Tuesday, April 16, 2013

Mỹ-Trung cam kết hợp tác làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên


 

Chủ nhật 14 Tháng Tư 2013

Mỹ-Trung cam kết hợp tác làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội kiến với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, 13/04/2013.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội kiến với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, 13/04/2013.

REUTERS/Paul J. Richards/Pool

Đức Tâm


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ngày hôm nay, 14/04/2013, bay sang Nhật Bản sau các hoạt động ngoại giao dồn dập tại Trung Quốc nhằm thuyết phục Bắc Kinh phối hợp cùng Washington làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ, Bắc Kinh cần phải tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng, bởi vì tình hình đã trở nên nghiêm trọng.

Trung Quốc là đồng minh nặng ký duy nhất, có thể gây áp lực, ngăn ngừa Bắc Triều Tiên có những hành động khiêu khích, hiếu chiến. Theo giới chuyên gia, có thể Bình Nhưỡng tiến hành bắn tên lửa trước hoặc sau ngày 15/04, sinh nhật của Kim Nhật Thành, người sáng lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, ông nội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay Kim Jong Un.

Tại thủ đô Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Yang Yi) và chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Sau đó, ông có buổi làm việc – ăn tối với Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong cuộc gặp này, ông Dương Khiết Trì tuyên bố: « Việc quan tâm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên phục vụ lợi ích cho tất cả các bên liên quan » và hứa là Bắc Kinh cùng làm việc với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, theo hướng này.

Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh: « Trung Quốc và Mỹ phải cùng nhau đưa ra các biện pháp nhằm đạt tới mục đích phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên » và bày tỏ hy vọng là các cam kết được đưa ra ngày hôm qua sẽ không chỉ là những tuyên bố suông mà trở thành « một chính sách thực sự ».

Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Mỹ cảnh cáo là Bình Nhưỡng sẽ phạm phải một sai lầm nghiêm trọng nếu tiến hành bắn tên lửa.

Để thúc giục Bắc Kinh gây áp lực với Bình Nhưỡng, trong cuộc gặp chủ tịch nước Tập Cận Bình, Ngoại trưởng John Kerry đã nói thẳng là tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên đã đến mức nghiêm trọng với những thách thức khó có thể vượt qua.

Từ nhiều ngày qua, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc tìm mọi cách thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ việc bắn thử một hoặc nhiều tên lửa tầm ngắn và tầm trung, có nguy cơ làm dấy lên ngọn lửa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đối với phương Tây, bất kể Bình Nhưỡng có lừa bịp hay không, cách hành xử của Kim Jong Un rất là nguy hiểm. Do vậy, Mỹ cho rằng, Trung Quốc, nước có vai trò quyết định sự sống còn về kinh tế của Bắc Triều Tiên, có thể và cần phải sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn Bình Nhưỡng làm liều. Trong thông cáo chung ký với tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, nhân chuyến công du Seoul, Ngoại trưởng Kerry khẳng định, Trung Quốc có tiềm năng rất lớn để tạo nên sự thay đổi khác biệt trong hồ sơ này và Washington hy vọng có được những đồng thuận với Bắc Kinh để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tuần trước, chủ tịch nước Trung Hoa Tập Cận Bình, tuy không nêu đích danh Bắc Triều Tiên, đã lưu ý Bình Nhưỡng không nên dồn đẩy bán đảo Triều Tiên rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Đánh giá chuyến công du Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng đó là « một ngày cực kỳ tích cực và mang tính xây dựng » và trên nhiều khía cạnh, đã vượt quá sự mong đợi của ông. Nhận định này là có cơ sở, bởi vì, về mặt ngoại giao, Washington đã thuyết phục được Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố công khai, tự nhận một phần trách nhiệm trong việc răn đe Bình Nhưỡng, hướng tới việc giảm nhiệt trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một động thái được đánh giá là giúp làm dịu tình hình, tuần trước, Hoa Kỳ đã tuyên bố hủy bỏ việc bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, xuất phát từ California. Mặt khác, Ngoại trưởng John Kerry đã từ bỏ kế hoạch tới thăm khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, ngăn cách giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên và cũng là nơi ký kết Hiệp định đình chiến 1953.





 

 

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link