Saturday, February 23, 2013

Nhật Bản : Trung Quốc gây hấn với lân bang để củng cố quyền lực


 

NHẬT BẢN - HOA KỲ - TRUNG QUỐC - 
Bài đăng : Thứ sáu 22 Tháng Hai 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 22 Tháng Hai 2013

Nhật Bản : Trung Quốc gây hấn với lân bang để củng cố quyền lực

Thủ tướng Shinzo Abe tại phi trường Washington. Ảnh chụp ngày 21/02/2013.
Thủ tướng Shinzo Abe tại phi trường Washington. Ảnh chụp ngày 21/02/2013.
REUTERS/Jason Reed

Tú Anh  RFI

Trong bài phỏng vấn dành cho báo Washington Post số đề ngày 21/02/2013, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định như trên. Theo ông thủ đoạn này về lâu về dài sẽ gây tổn hại cho chính Bắc Kinh. Ông Abe công du Hoa Kỳ trong hai ngày và tiếp kiến tổng thống Obama.
 
Nhân chuyến công du Hoa Kỳ trong hai ngày 21 và 22/02/2013 đầu tiên kể từ khi nhậm chức, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dành cho nhật báo Washington Post một bài phỏng vấn trên số báo đề ngày 21/02/2013. Trả lời câu hỏi liên quan đến căng thẳng tại Senkaku/Điếu ngư, thủ tướng Nhật nhận định là chế độ Bắc Kinh gây xung khắc với Nhật Bản và các quốc gia láng giềng để phục vụ nhu cầu chính trị nội bộ, huy động dân chúng hậu thuẫn chế độ.
Theo phân tích của thủ tướng Nhật thì thái độ gây hiềm khích với các lân bang « cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc và làm các nhà đầu tư quốc tế lo ngại ». Thái độ bất thân thiện của Trung Quốc, theo thủ tướng Nhật được thể hiện qua chính sách « giáo dục lòng yêu nước ( là) giáo dục tâm lý chống Nhật bản ».
Bắc Kinh đã trả đũa tức khắc, lên án lời tuyên bố được gọi là « gây sốc » của lãnh đạo Nhật Bản. Hoàn Cầu Thời Báo trích lời phát ngôn viên Hồng Lỗi cho rằng « hiếm khi lãnh đạo một quốc gia lại bóp méo sự thật một cách xấu hổ như vậy và xúi giục xung đột giữa các nước trong vùng ».
Tường thuật phản ứng của Trung Quốc, AFP nhắc lại căng thẳng trong quan hệ Trung – Nhật mỗi ngày mỗi gia tăng do xung khắc tại Senkaku/Điếu ngư. Bắc Kinh cũng lấn áp nhiều nước tại vùng biển Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam.
Trung Quốc theo dõi chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật và thượng đỉnh Barack Obama- Shinzo Abe tại Washington với cặp mắt nghi kỵ. Trong bản tin hôm nay, Tân Hoa xã cảnh báo nếu Hoa Kỳ ủng hộ Nhật Bản trên hồ sơ chủ quyền biển đảo thì điều này sẽ tác hại đến uy tín của Hoa Kỳ và quan hệ Mỹ-Trung.
 
PHÂN TÍCH  - 
Bài đăng : Thứ sáu 22 Tháng Hai 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 22 Tháng Hai 2013

Thủ tướng Abe củng cố liên minh Mỹ-Nhật để đối phó với Trung Quốc

Tàu cá TQ và tuần duyên Nhật tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư
Tàu cá TQ và tuần duyên Nhật tại khu vực Senkaku/Điếu Ngư
Reuters

Thanh Phương  RFI

Ngày 22/02/2013, thủ tướng Nhật Shinzo Abe họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ông Abe hy vọng đây sẽ là dịp để củng cố hơn nữa liên minh quân sự chiến lược Tokyo - Washington nhằm đối đầu với một nước Trung Quốc ngày càng lấn lướt và một nước Bắc Triều Tiên vẫn thách thức quốc tế.
Kể từ khi lên làm thủ tướng, ông Shinzo Abe vẫn liên tục đả kích những người tiền nhiệm cánh trung tả rằng họ đã làm tổn hại mối quan hệ Mỹ - Nhật như thế nào. Đối với Tokyo, Liên minh này lại càng có tính chất sống còn trong bối cảnh Nhật Bản đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng với Trung Quốc và ngày càng lo ngại về tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhất là sau vụ thử nguyên tử lần thứ ba vừa qua.
Vốn không có quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, Tokyo đã nối lại các cuộc tiếp xúc với Bình Nhưỡng vào mùa hè năm ngoái, nhưng đã ngừng mọi liên lạc sau khi Bắc Triều Tiên vào tháng 12/2012 phóng thành công một tên lửa bay ngay qua không phận miền Nam Nhật Bản. Đối với Tokyo và Washington, đây là một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa trá hình.
Chính vì vậy là thủ tướng Shinzo Abe đã từng cảnh báo : « Môi trường an ninh chung quanh nước ta ngày càng căng thẳng ». Trong một cuộc điện đàm gần đây, tổng thống Obama đã nhắc lại cam kết của Mỹ sẵn sàng bảo vệ Nhật Bản, kể cả dùng đến « chiếc dù hạt nhân ».
Trong cuộc họp thượng đỉnh hôm nay tại Nhà Trắng, ông Obama và thủ tướng Abe chắc là sẽ đề cập đến quan hệ giữa hai nước Mỹ Nhật với Trung Quốc, trong bối cảnh mà tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo với Bắc Kinh ngày càng gay gắt. Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục điều tàu tuần tra đến khu vực này, khiến mọi người sợ xảy ra một vụ đụng độ nghiêm trọng giữa hai nước.
Chính trong bối cảnh đó mà thủ tướng Shinzo Abe muốn sửa đổi bản Hiến pháp hoà bình của Nhật, mà cho tới nay vẫn cấm nước này tiến hành chiến tranh. Hiện giờ, « lực lượng phòng vệ » của Nhật thậm chí không có quyền trợ chiến đồng minh Hoa Kỳ trong trường hợp bị tấn công.
Tháng Giêng vừa qua, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhắc lại rằng Washington, tuy không khẳng định dứt khoát chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư là của nước nào, nhưng thừa nhận là quần đảo này do Nhật quản lý và Hoa Kỳ chống lại mọi hành động nhằm phá hỏng sự quản lý này.
Tuy vậy, Washington vẫn phải cố tránh làm phật lòng Bắc Kinh vì Hoa Kỳ đang muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, đến mức đã mời một chiến hạm Trung Quốc lần đầu tiên tham gia các cuộc tập trận của Mỹ ở Hawai vào năm tới.
Trong lĩnh vực kinh tế, lãnh đạo của cường quốc kinh tế hàng đầu và cường quốc kinh tế thứ ba thế giới sẽ bàn về dự án « Đối tác xuyên Thái Bình Dương » ( TPP ), cụ thể là về việc Nhật Bản tham gia vào vùng tự do mậu dịch lớn nhất thế giới này. Hiện giờ, khối TPP đã quy tụ chín nước ( Úc, Brunei, Chile, Hoa Kỳ, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ), nhưng không bao gồm Trung Quốc.
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link