi thất thế!!
Nếu ông Huy Đức biết rõ thêm về tôi là người tù cuối cùng của Lữ Đoàn 147 TQLC ra khỏi trại tù ngày 12 tháng 2 năm 1988 sau gần 13 năm tù ngục với 4 năm 7 tháng 24 ngày bị “kiên giam” còng tay, chân, bị đánh gảy xương sườn vì những chống đối tập thể trong Trại tù Bình Điền, Thừa Thiên. Thì phần trích dẫn từ bài viết của tên nhà báo PXHuy là thiếu trách nhiệm.
Tôi biết PXHuy là thành phần đối lập cơ hội với chế độ VNCH trước năm 1975 mà tôi tận trung phục vụ. Có lẽ trong những ngày tháng đầu sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Phan Xuân Huy-cũng như một số người nhẹ dạ – vì muốn tìm chỗ đứng an toàn trong lòng chế độ mới bằng những bài viết, những câu nói, với những nhận thức “sâu sắc của mình” về cái hay, cái đẹp của chế độ XHCN.
Một nhà báo chân chính phải viết cho sự thật, vì lương tâm thì đừng bao giờ gán, chụp cho những người vắng mặt những gì vì lợi ích cho bản thân, phe nhóm.
Tôi gửi đến tác giả Huy Đức những nhận xét của tôi về phần trích dẫn trong sách và mong được hoàn chỉnh sự chính xác cũng như trách nhiệm của người viết.
Trân trọng, Lê Quang Liễn

Tóm lại, cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” chỉ là cuốn sách của một tên Việt Cộng con không hề có mặt trong cuộc chiến. Vì không có mặt trong cuộc chiến, nên những điều hắn viết ra đều là trích dẫn từ những nguồn tin thất thiệt, không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ Việt Nam Cộng Hoà và người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà mà thôi. Chúng ta không nên đọc cuốn sách này.

Anh bạn tôi vẫn còn hậm hực:

“Người Việt Nam mình . . . có người dễ tính, dễ quên, nhẹ dạ quá!”

Vài ngày sau, lại có một người bạn khác của tôi đến chơi. Khi nghe tôi nói là gần đây tôi không đọc báo Việt Ngữ ở Úc (đa số các báo, kể cả Việt Luận cũng đóng cửa nghỉ hè, đâu có báo đâu mà đọc?) và cũng không vào internet, anh cũng lại hỏi tôi:

“Chắc anh chưa biết vụ Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Cộng Đồng Người Việt Liên Bang Úc có lời qua tiếng lại với MC Nam Lộc hả?”

“Có chuyện đó nữa sao? Hai ông đó nói với nhau những gì? Có . . . nổ lớn hay không?”

Cắt nghĩa nhiều tôi sẽ càng phân tâm, anh bạn đã tóm tắt mọi chuyện cho tôi nghe như sau:

“Thực sự thì hai ông chỉ gởi emails qua lại với nhau mà thôi, nhưng sở dĩ vấn đề này được đưa lên báo là vì ông Nam Lộc đã đưa email của mình gởi cho Bác Sĩ Tiến cho báo Văn Nghệ để làm tin đăng báo, nên Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến - cựu Chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Liên bang Úc châu và đương kim Phó Chủ tịch Ngoại Vụ của Cộng Ðồng Người Việt Tự Do của Tiểu bang New South Wales – mới chẳng đặng đừng mà đưa thơ của mình trả lời Nam Lộc . . . đăng báo luôn.

Bác Sĩ Tiến cho rằng, Cộng Sản Việt Nam chủ trương đưa nghệ sĩ từ Việt Nam ra hải ngoại trình diễn nhằm đến nhiều mục đích:

· Tạo xáo trộn và gây chia rẽ trong nội bộ các CĐ người Việt hải ngoại,

· Làm suy yếu hiệu năng của các Ban Chấp Hành CĐ người Việt hải ngoại,

· Tập cho CĐ hải ngoại quen dần, đi đến chỗ chấp nhận chuyện các nghệ sĩ từ VN sang trình diễn là chuyện bình thường, thoạt đầu chỉ là một hai ca sĩ pha trộn với các nghệ sĩ hải ngoại, từ từ tăng dần con số ca sĩ và số lượng show, cho đến lúc đưa cả đoàn như Duyên Dáng VN sang thì hy vọng không còn chống đối nữa.

Ông cũng nhìn nhận là thời gian sau này có một số show có ca nghệ sĩ từ Việt nam sang hát mà không thấy Cộng đồng tổ chức biểu tình chống đối. Lý do đơn giản là Cộng đồng không biết, vì chẳng có ai báo cho biết và nhờ các thành viên trong cộng đồng làm tai mắt, báo cho biết những chương trình ca nhạc này để ban chấp hành Cộng Đồng có thể tổ chức biểu tình.

Cuối cùng thì Bác Sĩ Tiến . . . hy vọng là từ nay đừng dính dự vào những show có mặt các ca nghệ sĩ từ VN sang diễn tại Úc Châu nữa và mong Nam Lộc vẫn đứng cùng chiến tuyến trong công việc bảo vệ cộng đồng hải ngoại chống lại những âm mưu xâm nhập văn hóa của chế độ CSVN.”

“MC Nam Lộc có trả lời gì không?”

“Có chứ! Ông Nam Lộc nói rằng, ông không hề đưa emails nhờ báo Văn Nghệ đăng, đó là tự ý báo này đăng lên mà thôi (vì báo này ở cùng trong nhóm emails liên lạc qua lại). Ông cũng đã biết những đòn phép của Cộng Sản trong việc đưa ca sĩ Việt Nam ra ngoại quốc trình diễn, và ông luôn luôn đứng chung vai sát cánh với ban chấp hành Cộng Đồng ở khắp mọi nơi chống lại Việt Cộng và đòi hỏi nhân quyền cho người dân còn ở Việt Nam.”

“Nếu vậy, đó là một kết cuộc . . . có hậu, cả hai đều nhận ra là họ . . . đều là phe ta và vẫn cùng đứng chung chiến tuyến?”

“Đúng vậy! Nhưng vẫn có những điều nên nói mà lại không thấy ai nêu ra. Và cũng có những điều không nên nói mà có người lại nói ra.”

Còn chuyện gì nữa vậy?

“Đầu giây mối nhợ của việc đưa ca sĩ từ Việt Nam qua đây trình diễn là từ các bầu show, vậy mà lời qua tiếng lại, chẳng thấy ai đá động gì tới họ cả. MC Nam Lộc dù trong bất cứ trường hợp nào, cũng chỉ là một nghệ sĩ được trả lương để làm công việc giới thiệu các ca sĩ hát mà thôi, quyền quyết định vẫn là từ các chủ show. Nếu chúng ta nói Nam Lộc có phần trách nhiệm, thì bầu show phải gánh trách nhiệm nhiều hơn nữa, phải đáng bị chê trách nhiều hơn nữa. Phải đưa họ lên bàn mổ, phải chỉ trích họ thật nặng nề, phải cổ động mọi người không đi xem bất cứ chương trình nào có ca sĩ Việt Nam qua, thì việc biểu tình của cộng đồng chúng ta mới thành công được.

Vẫn còn một số người Việt đã quá . . . thật thà, quá dễ tính. Những người này cho rằng, các ca sĩ từ Việt Nam qua là vô hại, họ chỉ hát những bài hát trung dung, không hề hát những bài hát của . . . Việt Cộng. Họ chỉ là những ca sĩ trình diễn để . . . kiếm sống mà thôi.

Tôi không đồng ý với quan niệm này của họ. Hãy nhìn lại Việt Khang, anh ta cũng là một ca sĩ, một nhạc sĩ, nhưng mà chỉ vì anh ta sáng tác và trình bầy những bản nhạc mà bọn chính quyền Cộng sản không chấp nhận, nên chúng bỏ tù anh. Vậy thì, những ca sĩ khác, muốn được sống, muốn được chấp nhận cho ra ngoại quốc hát, chắc chắn là phải nghe theo, phải tuân theo đường lối của “Nghị Quyết 36” rồi.

Còn nếu cho rằng các ca sĩ này chỉ hát những bài hát tình cảm nhẹ nhàng, thì họ quá ngây thơ: Không lẽ những ca sĩ này qua đây hát những bài hát của Việt cộng cho chúng ta nghe? Tuyên truyền mà! Lúc đầu thì nhẹ nhàng như vậy đó, đẹp đẽ như vậy đó. Nhưng đến khi người Việt hải ngoại quen dần với các ca sĩ này, lúc đó cái móng vuốt Cộng sản mới được tung ra: Ca sĩ Việt Nam chiếm độc quyền thị trường, và chỉ những bài hát ca ngợi đảng, ca ngợi chủ nghĩa Cộng sản mới được hát mà thôi. Lúc đó thì quá trễ để mà phản đối. Hiện nay, hàng hoá do Trung cộng sản xuất tràn lan trên khắp nước Úc, có hãng nào còn dám cạnh tranh sản xuất với họ không?

Các ca sĩ Việt Nam ra ngoại quốc, không phải vì họ quá nghèo đói, cần hát hò để kiếm sống qua ngày đâu. Họ còn giầu có hơn bạn nữa đó. Mỗi lần trình diễn là họ tính tiền thù lao từ $7,000 tới $10,000 lận đó, kèm theo vé máy bay first class, hotel first class nữa đó, chứ họ không nghèo như những người Việt Nam nhẹ dạ này tưởng đâu.

Điều đáng nói hơn nữa là những ca sĩ từ hải ngoại trở về hát ở Việt Nam. Những ca sĩ này đã sống nhờ vào lòng yêu mến và hỗ trợ của người Việt Tỵ Nạn chúng ta, nay chỉ vì đồng tiền mà họ quay đầu trở về cầu xin Việt cộng cho hát kiếm chút tiền sinh sống. Đám ca sĩ này có phần nguy hiểm hơn, vì để được cho về hát, bọn này luôn luôn phải tuyên bố những lời nói tang bốc bọn Cộng sản và chống lại cộng đồng hải ngoại. Chúng ta hãy vạch mặt chỉ tên bọn này ra, và đừng bao giờ hỗ trở, đi xem, đi nghe bọn ca sĩ trở cờ này trình diễn nữa.

Cuối cùng, tôi rất buồn mà nói rằng, có một số người Việt đã sống trong cộng đồng từ lâu, đã biết cơ cấu tổ chức của các Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do ở khắp mọi Tiểu Bang, mọi quốc gia có người Việt sinh sống. Đó là những ban chấp hành do toàn thể người dân Việt ở nơi đó bầu lên. Thậm chí chính những người này đã đi bầu phiếu cho các ban chấp hành này nữa. Nay chỉ vì tự ái cá nhân, vì muốn nghe vài ca sĩ Việt Nam hát, mà đã muối mặt tuyên bố:
“Cộng đồng cũng chỉ là một hội đoàn nhỏ hẹp, làm sao có thể đại diện cho mọi người mà áp đặt chuyện chống đối, chuyện biểu tình cho tất cả mọi người Việt được?”

Họ quên rằng, ban chấp hành Cộng Đồng là do mọi người dân Việt bầu ra, nếu họ không muốn hoặc không chấp nhận ban chấp hành này, chỉ còn một cách duy nhất là họ cũng ra ứng cử để trở thành ban chấp hành Cộng Đồng mà thôi. Chính phủ Úc cũng chỉ là một nhóm người thôi, nhưng họ được mọi người dân Úc bầu ra, không ai có thể nói chính quyền này chỉ có vài người mà muốn áp đặt việc này việc nọ lên tất cả người dân Úc.

Nói tới đây, tôi đành cùng với anh bạn mà nói với nhau:

Người Việt Nam mình . . . dễ tính quá, dễ dãi quá, cả tin quá.

Người Việt Nam mình, miệng nói là chống cộng, nhưng hễ bọn Việt cộng đua ra cái gì hơi có vẻ theo ý mình, thì vội vàng cho là hay, là đẹp, nhắm mắt làm theo, nghe theo.

Đương nhiên, đó chỉ là một số người thôi. Còn đa số người Việt Nam còn lại, đều biết suy nghi, biết phải trái, biết nhường nhịn nhau, và biết tôn trọng Cộng Đồng.

NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI . . . LÀ THẾ ĐẤY.

NGUYỄN KHẮP NƠI.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official26/3/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link