Sunday, February 17, 2013

Phong trào Dân Chủ và con đường nào cho Việt Nam (Phần 2)



THỨ BẢY, NGÀY 16 THÁNG HAI NĂM 2013


Phong trào Dân Chủ và con đường nào cho Việt Nam (Phần 2)


 


Mike Nguyễn (Danlambao) - Mỗi người chúng ta phải làm gì? phải hành động như thế nào cho đúng với lương tâm, cho đúng với suy nghĩ của chính mình? Chúng ta có dám can đảm và anh hùng như các dân tộc đã làm nên một trang sử mới, một mùa xuân của Ả Rập hay không? Hay chúng ta tiếp tục cúi đầu, chịu sống hèn hết năm này qua năm khác, để hết đời của chúng ta, rồi cứ thế, chúng ta cứ tiếp tục để lại cái di sản nợ đời CNXH hay CNCS không tưởng này cho đời con, cháu kế tiếp. Mà liệu cái tên nước Việt lúc đó có còn nữa hay không. Hay lúc đó nước Việt có thể bị xóa và trở thành một Tây Tạng của ngày hôm nay?..
.

Cách đây vài tháng tôi có viết "Phong Trào Dân Chủ & Con Đường Nào Cho Việt Nam" (phần 1) đã được Ban Biên Tập Dân Làm Báo cho đăng, hôm nay nhân dịp nói chuyện với các anh bạn kỹ sư cùng công ty người Mỹ gốc Syria và chúng tôi đã nói chuyện với nhau cả giờ đồng hồ mỗi ngày và kéo dài suốt cả tháng nay. Chúng tôi trao đổi về tình hình cuộc nội chiến ở Syria.

 

Anh này có người em ruột cũng làm kỹ sư và đã theo tiếng gọi yêu nước, đã tình nguyện trở về, để cùng với người dân Syria tranh đấu. Hiện nay em của anh ta là một trong những lãnh tụ của phe đối lập và kiêm luôn các việc viết báo và trả lời phỏng vấn các đài quốc tế như BBC, International Red Cross (Hội Hồng Thập Tự Thế giới), Cao Ủy Liên Hiệp Quốc và các đài phát thanh Ả Rập.
 
Theo anh thì cuộc nội chiến đang ở vào giai đoạn cuối và chế độ độc tài của tổng thống Asaad ngày càng mất quyền kiểm soát và chế độ đó có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.
 
Tôi đã hỏi anh câu hỏi như sau: Khi cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Syria bắt đầu bùng nổ và bị cảnh sát cũng như quân đội đàn áp một cách thô bạo, gây ra cảnh bắt bớ, giết người một cách rất dã man. Trong khi đó lực lượng đối lập còn rất yếu và hầu như không có vũ khí gì trong tay. Vậy thì tại sao người dân Syria lúc đó lại quyết định thành lập phe đối lập, để chống lại chính phủ Asaad? Họ có lường trước hay suy nghĩ tới sự việc chống lại chính phủ độc tài là hành động ví như "Trứng mà chọi với Đá hay không? Vì câu trả lời rất thú vị và tôi tin rằng, ít nhiều gì cũng sẽ giúp được cho phong trào dân chủ của Việt Nam, cho nên tôi lấy làm cảm hứng viết ra đây mong được Ban Biên Tập cho đăng và quý vị đón đọc cho ý kiến.

 

Sống trong một thể chế độc tài thiếu dân chủ tự do, người dân Syria vẫn hằng mơ có được những giọt mưa của tự do-dân chủ, được nới lỏng qua những điều luật hay nghị quyết của chế độ. Mỗi khi có một sự việc trọng đại hay một biến cố lớn thì người dân đều mong mỏi chính quyền lấy đó làm bài học, để làm sao cho nguôi cơn giận của người dân, để chính quyền đó đối xử với dân tốt hơn, tránh lập lại những sai lầm đáng tiếc gây chết người.
 
Nhưng trong suốt hơn 40 năm cai trị của dòng họ Assad này, hết đời cha cho tới đời con, biết bao nhiêu ngàn, thậm chí cả triệu người dân Syria đã bi làm nhục, bị vu khống, thậm chí bị giết chết, bị bỏ tù với những bản án vô lý nghiệt ngã (kiểu này giống y như tình trạng của Việt Nam hiện tại). Nhiều người vì không sống nổi với chế độ độc tài nên đã liều mình vượt biên giới để tìm tự do, để mưu cầu một cuộc sống dân chủ tốt đẹp hơn.

 

Có biết bao nhiêu thanh niên yêu nước, thậm chí những người công chức ngay thẳng lên tiếng, góp ý, kiến nghị với nhà cấm quyền để mong có được sự thay đổi. Nhưng thay vì lắng nghe ý kiến để sửa đổi, thì chính quyền lại quay ra đàn áp, bắt bớ bỏ tù và bêu xấu cũng như vu khống bịa đặt cho tất cả những người yêu nước chân chính, là những kẻ phản quốc, những kẻ phá hoại đất nước (lại một giọng điệu giống hệt như Việt Nam mình nữa).Hết năm này tới năm khác, hết chuyện bắt người, rổi bỏ tù rồi sang đến giết người. Nhưng khi sự bất mãn và căm giận của lòng dân lên đến cao điểm, tới mức khó hòa giải, thì họ chỉ cần chờ đợi một ngọn lửa, một cuộc châm ngòi thì cuộc đối đầu với chính quyền sẽ xảy ra, thì đùng một cái "mùa xuân Ả Rập" ập đến ào ạt, trước hết với xứ hàng xóm Tunisia, mà không ai có thể ngờ được.Khởi đầu cho cuộc cách mạng Hoa Lài chỉ là việc xảy ra với cá nhân anh chàng bán trái cây bị cảnh sát đàn áp dã man, bị cưỡng chế, khiến anh phải liều mình ăn thua đủ với đám cảnh sát ở địa phương, bằng cách tự đốt mình rồi lao vào nơi đồn cảnh sát gần đó.
 
Khi ngọn lữa bốc lên từ người anh, thì những người dân đứng gần đó không sao cấm được nước mắt. Kế đó như là một loạt phản ứng không điều kiện, Những tiếng hét, những tiếng kêu thất thanh vang dậy cả một góc trời đồng loạt cất lên, biểu lộ sự bất mãn, sự căm giận đền tột cùng, để rồi tất cả mọi người dân đều đổ ra đường, cùng nhau kéo vào đồn cảnh sát gần nhất để ăn thua đủ với chính quyển đã gây ra cảnh tượng đau thương đó.Dĩ nhiên xô xát xảy ra và phần nhiều là người dân bị thiệt thòi, vì dân đen lúc đó chỉ có tay không thì làm sao có thể chống lại bọn cảnh sát được trang bị đầy đủ đến tận răng được.
 
Nhưng nhà cầm quyền và giới chóp bu lãnh đạo của quân đội và cảnh sát đã mắc phải sai lầm lớn. Họ đơn giản nghĩ rằng cứ tiếp tục dùng sức mạnh- dùi cui, súng ống, nhà tù như đã làm từ bao nhiêu năm qua, sẽ làm cho dân chúng khiếp sợ và họ sẽ dập tắt được cuộc biểu tình. Nhưng họ đã lầm, một khi ngọn lửa đã thổi lên rồi, thì cái thể chế độc tài, phản dân hại nước đó làm sao có thể dập tắt được sức mạnh của lòng dân. Mọi hành động, chống chế của chính quyền lúc đó như đổ thêm dầu vô lửa, khiến lòng dân thêm bất mãn, oán hận.Và cứ như thế, cơn tức giận của lòng dân mỗi lúc một dâng cao, dân chúng tiếp tục đỗ ra đường để ăn thua đủ với đám cảnh sát côn đồ và nhân viên cấp cao của chính phủ, và rồi lan sang từ thành phố này đến thành phố khác cho tới khi cuộc nổi dậy lan ra toàn quốc.
 
Đến lúc ấy, thì chính quyền Tunisia hoàn toàn bất lực. Giới chóp bu lãnh đạo quân đội và cảnh sát lần lượt bỏ trốn, vì những người lính thuộc quyền bắt đầu giác ngộ, tỏ thái độ bất tuân thượng cấp. Thay vì quay mũi súng bắn vào dân chúng, những người lính và các cấp chỉ huy cấp nhỏ quay mũi súng vào những tên thượng cấp chỉ huy ra lệnh đàn áp dân chúng. Trong khi đó, khí thế biểu tình của dân chúng vẫn đồng loạt vang dội khắp các ngã đường. Cuộc biểu tình càng lúc càng lớn mạnh với sự tham gia của đại đa số quần chúng và giới trí thức, rồi cuộc cách mạng đã thành công vượt xa ngoài sức tưởng tượng của mọi người lúc ban đầu.

 

Sau cuộc cách mạng thần tốc xảy ra ở Tunisia, dân chúng ở xứ Egypt (Ai Cập) và Syria cũng cùng có chung một hoàn cảnh tương tự, họ đã bắt đầu ý thức và học hỏi được những kinh nghiệm quý báu từ cuộc cách mạng đó. Đó là,khi sự bất mãn của lòng dân lên đến đỉnh điểm, khi lòng dân đã quá chán ngán với cái chế độ độc tài và họ sẵn sàng chấp nhận tất cả, luôn cả sinh mạng của họ, để đổi lấy một cuộc đổi đời, để đổi lấy một chế độ tốt hơn, thì một cuộc cách mạng ắt là việc sẽ xảy đến, và cuộc cách mạng đó không nhất thiết phải cần có lãnh tụ như đã định sẵn.

 

Các lãnh tụ tự nhiên sẽ xuất hiện ở một thời điểm thích hợp. Họ sẽ xuất hiện ở hiện trường, nơi cuộc biểu tình nổ ra, và họ cùng với người dân tranh đấu. Họ không nhất thiết phải là những người tài giỏi kiệt xuất như chúng ta vẫn mong đợi, đơn giản vì họ chỉ là những người lãnh đạo tạm thời, và chỉ ở hiện trường mà thôi. Cái họ cần phải có, đó là lòng can đảm và thậm chí dám hy sinh vì đại cuộc, để dẫn dắt đoàn biểu tình thành một khối quyết tâm và đoàn kết. Ở vào thời điểm đó, chúng ta chỉ cần có vậy thôi. Chúng ta chưa cần một đường lối hay một chính sách khôn ngoan gì lúc này.Vậy họ là những ai? Họ không phải là những người xa lạ, đối với người dân, mà là những nhà tranh đấu dân chủ nổi tiếng, từng bị chính quyền bắt bớ, bị hành hạ và bị cầm tù. Họ có thể là những bloggers nổi tiếng, những người dám lên tiếng, phản đối và phơi bày những bất công, tham nhũng, hay lên án những hành động hèn nhát, bạc nhược của chính quyền. Họ có thể là những sinh viên, những trí thức yêu nước, những người đã và đang chạnh lòng, khi phải chứng kiến một nền giáo dục bị nhồi sọ, những sự thật của lịch sử bị đảo điên đến tận cùng, do chính sách ngu dân để trị của chế độ này gây ra.
 
Họ có thể là những người lãnh đạo của các tôn giáo, các vị Linh Mục hay các Hòa Thượng đã và đang chứng kiến những chuẩn mực của đạo đức, của luân lý bị đảo ngược trong xã hội. Hay có khi, họ chỉ là những người dân oan, bị chế độ cướp mất nhà cửa, đất đai, đi đòi công lý từ năm này qua năm khác, mà không có ông quan nào chịu xử.Quả thật như thế, lãnh tụ của cuộc cách mạng ở xứ Ai Cập được bắt đầu bằng một anh kỹ sư tin học. Anh đã dùng những hiểu biết của mình (Twister) để làm trung tâm liên lạc, nối kết tất cả người dân lại với nhau, trong khi đó nhà cấm quyền ra sức cắt đứt mọi thông tin liên lạc, từ Internet cho tới điện thoại cầm tay, hòng để cô lập những người biểu tình.
 
Người lãnh đạo cuộc cách mạng ở Ai Cập không cần phải đưa ra một quyết định nào, mà giả sử nếu như có, anh ta cũng không để đưa ra một quyết định hay một đường lối nào khôn ngoan. Đơn giản, chỉ vì anh ta là một người làm kỹ thuật, không phải là một nhà chính trị. Công việc anh ta làm, là nối kết mọi người lại với nhau, thành một khối đoàn kết chặt chẽ. Chỉ có vậy, những việc kế tiếp là do đoàn biểu tình ở từng địa phương tự quyết định, dựa trên mục tiêu chính, là mau chóng làm sụp đổ chế độ.Khi hàng triệu con người được kết nối với nhau trong cùng một mục đích, thì mọi sợ hãi sẽ mau chóng tan biến đi, thay vào đó là những quyết tâm, nhiệt huyết xuống đường, những động thái thôi thúc những người yêu nước, phải mau chóng hoàn thành cuộc cách mạng, để tránh bớt đổ máu và thương vong cho dân chúng càng sớm càng tốt.

 

Trở lại với cuộc cách mạng ở Syria, người bạn cho tôi biết, người dân Syria không được may mắn như hai dân tộc nói trên và phải rơi vào cuộc nội chiến kéo dài nhiều tháng, gây ra nhiều thương vong cho người dân, vì mắc phải một số sai lầm như sau:

 

1) Cuộc cách mạng nổ ra không đồng loạt, chỉ tập trung chủ yếu ở thủ đô và một vài thành phố lớn, vì thế đã tạo điều kiện cho chính phủ Asaad điều động cảnh sát và binh lính từ các nơi khác về yểm trợ cho chế độ, đàn áp lại người biểu tình.

 

2) Thiếu dứt khoát và không tấn công khống chế các cơ quan đầu não của chế độ cũng như dinh tổng thống, để ép buộc các tay chóp bu trong các cơ quan này ra lệnh đầu hàng. Trong những ngày đầu của cuộc biểu tình các cơ quan đầu não của chính phủ hầu như ít bị quấy nhiễu, vì thế đã tạo tình thế cho các cơ quan này có điều kiện điểu khiển nhân sự để đàn áp lại người biểu tình.

 

3) Không đánh chiếm các đài phát thanh, các đài truyền hình để kêu gọi toàn dân nổi dậy lật đổ chế độ.

 

4) Lời hiệu triệu kêu gọi các binh sĩ, các quan chức, giác ngộ quay về với người dân, đã ban ra một cách muộn màng, gây hoang mang cho các binh sĩ có lòng thiện cảm với người dân. Các binh sĩ này đã không phản ứng (không đảo ngũ) kịp thời như cần thiết, để quay mũi súng tấn công vào những tử huyệt của chế độ.

 

5) Thiếu sự can thiệp và hậu thuẫn đúng mức của Liên Hiệp Quốc, cũng như hội đồng các quốc gia Ả Rập. Khi chính phủ lâm thời của phe đối lập tuyên bố được thành lập, để chống lại chế độ độc tài Asaad, họ cần sự công nhận hậu thuẫn, giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc về vũ khí, đạn dược, phương diện ngoại giao quốc tế, cũng như tài chính. Những đòi hỏi này đã không được đáp ứng đúng lúc, và họ phải chờ đợi mất một khoảng thời gian, gây ra biết bao thương vong, tổn thất cho người dân.

 

Tuy nhiên anh ta khẳng định cuộc cách mạng ở Syria chắc chắn sẽ thành công trong một ngày rất gần đây, vì không có một chế độ nào có thể tồn tại, khi chính đại đa số người dân của chế độ đó đứng lên chống lại, cộng thêm có sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ và các cường quốc Phương Tây, khi họ bắt đầu ra tay viện trợ vũ khí, đạn dược cho phe đối lập. Chế độ độc tài của Asaad sẽ kết thúc bi thảm như gã độc tài Gaddaffi của xứ Lybia là điều chắc chắn. Những ngày kế tiếp, sẽ là những ngày mà Asaad sẽ tiếp tục mất quyền kiểm soát và ngày chui cống của hắn cũng rất gần. 

 

Anh bạn quay sang hỏi tôi, thế còn Việt Nam thì sao? Việt Nam cũng là một nước cộng sản độc tài còn sót lại trên thế giới. Cuộc sống của người dân, theo lời anh kể, thì cũng nghèo nàn và thiếu tự do như đất nước chúng tôi. Vậy bao giờ cuộc cách mạng sẽ xảy ra ở Việt Nam?

 

Anh ta nói thêm con người sinh ra vốn muốn có được những điều bình yên, có cuộc sống tốt, có một môi trường tốt để sống, một đất nước tốt để phát triển. Nhưng nếu đất nước bị những kẻ lãnh đạo cầm quyền độc tài thao túng, làm băng hoại đất nước, làm cho cuộc sống của người dân bị bần cùng hóa, tự do bị khống chế như một nhà tù, thì sẽ như thế nào? Có người dân nào muốn sống trong hoàn cảnh đó hay không? Có dân tộc nào cam chịu cảnh sống như thế, từ đời này qua đời kia hay không? Vậy nếu là đất nước của bạn thì bạn sẽ làm gì, nếu như bạn có cơ hội làm khác đi thì bạn sẽ làm sao?

 

Phần này tôi xin phép để cho các bạn, mỗi người hãy tự trả lời với chính lương tâm của mình. Vì tôi tin, mỗi người có một lý do riêng, có những suy nghĩ nhận thức riêng. Nhưng tất cả chúng ta có những điểm chung (ngoại trừ những CAM hay dự luận viên bị đảng nhồi sọ, làm mù mắt, làm điếc tai) là chúng ta luôn mong muốn nhìn thấy một nước Việt hùng cường về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục, y tế.

 

Chúng ta luôn mong muốn mọi người dân Việt có cuộc sống ấm no, đủ ăn, đủ mặc. để không còn cảnh trai phải làm thân nô lệ lao động, gái phải bán thân nơi xứ người. Người nghèo sẽ được giúp đỡ về vật chất, người bệnh sẽ được chửa trị đúng mức như khẩu hiệu "lương y như từ mẫu".Chúng ta muốn con cháu của chúng ta được học hỏi những tinh hoa, kỹ thuật vào bậc nhất của nhân loại. Chúng ta muốn con cháu của chúng ta sẽ là những nhà khoa học tân tiến làm rạng danh dân Việt, những người hữu ích cho xã hội, có lòng nghĩa hiệp ra tay giúp đời. Không ai muốn bản thân mình, hay con cháu mình phải bị nhồi sọ, bị nhồi nhét bởi những tư tưởng vô bổ mà nhân loại, khi nhận ra, người ta đã đồng loạt vứt nó vào cái hố rác. Không ai muốn nhìn cảnh 3-4 bệnh nhân phải nằm chung một giường, nơi mà thần chết có thể gọi bất cứ lúc nào, chỉ vì chúng ta không có tiền để hối lộ cho y tá và bác sĩ.

 

Chúng ta muốn có một nền pháp luật nghiêm minh, công bằng để mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội bình đẳng để được tự do phát triển, để mọi người có thể mưu cầu cuộc sống cho riêng mình. Chúng ta muốn có một nền pháp luật nghiêm minh, công bằng để không còn cảnh người yêu nước bị bỏ tù oan ức, với bản án phi lý nghiệt ngã. Chúng ta muốn thấy một nền pháp luật công bằng vô tư, để trị tội bọn tham quan tham nhũng, bọn lồng quyền, để không còn cảnh dân oan bị cướp nhà mất đất.

 

Chúng ta muốn nước Việt trở thành một cường quốc quân sự, để không bị bọn giặc phương bắc hà hiếp, để lãnh thổ, biên giới của nước Việt không bị cắt xén dần qua những thỏa hiệp nhượng bộ của những kẻ bất tài, bán nước trong đảng, để không còn cảnh ngư dân bị bắn giết, bị hành hạ, bị đòi tiền chuộc thân. Chúng ta muốn nước Việt hùng cường, giàu mạnh để ta có thể tự mình khai thác khoáng sản, tài nguyên của đất nước mà đáng lý ra, phải mãi mãi thuộc về chúng ta.

 

Ôi xem ra chúng ta có cả ngàn cái ước muốn giống nhau, và cái ước muốn nào xem ra cũng đều rất chính đáng và hợp lý. Nhưng sao trong chúng ta vẫn còn những vách tường ngăn cách, cản trở, những khoảng cách biệt vốn không nên có? Ai đã tạo ra những cái hố ngăn cách này? kẻ nào đã gây thảm cảnh làm nghèo cả một dân tộc? kẻ nào đã biến Việt Nam thành một nền giáo dục nhồi sọ, lạc hậu chậm tiến như hiện nay? kẻ nào đã biến Việt Nam thành yếu đuối nhu nhược, hèn mạt như ngày hôm nay? Câu trả lời, chúng ta chắc đã rõ là kẻ nào.Vấn đề là khi đã thấu hiểu, đã rõ tường tận rồi, thì mỗi người chúng ta phải làm gì? phải hành động như thế nào cho đúng với lương tâm, cho đúng với suy nghĩ của chính mình? Chúng ta có dám can đảm và anh hùng như các dân tộc đã làm nên một trang sử mới, một mùa xuân của Ả Rập hay không? Hay chúng ta tiếp tục cúi đầu, chịu sống hèn hết năm này qua năm khác, để hết đời của chúng ta, rồi cứ thế, chúng ta cứ tiếp tục để lại cái di sản nợ đời CNXH hay CNCS không tưởng này cho đời con, cháu kế tiếp. Mà liệu cái tên nước Việt lúc đó có còn nữa hay không. Hay lúc đó nước Việt có thể bị xóa và trở thành một Tây Tạng của  ngày hôm nay?

 

Sống vinh hay sống hèn, đó là cách chọn lựa của mỗi người, chúng ta phải chọn con đường đi cho riêng mình. Không ai, có thể chọn giùm cho chúng ta. Cách làm thì tôi có lần, đã nêu lên một số ý kiến ở phần 1. Dĩ nhiên đây là ý kiến của riêng cá nhân tôi, có thiếu sót và không hoàn hảo. Tôi mong mỗi người góp một ý, để chúng ta tìm ra một phương cách đấu tranh hữu hiệu và hoàn hảo nhất.

 

Thân chào

 

 




No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link