Wednesday, January 23, 2013

Nguy Cơ Chiến Tranh Trung-Nhựt


 

Nguy Cơ Chiến Tranh Trung-Nhựt

(01/19/2013)

Tác giả : Vi Anh

Ngày 15/1/2013 tại Hồng Kông Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trả lời báo chí, tuyên bố "Chúng tôi có những biện pháp ứng phó sẵn sàng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế". Sau đó Thiếu tướng Bành Quang Khiêm của Trung Cộng từ Trung Quốc đáp trả “Chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn thì có nghĩa là Tokyo đã khai chiến. Trung Quốc sẽ không chờ đến phát đạn thứ hai mà lập tức phản công".

Tình hình giữa Trung Cộng và Nhựt Bổn căng thẳng thấy mà lo. Phi cơ, tàu chiến hai bên gườm nhau trên vùng trời, vùng biển của đảo tranh chấp, Nhựt cho đảo Senkaku là của Nhựt và TC cho đảo Điếu Ngư là của Trung Cộng. Tình hình căng thẳng ở đảo tranh chấp đã lôi cả đến chánh quyền, quân đội và nhân dân của hai nước. Hai bên đều chuẩn bị chiến tranh. Hai bên đều đặt quân đội trong thế sẵn sàng chiến đấu, không biết chiến tranh giữa Trung Cộng và Nhật Bổn xảy ra hồi nào. Nguy cơ xảy ra chiến tranh Trung-Nhựt rất lớn.

Chiến tranh nào cũng có nguyên nhân xa và nguyên nhân gần, liên quan đến quốc gia đại sự. Nhưng sự bùng nổ của chiến tranh nhiều khi chỉ vì một bất trắc nhỏ không ai dè. Có thể xảy ra chiến tranh chỉ vì một hành động không kiểm soát được của cá nhân một chiến binh ngoài biên cương hay của một nhà ngoại giao thậm chí của một công dân của nước này đang ở nước kia khiến nhân dân, chánh quyền,và quân đội cảm thấy bị nhục quốc thể; thế là chiến tranh bùng nổ - nhứt là trong thời đại tin học tin tức đi nhanh như ánh sáng. Huống hồ tình hình chung của hai chánh quyền và quân đội của Trung Cộng và của Nhựt đang căng thẳng như dây đờn như đã thấy. Và tình hình chung của hai dân tộc, của dân chúng Trung Quốc và Nhựt Bổn cũng hết sức căng thẳng. TC đang có cả một chiến dịch bài Nhựt, đang khơi động, khuấy động tiền cừu hậu hận của người Trung Hoa đối với Nhựt như xúi giục hàng chục ngàn dân biểu tình bài Nhựt, liệng đá vào xe đại sứ Nhựt, tẩy chay xe hơi Nhựt, lên án người Nhựt tàn sát dân Trung Hoa và hãm hiếp phụ nữ Trung Hoa ở Nam Kinh. Nói tóm lại tình hình căng thẳng dẫn đến chiến tranh không phải chỉ có trong hàng ngũ chánh quyền, quân đội mà đã lan toả ra dân chúng ngoài xã hội Nhựt và TC. Chỉ cần một bất trắc nhỏ, một hành động không kiểm soát được nào đó giữa một vài cá nhân của hai bên thì sẽ thành đốm lửa nổ thùng thuốc súng.

Dẫn chứng nguy cơ chiến tranh Trung Cộng-Nhựt Bổn qua thời sự và sự kiện nóng bỏng, ngày càng nhiều, càng lớn và càng căng thẳng. Theo thứ tự abc, Nhựt trước, Trung Cộng sau. Về phía Nhựt Bổn, cuộc bầu cử của Nhựt vừa rồi có thể coi như một trưng cầu dân ý. Dân chúng Nhựt muốn có một chánh phủ mạnh dạn, cứng rắn, quyết tâm giữ gìn bờ cõi, đối phó với một TC trổi dậy đang bành trướng ngang ngược lấn chiếm biển đảo của Nhựt. Ông Shinzo Abe, một nhân vật nổi tiếng có chính sách ngoại giao cứng rắn, tinh thần dân tộc cao được Hạ Viện với đảng đối lập Dân chủ Tự do (LDP) được dân chúng Nhựt dồn phiếu cho, chiếm đa số áp đảo, chọn thành lập chánh phủ. Ông tăng ngân sách quốc phòng, mua thêm trang bị vũ khí và phương tiện hải chiến, lịnh cho lực lượng tuần duyên lập chiến đoàn đặc nhiệm bảo vệ đảo. Ông củng cố ngoại giao và an ninh với các nước bị TC lấn chiếm biển đảo như VN, Phi. Chuyến công du đầu tiên nhiệm kỳ thủ tướng này Ông dành cho Đông Nam Á là vùng TC đang “quậy” đục nước.

Còn quân đội Nhựt thì điều động thêm tàu tuần tra để tăng cường bảo vệ quần đảo Senkaku. Huấn luyện và thực tập chiến thuật mới qua cuộc tập trận đầu tiên tái chiếm lại đảo «do địch quân chiếm giữ». Chiến thuật mới này nhằm tạo thế sẵn sàng cho quân đội quan trọng đến đổi chính Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhựt Itsumori Onodera đích thân đến bãi tập chiến thuật của trường võ bị quốc gia Narashimo toạ lạc ở tỉnh Chiba nằm ở bên ngoài Tokyo để thị sát. Cuộc tập trận này huy động đến 300 quân nhân nhảy dù và khoảng 20 phi cơ và trực thăng chiến đấu tham dự.

Đây là lần đầu tiên Nhựt có một cuộc tập trận như thế trong tình hình căng thẳng giữa TC và Nhựt. Năm ngoái quân đội Nhựt có kế họach này nhưng dưới thời thủ tướng vừa bàn giao, Nhựt và Mỹ e ngại gây khó khăn thêm cho tương quan ngoại giao và giao thương với TC nên đã hủy bỏ. Năm nay Nhựt làm một mình do chính Bộ Trưởng quốc phòng Nhựt thị sát. Điều đó cho thấy Nhựt, chánh quyền tân cử của Nhựt xem việc bảo vệ bờ cõi là ưu tiên tối thượng và chủ quyền quốc gia là vấn đề thiêng liêng của quốc gia dân tộc, không thể đem ra thương lượng dù với bạn hay thù.

Bên cạnh cuộc tập trận tái chiếm đảo trên đất liền, Nhựt tham gia cuộc tập trận trên vùng trời và vùng biển của đảo Shikoku hòn đảo lớn thứ tư của Nhật, với sự tham gia máy bay tiêm kích FA-18 và 90 quân nhân Mỹ và 4 chiến đấu cơ F-4 và một số quân nhân của Nhựt, Nhựt không tiết lộ quân số.

Hai cuộc tập trận của Nhựt với mục đích rõ ràng, là làm vững mạnh khả năng phòng vệ, tái chiếm trong trường hợp xấu nhứt cho một quần đảo, hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.

Còn về phía TC thì liên tục cho tàu chiến và phi cơ thám sát, trinh sát, tỏ ra có mặt ở vùng trời vùng biển của đảo Điếu Ngư. Lắm lúc tưởng phi cơ và tàu Nhựt ra nghinh chiến, tưởng đâu hai bên đụng nhau và khai hoả với nhau.

Nhưng hành động quân sự trầm trọng nhứt chuẩn bị chiến tranh chống Nhựt, là Đảng Nhà Nước TC, ban hành pháp lịnh và nhật lịnh quân đội phải sẵn sàng chiến đấu trong năm 2013. Báo China Daily, ấn bản Anh của nhựt báo Nhân Dân, tiếng nói chánh thức của Đảng CS Trung Quốc, số ra ngày 15/01/2013 đã loan tải chỉ thị này, rằng trong năm 2013, «Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Lực lượng Công an Vũ trang Nhân dân Trung Quốc phải tập trung vào mục tiêu sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong một trận đánh».

Bộ tổng tham mưu quân đội TC đã phổ biến cho toàn quân, nói rõ các lực lượng vũ trang phải «quyết tâm nâng cao luyện tập như trong điều kiện tác chiến thật» và «nỗ lực nâng cao trình độ của các sĩ quan cao cấp.»

Đây là chỉ thị, nhật lịnh lần đầu tiên Đảng Nhà Nước từ Bắc kinh ban hành cho toàn quân, toàn dân Trung Quốc. Hồi năm ngoái 2012, Đảng Nhà Nước và Quân Đội TC không kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu như vậy, mà chỉ nói tổng quát phải cải tổ công tác huấn luyện và thúc đẩy phát triển kỹ thuật truyển tin.

Ôn cố tri tân. Nhớ lại vụ Lư Cầu Kiều ở Trung Hoa, ngày 7 tháng 7 năm 1937, chỉ vài phát súng cảnh cáo của quân lính Trung Hoa, một người lính Nhựt chưa trở vể đơn vị, chớ chưa bị mất tích ờ vùng quân đội hai bên đóng gần nhau, một chuyện quá bé mà xé ra to thành Chiến tranh Hoa-Nhựt.

Và ở Âu châu, vụ một sinh viên của tổ chức bí mật Bàn tay Đen ngày 28 tháng 6 năm 1914 ám sát Thái tử Áo Hung ở tại Sarajevo, Bosnia đâu có ai dè lại bùng nổ thành Thế Giới Đại Chiến lần thứ nhứt.

Còn bây giờ ở Á châu Thái Bình Dương, với hiện tình tranh chấp biển đảo gần như hàng ngày của TC trên phương diện tuyên bố ngoại giao và trên phương diện có mặt trên đảo; với tình hình chuẩn bi chiến tranh trong nước của chánh quyền hai nước; với tình hình bộ máy tuyên truyền đen trắng xám của TC khơi lại tiền cừu hậu hận của người Trung Hoa đối với người Nhựt; với tình hình tranh chấp càng leo thang như việc các chiến đấu cơ của TC và Nhựt tuần trước rượt đuổi nhau trên không phận khu vực Senkaku/Điếu Ngư - cái gì sẽ xảy ra nếu phi hành, thủy thủ đoàn của cả hai bên không kềm được lòng tức giận, không nén được tiền cừu hậu hận, không kiểm soát được máy móc, lỡ nổ súng, đụng độ nhau, thì cái gì sẽ xảy ra đối với hai nước.. Mỹ dù đã chuyển trục quân sự 60% về Á châu và tuyên bố không đứng về phía bên nào trong tranh chấp biển đảo của các nước, cũng khó nếu muốn không nói là không thể can gián được. Vì danh dự Tổ Quốc, chủ quyền quốc gia, bờ cõi đất nước là một vấn đề không thể đem ra thương lượng./.

(Vi Anh)

 

 

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-20/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link