Friday, June 21, 2013

Mỹ tố cáo Trung Quốc và Nga không nỗ lực chống nạn buôn người


 

HOA KỲ-TRUNG QUỐC-NGA - 

Bài đăng : Thứ năm 20 Tháng Sáu 2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 20 Tháng Sáu 2013

Mỹ tố cáo Trung Quốc và Nga không nỗ lực chống nạn buôn người


Các cô gái Việt Nam cũng là nạn nhân của các vụ buôn người trái phép sang Trung Quốc.

Các cô gái Việt Nam cũng là nạn nhân của các vụ buôn người trái phép sang Trung Quốc.


Đức Tâm RFI


Trong bản báo cáo thường niên về tệ nạn buôn người trên thế giới năm 2013, được công bố hôm qua, 19/06/2013, Bộ Ngoại giao Mỹ tố cáo Trung Quốc và Nga đã không nỗ lực đấu tranh chống tệ nạn buôn người. Việc Bắc Kinh và Matxcơva bị xếp cuối bảng xếp hạng trong lĩnh vực này có thể dẫn đến những biện pháp trừng phạt từ phía Washington.

Hôm nay 20/06/2013, Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản bác bản báo cáo của Mỹ. Theo bản báo cáo về tệ nạn buôn người trên thế giới năm 2013 của Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện nay trên thế giới, vẫn có khoảng 27 triệu người bị biến thành nô lệ.

Trong cuộc họp báo tại Washington để công bố bản báo cáo, Ngoại trưởng John Kerry khẳng định : « Chúng ta có nghĩa vụ đạo lý xử lý thách thức này vì tệ nạn buôn người là một sự tấn công vào những giá trị cao quý nhất như tự do và nhân phẩm ».

Bản báo cáo năm nay xếp Trung Quốc, Nga cùng với Uzbekistan đứng cuối bảng trong lĩnh vực đấu tranh chống tệ nạn buôn người. Ngược lại, ba nước, Azerbaijan, Irak và Congo đã được nâng hạng vì theo Hoa Kỳ, các nước này đã có một sự « chuyển động thực sự » trong cuộc đấu tranh chống tệ nạn buôn người và nô lệ.

Trong trường hợp Trung Quốc, vốn thường xuyên bị Hoa Kỳ tố cáo vi phạm nhân quyền, bản báo cáo nêu rõ tệ nạn « buôn người nghiêm trọng trong cộng đồng dân di cư nội địa Trung Quốc », cũng như tình trạng « lao động cưỡng bức trong các lò gạch, mỏ than và nhà máy ».

Theo Washington, chính sách một con của Trung Quốc đã dẫn đến sự chênh lệch nam thừa, nữ thiếu, theo tỷ lệ 118 bé trai 100 bé gái. Sự mất cân bằng này đã làm nẩy sinh nhu cầu buôn bán phụ nữ nước ngoài qua việc kết hôn với đàn ông Trung Quốc và tệ nạn mại dâm. Đối với Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc đã không thể hiện các nỗ lực đáng kể nhằm ngăn cấm hoàn toàn và trừng phạt mọi hình thức buôn bán người.

Trong khi đó, dân biểu Chris Smith, thuộc đảng Dân Chủ tố cáo « Trung Quốc trở thành trung tâm thế giới của tệ nạn buôn người » bóc lột sức lao động và phục vụ cho ngành công nghiệp tình dục.

Đối với nước Nga, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định là có khoảng một triệu người đang bị bóc lột sức lao động với bản chất giống như trong các vụ buôn người. Bản báo cáo còn nêu ra những trường hợp làm việc « không được trả lương, hành hạ thể xác, điều kiện làm việc cực kỳ tồi tệ ».

Còn tại Uzbekistan, tuy số trẻ dưới 15 tuổi buộc phải làm việc trong các vụ thu hoạch bông hàng năm có giảm đi, nhưng vẫn còn nhiều trẻ trên độ tuổi này và người lớn bị cưỡng bức lao động.

Theo luật lệ của Mỹ, các nước bị xếp cuối bảng trong cuộc đấu tranh chống tệ nạn buôn người có thể là đối tượng bị Washington trừng phạt, như cắt giảm các khoản viện trợ không thuộc lĩnh vực nhân đạo vào thương mại.

Trong tháng 09/2013, tổng thống Barack Obama sẽ quyết định có đưa ra các biện pháp trừng phạt hay không.

Bản báo cáo năm nay cũng đặt một số quốc gia trong danh sách cần theo dõi, như Afghanistan, Malaysia, Thái Lan, Tchad, Maldives. Các nước này có thể bị tụt hạng vào năm 2014, nếu không có những nỗ lực đấu tranh chống tệ nạn buôn người.

Hôm nay, Trung Quốc đã có phản ứng, yêu cầu Hoa Kỳ  "chấm dứt đưa ra những phán xét đơn phương và võ đoán". Trong khi đó, Nga tỏ thái độ « phẫn nỗ » và cho rằng « thay vì cần tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng tình trạng buôn người, kể cả trên lãnh thổ Hoa Kỳ, các tác giả bản báo cáo đã sử dụng một phương pháp không thể chấp nhận được, là xếp hạng các nước tùy theo cảm tình chính trị hoặc sự thù ghét của Bộ Ngoại giao Mỹ".


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày26/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link