Friday, June 21, 2013

Phát biểu của DB Úc Chris Hayes về nhân quyền ở Việt Nam


 

 
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhtnmbwoLpANEBNpFhy5GB9DxwS0jSGc7FjEpbmPzpTHBdXKSmp2zBu_W2-pq0UsVgO7EZFnM8G35zczAkEy1WR2U3HdvVnp7g18si0t1PQJN2BX9dymuc829-VmohyEWAZfGH3JV6Fo5fJ/s320/Hayes+Chris+1.jpg
Ông Chris Hayes (Dân Biểu đảng cầm quyền Lao Động vùng Fowler)
Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam lược dịch
17-6-2013 
 
Gần 50 năm trước đây, khi nói về tự do trên các bậc thang của Đài tưởng niệm Lincoln, ông Martin Luther King Jr đã làm thay đổi thế giới khi ông tuyên bố: "Tôi có một giấc mơ”.Tôi đề cập đến ông Martin Luther King bởi vì ông là một ví dụ điển hình của một cá nhân dũng cảm đã khuấy động ý thức trên toàn cầu với tầm nhìn của ông về tự do và hòa hợp. Tôi khám phá một điều là không thể tin được rằng những người như ông ta lại có đủ can đảm để thách thức một chính phủ và các chuẩn mực xã hội, với sự can đảm đứng lên để đấu tranh cho những gì họ tin là đúng. Thông qua những nỗ lực của họ, họ đã thay đổi thế giới và làm cho thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.
 
Trong những năm gần đây tôi đã thấy ngày càng có nhiều người trẻ Việt Nam cũng thể hiện lòng can đảm và niềm tin tương tự (như ông Martin Luther King), những người trẻ đó đã thách thức chính quyền Việt Nam bằng cách đòi hỏi tự do và tôn trọng nhân quyền. Tự do ngôn luận không chỉ là một quyền cơ bản của con người, nó cũng là một thành phần quan trọng trong bất kỳ xã hội hiện-đại-thành-công nào. Ý chí của con người là một điều phi thường, với một tiềm lực để đạt được những kết quả thật đáng kinh ngạc cho thế giới của chúng ta. Bằng hành động hạn chế tự do ngôn luận, chính phủ Việt Nam không chỉ tước đoạt quyền cơ bản của dân chúng Việt Nam, họ còn hạn chế tiềm năng đáng phục của Việt Nam để phát triển và mang đến thịnh vượng trong xã hội toàn cầu ngày nay.
 
Tôi đã nhiều lần lên tiếng mức độ cần thiết phải báo động về việc vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Hôm nay, tôi muốn đề cập cụ thể đến hai nhà hoạt động nhân quyền trẻ Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Hai nhà hoạt động trẻ tuổi này vừa mới bị kết án bởi Tòa án nhân dân Long An với haì bản án tù từ sáu đến tám năm đối với hai thanh niên này. Họ bị kết án theo điều 88 bộ luật hình sự Việt Nam, điều mà nhà nước Việt Nam gọi là “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
 
Hai nhà hoạt động yêu nước trẻ này đã phân phát tờ rơi tại thành phố Hồ Chí Minh, phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc nhằm chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Theo Human Rights Watch, các tờ rơi cáo buộc Đảng Cộng sản Việt Nam đã để cho Trung Quốc có ảnh hưởng sai trái lên đất nước Việt Nam bằng việc chiếm đoạt các đảo này, cho thuê đất rừng và tận thu tài nguyên thiên nhiên quan trọng của đất nước. Các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam tường thuật và chụp mũ việc làm của hai thanh niên trẻ là "xuyên tạc chính sách Đảng và của nhà nước liên quan đến tôn giáo và đất đai và thể hiện quan điểm méo mó liên quan đến hai quần đảo Trường Sa,Hoàng Sa và đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
 
Mặc dù họ đã bị chính phủ Việt Nam và các phương tiện truyền thông nhà nước phỉ báng bôi nhọ, hai nhà hoạt động trẻ tuổi này đã được tôn vinh như những anh hùng dân tộc bởi cộng đồng quốc tế. Hành động can đảm của hai thanh niên trẻ tuổi hiên ngang đứng lên và công khai tuyên bố những gì họ tin là đúng thì rất đáng được khen ngợi. Điều này còn đặc biệt hơn do họ có độ tuổi rất trẻ.

Một cô gái trẻ tuổi rất thông minh, Nguyễn Phương Uyên, một sinh viên 21 tuổi của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, đã bị bắt và bị đưa đến đồn cảnh sát vào ngày 14 Tháng Mười năm 2012 ở quận Tân Phú. Họ đã làm điều này mà không có bất kỳ thông báo nào cho cha mẹ hoặc gia đình của cô. Tám ngày sau, gia đình cô cuối cùng mới được công an cho biết cô đã được chuyển giao đến cơ quan công an tỉnh Long An và bị buộc tội theo điều 88 của bộ luật hình sự. Vào ngày 26 tháng 4 năm nay, khi mẹ của Phương Uyên đến thăm cô ở trong nhà lao, bà nhìn thấy thân thể con gái bà có nhiều vết bầm thâm tím. Phương Uyên nói với mẹ cô rằng cô đã bị đánh đập tàn nhẫn trong khi bị giam giữ.
 
Theo công an Việt Nam, Đình Nguyên Kha, một sinh viên 25 tuổi từ Đại học Kinh tế và Công nghiệp Long an, vào ngày 10 Tháng 10 năm 2012 đã cùng với Nguyễn Phương Uyên phân phối truyền đơn chống chính phủ ở cầu vượt An Sương tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh bị bắt ngày 11 tháng 10 năm 2012. Tại phiên tòa, anh đã tuyên bố một câu mà tôi cảm thấy phản ánh đúng với bản chất thật sự của người đàn ông trẻ tuổi này. Anh nói: “Tôi là một người yêu nước và tôi yêu đồng bào tôi. Tôi đã luôn luôn và sẽ luôn luôn yêu đồng bào tôi. Tôi sẽ không bao giờ chống lại dân Việt Nam. Cái tôi chống là chống đảng cộng sản. Trong ba năm qua, cộng đồng người Việt sống trong khu vực tôi đại diện đã lưu ý với tôi về mức độ vi phạm nhân quyền rất đáng lo ngại tại Việt Nam.
 
Chỉ nội năm nay đã có ít nhất 38 nhà hoạt động ôn hoà bị kết án về các cáo buộc hoạt động chống đối nhà nước. Đầu năm nay tôi đã lên tiếng về 14 nhà hoạt động nhân quyền bị xét xử và bị kết tội vào tháng Giêng và bị kết án từ ba đến 13 năm tù giam chỉ vì họ đã thực hiện quyền cơ bản của họ về tự do ngôn luận.
 
Tại Úc, cũng như trong hầu hết các nước dân chủ khác, chủ thuyết phân chia quyền lực được áp dụng để bảo đảm tính độc lập của ngành tư pháp của chúng ta để thẩm phán và tòa án có thể hoạt động mà không sợ hãi hay thiên vị trong khi thực thi pháp luật. Tuy nhiên, ở Việt Nam có vẻ như không có sự phân chia rõ ràng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp vì tất cả các cơ quan hành chính của chính phủ đều nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Đảng cộng sản. Là người Úc, chúng tôi tin rằng việc bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân là rất quan trọng trong nỗ lực toàn cầu của chúng ta nhằm đạt được hòa bình, an ninh, tự do và phẩm giá lâu dài cho mọi người. Là người Úc, sự cam kết của chúng ta đối với nhân quyền là một sự phản ánh của các giá trị quốc gia của chúng ta trong đó quyền con người của mỗi cá nhân và quyền tự do đều được tôn trọng.
 
Cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên án các hành động sai trái của chính quyền Việt Nam. Tổ chức Giám Sát Nhân quyền (Human Rights Watch) và Tổ chức Ân xá quốc tế đã thường xuyên đưa ra tuyên cáo chỉ trích hành động vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Gần đây, Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã phát hành một tuyên bố thật mạnh mẽ nói rõ mối quan tâm của Hoa Kỳ về việc bắt giữ mới đây của hai nhà hoạt động trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù Việt Nam tham gia ký kết Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, rõ ràng là chính phủ Việt Nam và, thực sự là như vậy, những toà án của nhà nước Việt Nam đang phủ nhận quyền được xét xử công bằng đối với các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa.
 
Khi hôm nay trong khi chúng ta đang nói chuyện về chuyện đau lòng đang xẩy ra tại Việt Nam, cuộc đối thoại hàng năm lần thứ chín về nhân quyền giữa Úc và Việt Nam đang diễn ra tại thủ đô Canberra.

Tôi tin rằng các cuộc đối thoại nhân quyền là một cơ hội tuyệt vời cho các tường trình về các vi phạm nhân quyền nêu trên được đưa ra. Tôi đã viết cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thượng nghị sĩ Bob Carr, và đã lưu ý ông về các trường hợp vi phạm nhân quyền tại Việt Namcần được đưa ra trước phái đoàn Việt Nam trong cuộc đối thoại này. Những trường hợp vi phạm này bao gồm: 14 nhà hoạt động đã bị kết án vào ngày 8 tháng Giêng năm nay, Việt Khang, người đã bị xét xử và bị kết án vào ngày 30 Tháng 10 năm 2012, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải, người đã kết án vào ngày 24 Tháng 9 năm 2012; và Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, hai nhà hoạt động bị kết án vào ngày 16 Tháng 5 năm nay.
 
Vào tháng 3 năm 2012, tám người Hmong cũng đã bị kết án hai năm tù giam vì tội "dự phần trong một phong trào dân tộc ly khai”. Vào Tháng Hai 2012, Mục sư Nguyễn Công Chính đã bị kết án năm năm tù đối vì tội 'bóp méo tình hình trong nước bằng cách chỉ trích chính phủ và quân đội trong các phương tiện truyền thông nước ngoài”. Vào tháng 12 năm 2011, ông Nguyễn Văn Lía, 71 tuổi, người đã cảnh báo với quốc tế về tình hình các tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo phải đối mặt với hành động đàn áp tôn giáo của nhà nước, và ông đã bị kết án năm năm tù vì “phát tán tuyên truyền chống chính phủ".
 
Mặc dù Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc và đã chính thức tham gia ký kết Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị, những trường hợp này là bằng chứng về hành động tiếp tục trắng trợn vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và việc nước này không tuân thủ nghĩa vụ quốc tế của họ.
 
Hôm nay, bên trong hội trường chúng tôi có ông Đoàn Kim và bà Nguyễn Bảo khánh và đại diện Khối 1706, tất cả đều hãnh diện là người dân Australia, là các thành viên cộng đồng năng động và đầy nhiệt huyết về vấn đề tự do và nhân quyền tại Việt Nam. Trong khi họ rất vững tin vào tương lai, họ không thể quên quá khứ hoặc những gì người dân Việt Nam hiện đang phải gánh chịu. Tôi xin chúc mừng họ và cám ơn họ có mặt tại đất nước này.
 
Như lúc đầu, tôi có nhắc đến ông Martin Luther King, người đã đánh thức thế giới với tầm nhìn đáng phục của ông ấy, đã can đảm đứng lên cho sự thay đổi. Cùng với cộng đồng người Việt tại Úc, tôi cũng có một giấc mơ. Tôi ước mơ:
 
rằng 90 triệu người dân sống ở Việt Nam sẽ có những quyền con người cơ bản của họ và được vinh danh bởi chính phủ của họ;
 
rằng những người anh hùng với đủ can đảm đúng ra lên tiếng cho những gì là đúng sẽ được tôn trọng thay vì bị phỉ báng và bị tống vào tù;
 
và rằng chính phủ Việt Nam sẽ tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế và đứng vào vị trí của nưóc mình giữa các quốc gia tiến bộ trên thế giới.
 
Tôi tham gia với cộng đồng của tôi trong niềm mơ ước rằng một ngày không xa nào đó các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền sẽ được phục hồi cho toàn thể người dân Việt Nam.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-18/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link