Friday, June 21, 2013

Thói ăn trộm ở người Việt


 

Công bằng mà nói do ảnh hưởng sống trong CNCS Việt Nam

̣Đút lót, ăn cắp của công, tham  nhủng trở thành thói quen và đạo đức


 

 

Thói ăn trộm ở người Việt

Nguyễn Văn Tuấn

 

Không dám vơ đũa cả nắm, nhưng thỉnh thoảng và đây đó vẫn có những người Việt mang thói xấu. Đó là thói ăn trộm. Nhưng ăn trộm ở Việt Nam không chỉ giới hạn trong những trộm vặt mà có khi còn nghiêm trọng hơn. 

 


 

Mấy ngày qua, báo chí Việt Nam rộ lên một bản tin về thói ăn trộm của người Việt ở Nhật. Thật ra, những gì xảy ra ở Nhật đã từng xảy ra ở nhiều nơi như Thái Lan, Singapore, Úc, Pháp, Mĩ, những nơi mà báo chí từng đưa tin về người Việt từng ăn trộm trong siêu thị. Mấy năm gần đây, ở Úc cũng xảy ra nhiều vụ ăn trộm trong siêu thị mà thủ phạm là người Việt. Họ thường vào siêu thị loại đắt tiền (như David Jones hay thấp hơn chút là Meyer) trộm những bộ quần áo, những mĩ phẩm rất đắt giá, và bằng cách nào đó chuồn ra ngoài. Nhưng phần lớn đều bị bắt ngay tại cổng. Sau này, họ có cách ăn trộm tinh vi hơn, như dùng thẻ tín dụng giả để mua thật nhiều, và sau đó thì bay về Việt Nam. Bạn tôi làm nghề thông dịch cho tòa án và cảnh sát cho biết phần lớn thủ phạm là những người mới định cư (đặc biệt những người đi từ các tỉnh phía Bắc) và du học sinh. Hồi mới qua đây định cư, cũng có tình trạng người Việt mang tiếng xấu, không phải vì ăn trộm (cũng có nhưng ít) mà vì những băng đảng du côn. Còn ngày nay thì người mình mang tiếng vì ăn trộm trong siêu thị và trồng cần sa trong nhà. Cứ mỗi lần anh bạn tôi đi dịch là anh ta khổ tâm. Thương đồng hương là đương nhiên, mà giận và nhục còn làm cho anh ta bức bối trăm phần. 

 

Hành động của vài người nhưng làm cho cộng đồng mang tiếng xấu. Chẳng phải riêng gì anh bạn tôi, mà tất cả chúng ta, cứ mỗi lần đọc những bản tin như thế, đều cảm thấy tức giận, vì cảm thấy danh dự dân tộc bị xúc phạm bởi những người làm bậy. Phải nói ngay rằng chuyện vài người Việt ăn trộm ở nước ngoài là một nỗi nhục của dân tộc. Trong thời đại này, sống ở xứ sở văn minh bậc nhất như Nhật, chẳng thiếu thốn gì, mà vẫn có những người đi ăn trộm thì quả là đáng nguyền rủa. Cộng thêm với những thói hư tật xấu khác của người Việt bị lộ ra ở nước ngoài (như ăn xin, ăn cướp, gian lận an sinh xã hội, ma túy, v.v.) làm cho không ít người Việt không dám nhận mình là người Việt! 

 

Câu hỏi đặt ra là có phải ăn trộm là một đặc điểm của người Việt? Tôi nghĩ trong bất cứ cộng đồng sắc tộc nào cũng có vài người xấu tính như ăn trộm. Do đó, chúng ta có thể nói rằng đó là những cá nhân nghèo mà tham, những "con sâu làm rầu nồi canh", không đại diện cho cộng đồng người Việt. Thế nhưng vấn đề đặt ra là tại sao ngay cả những người có chức quyền, những người giàu có mà cũng ăn trộm trong siêu thị để bị người ta bắt? Thậm chí, có những người Việt ăn trộm có hệ thống. Bởi vậy, dù tôi cũng muốn nghĩ “con sâu làm rầu nồi canh” như vậy lắm, nhưng khổ nỗi là trong thực tế thì lại có xu hướng mang tính hệ thống. 

 

Những lần về Việt Nam và ở khách sạn tôi rất ngạc nhiên là khách sạn không cung cấp giấy serviette trong phòng! Chỉ có khách sạn 5 sao mới có, còn lại khách sạn 4 sao trở xuống đều không có giấy serviette. Đặc biệt là các khách sạn thuộc Nhà nước quản lí (như Saigon tourist chẳng hạn) thì càng chẳng có giấy serviette. Khi tôi hỏi tại sao, thì được biết là trước đây khách sạn cũng cung cấp giấy serviette, nhưng vì khách ăn trộm nhiều quá, nên họ không cung cấp nữa. Tôi kinh ngạc khi biết người ta ăn cắp cả giấy serviette! Tôi không biết số người ăn cắp như thế là thiểu số hay đa số, nhưng quyết định của khách sạn làm thiệt thòi biết bao cho các khách, và nó biến khách sạn VN (4 sao trở xuống) thành một loại nhà khách lạ lùng, chẳng giống ai. 

 

Thật ra, thói quen ăn cắp vặt như thế không chỉ ở trong khách sạn mà còn cả ở quán ăn, nhà hàng. Thật vậy, một điểm nổi cộm trong các quán ăn và nhà hàng ở Việt Nam là không có giấy serviette. Có nơi thì người ta thay thế bằng giấy báo nhật trình, trông rất bẩn thỉu. Có nơi thì người ta dùng giấy vệ sinh cầu tiêu làm giấy … lau miệng. Thật không còn gì bôi bác và kém văn minh hơn khi thấy những cuộn giấy dùng trong cầu tiêu có mặt trên bàn ăn, và càng kinh khủng hơn khi thực khách thản nhiên dùng nó để lau miệng! Dĩ nhiên, người ta có thể biện minh rằng giấy là giấy, giấy chưa dùng thì vẫn sạch, và vẫn có thể dùng cho bất cứ việc gì, nhưng tôi e rằng kiểu biện minh như thế không thuyết phục vì người ta vẫn có thể dùng giấy vệ sinh phụ nữ trên bàn ăn. Tại sao quán ăn và nhà hàng Việt Nam không có giấy serviette? Câu trả lời là vì sợ thực khách ăn trộm. Đó là lí do rất thực tế. Thực khách chẳng những dùng xong, mà còn đem về nhà. Thói ăn trộm đó làm cho chủ quán ăn phải ra “chính sách” dùng giấy đi cầu. Nó thể hiện sự thiếu tin tưởng nhau, và tầm văn hóa thấp. 

 

Có khi người ăn trộm không nhận ra rằng họ đang ăn trộm. Báo chí nêu tình trạng công chức lấy giờ làm việc đi làm chuyện riêng. Đó chính là ăn trộm, nhưng có bao nhiêu người nhận ra thực chất của vấn đề. Bòn rút của công là ăn trộm. Lạm dụng của công là ăn trộm. Lãng phí cũng là ăn trộm. Nhìn như thế để thấy ăn trộm rất phổ biến, chứ không phải chỉ giới hạn trong vài người hay vài thành phần xã hội. 

 

Có nhiều lí do người ta trở thành ăn trộm. Tình hình kinh tế khó khăn. Nghèo nàn cũng dẫn người ta đến những việc làm liều lĩnh. Nhưng cũng có những người mắc chứng ăn trộm – kiểu compulsive hay obsession. Y khoa xem những người “ăn trộm mãn tính” là một bệnh, và có thể xem là kleptomania. Có nghiên cứu cho thấy hội chứng kleptomania là do di truyền một phần, nhưng hình như chưa ai biết gen nào liên quan. 

 

Chắc chắn bản chất của người Việt không phải là ăn trộm. Nhưng những gì xảy ra trong thực tế làm chúng ta phải đặt câu hỏi làm mếch lòng và xúc phạm: có phải người Việt có gen ăn trộm?

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link