Monday, February 18, 2013

BA THẾ HỆ MỘT OAN TÌNH


 

Truyện thật đời người.

 

         Là truyện có thật được viết lại theo lời kể của người khác hay do chính tác giả chứng kiến. Nghĩa là các sự kiện và mọi tình tiết của câu truyện đều là sự thật. Tuy nhiên, vì sự tế nhị và tránh xúc phạm đến đời tư cá nhân, tên các nhân vật được tác giả viết tắt hoặc dùng một tên khác với tên thật của nhân vật trong câu truyện. Nếu có sự trùng hợp tên là hoàn toàn ngoài ý muốn. Rất mong quý độc giả thông cảm và chấp nhận cho.

 

Huy Anh

Houston, ngày 18 tháng 9 năm 2003.

 

BA THẾ HỆ MỘT OAN TÌNH

          Là một truyện đã xẩy ra tại Việt Nam vào thời gian trước và sau 30 tháng tư năm 1975. Ðó là câu truyện thương tâm xẩy ra cho ba thế hệ của một gia đình: Cha mẹ, con và cháu , với cùng một nỗi oan tình. Oan tình gì?

        Xin mời quý độc giả lần lượt đọc qua bốn tiêu đề  của một câu truyện có thật, do chúng tôi tự đặt như sau, để có câu trả lời cho câu hỏi “Oan tình gì”?

-         Người Mẹ bị chôn sống.

-         Người  ChaTự sát.

-         Người vợ phản bội.

-        Người chồng bao dung.

 

 

Người mẹ bị chôn sống.

********************

          Những ai sinh quán, rồi lớn lên hay từng sống nhiều năm ở Huế  có thể biết danh tiếng một nhà buôn trầm hương nổi tiếng ở khu chợ Ðông Ba. Vợ chồng nhà buôn là người gốc Huế . Nghe nói nghề buôn bán trầm hương đối với họ là nghề gia truyền từ bao đời trước. Tổ tiên họ đã lập nghiệp và họ được trở nên giầu có cũng là nhờ tổ nghiệp buôn bán trầm hương.

         Mặc dầu sống và làm giầu trong chế độ tự do ở Miền Nam, nhưng có cái lạ là người vợ, bà Ba Trầm Hương như người ta quen gọi, lại luôn có thái độ và lời nói bênh vực Việt Cộng trong cuộc chiến tranh Quốc – Cộng vừa qua. Thái độ và lời nói nghịch lý ấy thường bộc lộ, mỗi khi trong gia đình nói đến truyện chính trị. Cứ mỗi khi có truyện như thế, chỉ có bà Ba Trầm Hương và một đồng minh duy nhất là con Sen giúp việc nhà, đứng chung một lập trường ủng hộ Việt Cộng. Trong khi đó chồng Bà, Ông Ba Trầm Hương và một cô con gái lớn xinh đẹp dễ thương là cô Hương Giang  thì lập trường đối nghịch, chống cộng kịch liệt. Ông bà Ba Trầm Hương còn mấy cậu con trai nữa, một cậu thì được gửi đi du học ngoại quốc tự túc, còn hai cậu kế đang học trung học, ít quan tâm đến chính trị. Mấy con bà vợ hai của Ông Bà Trầm Hương thì còn quá nhỏ nên không kể đến.

   Cô Hương Giáng là con gái đầu lòng của ông bà Ba, đã có chung lập trường chống cộng với Cha cũng phải. Là vì Cô có học thức, ít ra cũng giúp cô thấy được đúng sai, phải trái giữa một bên là chính quyền Cộng Sản Bắc Việt phát động một cuộc chiến tranh thôn tính Miền Nam, để bành trướng chủ nghĩa cộng sản quốc tế, với một bên là chính quyền Việt Nam Cộng Hoà phải bất đắc dĩ tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ để bảo tồn chế độ tự do dân chủ trên nửa nước ở Miền Nam và chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Vả lại, lúc ấy Hương Giang đang có người yêu là một sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt sắp ra trường. Người yêu của cô chính là “Anh Thầy” từng dạy kèm cô nhiều năm ở bậc Trung Học. Tình yêu đã triển nở trong những năm tháng cũ, khi nàng còn là học sinh của trường nữ Trung Học Ðồng Khánh, chàng là học sinh trường Quốc Học Huế. Chàng học hơn nàng bốn lớp, mồ côi cha mẹ, con nhà nghèo, học giỏi, đã được một người bạn của cha Nàng giới thiệu đến dạy kèm cho Nàng từ năm lớp Ðệ Ngũ.

   Ðến khi tốt nghiệp Tú Tài Hai, chàng đã xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung, làm nhiệm vụ trai thời loạn. Ðối với Hương Giang, nàng rất tự hào và hãnh diện về sự lựa chọn đời binh nghiệp của người yêu. Tự hào và hãnh diện nhất là đối với bạn bè cùng trang lứa vào những dịp Lễ Tết được cùng chàng đi dạo phố Mùa Xuân, hay trong những ngày phép ngắn ngủi, hiếm hoi.

   Ðúng là một cặp trai tài gái sắc coi thật xứng đôi vừa lứa như nhiều người quen biết từng trầm trồ khen ngợi.Vào những dịp sánh đôi tuyệt vời ấy, Nàng thướt tha trong chiếc áo dài trắng đẹp của tuổi học trò, e ấp đi bên cạnh người yêu hào hùng trong bộ lễ phục sinh viên sĩ quan của một trường võ bị nổi tiếng và duy nhất tại miền Nam: Trường Vỏ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Ðó là hình ảnh từng là ước mơ thầm kín của biết bao cố gái xinh đẹp như Nàng muốn có người yêu là lính trong thời chiến lúc bấy giờ. dù biết rằng tương lai rất dễ mang “Khăn tang cô phụ, còn lóng lánh dấu ái ân” như lời ca của một nhạc phẩm thời chiến nào đấy.

   Thế rồi Mùa Xuân năm 1968, Việt Cộng lợi dụng thời gian hưu chiến Tết đã bất ngờ mở cuộc tổng tấn công vào các thành thị Miền Nam Việt Nam. Thành phố Huế cũng bị Việt Cộng tấn công và chiếm đóng cả tháng trời. Lúc đó người yêu của Hương Giang được nghỉ phép về ăn tết với gia đình nàng.  Khi biết Việt Cộng tấn công vào thành phố Huế,  Trường An, tên người yêu của Nàng, đã lập tức chia tay và tìm cách gia nhập cùng chiến đấu với các đơn vị quân đội, cảnh sát trong thành phố Huế.

    Cuộc chiến đấu đã diễn ra ác liệt trong những ngày đầu  giữa lực lượng quân, dân, cán chính Việt Nam Cộng Hoà ở Huế với địch quân. Nhưng sau đó, Việt Cộng đã làm chủ tình hình và chiếm đóng thành phố Huế cả tháng trời như mọi người đã biết. Các đơn vị tinh nhuệ tổng trừ bị của quân lực Việt Nam Cộng Hoa như nhẩy dù, biệt kích, thủy quân lục chiến được gửi tới, kết hợp với các đơn vị hải, lục, không quân bao vây tấn công tiêu diệt địch. Sở dĩ cộng quân chiếm giữ được Thừa Thiên Huế lâu như thế, là vì có lệnh trên phải bảo vệ tối đa các di tích lịch sử của cố đô Huế, sinh mạng và tài sản của người dân Huế đang bị Việt Cộng xử dụng làm con tin để ngăn chặn bước tiến quân của quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Và do đó, các mũi tiến công của các đơn vị tham chiến đã tỏ ra hết sức thận trọng. Trong khi cộng quân thì cố bám vào các di tích lịch sử và tập trung dân làm bia đỡ đạn để cố thủ, làm chậm bước tiến lực lượng liên quân Việt Nam Cộng Hoà.........

   Ðiều bất ngờ cho cả gia đình ông bà Ba Trầm Hương là vào một buổi chiều một ngày trong tuần lễ thứ hai Việt Cộng chiếm đóng thành phố Huế, con Sen giúp việc đã xuất hiện trong bộ bà ba đen với chiếc nón tai bèo và khoác trên vai một khẩu súng AK. Con Sen đã dẫn theo hai nam cán binh Việt Cộng khác trang bị vũ khí đầy người, mở cổng, xồng xộc bước qua sân tiến vào nhà.

   Mọi người còn đang lo lắng không biết chuyện lành dữ gì đây sẽ xẩy ra,thì chợt nhận ra con Sen giúp việc nhà mình. Bà Ba Trầm Hương là người đầu tiên đon đả chậy tới đón con Sen và đồng bọn. Có lẽ lúc ấy Bà Ba Trầm Hương nghĩ rằng ít ra sự có mặt của con Sen lúc này hẳn là điều lành hơn là điều dữ cho gia đình mình. Vì con Sen lúc này rõ ràng là kẻ  nằm vùng của Việt Cộng đóng vai con ở nhà bà, ắt đã biết lập trường của bà đối với Việt Cộng thế nào rồi.

   Nhưng bà Ba Trầm Hương đã khựng lại khi thấy nét mặt lạnh lùng và dọng nói khác thường của con Sen:

-    Trường An hỉ, Hắn mô rồi, hãy mau ra trình diện với cách mạng?

-   Hắn chi mô có ở đây nà con...

        Bà Ba lên tiếng trả lời, với  dọng thân thương như từng đối xử với con Sen trước đó. Trong khi sắc mặt mọi người trong gia dình hiện diện lúc đó biến sắc rất nhanh, sau một nụ cười hy vọng nơi một kẻ tưởng là cứu tinh đến đã vụt tắt. Hiện diện lúc đó ngoài bà Ba, ông Ba và bà vợ nhỏ của ông Ba, là mấy đứa nhỏ con bà nhỏ. Còn cô gái lớn Hương Giang và hai cậu con trai con bà cả đã ẩn trốn ở một nơi an toàn trong nhà. Không hiểu sao con Sen cùng đồng bọn không vào lục soát, chỉ đứng trước thềm căn nhà cổ kính tra hỏi.

-        Mợ không được bao che hỉ. Bao che là có tội với cách mạng hỉ. Hãy khuyên và động viên Trường An ra trình diện với cách mạng để được khoan hồng hỉ.

-        Mợ nói thiệt mà Quờn (Tên con Sen), Hắn có về đây mấy ngày trước Tết thăm Hương Giang, rồi trở về Sài Gòn ăn tế với ông chú ruột ở ngã tư Bẩy Hiền rồi nà, Mợ nói dối con mần chi nà...( Trường An. không còn cha mẹ, lúc đi học ở với một người cô ruột ở Huế, có một người Chú là sĩ quan nhẩy dù ở Sài Gòn và một chú ruột khác theo Việt Cộng ra Bắc tập kết năm 1954, sau hiệp định Genève chia đôi đất nước)

     Con Quờn sau khi trao đổi gì đó rất nhanh với hai tên Việt Cộng đi cùng, đã lạnh lùng ra lệnh:

-        Vậy mợ  phải đi theo chúng tôi hỉ, còn cậu Ba và  mợ Hai ở nhà ráng tìm và động viên Trường An. ra trình diện cách mạngỉ. Khi nào hắn trình diện thì Mợ Ba mới được về nhà hỉ.

         Bà Ba Trầm Hương có vẻ tự tin, quay vào nhà định lấy cái gì đem theo, nhưng con Sen, nay là cán binh Quờn đã giơ tay tỏ ý ngăn lại và nói:

-        Mợ khỏi cần mang theo chi cả, Mợ sẽ trở về nhà sớm nà, ngay khi Trường An. tự giác đến trình diện cách mạng.

        Ba Ba Trầm Hương vốn tính cương trực, không nói gì, cũng không thèm năn nỉ, chỉ lẳng lặng theo sau con Quờn và hai tên đồng bọn, có lẽ là hợp thành một “Tổ Tam Tam chế” theo cách tổ chức của đảng cộng sản.

*********

     Thế rồi Huế được giải toả sau một tháng bị cộng quân chiếm giữ. Mặc dầu liên quân Việt Nam Cộng Hoà làm nhiệm vụ giải toả đã có những bước tiến quân thận trọng, song sự cố thủ của cộng quân đã đưa đến sự tàn phá nặng nề một số di tích lịch sử trong thành nội Huế, và nhiều dãy phố nhà cửa bị đổ nát vì bom đạn. Gia đình ông Ba Trầm Hương đã từ các nơi ẩn trốn an toàn trở về ngôi nhà chỉ bị thiệt hại nhẹ. Duy chỉ có Bà Ba Trầm Hương vẫn không thấy trở về, vì Trường An. đưa con rể tương lai của bà đã không ra trình diện như đòi hỏi của con Sen Việt Cộng nằm vùng trong nhà Bà. Mọi người trong gia đình, từ ông Ba Trầm Hương đến bà vợ hai, cùng con lớn, con bé và cả Trường An nữa không khỏi bồn chốn lo lắng cho số phận không biết ra sao của bà Ba Trầm Hương.

   Lúc đầu, dù có nhiều tin đồn nói về việc Việt Cộng trước khi “Chém vè”, (tức rút lui) hay bị tiêu diệt tại chỗ, đã giết nhiều người chôn sống tập thể, nhưng không ai trong gia đình ông Ba Trầm Hương lại nghĩ rằng bà Ba Trầm Hương có chung số phận bi thảm như họ. Vì nghĩ rằng, con Sen dầu gì cũng đã biết rõ lập trường ủng hộ hay ít ra là có cảm tình với Việt Cộng của Bà Ba Trầm Hương, thì lý nào lại xử tàn tệ với bà được. Ngay cả nhiều ngày sau đó, khi các tin đồn đã trở thành sự thật. Nghĩa là nhiều người trong gia đình ông Ba Trầm Hương khi đi tìm và dọ hỏi tin tức của bà Ba, đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng đau lòng của nhiều gia đình đi đào bới những mồ chôn tập thể để tìm kiếm thân nhân mất tích, song mọi người trong gia đình ông Ba Trầm Hương vẩn không tin người thân của mình có số phận không may như các nạn nhân xấu số ấy.

   Nhưng rồi sự thật phải đến đã đến vói gia đình ông Ba Trầm Hương. Hôm ấy, khoảng một tuần sau ngày Huế được giải toả, một chàng thanh niên khoảng hai mươi bốn tuổi tìm đến nhà ông Ba Trầm Hương cho tin tức về số  phận bà Ba Trầm Hương. Anh thanh niên này là một sinh viên trường Ðại Học Huế, phân khoa Luật, cũng là chỗ quen biết trước nên đến cho gia đình ông Ba Trầm Hương hay rằng bà Ba đã bị nhốt chung với anh ta tại trường tiểu học G.H và đã bị Việt Cộng giết cùng nhiều người khác chôn chung trong một hố chôn tập thể ở góc sân trường, nơi có trồng nhiều bụi chuối. Sở dĩ anh sống sót trở về được là vì một may mắn hay một phép lạ mà anh gọi là được thần chết bỏ quên.

   Người thanh niên được thần chết bỏ quên ấy đã kể lại rằng: Anh và hàng trăm người khác, thuộc đủ mọi thành phần xã hội, đa số là thường dân vô tội bị nghi ngờ, đã bị Việt Cộng lùa về giam giữ tập trung trong các phòng học của trường tiểu học G.H. Anh và bà Ba Trầm Hương đã bị nhốt chung một phòng trong nhiều ngày, cho đến khi Việt Cộng chống cự không nổi các cuộc tấn công như vủ bão của liên quân Việt Nam Cộng Hoà, buộc phải rút lui. Nhưng trước khi rút lui, vào một đêm kia, chúng đã dùng giây trói từng chuỗi mười người, lần lượn dẫn ra đứng thành hàng ngang trên miệng những hố lớn đào sẵn từ bao giờ ở góc sân trường, nơi trồng những bụi chuối xanh tươi. Hai tên Việt Cộng áp tải từng sâu người như thế đã dùng súng AK ria một loạt đạn làm sâu người ngã đổ xuống hố. Hết đợt này đến đợt khác cho đến khi đầy hố lấp đi, chúng di chuyển đến hố khác.

-        Vậy tại sao anh sống được hỉ? Cô Hương Giang nóng lòng vội hỏi, lòng bồn chốn lo lắng, nước mắt rưng rưng như muốn khóc.

-       Thì đã bảo là thần chết bỏ quên tôi nờ.

        Anh thanh niên uống cạn ly trà như để tự  trấn an trước khi phải kể lại giây phút hãi hùng nhất xẩy ra với anh.Theo lời kể, thì anh cũng bị Việt Cộng trói sâu chuỗi như mọi người và bị dẫn ra đứng thành hàng ngang trên miệng hố. Một loạt AK nổ vang và anh cũng ngã đổ xuống hố như mọi nạn nhân. Không biết anh đã chết ngất trong bao lâu, chỉ biết khi tỉnh lại anh cảm giác được mùi tanh nồng của máu và toàn thân anh đẫm máu. Anh chưa hoàn hồn thì kìa một đợt chuỗi dây người khác đang được bọn hành hình Việt Cộng dẫn tới miệng hố của anh. Một loạt AK nổ vang, những thân người ngã đổ còn nóng hổi đè trên người anh. Máu phun có vòi tắm ướt người anh. Sau một lúc định thần, chàng thanh niên biết rằng mình chưa chết, chân tay còn cử động được, với một tính toán rất nhanh thời gian đi vào và ra một đợt giết người của toán Việt Cộng hành hình, bản năng sinh tồn đã giúp anh vùng dậy, gỡ giấy trói lỏng khỏi hai tay, bò lên miệng hố gần đầy xác người, lần vào bụi chuối, rồi tìm cách thoát thân ra khỏi khuôn viên nhà trường, lợi dụng đêm tối len lỏi vào khu dân cư kế cận để tìm đường trở về nhà.

   Ðến đây, mọi người như nín thở. Ðã có những tiếng khóc nghẹn nghào, nhưng không ai lên tiếng để được nghe người thanh niên bị thần chết bỏ quên kể tiếp. Anh kể tiếp rằng, khi về được đến nhà thì trời còn tờ mờ sáng, Anh gõ nhẹ cửa đôi ba lần mới nghe tiếng chân người rón rén ra mở cửa. Nhưng cánh cửa vừa hé mở đã vội đóng sập lại và nghe tiếng hú lên hãi hùng bị nén lại ngay, rất nhanh của người mở cửa. Mặc dầu vậy anh thanh niên cũng kịp nhận ra người mở cửa là người chị lớn. Có lẽ bà đã quá sợ hãi khi vừa mở cửa đã nhìn thấy anh như một bóng ma, mặt đầy máu và quần áo đẫm máu. Một lúc yên lặng nặng nề trôi qua. Chàng thanh niên vừa gõ cửa vừa khẽ gọi, âm thanh đủ người trong nhà có thể nghe được:

-        Chị, chị Ch. Chị Ch. Em Đại. đây, Đại. đây chị Ch. Mở cừa mau cho em vô hỉ.

-        Mi...Mi..Đại hỉ, răng rứa?

-        Em bị thương máu nhuộm ướt cả, mở cửa mau cho em vô, chị Ch.....

     Cánh cửa phụt mở, và đóng sập lại ngay sau khi  anh thanh niên đổ nhanh vào nhà.

    Chàng thanh niên đã thoát chết  như thế trong một cuộc hành hình tập thề của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân nằm 1968 ở Huế. Nhờ đó, theo chỉ dẫn của người thanh niên này,  gia đình ông Ba Trầm Hướng tìm được xác của bà Ba Trầm Hương đã thối rữa ở một hố chôn tập thể trong khuôn viên trường tiểu học G.H. Tất cả gia đình các nạn nhân đã không hẹn mà cùng gặp một ngày, để đào bới tìm xác người thân. Căn cứ vào quần áo, đồ trang sức và dấu vết riêng, bà Ba Trầm Hương đã được chồng con tìm thấy xác đem về mai táng.

  

   Thực ra anh thanh niên cũng không biết chắc nhờ đâu anh sống sót trước hàng loạt đạn AK của những tên Việt Cộng hành hình. Anh và nhiều người nghe anh kể lại chỉ suy đoán rằng, có lẽ đạn đã ghim vào những người khác bên cạnh, rồi kéo anh đổ xuống, hoặc anh đã ngả xuống, chết ngất trước khi loạt đạn AK nổ đến phiên anh.....Nếu không thì đây phải là một phép lạ hay nói theo tướng số, thì chàng thanh niên này có số mạng lớn nên thần chết đã bỏ quên chăng?

   Tôi viết lại câu truyện có thật này theo lời kể của Hoàng một trong những người con trai của ông bà Ba Trầm Hương, khi anh này vào sống chung với người chị cả DHương Giang  sát cạnh nhà tôi ở Sài Gòn. Một câu truyện thật trong hàng ngàn truyện thật liên quan đến hơn năm ngàn nạn nhận bị Việt Cộng sát hại thảm thương, chôn vùi trong những mồ chôn tập thể ở huế trong biến cố Tết Mậu Thân năm nào. Nếu tất cả những câu truyện thật này được phơi bầy, chắc phải in thành hàng ngàn trang sách. Ðó là một tội ác tầy trời mà ngày nay thế giới văn minh gọi là “Tội ác chống nhân loại”, những thủ phạm phải bị xét xử và trừng phạt.

    Ðến đây, nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng vẫn chưa có câu trả lời là, bao giờ thì những kẻ phạm tội ác chống nhân loại này là Việt Cộng bị đem ra xét xử và trừng phạt? Ai sẽ khởi động tố quyền, thủ tục tố tụng và cơ quan tài phán nào có thẩm quyền xét xử  thủ phạm đây?

 *************

Kỳ tới chúng tôisẽ kề tiếp câu truyện “Ba thế hệ một oan tình”  với tiêu đề thứ hai “Người cha tự sát”, tiếp theo tiêu đề kỳ này “ Người Mẹ bị chôn sống”. Xin mời độc giả tiếp tục theo dõi.

 Huy Anh

Houston, ngày 18 tháng 9 nam 2003.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link