PHỎNG VẤN - VIỆT NAM -
Bài đăng : Thứ tư 19 Tháng Sáu
2013 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 19 Tháng Sáu 2013
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Dự cảm chính trường
Việt từ vụ bắt ba blogger
DR
Sau khi blogger Trương Duy Nhất, chủ
trang blog « Một góc nhìn khác » bị bắt vào ngày 26/05/2013, thì hơn hai
tuần sau, ngày 13/6 đến lượt một blogger nổi tiếng khác là Phạm Viết Đào
cũng bị bắt theo điều 258 Luật hình sự Việt Nam về « lợi dụng các quyền tự
do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
công dân ». Và hai ngày sau đó, tức ngày 15/6 thì blogger Đinh Nhật Uy,
anh của Đinh Nguyên Kha – người vừa bị lãnh án cùng với sinh viên Nguyễn
Phương Uyên vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước » - cũng bị bắt theo điều
258.
Chính
trường Việt Nam sắp tới liệu sẽ có những biến động gì khác ? Chúng tôi đã
mời nhà báo tự do Phạm Chí Dũng hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là tiến
sĩ về kinh tế, bình luận về vấn đề này. Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng đã từng
bị bắt vào tháng 7/2012 với cáo buộc lật đổ chính quyền.
RFI
:
Thân chào nhà báo
Phạm Chí Dũng, rất cám ơn anh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI.
Thưa anh, vụ bắt ba blogger vừa qua có thể cho thấy những dấu hiệu mới nào
về chính trị?
Nhà báo
Phạm Chí Dũng - Thành phố Hồ Chí
Minh
18/06/2013
by Thụy My
|
|
Nhà
báo Phạm Chí Dũng : Giới phân tích quốc tế và trong nước
có thể đã có được vài ba cơ sở nào đó cho việc dự báo triển vọng chính trị
Việt Nam trong thời gian tới.
Không
khí chính trường trong nửa cuối năm 2013 được hứa hẹn sẽ không quá thâm
trầm. Thậm chí là ngược lại.
Và thậm
chí, vụ bắt giữ blogger và cũng là nhà văn Phạm Viết Đào cùng bloger Đinh
Nhật Uy đã xảy đến khi kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIII còn chưa kết
thúc, tiếp nối cho sự việc bắt giữ blogger Trương Duy Nhất khi kỳ họp này
mới chỉ bắt đầu.
Vụ bắt
giữ nhà văn Phạm Viết Đào lại xảy ra chỉ hai ngày sau khi có kết quả lấy
phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh chủ chốt, trong đó phần lớn tỷ lệ
phiếu “tín nhiệm thấp” được dành cho quan chức khối chính phủ, và phần lớn
bình luận cho điều bị xem là “thất bại” đã được giới truyền thông quốc tế
dành cho Thủ tướng chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Một
chuyển động đáng chú ý không kém là có vẻ gần giống với hoạt động thăm Bắc
Kinh của tân ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân khi Hội nghị trung
ương 7 của Đảng vào tháng 5/2013 còn chưa kết thúc, thông tin về chuyến
đi Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được mở ra vào những
ngày cuối cùng của kỳ họp quốc hội lần này.
Biển
Đông lại vẫn là nguyên cớ nổi sóng trong quan hệ giữa hai quốc gia - nếu
nhìn từ Bắc Kinh xuống Hà Nội theo một đường kinh tuyến.
RFI : Anh có đọc nhận định của giáo sư
Carlyle A.Thayer, giảng viên bộ môn Chính trị học tại Đại học New South
Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc, về chuyện “triều cống” ? Anh bình luận
như thế nào về nhận định này ?
Tôi nhớ
là có đọc, không những đọc mà còn đọc kỹ nhận định của giáo sư Thayer
trên RFI và một số đài khác. Theo tôi thấy thì có thể, lá cờ “Mười sáu chữ
vàng” chính là lý do để giáo sư Thayer nêu ra một nhận định rằng việc bắt
bớ các blogger là chiến lược phục vụ quan hệ cho chuyến đi của Chủ tịch
nước Trương Tấn Sang trước khi sang Trung Quốc, như một món quà dâng tiến
về cam kết trung thành giữ vững đường lối chủ nghĩa xã hội theo nước bạn.
Tất
nhiên lập luận của giáo sư Thayer sẽ phần nào có lý, với điều kiện cả ba
blogger bị bắt vừa qua đều liên quan đến luồng tư tưởng và bài viết chống
Trung Quốc. Tuy nhiên với trường hợp Trương Duy Nhất, sự khác biệt lớn của
blogger này với hai người kia là những bài viết của Nhất ít đề cập đến vấn
đề chủ quyền Việt Nam ở khu vực Biển Đông, trong khi lại thường nhấn mạnh
đến những vấn đề nội chính quốc gia và đánh giá thẳng thắn một cách đáng
kinh ngạc về uy tín không vẹn toàn của một số lãnh đạo cao cấp như Tổng
bí thư và Thủ tướng.
Mà như
vậy, chúng ta có thể thấy là chân đứng trong nhận định của giáo sư Thayer
có thể không chắc chắn lắm.
RFI
:
Thưa anh, đã có
nhiều bài phân tích sau vụ bắt giữ ba blogger vừa rồi, anh nhận xét như
thế nào về những bài phân tích này?
Tôi đọc
khá nhiều. Nhưng mà cho tới thời điểm này, tôi cho rằng bài bình luận có
tiêu đề “Cảm nhận trong ba vụ bắt người liên tiếp vừa qua?” của blogger
Người Buôn Gió vào 15/6/2013 chứa đựng những phân tích và đánh giá sâu sắc
nhất. Người Buôn Gió có nêu ra một số điểm tương đồng giữa các vụ bắt giữ
đã được tác giả nêu bật và so sánh, đối chiếu, gợi cho bạn đọc cái nhìn
đa chiều, đa dạng và không kém ẩn ý về những mâu thuẫn nào đó trong “nội
bộ”.
Nhưng
chúng ta cần lưu ý rằng yếu tố “nội bộ” cũng là điểm tương đồng lớn giữa
nội dung thể hiện của hai blogger Phạm Viết Đào và Trương Duy Nhất, trong
khi với blogger Đinh Nhật Uy lại không phải như vậy.
Vì thế
câu hỏi đặt ra đối với bạn đọc và dư luận là nếu để phục vụ quan hệ “bốn
tốt”, người ta chỉ cần bắt hai blogger Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy là đủ.
Nhưng vì sao lại bắt cả blogger Trương Duy Nhất ? Mà việc bắt Trương Duy
Nhất đã khiến cho dư luận quốc tế phải đặc tả về điều bị xem là “Nhà nước
Việt Nam ghi điểm xấu về nhân quyền”?
Một
câu hỏi khác không thể không nghĩ đến là liệu một chính khách nhiều kinh
nghiệm ở đất Bắc Hà như ông Trương Tấn Sang lại có thể thiếu khôn ngoan đến
nỗi, thay vì gia tăng lấy lòng dân trong bối cảnh người dân bị suy thoái
khôn tả niềm tin đối với chế độ như hiện nay, thì lại tăng cường bắt bớ
những người chống sự can thiệp của Trung Quốc ngay trước chuyến đi Bắc
Kinh của mình - một hành động chắc hẳn càng làm cho lòng dân thêm phẫn nộ?
Nhưng
nếu dấu hỏi về ông Trương Tấn Sang là thiếu cơ sở, trở nên vô lý và vô
nghĩa thì liệu còn câu hỏi nào khác, hay những gì vừa xảy ra chỉ thuần
túy mang một sắc màu nào đó của “nội bộ” ?
RFI : Như vậy theo anh, có dấu hiệu
nào khác từ động thái được xem là “nội bộ”?
Theo
tôi là có. Tính logic và phản logic của những câu hỏi mà tôi vừa đặt ra lại
càng trở nên phức hợp vì có một dấu hiệu rất đáng lưu tâm và cần được
“truy xét” cặn kẽ.
Vì nếu
mà bạn đọc, dư luận theo dõi thường xuyên thì thấy là không hề diễn ra một
chiến dịch “phản tuyên truyền” nào trên các báo Đảng. Không xuất hiện bài
chính luận hay xã luận nào về các đối tượng bị bắt giữ, tính từ thời điểm
blogger Trương Duy Nhất bị bắt cho đến nay. Như vậy là đã có một sự im lặng.
Sự im
lặng bất thường của các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân
và của cả vài ba tờ báo nhỏ mang trên mình tư cách “dư luận viên” - những
tờ báo khá thường lên tiếng về vấn đề “phòng, chống diễn biến hòa bình”
và những vụ bắt giữ, xét xử các nhân vật dân chủ - lóe lên tín hiệu gì?
Với
nhiều trường hợp lên tiếng trước đây của báo Đảng, hiển nhiên hành động
tuyên truyền này được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung
ương và từ cả những cấp cao hơn nữa trong những vụ việc đặc biệt, thể hiện
một “chủ trương nhất quán trong tập thể lãnh đạo”. Nhưng ứng với vụ bắt
giữ ba blogger vừa qua, sự kín tiếng của báo Đảng lẽ nào cho thấy những tờ
báo này đã không nhận được một sự chỉ đạo nào? Mà nếu không có chỉ đạo
thì cũng có thể không có sự thống nhất giữa các lãnh đạo chăng? Nếu điều
này xảy ra, động thái đơn lẻ trong chỉ đạo “chiến dịch” bắt giữ đã đến từ
phía nào và từ những ai, nhằm mục đích gì? Đó là những câu hỏi để chúng
ta suy xét.
RFI
:
Thưa anh trong phần
trả lời phỏng vấn RFI vào tuần trước, anh có nêu lên vấn đề nguồn tin như
là một yếu tố chính trong vụ blogger Phạm Viết Đào bị bắt . Vấn đề anh vừa
nêu có liên quan đến “nguồn tin” không và liệu từ đó có thể có những hệ
quả nào khác?
Vấn đề
nguồn tin vẫn được tôi bảo lưu, và có thể phát triển sang một vài hệ quả
khác. Theo những gì mà tôi đã trải nghiệm, thì câu hỏi “Từ ai?” gần như chắc
chắn là câu hỏi mà hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào đang phải
tìm cách thỏa mãn cho các điều tra viên trong quá trình điều tra, xung
quanh chủ đề những tin tức rất nhạy cảm của hai blogger này đã thể hiện
và khả năng về nguồn tin mà họ nhận được.
Nếu quả
những tin tức của hai blogger này là từ nguồn nội bộ và có tính xác thực,
vụ việc của họ sẽ là một vấn đề lớn, thậm chí rất nghiêm trọng - theo
cách nhìn của những người chỉ đạo bắt giữ. Khi đó, sau công đoạn truy xét
nguồn tin sẽ là một lộ trình nào đó dẫn đến người hoặc những người cung cấp
nguồn tin, liên quan đến vi phạm đảng viên và có thể cả trách nhiệm pháp
lý. Tin tức càng có giá trị nội bộ thì nguồn tin càng có phẩm hạng và có
thể càng liên đới những nhân vật cao cấp hơn.
Thực tế
an ninh điều tra ở Việt Nam trong một số năm qua đã cho thấy có những vụ
việc được xếp vào dạng “quốc gia đại sự”, xuất phát từ những tin tức và
nguồn tin quá nhạy cảm trong nội bộ.
RFI : Xin phép được đặt cho anh một
câu hỏi « nhạy cảm » : Anh có thể cho biết một ít kinh nghiệm của mình
khi bị bắt giam vào năm ngoái ?
Có thể
được… Bản thân tôi đã từng có một chứng nghiệm về những rắc rối và nguy
hiểm liên quan đến vấn đề nguồn tin. Sự việc xảy ra vào tháng 7/2012, khi
tôi bị cơ quan an ninh điều tra bắt khẩn cấp. Tất nhiên, nguồn tin là một
trọng tâm trong rất nhiều câu hỏi của điều tra viên đối với tôi. Với rất
nhiều câu và cả chữ nghĩa trong vài chục bài viết của mình, tôi đã phải cố
gắng chứng minh là không có mối liên hệ nào với một nguồn tin nào.
Thật
may mắn, tất cả đã kết thúc với tôi một cách trong sáng, nghĩa là những
thông tin trong bài viết của tôi chẳng dính dáng và cũng chẳng liên quan
đến bất cứ một quan chức nào trong nội bộ, dù ở cấp thấp nhất. Vấn đề của
tôi cũng vì thế có phần lắng đọng hơn.
Vô
tình hay hữu ý, chỉ vài tháng sau vụ bắt giữ tôi, chính trường Việt Nam
đã “nổi sóng” với quá nhiều dư luận về những đồng chí nào đó bằng mặt
không bằng lòng. Hình như mọi chuyện đang phải đi đến điểm thắt nút.
Trong
cảm nhận cá nhân, tôi đang tự hỏi là liệu vào năm nay, một kịch bản “nổi
sóng” như năm ngoái có lặp lại, sau vụ bắt giữ ba blogger?
RFI : Thưa anh, đặt giả thiết nếu kịch
bản này tái hiện thì nó có thể ảnh hưởng như thế nào đối với chính trường
và những người hoạt động nhân quyền ở Việt Nam?
Chắc
chắn là có ảnh hưởng. Theo tôi nếu kịch bản này lặp lại vào năm 2013, còn
có thể đậm đà tố chất bi tráng hơn với biên độ sóng mạnh hơn cả “cơn hồng
thủy” năm ngoái, song lại có thể biến động theo chiều ngược lại với gia tốc
biến động khá nhanh trong nửa cuối năm nay.
Nếu kịch
bản này lặp lại, có thể giáo sư Thayer của Australia sẽ không hoàn toàn
đúng. Tức theo cảm nhận của tôi, những gì liên quan đến chính kiến Bắc
Kinh có thể chỉ chiếm tối đa 20% trong những hàm ý bắt giữ các blogger.
Nhưng
80% còn lại cũng không hẳn dành trọn vẹn cho những người dân chủ. Những
gì mà tôi hình dung về tác động tiêu cực đối với phong trào dân chủ phản
biện ở Việt Nam có lẽ chỉ chiếm khoảng 30% trong số 80% này.
Những người dân chủ như Người Buôn Gió có lẽ cũng không phải quá bận lòng
về chuyện phong trào dân chủ phản biện sẽ bị “diệt từ trong trứng nước”
trong thời gian tới. Cho dù có thể còn thêm ai đó sẽ bị bắt giữ bởi điều
258 - một phạm trù thường liên quan mật thiết đến các vấn đề đấu tranh nội
bộ.
Đơn giản
vì người ta còn đang quá bận rộn với câu hỏi “Ai là người cung cấp tin này cho anh ?”.
RFI
:
Như vậy theo anh
giới trí thức Việt Nam nên giữ một thế đứng như thế nào trong tình hình
hiện nay?
Tình
hình hiện nay theo tôi là một bối cảnh nhập nhoạng như hiện thời, có lẽ
câu hỏi “Ai là người
cung cấp tin này cho anh?” sẽ gián tiếp giúp giới nhân sĩ trí
thức Việt Nam - những người có thực tâm dân chủ - cảm nghiệm rõ hơn về
chân đứng độc lập cần xác lập của mình. Đó là : Không nên bị lệ thuộc vào
bất cứ phe phái “nội bộ” nào, mà chỉ phản biện và tranh đấu cho tất cả những
gì thuộc về quyền lợi của nhân dân - dĩ nhiên là nhân dân bao gồm người
nghèo và theo nghĩa đa số.
RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn
nhà báo Phạm Chí Dũng đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ,
đặc biệt là trong bối cảnh có thể nói là khá căng thẳng hiện nay tại Việt
Nam.
|
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment