Monday, February 18, 2013

Tập trận Cobra Gold : Công cụ giúp Mỹ củng cố uy thế quân sự ở châu Á


 

 

Thứ bảy 16 Tháng Hai 2013

Tập trận Cobra Gold : Công cụ giúp Mỹ củng cố uy thế quân sự ở châu Á


Cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp thường niên Cobra Gold (AFP)

Cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp thường niên Cobra Gold (AFP)

Arnaud Dubus / Trọng Nghĩa


Cuộc thao diễn quân sự hỗn hợp thường niên Cobra Gold (Rắn hổ mang vàng) đã khai mạc ngày 12/02/2013 tại Thái Lan, và sẽ kéo dài cho đến ngày 22/02. Hình thành từ hơn 30 năm nay, mục tiêu cuộc tập trận do Hoa Kỳ và Thái Lan điều phối đã biến đổi theo tình hình khu vực để trở thành một phương tiện giúp Mỹ củng cố sự hiện diện của mình tại châu Á, và đặc biệt là Đông Nam Á.

Cuộc tập trận Cobra Gold năm nay huy động hơn 13.000 quân đến từ 7 nước trực tiếp tham gia, bên cạnh một số quốc gia quan sát viên. Bài diễn tập chính là một chiến dịch duy trì hòa bình trong bối cảnh nổ ra một cuộc khủng hoảng an ninh khu vực, kèm theo một thành tố nhân đạo.

Theo thông tín viên Arnaud Dubus phụ trách vùng Đông Nam Á, tình hình khu vực thay đổi trong những năm gần đây đã ảnh hưởng đến cuộc thao diễn quân sự Cobra Gold và mang lại nay :

Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus trước tiên ghi nhận một số yếu tố mới trong cuộc tập trận Cobra Gold 2013 đang diễn ra :

Arnaud Dubus : Năm nay, có bảy quốc gia này là những nước tham gia đầy đủ các cuộc tập trận. Ngoài Hoa Kỳ và Thái Lan, còn có Malaysia, Indonesia, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, các nước khác, như Pháp, Canada hoặc Ý, chỉ tham gia một cách hạn chế, góp phần về mặt chuyên môn, kỹ thuật mà thôi.

Bên cạnh các quốc gia đó, còn có các quan sát viên. Điểm mới nổi bật năm nay là sự tham gia của Miến Điện, gửi hai sĩ quan quân đội đến quan sát các cuộc tập trận.

Đó là dấu hiệu phản ánh đà cải thiện nhanh chóng các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Miến Điện, bởi vì chỉ cách đây hai năm thôi, việc Miến Điện hiện diện tại cuộc thao diễn quân sự Cobra Gold là một điều không ai dám tưởng tượng ra.

Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, không giống như các nước châu Âu, Hoa Kỳ luôn luôn duy trì một Tùy viên quân sự tại Rangoon, ngay cả vào lúc các biện pháp trừng phạt Miến Điện gay gắt nhất. Điều đó đã giúp duy trì một quan hệ chuyên nghiệp giữa hai quân đội Miến Điện và Hoa Kỳ.

Bối cảnh khu vực của cuộc tập trận, được đánh giá là lớn nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng đã thay đổi. Ban đầu, Cobra Gold là phương tiện giúp Hoa Kỳ để củng cố uy lực của Thái Lan, đồng minh quân sự chính của Mỹ trong khu vực, để Thái Lan có thể đối phó với các nước cộng sản trong vùng, nhất là đối phó với Việt Nam.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ý đồ chiến lược này đã biến mất. Đến giữa những năm 2000, và đặc biệt là sau trận sóng thần năm 2004, việc tổ chức một phản ứng phối hợp để đối phó với một thảm họa tự nhiên hay một cuộc khủng hoảng nhân đạo đã trở thành ưu tiên hàng đầu.

Và rồi trong vòng hai năm qua, khu vực lại chứng kiến ​​một sự thay đổi. Chủ trương xoay trục chiến lược của Mỹ qua châu Á, quan điểm hung hăng hơn của Trung Quốc trong khu vực, tình hình căng thẳng ở Biển Đông, và sự thay đổi của thế cân bằng trong khu vực đã biến cuộc tập trận Cobra Gold thành một công cụ tuyệt vời, giúp Hoa Kỳ tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước trong khu vực để đối phó với một Trung Quốc được cho là đáng ngại hơn.

RFI : Anh vừa nói về những thay đổi trong thế cân bằng khu vực. Xin anh giải thích rõ hơn điểm này ?

Arnaud Dubus : Chẳng hạn như Miến Điện đang có dấu hiệu rời xa Trung Quốc hơn, cho dù Bắc Kinh là chỗ dựa chính của của tập đoàn quân sự trong 25 năm, khi Miến Điện bị phương Tây cô lập. Sự xuất hiện của quân đội Miến Điện nhân cuộc tập trận Cobra Gold là một dấu hiệu cụ thể nhất của tiến trình tái lập quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ.

Hệ quả của điều đó là Trung Quốc dường như chỉ còn có thể tin tưởng vào một nước duy nhất tại Đông Nam Á là Cam Bốt.

Đối với Thái Lan cũng có những thay đổi. Mặc dù nước này có một hiệp ước quân sự với Hoa Kỳ, nhưng rõ ràng là Bangkok ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn của Bắc Kinh. Dấu hiệu rõ nhất được thấy trên bình diện kinh tế, nhưng cũng được ghi nhận ở cấp độ chính trị, chẳng hạn như qua việc Thái Lan không hề chỉ trích Trung Quốc về thái độ của nước này ở Biển Đông.

Theo một số nhà phân tích, Thái Lan không thu hoạch được lợi ích chiến lược từ cuộc thao diễn quân sự Cobra Gold, khác với các quốc gia như Singapore và Indonesia, đã tận dụng được các bài tập trận để nâng cao năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang của họ.

Đó quả là là một vấn đề mãn tính ở Thái Lan : Đất nước này dường như không có tầm nhìn chiến lược.

RFI : Phải chăng ta có thể kết luận là trong lãnh vực này, Hoa Kỳ đang thắng điểm so với Trung Quốc ?

Arnaud Dubus : Vâng, đúng thế. Trung Quốc không có công cụ đa phương tinh vi để thiết lập một sự hợp tác quân sự đa phương với các nước Đông Nam Á. Và trong bối cảnh căng thẳng hiện tại, các đề nghị hợp tác của Trung Quốc có lẽ sẽ bị đa số các nước Đông Nam Á lịch sự từ khước.

Trong bối cảnh hiện nay, Washington đã tỏ ra rất khéo léo trong việc sử dụng cuộc tập trận Cobra Gold làm chỗ dựa đưa họ trở lại khu vực.

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link