Obama Kêu Gọi Lương Tâm Do Thái
ĐỌC WASHINGTON POST
Diễn văn của Tổng Thống Obama nói với sinh viên đại học ở Jerusalem là một bài diễn văn hùng hồn, hấp dẫn, đem lại thắng lợi lớn cho tổng thống. Cuối cùng, ông đã thuyết phục Do Thái và những người ủng hộ. Một người gửi e mail cho tôi xác định: “Tổng thống làm được điều ông ước muốn”.
Ông là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên dám can đảm nóí thẳng cảm nghĩ của mình về tình trạng Do Thái chiếm đóng lãnh thổ Ả Rập, cũng như hoàn cảnh của nước Palestine. Từ trước đến nay chưa có vị tổng thống Mỹ nào dám nói ra điều này. Có lẽ con đường duy nhất có hoà bình là để cho người Palestine có một quốc gia riêng, và kêu gọi lương tâm nước Do Thái.
Trong suốt 40 năm qua, bất cứ ai tìm cách đẩy Do Thái đến chỗ nhượng bộ, người ấy đều vạch ra những nguy hiểm, đe doạ đang nhắm vào Do Thái. Quốc gia này bị kẻ thù bao vây tứ phía, và con đường duy nhất để có thể giảm bớt thù nghịch là hãy cho người Palestine một mảnh đất để họ có một quốc gia riêng.
Có người còn đưa ra lý luận nói rằng phong trào khủng bố Palestine sẽ làm cho người Do Thái mất ngủ bằng cách ngày nào cũng đánh khủng bố, cho đến khi nào người Do Thái chịu cho họ định cư tại một nơi. Những giả thuyết này tạo thành những áp lực buộc Do Thái phải nhượng bộ, và đó cũng là đường lối đi tìm hoà bình của ông Obama trong nhiệm kỳ đầu.
Lý luận như trên phản ảnh trung thực tình hình vùng Trung Đông vào thời thập niên 1980’s và 1990’s. Khi đó Do Thái phải đối phó với một số nước Ả Rập có lực lượng quân đội hùng mạnh - chẳng hạn như Iraq và Syria.
Những nước này thề rằng họ sẽ tiêu diệt Do Thái bằng mọi giá. Liên Bang Sô Viêt lúc bấy giờ đứng sau lưng, liên tục yểm trợ những nước Ả Rập bằng tiền bạc, vũ khí. Họ còn kêu gọi thế giới tẩy chay, chống phá Do Thái. Người dân Do Thái sống trong tâm trạng bị quân khủng bố Palestine đe doạ thường xuyên.
Nhưng tình tình thế giới ngày nay hoàn toàn thay đổi về mọi mặt. Liên Bang Xô Viết hầu như đã hoàn toàn chết hẳn. Iraq và Syria đang ở vào cái thế không còn là kẻ thù đáng sợ nữa. Thế giới Ả Rập đã chuyển biến rất nhiều, có nhiều bất trắc, song hầu như nước Ả Rập nào cũng trở nên suy yếu.
Bây giờ tất cả những nước này đều chỉ lo tập trung vào những vấn đề riêng ở trong nước như củng cố quyền lực, tạo được sự chính danh đối với dân chúng, và tìm con đường để sinh tồn. Tất cả các nước này đều muốn né tránh, không muốn đối đầu với một nước Do Thái đang ở thế chủ động ở trong vùng.
Tài liệu thống kê mới nhất của Qũi TiềnTệ Quốc Tế chứng minh rõ điều này: Lợi tức tính trên đầu người của Do Thái gấp chín lần Ai Cập, gấp sáu lần Jordan, và gần gấp ba lần Thổ Nhĩ Kỳ, hơn hẳn Ả Rập Sê U gần 50%. Ngân sách quốc phòng của Do Thái lớn hơn tổng số kinh phí quốc phòng của tất cả các nước láng giềng gộp lại.
Chưa kể kỹ thuật về quân sự, và khả năng tác chiến của quân lực Do Thái và đồng minh của họ thuộc loại siêu đẳng nhất thế giới. Do Thái còn có những phương pháp chống khủng bố rất hữu hiệu. Họ xây bức tường ngăn cách dân Palestine với dân Do Thái, họ lập ra “vòm trời sắt”, ngăn ngừa đạn pháo kích, khiến cho mọi kế hoạch đánh khủng bố của quân khủng bố Palestine hầu như không ảnh hưởng gì đến dân Do Thái.
Ngay cả điều một vài chính khách Do Thái như Nafiali Bennett gọi là “sự đe doạ về nhân chủng’ cũng không ảnh hưởng gì đến người Do Thái. Tóm lại là người Do Thái đã cai trị hàng triệu người Palestine trong 40 năm, song vẫn không cho người Palestine qui chế công dân. Cho đến nay chưa thấy có dấu hiệu gì thay đổi về qui chế này. Các bức tường, trạm kiểm soát trên trục lộ giao thông đều hoạt động hữu hiệu để cai trị 4 triệu người Palestine cũng như 3 triệu người Do Thái.
Cả hai phe: phe diều hâu, chủ trương Do Thái cần có thái độ cứng rắn, cũng như phe bồ câu chủ trương hoà bình, đều cho rằng ý niệm duy trì tình trạng một nước Do Thái rất nguy hỉểm. Đối với phe Likudniks, tức phe bảo thủ, cực hữu, tình trạng này khiến cho Do Thái gặp nhiều rủi ro, lúc nào cũng cần sự ủng hộ của các nước khác. Phe bồ câu thì cho rằng hoà bình là nhu cầu tât yếu để sinh tồn.
Sức mạnh và nền an ninh của Do Thái làm thay đổi viễn tượng tương lai của đất nước. Xin đừng để ý đến quan điểm cứng rắn từ phía hữu mới hình thành. Bình luận gia Ari Shavit viết trong bài nhận định mới của ông.
Trong đó, ông phân tích rằng đất nước Do Thái bây giờ đang chuyển nỗ lực chú tâm từ vấn đề sinh tồn sang vấn đề công bằng kinh tế và xã hội. Kết quả bầu cử tháng Giêng vừa qua xác định xu hướng này. Mới nghe, chúng ta cứ tưởng rằng đây là một vấn đề quốc nội, nhưng thực ra, nó sẽ dẫn đến những quan ngại liên hệ đến công bằng xã hội theo nghĩa bao quát, gồm cả những quyền cơ bản cho người Palestine sống trên phần đất này.
Bài diễn văn của ông Obama kêu gọi yếu tố tâm lý của nước Do Thái. Giá trị đạo đức về công bằng xã hội có nguồn gốc sâu xa trong văn hoá Do Thái. Đạo đức Do Thái khẳng định “Nước Do Thái coi trọng giá trị công bằng xã hội không những trong lịch sử, trong truyền thống của nước này mà còn dựa trên ý kiến tin rằng mọi người sinh ra đều có quyền hưởng tự do trên mảnh đất mình sinh sống.”.
Do đó, nếu dùng ý niệm này diễn dịch theo quan điểm của những người chống Do Thái, chúng ta thấy họ thật là có lý. Họ lý luận: “Nếu nhìn theo nhãn quan của người Palestine thì thế giới này bất công với người Palestine. Một đứa trẻ Palestine khi lớn lên không được trưởng thành trong đất nước của mình.
Đưá trẻ đó phải sống cả đời của mình trong sự hiện diện của quân đội ngoại quốc. Lực lượng vũ trang đó kiểm soát mọi hành vi của đứa trẻ, của cha mẹ, và ông bà của đứa trẻ. Ngày nào cũng bị theo dõi kiểm soát.”
Tổng thống Obama đã dùng đủ mọi phương cách: thuyết phục, nói cứng, tạo áp lực, và cuối cùng ông áp dụng chiến thuật mới.
Đó là kêu gọi lương tâm nước Do Thái. Một quốc gia có thể chế dân chủ cấp tiến, và kêu gọi tấm lòng tử tế, và lương tâm của người dân Do Thái. Về lâu về dài, có lẽ đây sẽ là lộ trình tốt nhất để có hoà bình, và một nước Palestine tự trị.
Obama appeals to Israel conscience - Fareed Zakaria / Washington Post ngày 27/3/2013
Nguyễn Minh Tâm dịch
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment